Bệnh viện K phát động chiến dịch nhắn tin vì bệnh nhân ung thư; Cán bộ y tế phải thay đổi nhận thức, văn hóa ứng xử với người bệnh; Tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình: Nhiều sai phạm của giám đốc BV Hòa Bình
Bệnh viện K phát động chiến dịch nhắn tin vì bệnh nhân ung thư
Ngày 13-9, Bệnh viện K phối hợp với Quỹ Ngày mai tươi sáng và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia (Cổng 1400) tổ chức chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo với thông điệp “Một tin nhắn, triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư”
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, mỗi tin nhắn với cú pháp UT gửi đến 1406 sẽ là một thông điệp yêu thương gửi đến người bệnh và có thêm 15.000 đồng được chuyển tới các chương trình hỗ trợ bệnh nhân, bệnh nhi ung thư nghèo. Chiến dịch phát động từ nay đến hết ngày 8-11-2018. Việc này sẽ tiếp thêm sức mạnh để bệnh nhân ung thư có cơ hội sống.
Tính đến ngày 13-9 đã có 904 tin nhắn trị giá 13.560.000 gửi đến Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Tới đây, Gala chương trình nghệ thuật Ngày mai tươi sáng diễn ra vào ngày 22-9 sẽ là tiếp tục cầu nối giữa cộng đồng và người bệnh ung thư, để họ chia sẻ về sự đồng hành của các nhà hảo tâm trong thời gian qua và những tâm sự trong hành trình chiến đấu với bệnh tật. Đây cũng là dịp để một lần nữa chiến dịch “Một tin nhắn, triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư” tiếp tục được gửi đi.
Ông Thuấn cho biết thêm, tính đến tháng 9-2018, Bệnh viện K đã vận động và tiếp nhận được hơn 10,2 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều quà tặng trị giá hơn 10 tỷ đồng dành cho người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện. Trong tháng 10 và tháng 11-2018, Bệnh viện K và Quỹ Ngày mai tươi sáng sẽ phối hợp tổ chức khám sàng lọc ung thư vú cho hơn 8.000 phụ nữ tại Bệnh viện và cộng đồng.
Sau 7 năm hoạt động, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ điều trị và tặng quà cho hơn 21.000 bệnh nhân ung thư nghèo trên toàn quốc, trị giá hơn 27 tỷ đồng; đã và đang hỗ trợ thuốc điều trị ung thư cho bệnh nhân trị giá hơn 400 tỷ đồng; khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cho hơn 70.000 người dân trị giá hơn 41 tỷ đồng vv… (Công an nhân dân, trang 2).
Cán bộ y tế phải thay đổi nhận thức, văn hóa ứng xử với người bệnh
Sáng nay, 13-9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã làm việc với Sở Y tế thành phố xoay quanh kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn”.
Đảng bộ Sở Y tế Hà Nội hiện có 9 chi bộ trực thuộc, với 89 đảng viên. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hàng năm, Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy đã tổ chức kiểm tra, giám sát chi bộ và đảng viên chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, chủ động phòng ngừa các vi phạm. Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ cơ quan Sở Y tế chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, xác định y tế là lĩnh vực có rất nhiều vấn đề nhạy cảm dễ phát sinh đơn thư, khiếu nại, nhất là người bệnh bức xúc với các cơ sở khám chữa bệnh, các vấn đề tai biến y khoa, công tác ứng xử của cán bộ… nên việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được Đảng bộ Sở Y tế rất quan tâm.
Đặc biệt, vừa qua Sở Y tế thực hiện sắp xếp, sáp nhập bộ máy rất lớn… nên cũng nảy sinh nhiều vướng mắc về công tác cán bộ. Dù vậy, nhờ “đả thông tư tưởng” từ trước và thực hiện công khai, minh bạch các khâu nên cơ bản thực hiện thuận lợi.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đánh giá cao những thành tựu to lớn mà ngành y tế Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua, song cũng chỉ rõ những tồn tại, áp lực lớn mà ngành đang phải đối mặt.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, với ngành y tế Hà Nội, thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, công tác xây dựng Đảng cũng đã được chú trọng nhưng nhiều nơi còn lơ là, coi nhẹ, sinh hoạt tại một số chi bộ đảng cơ sở còn hình thức.
Trong khi đó, xây dựng tổ chức đảng tại cơ sở có vai trò hết sức quan trọng bởi mọi vấn đề tồn tại, phát sinh đều xuất phát từ cơ sở, đều trong nhân dân mà ra.
Do vậy, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị, tới đây Đảng bộ Sở Y tế cần quan tâm hơn đến tổ chức triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và theo dõi kết quả thực hiện tại các chi bộ; đánh giá sâu hơn về công tác đảng, gắn công tác đảng với công tác chuyên môn một cách toàn diện.
Muốn vậy, phải quan tâm tới phân công nhiệm vụ cho Đảng viên, gắn công tác sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chi bộ hàng tháng với công tác đánh giá thi đua của cán bộ.
