Hoãn xét xử vụ sự cố y khoa tại tỉnh Hòa Bình
Sáng 8-1, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đối với bảy bị cáo liên quan đến tội “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” làm chín người tử vong xảy ra ngày 29-5-2017. Do sự vắng mặt của bị cáo Hoàng Công Lương và một số người liên quan tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa đã đọc Quyết định hoãn phiên tòa.
Hai bị cáo bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người”, gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986) trú phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và Hoàng Công Lương (SN 1986), đăng ký hộ khẩu tại Quốc Oai, Hà Nội, thường trú xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, nguyên bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Năm bị cáo bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Trần Văn Sơn (SN 1990) trú phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, cán bộ công tác tại Phòng Vật tư thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965) trú xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962), trú phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương (SN 1962), trú phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976), trú phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, Giám đốc CTCP dược phẩm Thiên Sơn.
Phiên tòa dự kiến mở lại vào ngày 14-1. (Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Lùi ngày xét xử vụ tai biến chạy thận làm 9 người tử vong tại Hòa Bình ”; An ninh Thủ đô, trang 9: “Hoãn xét xử vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vì vắng mặt bị cáo Hoàng Công Lương”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Hoãn phiên tòa vụ án tai biến chạy thận ở Hòa Bình”; Sức khỏe & Đời sống, trang 11: “Hoãn xét xử vụ tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình”
Nguy cơ dịch bệnh dịp giáp Tết:Đến hẹn lại… lo!
Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh ở người trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, “đến hẹn” lại… lo. Thời tiết diễn biến bất thường, độ ẩm cao cùng với sự giao lưu đi lại, buôn bán gia tăng trong dịp giáp Tết Nguyên đán là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, đòi hỏi các cơ quan chức năng và mỗi người dân phải chủ động có biện pháp phòng, tránh.
giác với chủng cúm độc lực cao
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2018, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, ho gà, cúm… đều giảm. Cụ thể, sốt xuất huyết ghi nhận hơn 4.300 trường hợp (giảm gần 90% so với năm 2017), ho gà ghi nhận 79 trường hợp (giảm 46 trường hợp). Một số dịch bệnh có số ca mắc tăng như sởi, tay chân miệng đều được khống chế kịp thời và không có bệnh nhân tử vong.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Chẳng hạn như dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi MERS-CoV (hội chứng viêm đường hô hấp) tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, hay bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu – nơi có một số nước đã công bố loại trừ bệnh này. Còn tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số ca mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương và một số nơi vẫn ghi nhận rải rác bệnh cúm A/H5N6 trên gia cầm. Hiện tại là thời điểm gia tăng các hoạt động giao thương nên nguy cơ có dịch xảy ra nhiều hơn…
Đề cập đến nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trong mùa đông – xuân năm nay, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) cho biết, các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành ở một số quốc gia trong khu vực hiện nay, chủ yếu là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H5N6. Các chủng vi rút cúm này đều có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người, nhất là trong dịp Tết, mùa lễ hội. Kiểm soát tốt được dịch bệnh trên gia cầm sẽ làm giảm nguy cơ gây bệnh sang người.
Lo lắng nhất trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh vẫn là sự chủ quan của người dân. Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ngay cả với dịch bệnh sốt xuất huyết, dù số ca mắc giảm nhiều, song tại khu vực nội thành, vào mùa đông nhiều gia đình trang bị thêm các thiết bị sưởi ấm, khiến nhiệt độ trong nhà thường cao hơn ngoài trời. Vì vậy, nếu trong nhà có dụng cụ chứa nước không được xử lý, thì muỗi vẫn tiếp tục sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Hơn nữa, ở những nơi có khu thuê trọ, tập trung đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, không xử lý các ổ bọ gậy thường xuyên, làm cho mật độ muỗi truyền bệnh tăng cao.
Còn theo ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng bệnh, nhất là người dân sống ở khu vực nông thôn chưa được thường xuyên, liên tục. Thậm chí, có những phụ huynh không cho con tiêm đủ số mũi vắc xin theo khuyến cáo, đến khi mắc bệnh lại tự ý điều trị tại nhà. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…, cũng khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Giám sát chặt khu vực cửa khẩu
Một trong những biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là tiêm vắc xin. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho hơn 622.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Hà Nội phấn đấu có hơn 95% số trẻ trên địa bàn được tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 5-1, kết quả tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella mới đạt 91,72%. Một số quận có kết quả tiêm thấp như: Quận Hoàng Mai chỉ đạt 47,5%, Đống Đa 55%, Ba Đình 77%, Hoàn Kiếm 82,8%, Hai Bà Trưng 88,9%. “Các bậc phụ huynh hãy đưa con đi tiêm vắc xin bổ sung. Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người, mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý.
Cùng với tiêm vắc xin, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, nên ăn chín, uống chín. Nếu nhà có trẻ nhỏ, người lớn không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng như: Cốc, thìa. Vào những ngày trời lạnh nên ăn thức ăn nóng, ấm; không nên ăn thức ăn lạnh để tránh mắc các bệnh đường hô hấp… Dinh dưỡng hằng ngày cần bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, đạm động vật, chất béo, trái cây.
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp bệnh xâm nhập, nhất là các ổ dịch cũ. Các trường hợp về từ vùng có dịch cần tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc. (Hà Nội mới, trang 1)
Việt Nam phấn đấu loại trừ lây nhiễm HIV, viêm gan B từ mẹ sang con vào năm 2030
Ngày 8-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.
Nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về sức khỏe Phụ nữ, Trẻ em và Vị thành niên giai đoạn 2016-2030, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã xây dựng Khung kế hoạch loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030, đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên trên cơ sở khung kế hoạch khu vực, căn cứ điều kiện cụ thể của từng nước để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm tiến tới loại trừ 3 bệnh kể trên vào năm 2030.
Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030” với mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em (Bộ Y tế), trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 – 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.
Về dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con, theo báo cáo của các bệnh viện, tình hình mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc sớm giang mai chỉ khoảng 15,9%. Đối với Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con tại Việt Nam, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao từ 9,5 – 13%.
Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em, hiện có 3 đường lây truyền quan trọng của virus viêm gan B; đó là lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và qua đường tình dục. Trong đó, lây truyền từ mẹ mang virus viêm gan B sang con là đường lây quan trọng của virus viêm gan B, đặc biệt là tại các nước châu Á.
Vì vậy, để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định virus viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỷ lệ bảo vệ trên 90%)…
Tại Hội nghị, các đại biểu được tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con; thảo luận nhóm và xây dựng triển khai kế hoạch hành động tại địa phương; đề xuất các hoạt động trong thời gian tới cũng như nêu khó khăn, giải pháp để thực hiện kế hoạch tại địa phương, đơn vị. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Học sinh nhập viện sau khi uống trà sữa
Khoảng gần 16 giờ ngày 8.1, 15 học sinh lớp 5/3 Trường tiểu học Bành Văn Trân (cơ sở 3, số 17 Phú Hòa, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) có biểu hiện đau bụng, ói, nhức đầu…
Ngay lập tức nhà trường đã chuyển các học sinh đi cấp cứu tại Bệnh viện Q.Tân Bình. Sau khi được cấp cứu, giải độc và nghỉ ngơi, các học sinh đã ổn định sức khỏe.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết nhân dịp sinh nhật một cô giáo, cô đã mua trà sữa hiệu trên đường Bành Văn Trân cho cả lớp 35 em uống. Nhiều em sau khi uống 1/2 ly, có em đã uống hết ly trà sữa thì có biểu hiện như trên.
Lãnh đạo Phòng y tế, Trung tâm y tế Q.Tân Bình đã đến cơ cơ sở 3 Trường tiểu học Bành Văn Trân thu thập mẫu tại hiện trường và đến cơ sở trà sữa lấy mẫu về kiểm nghiệm.
Đại diện Ban giám hiệu Trường tiểu học Bành Văn Trân đã đến bệnh viện để động viên các em học sinh. Đến 18 giờ 30 cùng ngày, tất cả học sinh đã được bác sĩ đánh giá sức khỏe và cho về nhà theo dõi. (Thanh niên, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “15 học sinh nhập viện nghi do uống trà sữa”
Nhiều phòng ở Sở Y tế Cà Mau chỉ có lãnh đạo
Ngày 8-1, nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết Sở Y tế Cà Mau hiện nay có tình trạng tại nhiều phòng chuyên môn, nghiệp vụ, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Thậm chí, có phòng chỉ có lãnh đạo mà không có nhân viên.
Nguồn tin này cho biết theo đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở Y tế tỉnh Cà Mau được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt vào năm 2016 thì Sở Y tế có 61 biên chế công chức. Hiện tại, Sở Y tế Cà Mau có 7 phòng chuyên môn.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên thì phòng tổ chức cán bộ của sở này hiện có bốn người, tuy nhiên đã có đến ba lãnh đạo gồm: trưởng phòng và hai phó phòng. Tương tự, phòng nghiệp vụ y cũng có tới 3 lãnh đạo và chỉ có 1 nhân viên.
Không chỉ vậy, tại Sở Y tế Cà Mau còn có tình trạng có phòng chỉ có lãnh đạo mà không có nhân viên. Cụ thể, phòng bảo hiểm y tế và quản lý hành nghề hiện gồm trưởng phòng và hai phó phòng, không có nhân viên; còn phòng nghiệp vụ dược hiện nay chỉ có trưởng phòng và phó phòng, và cũng không có nhân viên.
Ông Trần Văn Dũng, quyền giám đốc Sở Y tế Cà Mau, thừa nhận có tình trạng trên và cho biết đây là tình trạng đã tồn tại những năm trở về trước.
Theo ông Dũng, các phòng còn thiếu sở sẽ bổ sung từ 1 đến 2 chuyên viên, vì vậy khi tuyển đủ thì số nhân viên sẽ tăng lên.
Ngoài ra, trong thời gian tới sở sẽ sắp xếp lại và dự kiến sẽ giảm một phòng, vì vậy vị trí lãnh đạo cũng được sắp xếp lại và giảm lãnh đạo phòng so với hiện nay. (Tuổi trẻ, trang 4)
Không để thiếu và tăng giá thuốc chữa bệnh
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn đề nghị các sở y tế địa phương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội sắp tới.
Ngày 8-1, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn đề nghị các sở y tế địa phương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cúm A, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa đông – xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, lễ hội sắp tới.
Đối với các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn cần triển khai kế hoạch dự trữ thuốc và tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh. Thanh tra các sở y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra, đặc biệt chú ý phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)