Rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

(CDC Hà Nam)

Rối loạn mỡ máu ít có biểu hiện lâm sàng, bệnh thường phát hiện thông qua thăm khám. Người bệnh cần điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm do rối loạn mỡ máu gây ra.

Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu) là tình trạng một hoặc nhiều chỉ số mỡ máu bị rối loạn. Các chỉ số mỡ máu bị rối loạn có thể bao gồm: tăng cholesterol, tăng triglyceride, tăng LDL cholesterol hoặc giảm HDL cholesterol.

Rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

Bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu kéo dài có thể gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu. Xơ vữa mạch máu có thể làm cho tình trạng lòng mạch hẹp hoặc tắc. Nếu tình trạng này xảy ra ở não thì sẽ gây ra nhồi máu não, nếu xảy ra ở tim sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, ở động mạch chi dưới có thể gây ra bệnh động mạch chi dưới…

Do vậy cần phát hiện sớm tình trạng rối loạn mỡ máu để điều trị kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng xơ vữa, mạch hẹp dẫn tới các biến chứng.

Rối loạn mỡ máu giai đoạn đầu thường có biểu hiện âm thầm, người bệnh thường phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Một số bệnh nhân phát hiện bệnh khi có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… bệnh đã ở giai đoạn nặng. Do vậy, mọi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Rối loạn mỡ máu nên ăn gì?

Đối với bệnh nhân rối loạn mỡ máu, một phần bệnh do lối sống gây ra tình trạng rối loạn mỡ máu cũng cần điều chỉnh. Rối loạn mỡ máu thường chia làm 2 loại: tăng cholesterol máu, tăng triglyceride (TG) máu. Tùy vào loại rối loạn mỡ máu người bệnh có thể điều chỉnh chế độ ăn như ăn nhiều chất xơ, giảm các thực phẩm nhiều cholesterol hoặc mỡ động vật…

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng tăng cường tập luyện, vận động. Đối với bệnh nhân rối loạn mỡ máu nên duy trì tập luyện 5 ngày/tuần. Người bệnh nên tập ít nhất 30-60 phút và không nên nghỉ 2 ngày liên tiếp trong một tuần.

Với những bệnh nhân thừa cân, béo phì, chỉ số BMI trên 23, cần có chế độ tập luyện để giảm cân. Bệnh nhân nên giảm dần dần, và giảm khoảng 10% cân nặng để hạn chế tình trạng rối loạn mỡ máu.

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn mỡ máu cần kết hợp để giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch như: bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia…

Đối với những bệnh nhân đã có rối loạn mỡ máu cần đi khám định kỳ để bác sĩ chuyên khoa đưa ra các lời khuyên cụ thể theo từng giai đoạn về chế độ ăn uống, tập luyện và điều trị.

Ai có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu?

Mọi người đều có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu. Nguy cơ làm tăng rối loạn mỡ máu được chia thành các nhóm như sau:

– Nhóm nguy cơ không thay đổi được: Tiền sử gia đình có người mắc rối loạn mỡ máu. Độ tuổi càng cao nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu càng cao. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nam giới mắc rối loạn mỡ máu cao hơn phụ nữ ở trước tuổi mãn kinh.

– Nhóm nguy cơ có thể thay đổi được: Chế độ dinh dưỡng ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo bão hòa chất béo chuyển hóa. Người có lối sống ít vận động. Người hút thuốc lá.

– Nhóm bệnh lý đi kèm: béo phì, đái tháo đường, bệnh lý suy giáp…

Để giảm nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu, người bệnh nên can thiệp vào các yếu tố có thể thay đổi được như điều chỉnh lối sống và điều trị các bệnh lý đi kèm nếu có.

Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích mùa mưa bão

Ngọc Nga

Những điều cần biết về ung thư dạ dày- căn bệnh nhiều người Việt dễ mắc

Ngọc Nga

Ăn đường thế nào khi mang thai?

CDC Hà Nam