Bí quyết giúp duy trì sức khỏe cho người cao tuổi

(CDC Hà Nam)

Nhiều người cao tuổi mắc một số bệnh lý mạn tính như: tim mạch, huyết áp, tiểu đường… làm suy giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến tâm sinh lý. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Một số bệnh hay gặp ở người cao tuổi

– Bệnh xương khớp

Ở người cao tuổi luôn xảy ra quá trình lão hóa, khi đó, các chức năng cũng như cấu tạo khớp đều có sự thay đổi.

Xương, khớp kém linh động hơn, tế bào khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị mỏng dần và rách, gân, dây chằng cũng bị phân đoạn, đóng vôi, kém co giãn, kém bền bỉ. Sụn đục màu, hóa xơ, không bảo vệ được các đầu xương khiến xương cọ xát vào nhau gây đau.

Bên cạnh đó, xương dễ bị rạn nứt với nhiều tinh thể canxi làm khớp đau.

– Nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Bệnh về tim mạch là một trong những căn bệnh thường gặp và gây nguy hiểm tới tính mạng người cao tuổi.

Một số căn bệnh phổ biến về tim mạch người cao tuổi hay mắc phải như:

  • Huyết áp cao;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Xơ vữa động mạch vành;
  • Tai biến mạch máu não…

Nguyên nhân là do chế độ ăn uống không hợp lý khi ăn quá nhiều các đồ ăn với hàm lượng chất béo cao. Chưa có một chế độ luyện tập thể dục hợp lý, sinh hoạt khoa học cùng với đó là lạm dụng rượu bia, thuốc lá, béo phì dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Vì thế, người cao tuổi hãy luôn sát sao với sức khỏe của bản thân, đi thăm khám và điều trị kịp thời khi phát hiện ra triệu chứng khác thường.

– Bệnh tiêu hóa ở người cao tuổi

Người cao tuổi chức năng hệ tiêu hóa và men tiêu hóa của hệ đường ruột bị suy giảm đáng kể gây ra tình trạng sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài ra phân lỏng hoặc táo bón…

Nguyên nhân do tuổi cao khiến chức năng cơ học của hệ tiêu hóa bị suy yếu, khiến răng yếu không nhai được thức ăn, thực quản yếu khiến người già hay bị nghẹn, chức năng của ruột và dạ dày bị suy giảm khiến việc tiêu hóa và vận chuyển thức ăn bị chậm.

Chức năng tiết dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch vị, dịch mật, dịch tụy, dịch ruột ở người già bị suy giảm đáng kể khiến quá trình tiêu hóa thức ăn chậm và kém đi.

Tuổi già cũng khiến các lớp niêm mạc đường tiêu hóa bị suy yếu dẫn đến tình trạng hấp thu chất dinh dưỡng kém.

– Dễ viêm đường hô hấp

Lúc thời tiết chuyển mùa, người cao tuổi rất hay mắc phải một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản.

Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm môi trường, nơi ở có nhiều khói bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng… làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Những bí quyết giúp duy trì sức khỏe cho người cao tuổi

Quá trình lão hóa xảy ra từ từ trong toàn bộ cơ thể, thể hiện bằng sự suy giảm các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Tiến độ lão hóa không giống nhau giữa các bộ máy và người này với người khác. Tuy vậy, người cao tuổi cần tham gia các hoạt động để giúp duy trì sức khỏe.

– Cần hoạt động đoàn thể, tham gia câu lạc bộ, luyện tập thường xuyên

Người cao tuổi cần tham gia các hoạt động xã hội, tham gia vào các câu lạc bộ để được giao lưu giúp cho tinh thần thoải mái. Có thể tham gia câu lạc bộ người cao tuổi, câu lạc bộ dưỡng sinh và các hoạt động xã hội khác.

Do tuổi càng cao thì cơ thể suy yếu, trí nhớ suy giảm, hay quên, thiếu sự chú ý, ăn ít, dễ mắc hội chứng Alzaheimer. Cùng với những biểu hiện thể chất, người cao tuổi thường có tâm lý cô đơn, hoài cổ, hay lo lắng bi quan. Bởi vậy, việc tham gia vào các hoạt động xã hội để người cao tuổi cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi được tiếp xúc với nhiều người, giúp họ giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi.

Người cao tuổi nên thường xuyên luyện tập thể dục, cách luyện tập tốt nhất là nên đi bộ 30 phút mỗi ngày. Việc tập thể dục đều đặn và vận động một cách hợp lý sẽ giúp hệ tim mạch hoạt động tốt, ổn định huyết áp, cải thiện chức năng hô hấp, giảm lượng mỡ thừa. Người cao tuổi có thể tạo thành một nhóm tập các động tác dưỡng sinh vào mỗi buổi sáng.

– Chú ý đến chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống của người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh tật, nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Hệ tiêu hóa của người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng, chúng ta cần có một chế độ ăn uống phù hợp, khoa học để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.

  • Người cao tuổi không nên ăn quá no.
  • Các bữa ăn nên được chia nhỏ thành 5, 6 bữa trong ngày.
  • Các món ăn nên được chế biến đa dạng để tạo cảm giác thèm ăn.
  • Hạn chế ăn đồ ăn nhanh hoặc đồ ăn sẵn mua bên ngoài.

– Cần chú ý lựa chọn thực phẩm giầu vitamin, giảm chất béo

Việc lựa chọn thay đổi thực phẩm trong chế độ ăn cũng vô cùng quan trọng. Người cao tuổi cần chú ý luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm, chất đường bột, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, thành phần mỗi chất cần căn chỉnh cho phù hợp với người cao tuổi.

  • Chế độ ăn hàng ngày có nhiều rau xanh, củ, quả chín và giảm bớt thịt. Nên ăn nhiều các thức ăn thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, củ quả…
  • Không nên ăn nhiều nội tạng động vật như tim, gan, lòng, dạ dày…
  • Nên ăn các loại tôm, cua, cá nhiều hơn.
  • Giảm bớt chất béo trong bữa ăn.
  • Không ăn quá nhiều chất ngọt.
  • Không nên ăn quá mặn hoặc chua quá. Ăn món hấp luộc thay vì món rán nướng.
  • Uống đủ nước theo nhu cầu.

– Chế độ sinh hoạt và động viên, thăm hỏi

Những người cao tuổi thường hay cảm thấy cô đơn khi phải ở nhà một mình. Vì vậy, nên thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc người cao tuổi. Đây là liều thuốc tốt nhất để giúp họ vui vẻ hơn, yêu đời hơn.

Việc thăm hỏi có thể diễn ra theo nhiều cách: Gọi điện hỏi thăm; Các con cháu lên chơi với ông bà; Đưa ông bà đi du lịch với gia đình… Đó là liều thuốc tốt nhất giúp họ vui vẻ hơn, yêu đời hơn.

Tuổi già thường khó ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại. Rối loạn giấc ngủ khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể, dẫn đến suy nhược cơ thể và tinh thần. Vì vậy, nên tập cho họ thói quen đi ngủ và thức giấc vào đúng khung giờ nhất định, không nên kê gối cao khi nằm ngủ, giữ cho không gian ngủ được yên tĩnh, thoáng đãng, ít ánh sáng.

– Khám sức khỏe định kỳ

Người cao tuổi thường hay mắc nhiều loại bệnh khác nhau do tuổi cao sức yếu. Đa số những bệnh này đều không thể chữa dứt điểm và tăng nặng theo thời gian.

Việc khám sức khỏe định kỳ là một hoạt động vô cùng cần thiết khi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vì điều trị cho người cao tuổi rất khó khăn và mất nhiều thời gian, đồng thời khả năng hồi phục của người cao tuổi cũng rất kém.

Việc tầm soát sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời, giúp hạn chế bệnh tái phát hoặc điều trị dứt điểm ngay từ khi bệnh còn mới.

Thanh Huyền(tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Ngọc Nga

Rau cải cúc mùa lạnh…

Ngọc Nga

Sa sút trí tuệ – Nỗi khổ của người cao tuổi

Ngọc Nga