Điểm báo ngày 24/7/2019

(CDC Hà Nam)
 Phao cứu sinh cho người có nguy cơ nhiễm HIV; Sốt xuất huyết ở người lớn tăng cao; Còn khoảng một triệu học sinh chưa tham gia bảo hiểm y tế…

Phao cứu sinh cho người có nguy cơ nhiễm HIV

Bên cạnh bao cao su, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV –PrEP là biện pháp dự phòng HIV lâu truyền qua đường tình dục lên đến 99%. PrEP là thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như: người chưa bị nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV … (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Sốt xuất huyết ở người lớn tăng cao

Thời gian gần đây, người bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, trong đó các số ca mắc là người lớn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng do chủ quan, lơ là nên đã để lại hậu quả nặng nề với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nhiều ca bệnh nặng là người lớn

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 17.936 bệnh nhân đến khám bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó 80% là người lớn.

Ghi nhận tại Bệnh viện nhiệt đới, chuyên điều trị các bệnh lây nhiễm ở phía Nam, số ca nhập viện do SXH tăng gần gấp đôi và các ca bệnh nặng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm có 5.799 trường hợp nhập viện điều trị, trong đó 4.626 ca là người lớn. TP Hồ Chí Minh đã có 5 người tử vong do SXH thuộc địa bàn quận 2, 8, 10 và huyện Bình Chánh.

Hiện các khoa, phòng của bệnh viện đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng tại Khoa nhiễm D điều trị SXH cho người lớn, bệnh viện đã bố trí thêm gần 30 giường cho bệnh nhân nằm.

Trong tháng 5, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 20 đến 25 ca mắc bệnh SXH, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc SXH tăng nhanh, mỗi ngày có từ 50 đến 70 ca bệnh.chủ yếu là người lớn. Theo các bác sĩ của bệnh viện, SXH ở người lớn xuất hiện với tần suất nhiều hơn trước, nhiều người bệnh chủ quan khiến bệnh nặng thêm.

Ông Phan Xuân Dũng (Sn 1955, ở quận 3) điều trị tại Khoa nhiễm D cho biết thấy người tự nhiên bị sốt, mệt mỏi toàn thân, ông mua thuốc uống. Khoảng một tuần thì hết sốt, nhưng đầu lại đau nhức, chịu không nổi nên người thân đưa ông vào bệnh viện quận 3 khám. Bác sĩ bệnh viện quận 3 chẩn đoán tụt tiểu cầu, có thể dẫn đến xuất huyết não nên nhanh chóng chuyển ông đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị. Khi biết mình bị SXH, ông Dũng “ngỡ ngàng” không nghĩ rằng mình đã lớn tuổi rồi còn bị SXH.

Còn anh Nguyễn Văn An (Sn 1992, ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) điều trị tại Khoa nhiễm D cho biết, trước khi nhập viện, trong người mệt mỏi rồi sốt, nhức đầu, nhưng uống thuốc hạ sốt không đỡ nên đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để khám mới biết bị SXH.

Bệnh diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt

Các bác sĩ lưu ý, phần lớn người bị sốt xuất huyết không biết mình bị muỗi đốt vào lúc nào nên nhiều trường hợp chủ quan. Thông thường, với các bệnh truyền nhiễm khác, lúc hạ sốt thì người bệnh đã khỏe hơn, bệnh có dấu hiệu nhẹ đi nhưng đối với sốt xuất huyết khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Đối với những người có cơ địa đặc biệt hay mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh rất dễ nặng thêm. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non.

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nguy hiểm ở chỗ hầu hết bệnh nhân đều không biết bị muỗi đốt khi nào, hoặc khi bị muối đốt thì cho là muồi đốt thông thường nên không để ý, bệnh lại diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt nên bệnh nhân dễ chủ quan. Lúc đó, bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Do đó, người dân cần nhận biết được dấu hiệu của sốt xuất huyết như: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau khớp và cơ.

