Đặc điểm bệnh viêm màng não do não mô cầu
Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh do não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, … trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 – 15%.
Trong cộng đồng tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5% – 25%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại khu vực ổ dịch.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, …), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phưong, hay gặp vào mùa đông – xuân.
Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A và B thường gặp nhất ở nước ta. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như: W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn gây bệnh nặng.
Triệu chứng khi mắc bệnh viêm màng não do mô cầu: Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do đó các triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột, bao gồm:
+ Sốt cao đột ngột.
+ Đau đầu dữ dội.
+ Buồn nôn, nôn.
+ Cổ cứng.
+ Có thể lơ mơ hoặc hôn mê.
+ Xuất hiện tử ban điển hình: Xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại từ ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.
Ở những địa phương có bệnh lưu hành, số người nhiễm não mô cầu mà không có triệu chứng lâm sàng chiếm 5 – 10%, là nguồn lây truyền rất quan trọng trong cộng đồng.
Nguồn truyền nhiễm.
+ Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Bởi vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu. Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng.
+ Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Vi khuẩn thường chỉ gây viêm niêm mạc hầu họng. Trường hợp vi khuẩn xâm nhập vào máu và màng não tuỷ gây bệnh điển hình thì ít xảy ra hơn.
+ Thời kỳ lây truyền của bệnh tuỳ thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ biến mất ở mũi họng sau 24 giờ điều trị kháng sinh. Khi ở ngoài cơ thể, vi khuẩn không tồn tại lâu trong dịch tiết mũi họng. Thuốc Penicillin có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn não mô cầu nhưng không diệt được vi khuẩn ở mũi họng.
Đường lây truyền:
+ Tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra.
+ Mọi người đều có thể nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ mắc bệnh giảm dần theo lứa tuổi tăng lên. Sau khi bị nhiễm khuẩn sẽ để lại miễn dịch cho cơ thể.
Các biện pháp phòng chống dịch viêm màng não do não mô cầu
+ Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
+ Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
+ Tránh tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh đường hô hấp cấp tính.
+ Tăng cường thoáng khí tại nhà ở, nhà trẻ, lớp học bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
+ Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý theo quy định, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
+ Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp quan trọng để phòng bệnh viêm não do não mô cầu.
CDC Hà Nam