Điểm báo ngày 05/11/2018
Mỗi năm có hơn 10.000 trường hợp đột quỵ; Thủ tướng Pháp dự lễ khai trương Trung tâm Y tế Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế…
ĐBSCL: Mỗi năm có hơn 10.000 trường hợp đột quỵ
Hàng năm Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó khu vực ĐBSCL có hơn 10.000 trường hợp, với tỷ lệ tử vong, tàn phế còn cao và khả năng can thiệp nội mạch cấp cứu đột quỵ tại các bệnh viện còn hạn chế. Việc xây dựng mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại ĐBSCL được xem là giải pháp thiết thực để điều trị kịp thời cho người bị đột quỵ… (Sài Gòn giải phóng, trang 11)
Thủ tướng Pháp dự lễ khai trương Trung tâm Y tế Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh
Sự kiện khai trương Trung tâm Y tế Pháp tại TP HCM nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại Việt Nam từ ngày 2 đến 4-11, nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp – Việt Nam… (Công an nhân dân, trang 2)
Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y Tế. Cụ thể, tại Quyết định số 1476/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y Tế… (Sức khỏe & đời sống, trang 2; An ninh thủ đô, trang 2)
Đấu thầu tập trung quốc gia thuốc BHYT cho 1.558 bệnh viện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang tiếp tục triển khai đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng cho năm 2019-2020, đối với 14 hoạt chất – tương đương với 120 mặt hàng – nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc tại 1.558 cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc… (Sức khỏe & đời sống, trang 2)
Bắt giữ hàng nghìn sản phẩm tân dược không rõ nguồn gốc
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành bắt giữ một vụ tàng trữ, tiêu thụ hàng nghìn sản phẩm thuốc tây không rõ nguồn gốc.
Trước đó, vào khoảng 10h30 ngày 2-11, qua nắm bắt thông tin, Đội Chống buôn lậu Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện Dương Hồng Quân (20 tuổi, trú tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) đang chở 3 thùng caton có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng đã phát hiện bên trong có chứa các chai mang nhãn hiệu thực phẩm chức năng Bảo Thanh. Vào thời điểm kiểm tra, Quân đã không xuất trình được chứng từ hóa đơn cũng như nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên. (Sức khỏe & đời sống, trang 2)
Nhiều điểm mới trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được ban hành ngày 17-10-2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2018. Nghị định 146 với nhiều điểm mới đáng chú ý được thay thế Nghị định 105/2014/NĐ-CP, với mục tiêu cập nhật chính sách cho phù hợp tình hình mới; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thời gian qua…(Nhân dân, trang 4)
TP Hà Nội sẽ tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trong quý IV-2018
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong quý IV năm 2018, thành phố sẽ triển khai đồng loạt tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo. Việc tiêm bổ sung cho những trẻ được hoãn tiêm và những trẻ không đi học được thực hiện tại trạm y tế…(Hà Nội mới, trang 1)
Đối phó với các bệnh dễ gặp khi chuyển mùa
Miền Bắc đang bắt đầu xuất hiện những đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông. Khi trời lạnh bất thường vào ban đêm và sáng sớm, sau đó đến trưa nhiệt độ lại tăng lên hơn 10 độ C – cũng là nguyên nhân khiến các ca nhập viện vì đột quỵ, chảy máu não gia tăng. Thêm vào đó, thời tiết hanh khô như hiện nay cũng khiến làn da bị ảnh hưởng rõ rệt. Vậy làm thế nào để đối phó với những bệnh lý dễ gặp khi chuyển mùa?… (Hà Nội mới, trang 5)
Đề xuất hệ thống khám, chữa bệnh theo 3 tuyến chuyên môn
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Góp ý xây dựng thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám, chữa bệnh”. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, cả nước hiện có 1.451 cơ sở y tế đang được phân cấp, phân hạng, phân tuyến theo đơn vị quản lý hành chính (gồm tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã); phân cấp theo năng lực chuyên môn và phân cấp theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế (gồm bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, 2, 3, 4 và không phân hạng).
Tuy nhiên, việc phân cấp, phân hạng bệnh viện đang bộc lộ bất cập. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất phương án đổi mới hệ thống khám, chữa bệnh theo 3 tuyến chuyên môn, trong đó tuyến một là khám, chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú; tuyến hai, điều trị đa khoa; tuyến ba, điều trị chuyên khoa, chuyên sâu. (Hà Nội mới, trang 5)