BS Trương Ngọc Trung, Phó phòng chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, triệu chứng bệnh SXH nặng thường kín đáo, âm thầm, diễn tiến chậm. Bệnh nhân bị SXH dẫn đến tử vong cao nhiều nhất trong độ tuổi 16 đến 45 tuổi; 60% số ca tử vong có bệnh hen phế quản, bướu giáp đã mổ, có cơ địa béo phì, nghiện rượu… Có đến 90% nhập viện trong giai đoạn nguy hiểm, đa phần là công nhân, người lao động tự do, nội trợ…

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống SXH, BS Trương Ngọc Trung cũng đề xuất Bộ Y tế tăng cường công tác tập huấn về chẩn đoán, điều trị SXH cho các cơ sở y tế có tiếp nhận điều trị SXH, nhất là phòng khám chuyên khoa, trạm y tế, các bác sĩ trong bệnh viện có tham gia trực tiếp nhân bệnh, bệnh viện  phụ sản, y tế tư nhân; tập huấn nâng cao cho các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu không được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu SXH; tập huấn cho đội ngũ điều dưỡng về công tác chăm sóc, theo dõi bệnh nhân SXH, tăng cường kỹ năng đánh giá bệnh SXH, bởi đội ngũ điều dưỡng có thời gian tiếp cận bệnh nhân khá nhiều.

Xử phạt nghiêm nếu để lăng quăng gây nguy cơ SXH

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện tăng cường phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, triển khai phong trào “Cuối tuần không có lăng quăng, cả tuần không có muỗi” cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, doanh trại quân đội… thực hiện tại nhà, nơi cư ngụ, nơi làm việc.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết sở đã tăng cường công tác tác kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các địa phương, nhất là các địa bàn có số ca mắc SXH tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã ban hành 64 quyết định xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch bệnh SXH, tăng 29 quyết định so với cùng kỳ 2018. “Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra các quận, huyện, phường, xã có số ca SXH tăng. Những nơi như công trường, hộ gia đình… khi các đoàn kiểm tra phát hiện có chứa lăng quăng sẽ nhắc nhở. Sau khi nhắc nhở và kiểm tra lại vẫn để lăng quăng gây nguy cơ SXH sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt”, BS Nguyễn Hữu Hưng thông tin. (Công an nhân dân, trang 4).

 

Còn khoảng một triệu học sinh chưa tham gia bảo hiểm y tế

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết tháng 4, đã có hơn 17 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, chiếm hơn 94%. Như vậy, vẫn còn khoảng một triệu em chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Trước tình hình trên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 2619/BHXH-BT gửi Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố về việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2019-2020.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là sở giáo dục – đào tạo triển khai bảo hiểm y tế học sinh sinh viên và đã đạt được kết quả quan trọng, số lượng học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đều tăng.

Năm học 2018-2019, đã có trường học có tỷ lệ 100% học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiện tại, còn nhiều học sinh sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Để triển khai công tác bảo hiểm y tế học sinh sinh viên năm học 2019-2020 đạt hiệu quả, đảm bảo 100% học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thực hiện chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, phấn đấu 100% học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.

Các tỉnh cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về bảo hiểm y tế vào thời điểm tháng 9 là tháng cao điểm phát động; tập trung truyền thông một số nội dung trong tâm, trọng điểm về bảo hiểm y tế học sinh sinh viên trước thềm năm học mới 2019-2020.

Đặc biệt, các tỉnh cần phối hợp với cơ sở giáo dục phổ biến, tiếp nhận hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế và tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế đảm bảo kịp thời, đúng quy định; Vận động các DN, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn./. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Hai bệnh viện gom bệnh nhân khám từ thiện để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế?

Các bệnh viện mắt tư nhân tại Gia Lai đã gom bệnh nhân dưới hình thức khám “từ thiện, nhân đạo”. Nhiều trường hợp được “tư vấn” phải phẫu thuật, phẫu thuật xong mắt bị biến chứng, tệ hơn. Mới 6 tháng, các bệnh viện này đã yêu cầu thanh toán vượt quỹ bảo hiểm y tế hàng tỉ đồng so với mức dự toán giao cả năm.

Ngày 17.7, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai – Trương Công Hoài – đã ký văn bản số 2297 yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh việc “lấy danh nghĩa làm từ thiện để gom bệnh nhân, trục lợi BHYT”.

