Điểm báo ngày 06/11/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 06/11/2018

Sẽ tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ ngay tại các trường mầm non; Lịch phỏng vấn với điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản; “Điểm tên” hơn 20 thực phẩm chức năng có vi phạm vừa bị xử phạt 920 triệu đồng; Giới bác sĩ phản đối quyết liệt quy định của Bộ Y tế; Phú Yến thiếu bác sĩ trầm trọng.

 

Hà Nội: Sẽ tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ ngay tại các trường mầm non

Trong quý IV-2018 này, những trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi – rubella sẽ được cán bộ y tế đến tận trường mầm non, mẫu giáo để tiêm bổ sung. UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND triển khai tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố.

Đối tượng tham gia tiêm lần này là toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn TP Hà Nội (trừ những trẻ đã tiêm vaccine sởi hoặc sởi – rubella, sởi – quai bị – rubella và thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch tiêm).

Theo đó, trong quý IV năm 2018, thành phố sẽ triển khai đồng loạt tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo.

Với những trẻ được hoãn tiêm và những trẻ không đi học, việc tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella đợt này sẽ được thực hiện tại trạm y tế.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vaccine, tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng; bố trí đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có). (An ninh Thủ đô, trang 4).

Lịch phỏng vấn với điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa thông báo lịch phỏng vấn đối với các ứng viên có hồ sơ đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đối với những ứng viên tại Hà Nội sẽ thi tuyển tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ LOD (924 Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời gian tập trung: ngày 08 và 09-11-2018. Tại TP.Hồ Chí Minh, thí sinh tham dự phỏng vấn tại Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco, địa chỉ: số 1 Phổ Quang, P2, Q.Tân Bình, TP.HCM. Thời gian tập trung: ngày 12-11-2018

Khi tham gia tuyển chọn, ứng viên phải mang theo: hộ chiếu hoặc Chứng minh thư nhân dân (bản gốc), bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng (bản chính), Chứng chỉ hành nghề và chứng minh kinh nghiệm (bản chính, đối với ứng viên điều dưỡng) và bổ sung các giấy tờ còn thiếu nêu trong thông báo gửi trực tiếp đến ứng viên (nếu có).

Nếu ứng viên không mang theo đầy đủ các giấy tờ theo qui định thì sẽ không được tham gia dự tuyển. Nội dung thi: Bài kiểm tra khả năng học tiếng Nhật (không phải thi tiếng Nhật), khả năng chuyên môn và phỏng vấn trực tiếp ứng viên.

Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, cơ quan này là đơn vị duy nhất triển khai thực hiện Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Từ năm 2012 đến nay, Cục đã đào tạo và xuất cảnh được 892 học viên về điều dưỡng viên, hộ lý sau khi kết thúc khóa học thi đạt chứng chỉ N3 với mức lương thông thường 140.000 – 150.000 yên/tháng.

Trong quá trình học tập và làm việc 3-4 năm, nếu điều dưỡng viên, hộ lý thi đạt Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản có thể ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Năm 2018 là năm đầu tiên ứng viên hộ lý Việt Nam được thi Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản và đã có 89/95 ứng viên thi đạt. (An ninh Thủ đô, trang 4).

“Điểm tên” hơn 20 thực phẩm chức năng có vi phạm vừa bị xử phạt 920 triệu đồng

Gần 2 tháng qua (tính từ 8-9 đến 2-11), Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã xử phạt tới 24 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có vi phạm với tổng tiền phạt hơn 920 triệu đồng…Theo Cục ATTP, các lỗi vi phạm chủ yếu trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thời gian qua là quảng cáo không phù hợp, quảng cáo thực phẩm có tác dụng “thần thánh” như thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi chưa được phép, sản xuất thực phẩm “chui”… Danh sách chi tiết 24 công ty vừa bị Cục ATTP xử phạt hành chính vì vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thời gian qua gồm:

