Điểm báo ngày 27/11/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 27/11/2018

Đà Nẵng: Sốt xuất huyết tăng đột biến, bệnh viện quá tải; Thực hư công dụng của loại ‘thần dược’ chữa đột quỵ có giá hàng triệu đồng/ viên

 

Đà Nẵng: Sốt xuất huyết tăng đột biến, bệnh viện quá tải

“Bệnh viện phải kê thêm cả trăm giường bệnh, lắp thêm quạt ngoài hành lang vì số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nhập viện liên tục, khiến bệnh viện quá tải”, BS CK II. Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, cho hay.

Ghi nhận tại khoa Y học nhiệt đới, bệnh viện Đà Nẵng, tất cả các tầng đều chật kín bệnh nhân. Ba, bốn người chen nhau nằm ngồi vạ vật trên một giường bệnh, đồ đạc cá nhân chất khắp nơi. Không chỉ vậy, lối đi ở các hành lang cũng được tận dụng để kê thêm giường cho người bệnh SXH. Và phải “nhét” nhiều người trên một giường bệnh. Chị Nguyễn Thị Chanh (quận Sơn Trà) mệt mỏi kể bị sốt, chảy máu răng, vào viện đã 6 ngày nhưng chưa có hôm nào được ngả lưng thoải mái. “Giường tôi nằm tới 3 người. Ai chuyền nước thì được nằm một lúc, còn không phải nằm nghiêng cho đủ chỗ. Bình thường gắng gượng vậy đã mệt, huống chi người đau! Không biết phải chịu cảnh này tới bao giờ nữa”. Nhiều bệnh nhân khác cũng kêu trời vì phải nằm ghép 3, ghép 4, có đêm không ngồi nổi đành ôm chăn xuống đất ngủ.

Theo bệnh viện Đà Nẵng, từ đầu tháng 11 tới nay số lượng ca bệnh SXH tăng đột biến, có ngày tiếp nhận tới 60 ca. Tính tới thời điểm hiện tại đã có 742 ca SXH., trong khi trước đó tháng cao nhất chỉ hơn 400 ca. Ngày cao điểm, có tới 310 bệnh nhân nằm điều trị. “Bệnh viện đang rất khó khăn về cơ sở vật chất lẫn nhân lực do số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục. Hiện tại phải mở hết 3 tầng của Khoa Y học nhiệt đới, kê thêm cả trăm giường bệnh, lắp thêm quạt ngoài hành lang. Đồng thời huy động thêm gần 20 bác sĩ, điều dưỡng từ các khoa phòng khác để chăm sóc điều trị bệnh nhân tốt hơn…”, BS CK II. Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đà Nẵng, cho hay.

Đáng chú ý, trong số 742 bệnh nhân SXH, có hơn 200 ca từ các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi chuyển đến, 283 ca có dấu hiệu cảnh báo, 28 ca nặng. Rất may chưa có trường hợp tử vong.
Trao đổi với Tiền Phong, BS. Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP. Đà Nẵng (TTYTDP) cho hay số ca SXH từ đầu tháng 11 tới nay tăng mạnh so với những tháng trước đó, diễn biến rất phức tạp. Riêng từ 19-25/11, có tới 253 ca. Đà Nẵng có đến 37 ổ dịch, nhiều nhất ở quận Cẩm Lệ với 10 ổ dịch, sau đó là quận Sơn Trà và quận Hải Châu. “Hiện tại thời tiết mưa tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Cộng với số người mang mầm bệnh có sẵn trong cộng đồng, gặp muỗi nên truyền bệnh rất nhanh. Thêm một nguyên nhân gây bệnh nữa là ý thức chủ động phòng chống SXH của người dân như diệt loăng quăng, bọ gậy chưa cao”, BS. Lãm nhìn nhận. (Tiền phong, trang 6)

 

Thực hư công dụng của loại ‘thần dược’ chữa đột quỵ có giá hàng triệu đồng/ viên

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam chia sẻ, ông đã từng tiếp nhận bệnh nhân đến cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn – loại thuốc được nhiều người dân lầm tưởng là ‘thần dược’ chữa đột quỵ.

