Báo động tình trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi thanh thiếu niên

(CDC Hà Nam)

Không khó bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên phì phèo điếu thuốc trong các tiệm Internet, quán trà đá vỉa hè, cà phê, thậm chí trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học… Trong số đó có cả học sinh THCS, THPT, thậm chí còn có nữ sinh. Không ít em đã nghiện hút thuốc, đi đâu cũng có sẵn bao thuốc ở trong túi.

Các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh niên, thiếu niên của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh niên, thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ: Có tới 21% nam thanh niên từ 16 – 24 tuổi hút thuốc.

Lứa tuổi mới lớn đa số đều thích thể hiện bản thân nên rất dễ bị lôi kéo, rủ rê hút thuốc lá và đặc biệt là rất tò mò muốn thử. Hoặc ngay trong gia đình có người nghiện thuốc lá khiến các em dễ bắt chước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do các bạn trẻ còn thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá; gia đình, nhà trường và xã hội chưa có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người cho thanh thiếu niên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có gần 70 chất gây ung thư… Khi hút thuốc, khói thuốc hít vào sẽ đưa các chất độc hại này theo đường miệng vào bên trong cơ thể con người. Các chất độc tích tụ, phá hủy dần các tế bào trong cơ thể, gây nên những bệnh nguy hiểm như các bệnh về phổi (lao phổi, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi), các bệnh về tim mạch, ung thư ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Ở tuổi thanh thiếu niên, cơ thể đang phát triển, không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá nên các bộ phận cơ thể dễ bị  chất độc tàn phá nhanh chóng.

Thuốc lá không chỉ tác động đến cơ thể, sức khỏe mà còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần và trí lực của thanh thiếu niên. Không ít học sinh hút thuốc lá thường bị thay đổi tâm tính, từ hiền lành trở nên cộc cằn, thô lỗ, dễ nổi cáu, bẳn tính và có những hành động tỏ ra “mình nguy hiểm”. Để có tiền hút thuốc lá, không ít học sinh nói dối và thậm chí là ăn cắp, hình thành nên những thói quen xấu.

Thiết nghĩ, để giảm tình trạng hút thuốc lá ở học sinh, sinh viên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cả xã hội trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho con em mình; trang bị cho con các kỹ năng từ chối lời mời hút thuốc lá từ bạn bè hoặc mọi người, tạo thói quen nói không với thuốc lá; quan tâm, quản lý sinh hoạt hằng ngày của con cái về thời gian và các mối quan hệ bạn bè. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi bán thuốc lá cho lứa tuổi học sinh.

Mậu Ngọ

 

Bài viết liên quan

Xây dựng môi trường trong lành cho người bệnh

CDC Hà Nam

Điều chỉnh tâm trạng sau khi cai thuốc lá

Mậu Ngọ

Nguy cơ bệnh tật vì hút thuốc lá thụ động

Mậu Ngọ