  1. Công ty CP Nam Dược An Nhiên (Thanh Xuân, Hà Nội) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vương Khớp An nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
  2. Công ty CP Dược phẩm Bảo Minh (Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Avisure Mama Hi-Q và Avisure Mama Multi trên website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  3. Công ty CP Đông Dương (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Gaviteen mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  4. Công ty TNHH Thương mại Dược mỹ phẩm Nam Phương (Hà Đông, Hà Nội) đã quảng cáo 2 sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Diamon Khop và Bình vị Nam Phương không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
  5. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Sing Health (Quận 6, Tp Hồ Chí Minh) đã quảng cáo các sản phẩm Giải độc gan Liver Capsule mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
  6. Công ty TNHH Mỹ phẩm Nano Techco (quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng Medi; Giải rượu khang; Hamonano trên website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  7. Công ty TNHH TM và dịch vụ Natural- Holic Việt Nam (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pectin Complex không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  8. Công ty TNHH MTV Thương Mại Hoa Mộc Lâm (quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo mộc Hoa Mộc Lâm mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung trước khi thực hiện.
  9. Công ty TNHH Dược phẩm Unipharma (Thanh Trì, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Uni Prenatal Diamond có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  10. Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại TH Minh Hương (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà giảm cân Leptin Teatox 28 Morning Boost và Trà giảm cân Leptin Teatox 28 Night Cleanse không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
  11. Công ty Cổ phần Dược phẩm Huệ Đức (Thanh Xuân, TP. Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Giấc nữ mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
  12. Công ty Cổ phần Dược phẩm Delap (Thanh Xuân, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GS IMUNOSTIM JUNIOR không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  13. Công ty TNHH Dược phẩm 1110M (Đống Đa, Hà Nội) có hành vi quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thận An Plus và Khớp an Plus không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  14. Công ty TNHH sản xuất DP công nghệ cao Nanofrance (Thường Tín, Hà Nội) vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chiến Mã Khang.
  15. Công ty Cổ phần phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chiến Mã Khang; Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chiến Mã Khang nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
  16. Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam (Thanh Trì, Hà Nội) bán ra thị trường lô hàng vi phạm của 2 lô  sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phù hợp quy định ATTP.
  17. Hợp tác xã thuốc nam gia truyền dân tộc Dao (Ba Vì, Hà Nội) sản xuất 03 lô sản phẩm thực phẩm Mộc Vị An, Bổ phế Thanh Mộc Hương, Trà Thảo Mộc Thủy Liên Hoa thuộc diện phải công bố phù hợp quy định ATTP mà không có Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
  18. Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GastimunHP không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
  19. Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế USA (Hoàng Mai, Hà Nội) sản xuất lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ Hoàng cung thuộc diện phải thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định ATTP mà không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP hoặc có nhưng đã hết hiệu lực.
  20. Công ty TNHH Dược Tùng Lộc II (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tâm Tỳ Vương không phù hợp quy định ATTP.
  21. Công ty TNHH dược phẩm dược liệu Bình Hòa (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) sản xuất, bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tràng vị Bình Hòa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
  22. Công ty TNHH Một thành viên Đức Thọ Sanh (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) sản xuất, bán 2 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu nhi bá bổ và Bảo vệ chức năng gan có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 4 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tiểu nhi bá bổ, Bảo vệ chức năng gan, Bổ huyết điều kinh và Bổ phế thủy.
  23. Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh Dược phẩm châu Âu (quận 5, TP HCM) bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Eurocalci Max có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
  24. Công ty Cổ phần Liên doanh Dược phẩm TPP-France (Đống Đa, Hà Nội) sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Eurocalci Max không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng. (An ninh Thủ đô, trang 4).

Giới bác sĩ phản đối quyết liệt quy định của Bộ Y tế

Một quy định vừa được Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) ký, công bố theo hình thức “khẩn” để sửa quy định của chính Vụ này ban hành trước đó hơn một tháng, do vấp phải sự phản đối quyết liệt của các bác sĩ.

Do sức ép rất căng thẳng từ các bác sĩ, hôm 2-11, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã phải ký văn bản khẩn để sửa đổi quy định về hướng dẫn chi trả dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch.

Theo đó, Quỹ Bảo hiểm tế sẽ thanh toán xét nghiệm đường máu mao mạch căn cứ vào số lần xét nghiệm thực tế, theo yêu cầu chuyên môn.

Trước đó, vào ngày 12-9, ông Lê Văn Khảm ký công văn hướng dẫn chi trả dịch vụ xét nghiệm đường máu mao mạch, do có những vướng mắc tại bệnh viện trong chi trả dịch vụ này. Theo công văn, số lần xét nghiệm đường máu mao mạch không được quá 2 lần/người bệnh/ngày.

Công văn này đã bị giới bác sĩ trực tiếp điều trị tại bệnh viện phản đối, cho rằng Bộ Y tế ra quyết định khi chưa tham vấn ý kiến chuyên môn.