Thời gian gần đây, dù các bác sĩ đã không ít lần cảnh báo nhưng an cung ngưu hoàng hoàn vẫn được người dân sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để tìm mua vì lầm tưởng như một thứ “thần dược” đặc trị đột quỵ. Trên thị trường, có “hàng tá” loại sản phẩm an cung ngưu hoàng khác nhau, chủ yếu có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Mức giá của thuốc cao “ngất ngưởng”, từ 1,5 – 3 triệu đồng/viên.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam khẳng định, với căn bệnh đột quỵ, thời gian là vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu rồi mới tới thuốc này thuốc khác. Theo thống kê, hiện chỉ có 5-6% bệnh nhân đột quỵ kịp đến bệnh viện cấp cứu trong khoảng thời gian “giờ vàng” (dưới 3 tiếng), vì thế tỷ lệ tử vong do đột quỵ còn chiếm tỷ lệ cao 30-50%.

Đặc biệt, rất nhiều người dân do chưa thật sự hiểu biết về đột quỵ não nên tự ý mua thuốc uống mà không đưa đi viện ngay dẫn tới tình trạng bệnh nhân trở nặng. Ngoài nguy cơ tử vong, bệnh nhân cũng rất khó hồi phục và để lại di chứng nặng nề.

“Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, chính vì vậy, phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời, tận dụng “thời gian vàng” của não, tránh đột quỵ não gây di chứng nặng nề”- Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, người dân tuyệt đối không tự ý cho người đột quỵ uống An cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ. Bởi trong quá trình điều trị, GS. Thông cho biết đã từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống An cung ngưu hoàng hoàn.

“Nhiều bệnh nhân đến Viện trong tình trạng nôn ra dịch màu xanh nhờ. Dù bệnh nhân chưa nói nhưng chúng tôi đã nghĩ ngay tới việc uống các loại thuốc này mà không có chỉ định của bác sĩ” – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nói, đồng thời cho biết hiện tại, an cung ngưu hoàng hoàn không phải là thuốc được các tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, cũng chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được tác dụng thực sự của loại thuốc này.

Để phòng bệnh đột quỵ, GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá. Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol. (An ninh thủ đô, trang 6)

 

Viện Chiến lược và Chính sách Y tế – 20 năm xây dựng, trưởng thành

Được thành lập theo Quyết định số 230/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11/1998, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc trên mọi phương diện cùng những đóng góp trong phát triển chiến lược, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng cho xây dựng chính sách y tế

20 năm qua, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã có nhiều đóng góp trong cung cấp bằng chứng cho xây dựng chính sách của ngành Y tế và đã được Bộ Y tế cũng như Chính phủ ghi nhận. Viện đã thực hiện được khoảng 260 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước (một đề tài phối hợp với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh); 55 đề tài cấp Bộ và tương đương; 46 đề tài cấp cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế; 51 đề tài hợp tác với các Vụ/Cục của Bộ Y tế; 73 đề tài hợp tác quốc tế; 16 đề tài nghiên cứu đánh giá nhanh trực tiếp cung cấp bằng chứng cho các cơ quan hoạch định chính sách… và 26 quy hoạch phát triển hệ thống y tế các tỉnh/thành phố.

Các chủ đề nghiên cứu của Viện đa dạng và bám sát chương trình nghị sự chính sách của Bộ Y tế, Chính phủ, Quốc hội và các Ban Đảng; tập trung vào các lĩnh vực như: Quản trị hệ thống; Tổ chức mạng lưới y tế, Cung ứng dịch vụ y tế, Nhân lực y tế, Tài chính y tế; Dược; Đánh giá Công nghệ y tế, Sức khỏe cộng đồng, DS-KHHGĐ.

Viện cũng đã cung cấp bằng chứng cho việc ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo của Đảng, 11 Luật của Quốc hội và hàng chục văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, ngành Y tế về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cụ thể như:

Nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho việc hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Các đề tài nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho việc ban hành Chỉ thị số 54-CT/TW; Kết luận số 42/2009- KL/TW, Kết luận số 43/2009-KL/TW và đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW; Đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/2005- NQ/TW; Đánh giá 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2005-NQ/TW cung cấp bằng chứng để ban hành Kết luận số 119/2014-KL/TW; Đánh giá cung cấp bằng chứng cho việc ban hành Nghị quyết số 20/2017-NQ/TW và Nghị quyết số 21/2017-NQ/TW.