Hai bệnh viện có dấu hiệu “thu gom” bệnh nhân được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai chỉ mặt điểm tên trong văn bản số 380/BHXH-GĐBHYT là bệnh viện mắt Cao Nguyên (248/ Lê Duẩn, phường Trà Bá, TP Pleiku, Gia Lai) và bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai (126/ Wừu, phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai).

Trong 6 tháng đầu năm, BV Mắt Cao Nguyên có 13.488 lượt người khám bệnh ngoại trú (nội tỉnh 10.465 lượt; ngoại tỉnh 3.023 lượt) và điều trị nội trú là 4.662 lượt người (nội tỉnh 3.165 lượt; ngoại tỉnh 1.497 lượt). Bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai có 4.952 lượt người khám ngoại trú và 2.418 lượt người điều trị nội trú.

Nhiều bệnh nhân cho biết, mang tiếng là khám bệnh “từ thiện”, “miễn phí” nhưng lại bắt người dân phải có thẻ bảo hiểm và chứng minh nhân dân để làm thủ tục. Nếu thiếu các giấy tờ trên, bệnh viện yêu cầu bổ sung đầy đủ rồi mới được chữa trị.

Ông Nguyễn Đức H (SN 1949, xã Đắk Hlơ, huyện K’Bang) có 2 mắt bị giảm thị lực. Trong đó, mắt phải giảm thị lực còn khoảng 3/10 do đã 70 tuổi; mắt trái giảm thị lực còn 5/10. Sau khi được “tư vấn”, ông Hải được bệnh viện mắt Cao Nguyên chở lên bệnh viện mổ luôn 2 mắt. “Nếu biết mổ 2 mắt thì không bao giờ tôi đồng ý”, ông H thắt lòng.

Ông Nguyễn Đình N (cùng trú xã Đắk Hlơ) sau khi được bệnh viện mắt Cao Nguyên về tận xã khám “từ thiện”, nói ông thị lực kém phải mổ. Ông được bệnh viện “chở” lên tận TP Pleiku để mổ mắt. Mổ xong, mắt lúc nhìn được, lúc nhòe. Nước mắt liên tục chảy.

Một số bệnh nhân sau khi khám, phẫu thuật mắt tại bệnh viện mắt Cao Nguyên phản ánh mắt có dấu hiệu bị biến chứng, tình trạng xấu hơn lúc chưa bị chữa trị. “Sự việc này này được các bệnh nhân kiến nghị làm rõ tại buổi tiếp xúc cử tri” – Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế (BHXH tỉnh Gia Lai) – ông Nguyễn Văn Mau – thông tin.

Dự toán chi, khám chữa bệnh theo quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2019 của bệnh viện mắt Cao Nguyên là 18,6 tỉ đồng. Tuy vậy 6 tháng đầu năm, bệnh viện này đã kiến nghị BHXH tỉnh Gia Lai thanh toán 24,2 tỉ đồng.

Còn bệnh viện mắt Quốc tế – Sài Gòn nguồn dự toán kinh phí chi, khám chữa bệnh BHYT là 17 tỉ đồng, mới 6 tháng, bệnh viện này cũng “đòi” BHXH thanh toán 14,2 tỉ đồng.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai – ông Lê Quốc Khánh ký văn bản 380 nêu rõ, BHXH đã trích xuất dữ liệu chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do 2 bệnh viện trên gửi đề nghị BHXH tỉnh Gia Lai thanh toán trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, BHXH tỉnh Gia Lai nhận thấy “có dấu hiệu thu gom bệnh nhân”. Vì lý do này, BHXH tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam nhờ can thiệp. (Lao động, trang 3).

