Điểm báo ngày 12/12/2018
Điều chỉnh cách tính giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ đầu năm 2019; Lo phòng bệnh khi trời lạnh; Y tế miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Điều chỉnh cách tính giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ đầu năm 2019
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30-5-2018 của Bộ Y tế.
Điểm đáng chú ý, Thông tư 39 quy định rõ nguyên tắc áp dụng giá dịch vụ đối với các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; Xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; Xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế.
So với Thông tư 15, Thông tư số 39 vừa được ban hành có một số điểm mới như quy định: “Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền giường điều trị nội trú”.
Thông tư mới cũng bổ sung mức giá khám bệnh của trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, trạm y tế kết hợp quân dân y sẽ áp dụng mức giá của trạm y tế xã.
Đặc biệt, mức giá các dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III của Thông tư 39, thay vì căn cứ vào mức giá của bệnh viện hạng IV theo Thông tư 15 hiện nay.
Đặc biệt, Thông tư này cho tính chi phí tiền lương tính trong giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật y tế, gồm: Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thông tư 39 sẽ có hiệu lực từ ngày 15-1-2019. Riêng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên tại Phụ lục I, II, III của Thông tư 39 được áp dụng kể từ ngày 15-12-2018 (An ninh thủ đô, trang 8).
Lo phòng bệnh khi trời lạnh
Miền Bắc đang bước vào thời điểm nhiệt độ giảm mạnh. Giá rét khiến bệnh liên quan thời tiết gia tăng, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (hay đột quỵ)… Những ngày này, người già và trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt để tránh nguy cơ mắc bệnh do thời tiết gây ra. Chỉ trong mấy ngày trời rét đậm, Đơn vị can thiệp tim mạch (Bệnh viện Thanh Nhàn) đã tiếp nhận 5 ca nhồi máu cơ tim, trong đó 2 ca nặng, đe dọa tính mạng đã được can thiệp kịp thời. Điển hình, nam bệnh nhân 68 tuổi (ở Hà Nội), có tiền sử hút thuốc lào nhiều năm, nhập viện ngày 10-12 trong tình trạng đau ngực, khó thở… Kết quả xét nghiệm, điện tâm đồ phát hiện, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, men tim tăng. Các bác sĩ đã chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành, đặt stent. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Tương tự, bà N.T.A. (60 tuổi ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bị huyết áp cao nhiều năm, vừa được các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Thanh Nhàn) cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt nửa người. Kết quả thăm khám, chụp MSCT 128 dãy cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa M1, tình trạng cấp bách và nguy hiểm. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu huyết khối. Sau khi tiêm thuốc một giờ, bệnh nhân có thể nhấc được tay lên. Sau một ngày, bệnh nhân dần hồi phục, đi lại được… Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu nội nhi, phụ trách Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết: Nhiệt độ giảm mạnh có thể khiến bệnh liên quan thời tiết gia tăng, đặc biệt là đột quỵ – tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Trung bình vào mùa lạnh các năm, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15% đến 30%. Không chỉ các ca bệnh mới, những người có tiền sử tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn. “Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng nặng nề”, bác sĩ Phạm Thị Trà Giang nói (Hà Nội mới, trang 3).
Thêm 164.000 người mắc ung thư
Ông Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư- cho biết năm 2018 Việt Nam có thêm 164.000 người mắc ung thư và trên 114.000 người tử vong do ung thư. Trong số này các loại ung thư thường gặp ở nữ giới là ung thư vú, ung thư cổ tử cung; ở nam giới là gan, phổi, đại trực tràng, thực quản … (Tuổi trẻ, trang 14).
Y tế miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Do ảnh hưởng của bão số 12, những ngày qua các địa phương từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại lớn về người và của. Vấn đề nan giải bây giờ là sau khi nước rút xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau lũ thế nào?