Nghiên cứu cung cấp bằng chứng và trực tiếp tham gia Ban soạn thảo các chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Cung cấp bằng chứng cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Sửa đổi bổ sung Luật Dược sau 6 năm triển khai thực hiện (2005 – 2011); Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020; Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới…

Nghiên cứu cung cấp các bằng chứng nhằm hoàn thiện các chính sách của ngành Y tế: Đề án Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 – 2020; Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020; Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020; Đề án Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công; Cung cấp bằng chứng cho xây dựng Thông tư về Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; Cung cấp bằng chứng về đánh giá công nghệ y tế với một số dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và thuốc để phục vụ cho xây dựng Thông tư về ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT cũng như phục vụ cho đàm phán giá thuốc; cung cấp bằng chứng cho Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe…

Đánh giá tác động dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội phê duyệt: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Dự thảo Luật An toàn thực phẩm.

Tư vấn, phản biện và vận động xây dựng chính sách y tế

Viện đã chủ động, tích cực phát huy vai trò tư vấn, tham mưu với Bộ Y tế, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Quốc hội trong xây dựng chính sách phát triển hệ thống Y tế thông qua việc tổ chức các hội thảo tư vấn chính sách, diễn đàn đối thoại chính sách. Một số lĩnh vực quan trọng của hệ thống Y tế đã được Viện chú trọng nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, bao gồm: Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu; Tài chính cho y tế, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Đánh giá công nghệ y tế trong lựa chọn dịch vụ kỹ thuật và thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; Các giải pháp tăng cường kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế và người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh; Các giải pháp tăng sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế; Các giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe của các hành vi nguy cơ (sử dụng thuốc lá, sử dụng rượu bia, sử dụng dinh dưỡng không hợp lý…).

Viện đã viết nhiều báo cáo chính sách để tư vấn cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ về kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới hệ thống y tế, phát triển y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình đào tạo bác sỹ trên thế giới, phân hạng phân tuyến bệnh viện, các mô hình tổ chức các Viện nghiên cứu y học trên thế giới, phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế…

Viện cũng đã tư vấn cho nhiều tỉnh trong xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống Y tế tỉnh, quy hoạch mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh cũng như quy hoạch phát triển mạng lưới một số chuyên khoa.

Đào tạo và hợp tác quốc tế

Xuất phát từ việc nhìn nhận nhân lực là yếu tố quyết định đối với việc nâng cao vị thế của Viện nên trong những năm qua, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã rất chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên. Trong 5 năm, Viện đã cử 12 nghiên cứu viên tham gia chương trình đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài; trong đó Viện tìm được nguồn học bổng để cử 8 nghiên cứu viên đi tham gia chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ ở nước ngoài thuộc các lĩnh vực chuyên môn sâu như dịch tễ học, đánh giá công nghệ y tế, kinh tế y tế… nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu chính sách và hệ thống y tế.

Mở rộng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế cũng là một trong những thế mạnh của Viện nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế cũng như huy động thêm nguồn lực tài chính cho công tác nghiên cứu khoa học, góp phần cung cấp kịp thời các bằng chứng có chất lượng đặc biệt là những thông tin rất có giá trị về các bài học kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách y tế cho Bộ Y tế, Chính phủ cũng như Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội.

Những đóng góp của Viện trong xây dựng chính sách của ngành Y tế đã được Bộ Y tế và Chính phủ ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý cho tập thể và cá nhân. Năm 2011, một nhóm chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực hệ thống y tế đã triển khai đánh giá độc lập về sự đóng góp của các đơn vị nghiên cứu chính sách y tế tại 6 quốc gia đang phát triển và kết quả của đánh giá đã cho thấy Viện Chiến lược và Chính sách Y tế là một trong những đơn vị nghiên cứu có tầm ảnh hưởng và có đóng góp hiệu quả nhất với sự phát triển chính sách của ngành Y tế.

Có được những kết quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay là nhờ sự chung sức của nhiều thế hệ lãnh đạo cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của tập thể Đảng ủy, Ban lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể cũng như của từng cá nhân trong toàn Viện qua các thời kỳ.