 

Bệnh viện K sử dụng máy điều trị u não thế hệ mới nhất

Máy Gamma Knife thế hệ mới nhất mang lại cho bệnh nhân thêm một phương án hiện đại trong điều trị đa mô thức các khối u sọ não gồm phẫu thuật, xạ trị ngoài, hóa trị, nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Đầu tháng 7-2019, Bệnh viện K đã đưa vào điều trị xạ phẫu bằng Gamma Knife thế hệ Icon – thế hệ máy xạ phẫu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Ngoài tính năng điều trị như các máy thế hệ cũ, Gamma Knife Icon còn được trang bị thêm hệ thống chụp cắt lớp vi tính trong khi điều trị, hệ thống theo dõi di động. Máy có thêm tính năng điều trị xạ phẫu Gamma Knife bằng cố định mặt nạ (không cần khung cố định ghim lên đầu), giúp bệnh nhân thoải mái, không bị đau, không cần gây tê mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị như dùng khung cố định.

Tại Bệnh viện K, điều trị Gamma Knife đã thực sự mang lại cho bệnh nhân thêm một phương án điều trị hiện đại trong điều trị đa mô thức các khối u sọ não (phẫu thuật, xạ trị ngoài, hóa trị) nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Bệnh nhân không cần đi nước ngoài vẫn được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại Việt Nam.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ng, 42 tuổi, quê ở Lạng Sơn, được chẩn đoán u dây thần kinh số V ở thành ngoài xoang hang, với triệu chứng đau đầu, mắt nhìn mờ. TS, BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Khoa Ngoại thần kinh nhận định, đây là u ở vị trí nguy hiểm, cạnh cấu trúc mạch máu lớn nuôi não, và thành bên xoang hang có nhiều dây thần kinh vận động cho nhãn cầu. Việc can thiệp bằng phẫu thuật có thể đánh đổi bằng việc bệnh nhân bị tê mặt và nhìn đôi.

Các bác sĩ đã hội chẩn các chuyên gia điều trị u não trong tiểu ban chuyên môn Gamma Knife của Bệnh viện K, các bác sĩ đã chỉ định điều trị Gamma Knife cho bệnh nhân. Bệnh nhân được tiến hành gây tê tại chỗ, đặt khung cố định, sau đó chụp cộng hưởng từ mô phỏng. Các bác sĩ đã vẽ cấu trúc u và các tổ chức nguy cấp quanh khối u chính xác bằng phim cộng hưởng từ. Sau đó bệnh nhân được đưa vào phòng điều trị Gamma Knife. Trong thời gian điều trị là 40 phút, bệnh nhân vẫn giao tiếp bình thường với các bác sĩ.

Kết quả khám lại sau hai tuần, bệnh nhân không còn đau đầu, mắt nhìn sáng hơn so với trước điều trị. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và tái khám cho bệnh nhân để đánh giá đáp ứng điều trị.

Đặc biệt, phương pháp này hiệu quả với những bệnh nhân đang phải điều trị hóa chất do ung thư. Bệnh nhân Nguyễn Thị Xuân H, 51 tuổi đã từng điều trị ung thư phổi, hiện di căn não hai ổ. Các bác sĩ đã tiến hành xạ phẫu dao Gamma cho bệnh nhân, với thời gian điều trị là 60 phút.

Với phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần nằm điều trị một ngày, không làm ngắt quãng thời gian điều trị hóa chất nên đáp ứng mọi điều kiện tốt nhất cho quá trình điều trị của người bệnh. Việc điều trị được thực hiện bằng cách hội tụ chính xác chùm tia gamma năng lượng cao sẽ tiêu diệt khối u trong não, đặc biệt là ung thư di căn não.

Hiện tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K đã điều trị Gamma Knife thường quy cho các bệnh nhân u não và trong các bệnh lý khác về não như: các khối u nguyên phát di căn vào não; u màng não, u thần kinh, u tuyến yên, u sọ, các u lành ở nền sọ, u vùng tuyến tùng và tuyến yên, các dị dạng động tĩnh mạch… mà không làm tổn thương tới các mô não lành xung quanh. Gamma Knife cũng đặc biệt hiệu quả với các tổn thương ở các vị trí khó tiếp cận bằng phẫu thuật, các tổn thương tái phát hay u còn tồn dư sau phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ cần điều trị một lần, và chỉ cần nằm viện một ngày, giảm chi phí điều trị. (Tiền phong, trang 6; Nhân dân, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).  

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận