Điểm báo ngày 25/9/2018
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Hưng Yên; Ngành dược thời công nghệ 4.0; Nhiều bệnh truyền nhiễm tới sớm hơn năm trước; Thực phẩm biến đổi gen có an toàn với sức khỏe?
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Hưng Yên
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều đổi mới trong công tác quản lý, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó chú trọng đa dạng hóa dịch vụ Y tế, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân … (Nhân dân, trang 5).
Ngành dược thời công nghệ 4.0
Trong khuôn khổ Triển lãm y tế quốc tế Việt Nam lần 13 diễn ra ở TPHCM mới đây, các các chuyên gia, các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ngành y – dược đã nói nhiều về các cơ hội và thách thức của DN ngành dược trước cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, DN ngành này cần có chiến lược kinh doanh, ứng dụng giải pháp quản trị song hành cùng chiến lược công nghệ.
Số hóa nền sản xuất
Theo các diễn giả, tất cả các ngành công nghiệp đang dịch chuyển mạnh mẽ dựa trên nền tảng công nghệ, tạo ra các xu hướng mới trong ngành, tác động mạnh đến các xu hướng cạnh tranh và phát triển bền vững của từng DN. PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khuyến cáo các DN cần ý thức chuẩn bị cho xu thế Pharma 4.0 (công nghiệp dược trong CMCN 4.0). Pharma 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi trọng tâm từ quá trình sản xuất dược phẩm dựa trên những thông số cố định sang quá trình sản xuất dựa trên đánh giá và kiểm soát liên tục các thông số. Ở đó, các thông số được tự động điều chỉnh bằng cơ sở dữ liệu và thông tin kết nối từ các hệ thống của toàn bộ quá trình.
Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay có gần 200 nhà máy dược chưa thể hoàn thiện việc số hóa cho quá trình sản xuất. Tình hình phổ biến nhất là đa số DN đầu tư các thiết bị riêng lẻ và lắp ghép từng phần thành dây chuyền sản xuất. Điều này khiến quá trình điện toán hóa/số hóa trở nên khó khăn. Khi xảy ra sự cố thì việc khắc phục rất tốn kém và mất thời gian. “Nhiều nhà máy đã ứng dụng hệ thống thiết bị máy móc tiên tiến nhưng mới chỉ là kết quả của những cố gắng riêng lẻ, còn quãng đường dài để ngành công nghiệp dược có được những nhà máy thông minh để tiến tới nền công nghiệp y tế thông minh”, ông Truyền cho biết thêm.
Cũng theo ông Lê Văn Truyền, cần các yếu tố kinh tế – xã hội làm nền tảng cho nền công nghiệp số hóa thông qua hệ thống pháp luật, quy chế thích ứng với nền kinh tế và công nghiệp số hóa, đi từ hồ sơ điện tử, báo cáo điện tử, chữ ký điện tử… cho đến các thách thức về tự động hóa, an ninh thông tin bảo mật nhằm đảm bảo sự toàn vẹn cho quá trình. Đối với DN dược, để hội nhập với CMCN 4.0, cần môi trường chính sách quản lý rõ ràng, đặc biệt chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất sản phẩm chất lượng cao; cân nhắc chính sách đấu thầu thuốc theo hướng ưu tiên dược phẩm chất lượng có giá thành hợp lý hay ưu tiên thuốc giá rẻ… theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.
“Phác đồ” công nghệ cho DN dược
Có nhiều thách thức đặc thù trong công tác quản trị của các công ty dược ngày càng phải đối mặt. Thách thức bên ngoài đến từ các đối thủ cạnh tranh, nhà sản xuất thuốc, các tổ chức chăm sóc sức khỏe, tổ chức y tế. Thách thức bên trong bao gồm các hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quản lý sản xuất, chất lượng toàn diện. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối trong ngành dược: GMP, GSP, GLP, GDP, USFDA 21 CFR, GAMP 5…
Ông Nguyễn Công Tẩn, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Citek, khuyến cáo DN cần có chiến lược kinh doanh song hành cùng chiến lược công nghệ. Mỗi DN có năng lực khác nhau nên cần “phác đồ” phù hợp để lựa chọn đầu tư công nghệ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Trong đó, ERP (Enterprise resource planning software) là một giải pháp phần mềm với mục đích hỗ trợ việc quản trị một DN.
Theo chuyên gia quản trị DN Phạm Quang Chiến, với thực tế hiện nay, ERP không đơn giản là phần mềm mà là phương tiện tạo ra những trải nghiệm thành công trong DN. DN không thể đi tắt đón đầu mà buộc phải có lộ trình ổn định nền tảng lõi trước khi song hành cùng các nền tảng ứng dụng công nghệ cao hơn, phù hợp với xu thế CMCN 4.0 trong tương lai. Trong đó, DN dược Việt cần giải pháp chuyên ngành đã được các tập đoàn lớn sử dụng như là các điển hình để học tập và ứng dụng theo.
Kết thúc năm 2017, tổng doanh thu ngành dược ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016. Dự báo doanh thu ngành dược tăng trưởng trung bình 10% trong 5 năm tới. Hiện mạng lưới cung ứng tại Việt Nam gần 2.000 DN dược nội địa và 30 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù áp đảo về lượng nhưng thuốc nội vẫn yếu thế hơn so với thuốc ngoại. Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tiêu thụ thuốc nội địa chiếm 48% trong tổng tiêu thụ. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Nhiều bệnh truyền nhiễm tới sớm hơn năm trước
Các chuyên gia cho biết, giao mùa là thời điểm rất nhiều bệnh truyền nhiễm, hô hấp… tấn công trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Năm nay, nhiều bệnh đến sớm, nhiều ca mắc và diễn tiến bệnh nặng hơn mọi năm … (Gia đình & Xã hội, trang 1).
Thực phẩm biến đổi gen có an toàn với sức khỏe?
Tại hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, an ninh và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập” của Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, cho hay các tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như WHO, FAO, FDA, EPA đều khẳng định thực phẩm biến đổi gen là an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen và chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe con người…
Các nhà khoa học tại hội thảo đã thống nhất khuyến nghị cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để người tiêu dùng có cách nhìn chính xác, khoa học về cây trồng và thực phẩm biến biến đổi gen.
Trong thời gian tới, cần tiến hành các nghiên cứu về khả năng áp dụng, tác động của công nghệ biến đổi gen lên đời sống kinh tế, xã hội, môi trường trên nhiều vùng khác nhau trong đó có Việt Nam, cũng như các thử nghiệm dài hạn về tác động của thực phẩm biến đổi gen mới lên tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe
Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách, quy định chặt chẽ về việc dán nhãn, đặc biệt cần ghi rõ đó là loại thực phẩm gì, để người tiêu dùng được biết và lựa chọn… (Gia đình & Xã hội, trang 11).
Gắp dị vật là cầu 4 chiếc răng giả khỏi phế quản cụ ông 90 tuổi
Ngày 24.9, ThS.BS. Nguyễn Lê Nhật Minh – Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết: Các bác sĩ đã can thiệp kịp thời cho bệnh nhân nhập viện là cụ ông 90 tuổi ở Thái Bình, đi làm răng giả, bị sự cố rơi mất răng giả.
Người bệnh đã được nội soi dạ dày tại cơ sở y tế tuyến dưới nhưng không thấy. Kết quả chụp phim X-quang phổi đã phát hiện ra dị vật trong đường thở. Do vượt quá khả năng can thiệp nên người bệnh được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Phổi Trung ương.
Người bệnh nhập viện ngày 23.9 trong tình trạng ho nhiều, khó thở. Các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương đã khẩn trương tiến hành hội chẩn và quyết định nội soi phế quản cấp cứu để gắp dị vật khí quản, giải phóng tắc nghẽn đường thở, nhằm cứu sống người bệnh.
Dị vật này là 1 cầu răng sứ 4 răng hàm dài 3,5cm đã bị rơi vào khí phế quản trong quá trình lắp răng giả cho người bệnh. (Gia đình & Xã hội, trang 1).