Những chặng đường đã qua trong 20 năm xây dựng và trưởng thành của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế luôn gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới, phát triển, kiện toàn hệ thống Y tế ở nước ta. Sứ mệnh trong từng thời kỳ của Viện luôn xuất phát từ những nhu cầu bức thiết của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thực tiễn. Toàn thể tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Chiến lược và Chính sách Y tế sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được ngày hôm nay để phát triển Viện một cách bền vững nhằm thực hiện được tầm nhìn là: “Viện nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam và khu vực trong cung cấp bằng chứng, tư vấn, phản biện về chiến lược và chính sách y tế”. (Gia đình & Xã hội, trang 2)

 

Hà Nội: bảo đảm an toàn khi tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ ở trường học

Từ ngày 26-11, TP Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi – rubella cho trẻ từ một đến năm tuổi tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục trong công tác chuẩn bị, bảo đảm các quy trình chuyên môn trong bảo quản vắc-xin, tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm…

Theo kế hoạch triển khai chiến dịch này, TP Hà Nội xác định mục tiêu hơn 95% trẻ trên địa bàn được tiêm bổ sung một mũi vắc-xin phòng bệnh sởi- rubella. Đợt một, từ ngày 26-11 đến ngày 2-12, tổ chức tiêm tại các trường mầm non. Đợt hai, từ ngày 3 đến 9-12, tổ chức tiêm tại các trạm y tế cho trẻ không đi học và tiêm vét cho trẻ đi học nhưng chưa được tiêm (do tạm hoãn trong đợt một). UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc-xin, tiêm chủng an toàn, phòng, chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng; bố trí đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có). Ngành y tế là cơ quan thường trực phối hợp ngành giáo dục thực hiện chiến dịch.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trong chiến dịch tiêm chủng lần này, toàn thành phố có hơn 600 nghìn trẻ từ một đến năm tuổi được tiêm vắc-xin sởi – rubella. Đây là loại vắc-xin do Việt Nam sản xuất, được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trên quy mô toàn quốc từ tháng 4-2018. Công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc-xin và vật tư tiêm chủng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định, cho nên cha mẹ học sinh có thể hoàn toàn yên tâm về quy trình tiêm cũng như chất lượng vắc-xin. ác chuyên gia y tế khuyến cáo, việc Hà Nội triển khai tiêm chủng tại các trường học đòi hỏi những đơn vị tổ chức thực hiện cần nghiêm túc, đúng quy trình; vắc-xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh mới tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Ngoài ra, việc tiêm chủng cùng một lúc cho số lượng lớn trẻ dễ gây nên tình trạng lộn xộn, đòi hỏi người tiêm phải cẩn trọng, thực hiện đúng quy trình như: đo nhiệt độ, giám sát các bé 30 phút sau khi tiêm để đề phòng biến chứng… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ. (Gia đình & Xã hội, trang 7; Hà Nội mới, trang 1)

 

Đẩy nhanh tiến độ liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện

Ngày 26-11, tại TPHCM, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Trường Đại học Y Dược TPHCM) tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm và hoàn tất liên thông kết quả xét nghiệm theo QĐ 316/TTG-CP sau 2 năm thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo các bệnh viện cần đẩy nhanh tiến độ liên thông xét nghiệm nhằm giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, nguồn lực của xã hội, đồng thời qua đó sớm hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, năm 2017 các bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện 528.765.000 xét nghiệm, tăng 1,02% so với năm 2016. Trong đó, xét nghiệm ở bệnh viện tuyến tỉnh chiếm đa số với 51%, các bệnh viện tuyến Trung ương 22% và 20% thuộc về các bệnh viện tuyến huyện… (An ninh thủ đô, trang 6)

 

Cựu PGĐ bệnh viện cung cấp tài liệu sai sự thật

Sau khi xảy ra sự cố chạy thận nhân tạo làm 9 người chết, ông Hoàng Đình Khiếu – Phó GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình yêu cầu cấp dưới hoàn thiện sổ sách, ghi thêm vào sổ giao ban về việc phân công Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận. Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định một số giấy tờ có dấu hiệu được khắc phục.