Cùng đó, phải chú trọng hơn tới thực hiện quy chế dân chủ, coi trọng hơn công tác sinh hoạt đảng, giáo dục tư tưởng chính trị để thay đổi nhận thức, văn hóa ứng xử của cán bộ, y bác sĩ trong ngành cũng như thái độ ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh.
“Ngành y tế là ngành rất đặc trưng nên trong công tác xây dựng tổ chức đảng, sinh hoạt đảng cũng nên nghiên cứu, xây dựng một vài tiêu chí đặc trưng riêng với cán bộ ngành. Quan trọng là phải thay đổi nhận thức của cán bộ nhân viên y tế hơn nữa, phải chuyển từ nhận thức bao cấp sang tự chủ, từ tâm lý ban phát, ban ơn sang phục vụ, xác định người bệnh là khách hàng…” – Phó Bí thư Đào Đức Toàn nói. (An ninh thủ đô, trang 4).
Tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình: Nhiều sai phạm của giám đốc BV Hòa Bình
Liên quan tới vụ tai biến chạy thận làm 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2 theo yêu cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình. Trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã làm rõ nhiều sai phạm của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV tỉnh Hòa Bình) bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết luận điều tra bổ sung làm rõ, ông Trương Quý Dương được Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình bổ nhiệm giữ chức giám đốc BV Hoà Bình từ năm 2002. Năm 2010, ông Dương ký quyết định thành lập Đơn nguyên lọc máu (Thận nhân tạo) thuộc Khoa Hồi sức tích cực. Từ năm 2013, hệ thống lọc nước RO2 phục vụ chạy thận nhân tạo được sửa chữa, bảo dưỡng 4 lần. Tuy nhiên, sau đó đều chạy lọc thận cho bệnh nhân trước khi có biên bản bàn giao nghiệm thu và chưa được kiểm tra an toàn hệ thống sau sửa chữa. Lần sửa chữa, bảo dưỡng cuối cùng là ngày 28-4-2017, đến sáng ngày 29-5-2017 thì Đơn nguyên lọc máu đã cho chạy lọc thận khi chưa xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI, chưa có biên bản bàn giao nghiệm thu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Với trách nhiệm là người đứng đầu bệnh viện, ông Dương đã không sát sao trong kiểm tra, chỉ đạo phòng vật tư y tế xây dựng, ban hành “quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy”, mà cụ thể là quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO2. Dẫn tới việc vận hành, sử dụng tùy tiện trong đơn nguyên lọc máu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tệ hơn, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Dương đã thành lập Đơn nguyên lọc máu để thực hiện chạy thận cho bệnh nhân khi chưa có quy định và cho đơn nguyên hoạt động lọc máu khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Từ việc thành lập Đơn nguyên lọc máu khi chưa có quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện được tự chủ về tổ chức bộ máy, Đơn nguyên lọc máu hoạt động không theo quy định nào của pháp luật, không có cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động.
Điển hình như việc đơn nguyên chưa bố trí đủ nhân lực cần thiết cho hoạt động chạy lọc thận đảm bảo an toàn cho người bệnh; không có kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc giao cho ai thực hiện trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu.
Cơ quan CSĐT xác định, với cương vị là người đứng đầu bệnh viện, ông Dương đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát để cấp dưới làm sai quy định một cách có hệ thống, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Từ những kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng hành vi của ông Trương Quý Dương đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo, BV Hòa Bình) bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.
Trong kết luận điều tra bổ sung lần hai khẳng định, bác sĩ Lương được đào tạo về kỹ thuật lọc máu cơ bản, có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập.
Bác sĩ Lương cũng ký xác nhận việc khám và ra y lệnh của hai bác sĩ còn lại, nên là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân trong ca lọc thận ngày 29-5-2017.
Ngày 29-5-2017, hệ thống lọc nước RO2 vừa sửa chữa, chưa được lấy mẫu nước để xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI; Phòng vật tư thiết bị y tế chưa nghiệm thu, làm thủ tục bàn giao cho đơn nguyên lọc máu…
Bác sĩ Lương chỉ nghe thông báo của hai điều dưỡng viên rằng đã sửa chữa xong mà ra y lệnh lọc máu.
Đánh giá hành vi của bác sĩ Hoàng Công Lương, cơ quan CSĐT nhận định, do cẩu thả nên bị can Lương không thấy được khả năng gây ra hậu quả chết người từ việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn, trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa.
Kết luận điều tra bổ sung xác định, hành vi của bị can Lương đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người” với lỗi vô ý cẩu thả theo điều 128 bộ luật Hình sự 2015.
Trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình cũng khởi tố thêm 2 bị can gồm: Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng Phòng vật tư BV Hòa Bình) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
2 bị can còn lại trong vụ án là Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố tội “Vô ý làm chết người” và Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ Phòng vật tư BV Hòa Bình) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Thu hồi sản phẩm bảo vệ sức khỏe 100% Pure Vina Noni Ball
Thanh tra Bộ Y tế vừa ra quyết định thu hồi sản phẩm thực phẩm Pure Vina Noni Ball của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ sản xuất Việt Nam House Cente tại Đà Nẵng, do vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, sản phẩm bị thu hồi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe 100% Pure Vina Noni Ball, lô hàng sản xuất ngày 30/6/2018, hạn sử dụng đến 30/6/2020. Lý do thu hồi là mẫu sản phẩm trên có kết quả kiểm nghiệm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng về các chỉ tiêu: hàm lượng Baccillus Cereus và chỉ tiêu tổng số vi sinh vật hiếu khí. Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu trong 10 ngày, công ty trên phải có trách nhiệm thu hồi lô sản phẩm vi phạm, đồng thời báo cáo với Thanh tra Bộ Y tế và Cục ATTP (Bộ Y tế).
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế còn xử phạt hành chính Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ sản xuất Việt Nam House Cente 46.250.000 đồng do có các hành vi vi phạm trong ATTP. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Phạt 100 triệu đồng, tước giấy phép hành nghề 1 bác sĩ Trung Quốc
Ngày 12.9, Thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 100 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 6 tháng đối với bác sĩ Trung Quốc tên Bai Zun Yi; tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề của dược sĩ Triệu Thị Ngân Trâm, dược sĩ phụ trách chuyên môn nhà thuốc Phòng khám đa khoa Thế Kỷ Mới 3 tháng, buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc đã hết hạn sử dụng.
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất tại Phòng khám đa khoa Thế Kỷ Mới (số 133A Trần Hưng Đạo, P.An Phú, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) do liên quan đến nhiều phản ánh của bệnh nhân về hoạt động khám chữa bệnh, giá cả dịch vụ được chỉ định bởi bác sĩ Trung Quốc. Qua kiểm tra và đối chiếu hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ người Trung Quốc tại Phòng khám đa khoa Thế Kỷ Mới, đoàn kiểm tra đã phát hiện các hành vi như, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, sử dụng thuốc tiêm trực tiếp cho bệnh nhân. Ngoài ra Nhà thuốc tại phòng khám có hành vi bán thuốc không đạt chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng, vi phạm các qui định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Ổ dịch sốt xuất huyết sẽ tăng ở miền Trung
Theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, 8 tháng qua, tại khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận ghi nhận hàng nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó TP. Đà Nẵng có số ca mắc cao nhất khu vực với gần 2.000 ca, tiếp đến là tỉnh Khánh Hòa 1.500 ca, 1 trường hợp tử vong. Tại TP. Đà Nẵng, từ giữa tháng 8 đến nay, mỗi ngày Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Đa khoa quận Liên Chiểu tiếp nhận khoảng 10 người mắc bệnh sốt xuất huyết, ngày cao điểm lên đến 32 người, chủ yếu là người lớn. Nếu tính từ đầu năm, TP. Đà Nẵng ghi nhận 152 ổ dịch sốt xuất huyết với gần 2.000 ca mắc. Trong đó, quận Liên Chiểu là nơi có số ca mắc sốt xuất huyết lớn nhất Thành phố với hơn 520 trường hợp. Theo Viện Pastuer Nha Trang, sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Trung sẽ tăng cao vào tháng 10 tới. Do đó, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế; người dân cũng cần chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh sạch sẽ nơi mình sinh sống. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Làm sao để đổi mới y tế cơ sở một cách bền vững
Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Bộ Y tế và Báo điện tử Chính phủ phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Làm sao để đổi mới y tế cơ sở một cách bền vững?” vào 9h30 sáng 14/9 tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Hiện nay, trên cả nước đang có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản…. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Thời gian qua, ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới toàn diện và đồng bộ tuyến y tế cơ sở, để nâng cao hiệu quả tầm soát và khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc đổi mới này đã có hiệu quả đến đâu, còn những khó khăn, vướng mắc gì và khi nào người dân mới thực sự có niềm tin… là những vấn đề sẽ được các khách mời cùa chương trình gồm Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông Phạm Quang Hải – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) giải đáp. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Ưu tiên đầu tư dịch vụ y tế cho các xã, huyện đảo
Ngày 13-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ Dự án quân dân y kết hợp thuộc chương trình mục tiêu y tế – dân số giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong thời gian tới, Dự án quân dân y kết hợp tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở, chú trọng các xã, huyện đảo; đào tạo, tăng cường năng lực quản lý các nhóm bệnh không lây nhiễm trên cơ sở đào tạo kiến thức về y học gia đình; đào tạo cập nhật kiến thức về y học thảm họa cho y tế cơ sở và tuyến trung đoàn, sư đoàn… Việc đầu tư sẽ ưu tiên các tỉnh, thành phố ven biển có huyện đảo, xã đảo; các địa phương vùng trọng điểm là trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực…
Mục tiêu của dự án giai đoạn 2016 – 2020 là tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở các vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao và tăng cường khả năng đáp ứng của ngành y tế trong các tình huống khẩn cấp. (Nhân dân, trang 1)