Quảng Ngãi: Phản ứng nhanh nên không xảy ra dịch bệnh lớn sau lũ rút
Thống kê của Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ lần này đã gây thiệt hại nặng nề với 16 trạm y tế bị ngập, nhiều trạm bị sạt lở ta luy, tường bao như Trạm y tế xã Ba Tô huyện Ba Tơ, Trạm y tế xã Sơn Tân huyện Sơn Tây, Trạm y tế xã Trà Thanh huyện Tây Trà… Hơn 9.000 giếng nước bị ngập và gần 13.000 nhà tiêu bị ngập. Mưa lũ đã làm 5 người chết, 1 người mất tích. Hiện nước đang rút rất chậm nên chưa thể đánh giá được thiệt hại do môi trường gây ra. Trao đổi nhanh với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống qua điện thoại, BS. Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống thiên tai và kế hoạch phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do lụt bão gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Trung tâm YTDP tỉnh đã chủ động cấp thuốc, hoá chất vật tư và cung cấp đầy đủ đến tận cơ sở trước mùa bão lụt. Cùng với đó, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của Trung tâm YTDP tỉnh và TTYT huyện đã cử cán bộ tham gia khắc phục và trực tiếp đến địa bàn hướng dẫn nhân dân cách giữ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là hướng dẫn xử lý nước giếng, nhà tiêu bị ngập và hướng dẫn cách xử lý xác súc vật chết… Nhờ công tác chuẩn bị khá chu đáo nên các địa phương đã chủ động thực hiện phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh môi trường và xử lý nguồn nước đến đó”. Mạng lưới y tế huyện và xã nhanh chóng triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, xử lý nước giếng, nhà tiêu đảm bảo, tất cả các giếng và nhà tiêu đều được xử lý. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh có thể mắc sau lũ rút.
Quảng Nam: Bác sĩ cùng bệnh nhân vượt lũ
Mưa lũ đã khiến cho BVĐK khu vực Quảng Nam bị cô lập trong nhiều giờ liền, từ 5-6/11 đến chiều ngày 7/11 nước bắt đầu rút và các y bác sĩ cùng bệnh nhân tích cực khắc phục hậu quả sau khi lũ rút. Công tác vệ sinh, phòng dịch đã được các y bác sĩ thực hiện ngay.
Điều đáng ghi nhận là trong và sau cơn lũ, tinh thần, trách nhiệm, tình người của các y bác sĩ với bệnh nhân lại được khơi dậy và điều đó đã giúp họ vượt qua những ngày khó khăn do lũ. BS. Nguyễn Hữu Thu – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc “trực chiến” tại đơn vị để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với cơn lũ đang bao vây, cô lập bệnh viện cho biết, trong suốt hai ngày 5 và 6/11, toàn bộ tầng 1 của các dãy nhà thuộc bệnh viện đều ngập sâu trong nước từ 1,5 – 2m. Cũng may là đã lường được thời tiết diễn biến phức tạp nên trong ngày 4/11 mọi công tác di dời trang thiết bị y tế, bệnh nhân đã được bệnh viện tiến hành khẩn trương và khoa học, nên dù khối lượng và con người cần di dời rất lớn nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Được biết, đơn vị đã chuẩn bị hơn 400 lít dầu và hàng chục thùng mì tôm nhưng vì lũ kéo dài nên vẫn thiếu trước, hụt sau. Theo tính toán của BS. Nguyễn Hữu Thu, mỗi giờ chạy máy nổ phát điện mất tới 25 lít dầu nên nếu phát liên tục thì chỉ chưa tới một ngày là cạn nhiên liệu, vì vậy để tiết kiệm, đơn vị chỉ chạy máy phát điện khi thực hiện ca phẫu thuật hay vào giờ nấu ăn cho bệnh nhân. Nhờ đó, trong 3 ngày qua bệnh viện tiếp nhận 5 sản phụ mổ đẻ và đều thực hiện thành công, trong đó có ca xảy ra trong thời điểm lũ đạt đỉnh. Trong thời gian này, bệnh viện còn tiếp nhận 30 ca nhập viện và đều điều trị ổn định (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).