Đề nghị khởi tố hàng loạt lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Hoà Bình ra kết luận điều tra bổ sung lần ba vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan sự cố tai biến y khoa ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị truy tố thêm 4 bị can gồm: Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc bệnh viện; Hoàng Đình Khiếu – nguyên Phó giám đốc bệnh viện; Trần Văn Thắng – nguyên Trưởng phòng Vật tư và Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Cty CPDP Thiên Sơn cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an Hoà Bình cho rằng, với vai trò Phó giám đốc bệnh viện phụ trách Phòng Vật tư – thiết bị y tế, ông Hoàng Đình Khiếu đã vi phạm quy chế quản lý bệnh viện. Ông Khiếu thiếu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm được giao đối với lãnh đạo, cán bộ phòng vật tư trong việc giám sát sửa chữa thiết bị lọc nước RO2; không sát sao trong kiểm tra, giám sát việc bàn giao hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa cho Phòng vật tư thiết bị y tế và Đơn nguyên thận nhân tạo.

Với vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu đã buông lỏng quản lý để cho đơn nguyên lọc máu sử dụng hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa một cách tuỳ tiện khi chưa được nghiệm thu, bàn giao.

Ông Khiếu biết rõ kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 nhưng không phối hợp với Trưởng phòng vật tư để kiểm tra đã được sửa chữa, sử dụng an toàn chưa.

Ông Khiếu cũng được xác định không kiểm tra an toàn sử dụng để biết đồng hồ đo độ dẫn diện nước RO có sai số lớn sẽ không báo cáo chính xác nước RO đảm bảo an toàn cho sử dụng. Không phát hiện, ngăn chặn mà để cho Đơn nguyên lọc máu đưa hệ thông lọc nước RO2 chưa có căn  cứ xác định đảm bảo an toàn vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo cơ quan điều tra, sau khi xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, trong cuộc họp giao ban khoa ông Hoàng Đình Khiếu yêu cầu mọi người hoàn thiện sổ sách sau đó giao Đinh Tiến Công ghi thêm vào sổ giao ban về việc phân công Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận. Cả ông Khiếu và ông Công khai hoàn thiện hồ sơ sổ sách theo thủ tục hành chính để giao nộp cơ quan điều tra, không vì mục đích làm hại ai, không tư lợi cá nhân.

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định còn một số văn bản giấy tờ có dấu hiệu được khắc phục sau sự cố.

Bán hợp đồng bảo dưỡng lọc nước RO

Cơ quan điều tra xác định, ông Trương Quý Dương – Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành quyết định 175 thành lập Đơn nguyên lọc máu thuộc khoa Hồ sức tích cực khi không có quy định cụ thể và đưa vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Kết luận cũng xác định, trong quá trình hoạt động, đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa Hồi sức tích cực không được bố trí đâtỳ đủ nhân lực cần thiết cho hoạt động chạy lọc thẩm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Từ năm 2015-2017 không có quyết định giao phụ trách đơn nguyên lọc máu cho cá nhân cụ thể dẫn đến việc buông lỏng hoạt động điều hành: không có kỹ sư, kỹ thuật viên mà cũng không giao cho người có trình độ chuyên môn thực hiện trách nhiệm “kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu”. Cơ quan điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình còn xác định, ông Dương có hàng loạt vi phạm như:Quản lý sử dụng có hiệu quả các thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện; vi phạm giám đốc có trách nhiệm kiểm tra mọi hoạt động của bệnh viện.

Trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT xác định ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Cty CPDP Thiên Sơn ký hợp đồng 315 với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình nhưng không triển khai mà “bán” lại cho Cty Trâm Anh của Bùi Mạnh Quốc.

Công ty Thiên Sơn cũng không thỏa thuận với Quốc để anh ta phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, báo giá, sửa chữa hệ thống lọc nước RO2.

Ông Tuấn bị cáo buộc để mặc cho Quốc tự thực hiện tất cả các khâu như khảo sát, báo giá, sửa chữa… Ông Tuấn vì thế không biết được Quốc mua và sử dụng vật liệu như thế nào, có đảm bảo chất lượng hay không.

Cơ quan cho rằng hành vi của ông Tuấn dẫn đến việc Quốc tự ý sử dụng hoá chất HF, HCL để sục rửa màng lọc dẫn đến tồn dư một lượng hoá chất lớn gấp nhiều lần mức cho phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ông Tuấn bị đề nghị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 285 bộ luật hình sự 2015. (Tiền phong, trang 11; Lao động, trang 2)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 27/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận