Phòng chống HIV/AIDS cần sự tiếp sức của cả cộng đồng

(CDC Hà Nam)

Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, diễn biến phức tạp… Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo các khoa, phòng, đơn vị có liên quan chủ động hướng về cơ sở và tập trung vào các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, vận động, kêu gọi các tổ chức đoàn thể cùng người dân tích cực tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Hà Nam.

Theo số liệu thống kê của Khoa phòng, chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 15/12/2018 toàn tỉnh hiện có 1.042 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV trong toàn tỉnh chiếm 21%, nam giới chiếm 79%. Hơn 54% người nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và phần lớn lại tập trung vào lứa tuổi từ 30-39 tuổi. Hiện có 576 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV theo quy trình điều trị ARV của Bộ Y tế. Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện thêm 43 người nhiễm HIV, 62 bệnh nhân chuyển sang AIDS và 19 bệnh nhân tử vong do AIDS.

Năm 2018, Hà Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS của Liên hiệp quốc (nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus ở mức thấp và ổn định). Tiếp tục khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và hoàn thành mục tiêu vào năm 2020.

Để thực hiện được mục tiêu và giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, ngay từ đầu năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh các hoạt động can thiệp của phòng, chống HIV/AIDS như: điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone, cung cấp bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác truyền thông thay đổi hành vi. Theo đó, các hoạt động như: đào tạo, tập huấn cho các nhóm giáo dục đồng đẳng, y tế cơ sở tham gia tuyên truyền ý thức phòng tránh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho những người bị nhiễm HIV và người có nguy cơ cao; cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV… đều được triển khai có hiệu quả.

Trong năm, Trung tâm đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và địa phương, cơ sở đẩy mạnh và duy trì tổ chức tuyên truyền bằng xe loa lưu động, treo băng rôn tuyên truyền hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ; Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam… xây dựng các phóng sự có nội dung về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã treo 45 băng zôn, cấp phát 35.300 tờ rơi, 4.200 tờ tranh gấp, 400 áp phích và 1.880 sách mỏng, sách nhỏ, tạp chí cho các huyện, thành phố. Tổ chức khảo sát tỷ lệ hiểu biết về HIV/AIDS của 1.080 người dân trong độ tuổi 15-49 trên địa bàn tỉnh đạt trên 60% … Qua đó, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh HIV/AIDS, sự kỳ thị, xa lánh và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm nhiều so với những năm trước đây.

                 Cán bộ Khoa Phòng chống HIV/AIDS tuyên truyền, cung cấp thông tin về các biện pháp phòng chống HIV                                             tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân

Cùng với công tác truyền thông, Trung tâm cũng luôn chú trọng công tác tư vấn, giám sát HIV/AIDS thông qua hoạt động xét nghiệm để phát hiện người mắc mới, tập trung xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, người có quan hệ tình dục không an toàn, lái xe … Năm 2018, Trung tâm đã triển khai xét nghiệm tế bào TCD4 cho 878 lượt  bệnh nhân và xét nghiệm sinh hóa, máu, viêm gan B, C cho 309 bệnh nhân đang điều trị ARV địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Bệnh viện Lao – Bệnh phổi chụp Xquang phổi sàng lọc lao cho bệnh nhân AIDS; tổ chức lấy mẫu máu cho trẻ phơi nhiễm HIV dưới 18 tháng tuổi gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định HIV. Đồng thời, phối hợp với Trại tạm giam Công an tỉnh, Trung tâm Điều trị nghiện và phục hồi chức năng tâm thần xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao. Cùng với đó, công tác điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), điều trị nhiễm trùng cơ hội được thực hiện tại phòng khám ngoại trú của trung tâm và các phòng khám ngoại trú các huyện, thành phố; triển khai chăm sóc giảm nhẹ cho người nhiễm được thực hiện thường xuyên, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng tiếp cận dễ dàng các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, đảm bảo kinh phí hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và hỗ trợ kinh phí đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân đang điều trị ARV, góp phần quyết định trong thành công của công tác phòng, chống dịch.

Mặc dù, thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được một số thành tựu nhưng căn bệnh này vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ vì hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy có xu hướng giảm chậm. Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, các nguồn lực bị thu hẹp. Mặt khác, nhân lực phục vụ cho công tác tuyên truyền cũng bị thu gọn do trước đây, tại các Trung tâm Y tế huyện, thành phố có riêng phòng truyền thông giáo dục sức khỏe, nhưng hiện nay đã được sáp nhập theo Thông tư 37/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Chính vì vậy, các hoạt động truyền thông tại cơ sở chưa được duy trì thường xuyên mà mới chỉ tập trung trong các chiến dịch.

ThsBs. Trần Thị Bích Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết: để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt mục tiêu 90:90:90 vào năm 2020, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị. Hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại cần ưu tiên tập trung ở địa bàn có nguy cơ cao trong đó lưu tâm các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; Tích cực chăm sóc hỗ trợ người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV. Đồng thời, chú trọng triển khai xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm. Phấn đấu, sang năm 2019, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy xuống dưới 15%. Giảm tỷ lệ nhiễm HIV của trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV xuống dưới 2%. Đảm bảo trên 80% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị thuốc ARV và hơn 70% người dân trong độ tuổi 15 đến 49 có hiểu biết đầy đủ về phòng, chống HIV/AIDS và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Nhìn chung, công tác phòng, chống HIV/AIDS được xác định là nhiệm vụ lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên để công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS mang tính liên ngành, toàn diện thì cũng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS để góp phần vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh HIV/AIDS, cũng như thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Phan Hạnh

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh do virus nCoV

CDC Hà Nam

09 mẫu bệnh phẩm thực hiện ngày 12/12/2020 âm tính với SARS-CoV-2.

Ngọc Nga

Cách chặn 5 bệnh hô hấp dễ mắc

CDC Hà Nam

Để lại bình luận