Hội nghị giao ban Công tác Y tế dự phòng Quý III; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024

(CDC Hà Nam)

Chiều 11/10/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị giao ban Công tác Y tế dự phòng Quý III và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024. Dự Hội nghị có ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y – Dược, Sở Y tế; Ban Giám đốc, Trưởng, Phó trưởng các khoa/phòng; Kế toán trưởng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Đại diện Ban Giám đốc và đại diện lãnh đạo Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

Quý III năm 2024, hoạt động y tế dự phòng luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự phối hợp của các đơn vị liên quan. Sự hỗ trợ hướng dẫn chuyên môn của các Cục, Vụ, Viện Trung ương. Đặc biệt là có sự vào cuộc của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác phòng chống sốt xuất huyết và phòng chống một số dịch bệnh thường xảy ra sau mưa ngập úng. Nhất quán với phương châm từ “phòng” là chính, “chống” là phụ, kết hợp công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời đảm bảo truyền thông đi trước một bước.

Kết quả, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, dịch sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023; chỉ ghi nhận rải rác một số ca bệnh: Ho gà, tay chân miệng, COVID – 19; tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, loại trừ bệnh sốt rét, thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết… Công tác tiêm chủng mở rộng được tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn và hiệu quả, không để xảy ra sự cố sau tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi tính đến hết ngày 31/8/2024 đạt 69,8% so với kế hoạch đề ra. Các hoạt động tập huấn, nói chuyện chuyên đề, truyền thông được triển khai kịp thời. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn và 50 buổi truyền thông về phòng chống dịch bệnh cho cán bộ làm công tác y tế các tuyến, các cán bộ của tổ chức đoàn thể và người dân tại địa phương với gần 1.000 lượt người tham gia. Tư vấn/nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm phổ biến với 1.150  lượt người tham gia tại 23 xã, thị trấn thuộc huyện Bình Lục, thị xã Duy Tiên. Điều tra, giám sát và báo cáo kết quả điều tra thực địa tình trạng dinh dưỡng của 1.530 trẻ em dưới 5 tuổi tại 90 thôn, xóm thuộc 30 xã, thị trấn, phường…

Trong Quý không có sự cố môi trường xảy ra, các đảm bảo về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường luôn được các đơn vị quan tâm triển khai. Công tác giám sát, phát hiện, quản lý và khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị thay thế Methadone thực hiện tốt. Công tác quản lý sức khỏe người lao động và vệ sinh môi trường lao động được chú trọng. Đoàn kiểm tra An toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra được 01 công ty và 22 doanh nghiệp; triển khai đo quan trắc môi trường tại 14 doanh nghiệp, tổng số 1.632 mẫu; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 278 người lao động; khám sức khỏe định kỳ cho 633 người lao động…

Ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tuy nhiên, Quý III năm 2024 hoạt động Y tế dự phòng còn gặp một số khó khăn, tồn tại: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên nhiều địa phương trên toàn tỉnh bị ngập úng, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, một số nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân phải tạm dừng, ảnh hưởng đến việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh đường tiêu hóa và các dịch bệnh khác. Sự phối hợp để triển khai các hoạt động Y tế dự phòng chưa được như yêu cầu đề ra. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe có lúc chưa được chủ động, vẫn chỉ tập trung vào sự kiện, hưởng ứng các ngày, tuần lễ. Mặt khác chênh lệch về nhận thức của người dân khác nhau do đó đòi hỏi kỹ năng truyền thông của các cán bộ truyền thông phải tốt. Công tác mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế và hàng hóa tại Trung tâm Kiểm soát còn chậm, ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn: lịch tập huấn, tuyên truyền, khám sàng lọc tại cộng đồng. Cơ sở vật chất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, một số cơ sở y tế tuyến huyện và một số Trạm Y tế đã cũ và xuống cấp. Trang thiết bị để phục vụ cho các hoạt động chuyên môn còn thiếu và lạc hậu. Một số hoạt động dịch vụ y tế dự phòng hiện nay tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế tuyến huyện có xu thế giảm do có nhiều đơn vị, phòng khám tư nhân cung cấp dịch vụ… do vậy tác động đến đời sống và tâm lý của các cán bộ y tế đang công tác tại các đơn vị y tế thực hiện lĩnh vực dự phòng. Triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút HIV tại các Trung tâm Y tế còn gặp khó khăn, chưa thực hiện được. Một số chính sách chủ trương về các Chương trình Y tế thay đổi. Định mức chi một số hoạt động chuyển từ Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số sang chi ngân sách địa phương chưa có (giám sát, khám sàng lọc…).

Phát huy kết quả đạt được, tổ chức khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Quý III, Quý IV năm 2024 tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Sở Y tế, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là lĩnh vực Y tế dự phòng. Các cơ sở y tế thực hiện lĩnh vực Y tế dự phòng tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ viên chức và người lao động, thực hiện tốt cải cách hành chính, làm tốt công tác cán bộ. Rà soát lại các chỉ tiêu, điều chỉnh các kế hoạch của đơn vị để xây dựng và tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Triển khai các hoạt động của các Chương trình, dự án, đề án theo quy định. Chủ động các phương án dự phòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh để kịp thời ứng phó với mọi tình huống như: sốt xuất huyết, bệnh mùa thu đông (cúm, tay chân miệng…), các bệnh truyền nhiễm khác. Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tiêm chủng cho người dân đảm bảo bảo an toàn, hiệu quả nhằm tạo miễn dịch cộng đồng theo lộ trình triển khai của Bộ Y tế và của Chính phủ. Tiếp tục nâng cao các biện pháp nhằm từng bước kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng cộng đồng.

Song song với các hoạt động trên, Quý IV các cơ sở y tế thực hiện lĩnh vực Y tế dự phòng cũng tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền với các hình thức, cách thức phong phú, đa dạng, các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, công khai, phù hợp tình hình dịch bệnh từng thời điểm, thời kỳ, không để tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân; vận động người dân tự giác và tích cực tham gia các biện pháp phòng, tránh bệnh dịch theo quy định. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tuyến dưới và các doanh nghiệp thực hiện các văn bản chỉ đạo các tuyến triển khai các nhiệm vụ công tác Y tế dự phòng theo từng lĩnh vực chuyên môn và các nhiệm vụ đột xuất. Tiếp tục  xây dựng và triển khai có hiệu quả các hoạt động dịch vụ đảm bảo đúng quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục đề xuất với Sở Y tế mở rộng nội dung hoạt động dịch vụ tại đơn vị (Phòng Tiêm chủng vắc xin dịch vụ, khám chữa bệnh ngoại trú…). Các đơn vị tiếp tục khảo sát, báo cáo thực trạng và xây dựng đề án đề xuất sửa chữa cơ sở làm việc, bổ sung trang thiết bị y tế, máy tính văn phòng để triển khai các hoạt động chuyên môn được giao. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các dự án: tổ chức PATH, Đề án nha học đường; khắc phục hậu quả cơn bão Yagi…

Tại hội nghị giao ban, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong Quý III năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong hoạt động Y tế dự phòng Quý III năm 2024. Đồng thời, đề nghị các đơn vị cần cố gắng nỗ lực khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế trong các hoạt động Y tế dự phòng; bám sát các chỉ tiêu được giao trong những tháng cuối năm để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả; tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền để tổ chức tốt các hoạt động Y tế dự phòng…

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ Quý III năm 2024, phát biểu kết luận Hội nghị, ông Vũ Kim, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiếp thu các ý kiến thảo luận, đề xuất của lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trưởng, Phó các khoa, phòng Trung tâm; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp giữa các đơn vị để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trong mùa mưa ngập úng. Qua đó, ông cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2024 đề ra. Ông Vũ Kim nhấn mạnh: Từ năm 2025 sẽ từng bước chuyển giao công tác tập huấn kỹ năng triển khai y tế dự phòng và tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về các địa phương. Do đó, đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tập huấn chuyên môn về y tế dự phòng và các buổi truyền thông cho cán bộ, người dân thuộc địa bàn quản lý tránh chồng chéo.

Tại Hội nghị, ông Vũ Kim cũng đại diện các cơ sở y tế thực hiện lĩnh vực Y tế dự phòng đề nghị cấp có thẩm quyền không tinh giản biên chế lĩnh vực Y tế dự phòng, từng bước bổ sung nhân lực theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; bổ sung bác sĩ công tác lĩnh vực Y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn. Đồng thời cũng đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung các trang thiết bị cho lĩnh vực xét nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng nước sạch, quản lý sức khỏe người lao động, môi trường lao động; máy phun khử khuẩn, máy phun diệt véc tơ truyền bệnh, thiết bị truyền thông lưu động, bộ giám sát véc tơ truyền bệnh…

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Thư mời chào giá

Ngọc Nga

Phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường

hanh phan

10 nguy cơ sức khỏe khi uống nhiều rượu

Ngọc Nga