Những yếu tố nguy cơ tiền sản giật

(CDC Hà Nam)

Tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, lupus ban đỏ làm tăng nguy cơ tiền sản giật ở thai phụ, có thể dẫn đến tử vong mẹ và thai nhi.

Tiền sản giật là một trong những biến chứng nặng nề khi mang thai. Tình trạng này thường biểu hiện sau 20 tuần thai với các triệu chứng tăng huyết áp kèm lượng protein trong nước tiểu cao hoặc các tổn thương như suy giảm chức năng thận, tổn thương gan, giảm tiểu cầu, phù phổi, biến chứng thần kinh (đau đầu, co giật, đột quỵ, vấn đề về thị giác), thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Bác sĩ thống kê cho thấy tiền sản giật là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 70.000 ca tử vong ở thai phụ, 500.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh mỗi năm trên thế giới. Nguyên nhân chính xác gây bệnh chưa được xác định, song các yếu tố bất thường xảy ra trong quá trình phát triển nhau thai làm tăng khả năng mắc bệnh.

Tăng huyết áp

Thai phụ có huyết áp 140/90 mmHg trở lên được gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp mạn tính xuất hiện trước khi mang thai hoặc trước tuần thai 20. Tăng huyết áp thai kỳ xảy ra sau tuần 20, trở lại bình thường trong vòng 42 ngày sau sinh, nhưng có thể tiến triển thành tăng huyết áp mạn tính nếu huyết áp vẫn cao sau đó.

Những thai phụ tăng huyết áp mạn tính có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật trong thai kỳ. Thai phụ bị huyết áp cao khiến lưu lượng máu đến bánh nhau bị gián đoạn hoặc mạch máu nhau thai bị tổn thương. Điều này làm giảm oxy và dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi. Bệnh có thể gây tổn thương thận, dẫn đến rò rỉ protein vào nước tiểu (protein niệu) hoặc tích nước, gây áp lực lên tim. Nếu không được kiểm soát tốt, huyết áp cao dẫn đến tiền sản giật, thai chậm phát triển, sinh non, thai lưu.

Bệnh thận

Tiền sản giật và bệnh thận có mối liên hệ phức tạp, hai chiều. Thai phụ mắc bệnh thận mạn tính có khả năng bị tiền sản giật cao gấp 10 lần so với người bình thường, thêm rằng ngược lại tiền sản giật ảnh hưởng đến 40% số thai phụ bị bệnh thận mạn tính. Hai bệnh này có các biểu hiện chung như huyết áp cao, protein niệu, suy giảm chức năng thận bài tiết, các vấn đề tim mạch.

Thận có chức năng lọc máu và loại bỏ chất thải. Mẹ bầu mắc bệnh thận làm tăng tích tụ chất độc hại trong cơ thể, gây căng thẳng cho hệ thống mạch máu nuôi thai. Cơ quan này bị tổn thương cũng khiến lưu lượng máu đến thận giảm, cơ thể cố gắng bù lại bằng cách tăng huyết áp. Những yếu tố trên khiến thai phụ có nguy cơ cao bị tiền sản giật. Các biến chứng bao gồm thai chậm tăng trưởng, lưu thai, sinh non, thai phụ bị suy thận cấp, phù phổi hoặc các bệnh tim mạch.

Bệnh đái tháo đường

Bác sĩ cho biết thai phụ bị tiểu đường type 1, type 2 lần lượt có nguy cơ phát triển tiền sản giật tương ứng 20%, 15%. Tiểu đường thai kỳ cũng là yếu tố khiến huyết áp cao ở người mẹ. Đường huyết cao gây viêm, mất cân bằng cytokine, có thể hình thành cục máu đông, dẫn đến tổn thương mạch máu nhau thai. Tiền sản giật tiến triển với các biểu hiện suy gan, thận, đột quỵ, xuất huyết, suy hô hấp cấp do thiếu máu cục bộ, nhau bong non, chuyển dạ sớm.

Đa thai

Phụ nữ mang song thai trở lên có khả năng bị tiền sản giật cao hơn 3-4 lần so với người mang thai đơn. Đa thai làm tăng khối lượng nhau thai, gây áp lực cho cơ thể mẹ bầu, thay đổi lưu lượng máu đến bánh nhau. Số lượng thai còn ảnh hưởng đến cảm xúc, thể chất của mẹ bầu, tăng mức độ căng thẳng. Điều này góp phần dẫn đến huyết áp cao, các yếu tố khác liên quan tiền sản giật.

Bệnh lupus ban đỏ

Lupus là bệnh tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể như da, khớp, cơ, dây thần kinh, thận, tim hoặc phổi. Thai phụ bị lupus ban đỏ hệ thống, nhất là trường hợp bị viêm thận lupus có thể bị tiền sản giật hoặc biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh gây viêm và đau dai dẳng, làm tổn thương mạch máu nhỏ nuôi bánh nhau. Từ đó giảm lưu lượng máu đến thai, tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non, sảy thai, lưu thai.

Hội chứng kháng phospholipid

Đây là bệnh tự miễn với biểu hiện đông máu, tắc mạch, giảm tiểu cầu. Những triệu chứng này dẫn đến thoái hóa bánh nhau, ảnh hưởng đến thai nhi. Thai phụ mắc bệnh này nếu không được kiểm soát dễ bị tiền sản giật, sảy thai sớm liên tiếp, thai chậm phát triển, sinh non.

Tiền sử tiền sản giật

Đây là nguy cơ cao nhất dẫn đến tiền sản giật ở thai phụ. Bác sĩ dẫn nghiên cứu cho thấy phụ nữ từng bị tiền sản giật ở những thai kỳ trước có 15% khả năng tái diễn tình trạng tương tự, cao gấp 7 lần so với nhóm đối chứng. Họ cũng có nguy cơ xuất hiện tăng huyết áp thai kỳ. Thai phụ từng mắc hội chứng HELLP (biến chứng sản khoa nguy hiểm của tiền sản giật), nguy cơ xuất hiện tiền sản giật khoảng 20%. Người có tiền sử tiền sản giật khởi phát sớm, trung bình hoặc muộn có tỷ lệ tái phát cao hơn cùng thời điểm khởi phát lần lượt là 25, 20, 10 lần so với những người không có tiền sử.

Ngoài những yếu tố nguy cơ trên, thai phụ có tiền sử thai lưu, nhau bong non, mang thai nhiều lần, khoảng cách giữa các lần mang thai dưới 12 tháng, nhiễm trùng, béo phì, trên 35 tuổi… cũng có khả năng xuất hiện tiền sản giật trong thai kỳ này. Bác sĩ  cho biết tầm soát tiền sản giật trong ba tháng đầu thai kỳ giúp phân loại nguy cơ cho thai phụ. Từ đó bác sĩ hướng dẫn thai phụ các phương pháp dự phòng, theo dõi thai kỳ.

Xét nghiệm máu, theo dõi huyết áp, nồng độ protein trong nước tiểu là điều kiện quan trọng để phát hiện sớm, kiểm soát bệnh. Siêu âm Doppler cho phép đánh giá dòng chảy qua mạch máu nuôi dưỡng nhau thai và các chỉ số khác. Kết hợp những phương pháp trên với tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý, sản khoa của thai phụ… giúp tăng khả năng phát hiện sớm tiền sản giật, giảm mức độ nặng của bệnh lý.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Nam giới tuổi trung niên và căn bệnh gây khó chịu: Phì đại tiền liệt tuyến

CDC Hà Nam

Nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh lao

Ngọc Nga

Thực phẩm giúp quý ông ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Ngọc Nga