Bác sĩ Ngô Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trong trường hợp bệnh nhân biến chứng cấp tính đái tháo đường còn phải làm đường máu mao mạch 1giờ/lần để điều chỉnh chỉ số insulin. Thế giới đã phát minh ra thiết bị theo dõi đường máu liên tục cũng nhằm theo dõi chỉ số này. Việc Bộ Y tế quy định cứng sẽ gây khó khăn cho điều trị.

Bác sĩ Hùng cũng cho rằng bệnh nhân đái tháo đường có tăng đường huyết sau ăn, cần phải làm đường huyết mao mạch trước và sau các bữa ăn để theo dõi. Nhiều bác sĩ cũng cho biết nếu quy định như công văn này, giới bác sĩ sẽ phải… mua máy để xét nghiệm cho bệnh nhân.

Không chỉ các bác sĩ ở Hà Nội, TP.HCM, giới bác sĩ ở nhiều địa phương cũng đều lên tiếng phản đối quyết định này và cho biết nếu không thay đổi, cả bác sĩ và người bệnh đều sẽ gặp khó.

Một số bệnh viện cũng đã gặp vướng mắc trong thanh toán chi phí xét nghiệm đường máu mao mạch, do phía bảo hiểm cho rằng số lượng xét nghiệm bất hợp lý. Tuy nhiên nhiều bác sĩ cho rằng việc quy định không phù hợp với chuyên môn cần được gỡ bỏ để đảm bảo an toàn cho người bệnh. (Tuổi trẻ, trang 14).

Phú Yên thiếu bác sĩ trầm trọng

Thiếu bác sĩ từ lâu đã là bài toán nan giải ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Phú Yên. Việc tìm câu trả lời cho bài toán này lại gặp khó khăn hơn khi bác sỹ được cử đi đào tạo cứ đồng loạt “dứt áo ra đi” vì không mặn mà với tuyến cơ sở… (Lao động, trang 4).

Nghệ An: Bệnh viện tư ngừng hoạt động, hàng trăm nhân viên kêu cứu

BVĐK Thành An- Sài Gòn tại 54 Lý Thường Kiệt (TP. Vinh – Nghệ An) có qui mô 200 giường bệnh hiện đã bị đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện. Tuy nhiên, chủ đầu tư cơ sở này còn nợ lương, bảo hiểm và tiền ký quỹ của hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế với số tiền nhiều tỉ đồng… (Lao động (trang 1).

Nhiều trẻ em chờ ghép tạng vì vướng luật

Kỹ thuật ghép tạng cho trẻ em ở Việt Nam được triển khai từ năm 2004, tuy nhiên đến nay số trẻ được ghép tạng vẫn còn rất ít so với nhu cầu. Nguyên nhân được các chuyên gia y tế chỉ ra là sự khan hiếm nguồn tạng được hiến tặng, sâu xa hơn là do các quy định của luật pháp vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tế.

Xếp hàng chờ ghép tạng

Ròng rã 7 năm qua, bé Nguyễn Văn Minh (14 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) bỏ ngang việc học hành để chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2. Chị Mai Thị Hiền (mẹ bé Minh) kể, từ lúc 1 tuổi, Minh có dấu hiệu xanh xao, ốm yếu, xuống ký nên gia đình đưa xuống TPHCM khám bệnh và phát hiện bé bị suy thận, suy giáp bẩm sinh. Điều trị đến 7 tuổi thì Minh chính thức chuyển sang giai đoạn suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống, với 3 lần chạy thận nhân tạo mỗi tuần. Chị Hiền phải bỏ nhà cửa, nương rẫy xuống TPHCM để nuôi con. Tương tự, em Tô Cẩm Lụa (14 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng đã phải đón 6 cái tết trong BV Nhi đồng 2 để chạy thận. Tuần 3 lần, Lụa phải đến BV để các bác sĩ gắn thiết bị lọc máu vào tay. Lắm lúc, Lụa đau đến ứa nước mắt nhưng vẫn phải chịu đựng bởi đây là phương thức duy nhất để giữ sự sống. Chị Chung Thị Kim Tiên (mẹ bé Lụa) cho hay, hai vợ chồng chị đã nhiều lần xin hiến thận để ghép cho con nhưng bản thân đều mắc các bệnh lý về gan, tiết niệu nên các bác sĩ từ chối.

