Truyền thông được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhất nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Những hình ảnh trực quan, những thông tin trên báo, đài, các hội nghị tập huấn… phần nào giúp mỗi người, nhất là những người hút thuốc hiểu rõ tác hại của thuốc lá đến bản thân và những người xung quanh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tuyên truyền lưu động tuyên truyền về PCTH thuốc lá
Qua quan sát, trên các con đường, tại các cơ quan đơn vị và nhìn ngay trên các bao thuốc lá… chúng tôi nhận thấy hình ảnh về tác hại của thuốc lá được in ngay trên bao thuốc, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, biển bảng, được treo khắp nơi và ở những điểm dễ nhìn nhất. Tất cả các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, cơ quan công sở đều đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ. Không hút thuốc trong đám cưới, đám tang và lễ hội cũng là một nội dung quan trọng được nhiều thôn, tổ dân phố đưa vào hương ước, quy ước. Với vai trò tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tác hại của thuốc lá (THTL) tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam (CDC Hà Nam) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp nâng cao nhận thức của người dân về THTL. Đơn vị đã tuyên truyền đa dạng bằng nhiều hình thức, như: lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu, gắn biển báo tại nhiều cơ quan, đơn vị; phối hợp với Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền về những điển hình trong công tác phòng chống THTL, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, chính sách, pháp luật về phòng chống THTL; vận động người dân không sử dụng thuốc lá nơi công cộng…
Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Lâm, ở Tiểu khu Kiện, thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm): từ những ngày còn rất trẻ, anh đã bắt đầu hút thuốc lá, lúc đầu chỉ hút vài điếu cho vui nhưng càng về sau càng hút thuốc lá nhiều hơn và thành thói quen, nghiện thuốc lá. Anh Lâm bộc bạch: “Khi đó, nghe đài, ti vi tuyên truyền nhiều về THTL, nên tôi đã quyết định từ bỏ thuốc lá và tôi đã làm được. Mình là cán bộ phải gương mẫu, đi đầu mới tuyên truyền, vận động để người khác làm theo mình được”.
Tổ chức truyền thông trực tiếp về PCTH thuốc lá cho các em học sinh
Từ nhiều năm nay, CDC Hà Nam đã tổ chức nhiều buổi truyền thông trực tiếp tại các trường học, nhà máy, cơ quan hành chính, bệnh viện… cho cả nghìn lượt người. Tại đây, các báo cáo viên cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động, cán bộ y tế và cả học sinh những kiến thức cơ bản về tình hình sử dụng thuốc lá trên thế giới và trong nước, THTL với sức khỏe con người, các loại thuốc lá mới nổi như thuốc lá điện tử, Luật phòng chống THTL và ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá… Bên cạnh đó, công tác tập huấn về thực thi Luật phòng chống THTL được triển khai với nhiều nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng, như: Cán bộ tham gia hoạt động phòng chống THTL; tập huấn cho cán bộ y tế về tư vấn cai nghiện thuốc lá; tập huấn cho giáo viên về phòng chống THTL để giảng dạy ngoại khóa…
Những thông tin tích cực từ các biển báo, khẩu hiệu… đã có tác động đến nhận thức của người dân. Nhiều người hút thuốc khi nhìn/nghe thấy các hình ảnh truyền thông về THTL khiến họ có xu hướng tuân thủ các quy định về cấm hút thuốc lá. Anh Nguyễn Văn Lực, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý chia sẻ rằng: Tôi hút thuốc từ ngày thanh niên. Tôi thường xuyên nhìn/xem những hình ảnh cảnh báo về THTL, nhưng nói thật tôi không để ý. Tuy nhiên, từ ngày có con nhỏ cách đây 2 năm, tôi bắt đầu ý thức hơn việc hút thuốc gây hại đến sức khỏe thế nào với chính bản thân mình cũng như người xung quanh. Thời gian đầu cũng khá là khó khăn bởi hút thuốc đã trở thành thói quen, song với quyết tâm phải bỏ thuốc, tôi thực hiện giảm dần số lượng, và giờ tôi không còn cảm giác thèm thuốc. Chưa nói đến môi trường bên ngoài, ít nhất trong gia đình, vợ con tôi được sống trong bầu không khí trong lành.
Tại tất cả các cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, các biển cấm hút thuốc được treo ở tất cả những khu vực hội họp, hành lang, khu vực sản xuất… Trong đó, tại các bệnh viện, ngoài việc treo các biển “cấm hút thuốc”, “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, bệnh viện còn đẩy mạnh tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, họp hội đồng người bệnh, lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe chuyên đề về tác hại của việc hút thuốc lá đến tất cả cán bộ, viên chức trong đơn vị cũng như người bệnh, người nhà người bệnh nhân. Tư vấn cho bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cung cấp thông tin về phòng, chống tác THTL. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh bệnh viện về Luật phòng chống THTL. Tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến phổi, tim mạch… nếu có hút thuốc đều được khuyến cáo từ bỏ để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe.
Theo bà Đinh Thị Hạnh, Phó trưởng Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe (CDC Hà Nam): Sau gần 10 năm thực hiện phòng chống THTL, tình hình sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến thời điểm hiện tại 100% bệnh viện, cơ sở y tế, trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên. Đại đa số các cơ quan, đơn vị, trường học đều xây dựng kế hoạch phòng, chống tác THTL hằng năm, đưa chỉ tiêu không hút thuốc lá trở thành một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng cuối năm. Nhiều mô hình cơ quan không khói thuốc, bệnh viện không khói thuốc, trường học không khói thuốc được xây dựng. Các biển “cấm hút thuốc” được dán ở những nơi quy định như phòng làm việc, phòng họp, nhà xe, căng tin, cổng ra vào, nhà vệ sinh…
Dù vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định nhưng với những nỗ lực trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động truyền thông, nhận thức của người dân về phòng chống THTL ngày càng được nâng lên. Từ đó, giúp mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần tạo dựng một môi trường sống trong lành, không khói thuốc.
Thanh Huyền