Tại Khoa Thận – Nội tiết BV Nhi đồng 2 lúc nào cũng đông đúc bệnh nhi và người nhà chờ đến lượt chạy thận. Bác sĩ Hoàng Ngọc Quý, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo BV Nhi đồng 2, cho biết hiện đơn vị này đang điều trị chạy thận nhân tạo cho 40 bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối. Ngoài chạy thận nhân tạo, bệnh nhi phải phối hợp điều trị nội khoa, sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp, bổ sung canxi, thuốc tạo máu… Đây là bệnh lý mạn tính, quá trình điều trị bắt buộc phải lâu dài và liên tục. Trung bình mỗi tuần, các em phải được lọc máu 3 lần, mỗi lần 4 giờ. Cùng với suy thận, đa số trẻ em mắc các biến chứng khác như cao huyết áp, suy tim… cần được ghép thận sớm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thận hiến để ghép cho trẻ em rất hiếm. “Nhiều bố mẹ sẵn sàng hiến thận để ghép cho con nhưng rất tiếc là sức khỏe không đảm bảo, không thể lấy tạng. Nếu không được ghép thận thì những đứa trẻ này phải sống nhờ vào máy lọc thận”, bác sĩ Quý cho hay.

Cần điều chỉnh luật về hiến tạng

Nói về tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết từ năm 2004, BV Nhi đồng 2 đã tiên phong trong việc ghép tạng cho trẻ em tại khu vực phía Nam. Thế nhưng, đến nay BV chỉ thực hiện được 16 ca ghép thận và 12 ca ghép gan. Đây là con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực tế. “Nguyên nhân là số lượng tạng được hiến tặng quá ít. 28 ca ghép tạng tại BV Nhi đồng 2 đều do người lớn trong gia đình hiến tặng. Không có nguồn tạng hiến chính là rào cản khiến nhiều bệnh nhi mắc bệnh nặng không được ghép tạng, phải sống lay lắt hàng ngày”, bác sĩ Tùng cho hay.

Giáo sư Trần Đông A, cố vấn Đơn vị ghép tạng BV Nhi đồng 2, cho biết, Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ghi rõ “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi không được hiến tạng”. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi cơ thể của trẻ em đang trên đà phát triển, nếu thiếu bất kỳ bộ phận tạng nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, luật lại chưa phù hợp thực tế khi không tận dụng được nguồn tạng của trẻ em chết não. Cụ thể hơn, Giáo sư Trần Đông A đưa ra trường hợp của bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) – người đã hiến tặng 2 giác mạc của mình để ghép cho 2 người khác hồi tháng 2 vừa qua. Tuy gia đình bé Hải An có ý nguyện hiến tất cả tạng sau khi bé qua đời nhưng do vướng luật nên những bộ phận đó không được sử dụng. “Thật sự rất lãng phí khi không tận dụng được nguồn tạng hiến này trong khi có rất nhiều em bé đang mòn mỏi chờ được ghép tạng ở khắp các bệnh viện trong cả nước”, Giáo sư Trần Đông A nhìn nhận.

Cũng theo Giáo sư Trần Đông A, cùng với trẻ suy thận mạn thì hiện nay có hàng trăm trẻ mắc bệnh lý teo đường mật bẩm sinh đang chờ được ghép gan. Hiện trung bình mỗi tuần, BV Nhi đồng 2 tiến hành 3-4 ca phẫu thuật kasai cho bệnh nhi mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, phẫu thuật kasai chỉ là giải pháp tạm thời (cứu trẻ khỏi tử vong trong vòng 9-15 tháng), về lâu dài các em phải được ghép gan thì mới hy vọng bảo tồn được sự sống. Giáo sư Trần Đông A kiến nghị, đã đến lúc cần phải sửa lại các quy định để phù hợp với thực tế. Điều 34 Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định, ưu tiên ghép tạng cho trẻ em nhưng sự ưu tiên này mới chỉ dừng lại ở văn bản, trên thực tế thì trẻ em tại Việt Nam vẫn chưa được ưu tiên trong vấn đề ghép tạng. Ở các nước, luật của họ luôn ưu tiên cho ghép tạng trẻ em. Cụ thể tại Mỹ, mỗi năm có hơn 3.000 ca ghép tạng và họ luôn ưu tiên cho trẻ em, chính vì thế danh sách chờ ghép ở người lớn ngày một nhiều hơn nhưng ở trẻ em thì ngày càng giảm đi. Chỉ cần điều chỉnh một chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng sẽ khiến Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trở nên có ý nghĩa nhân văn rất lớn và mở ra hy vọng sống cho nhiều trẻ em đang mòn mỏi chờ ghép tạng. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/8/2018

admin

Điểm báo ngày 20/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận