Điểm báo ngày 08/01/2019

(CDC Hà Nam)
32 ca tai biến nặng sau tiêm chủng; Xét xử vụ án sự cố chạy: bị cáo Hoàng Công Lương phải điều trị trầm cảm?; Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five nằm trong giới hạn; Hà Nội: Gần một nửa số ca đẻ trong năm 2018 là đẻ mổ

32 ca tai biến nặng sau tiêm chủng

Có gần 27.800 phản ứng sau tiêm chủng được ghi nhận trong năm 2018, trong đó có 32 phản ứng nặng, 3 trẻ trong số này đã tử vong. Theo ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vào viện trong những ngày cuối tháng 12-2018, đầu tháng 1-2019 có đông hơn, lý do là chuyển đổi văcxin, dùng văcxin mới 5 trong 1 ComBE Five (là loại văcxin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Nhiều bà mẹ lo lắng khi thấy con có phản ứng sốt, đau ở vị trí tiêm và đưa con vào viện.

Làm sao khi con sốt cao, đau vết tiêm?

Sau một tháng bị hoãn vì thiếu văcxin 5 trong 1, sáng 7-1 mẹ con cháu Đặng Khánh Duy, hơn 5 tháng tuổi ở Yên Bái, đến lịch hẹn tiêm văcxin ComBE Five mũi 2. Hơn 2 tháng trước, cháu Duy là một trong ba trẻ ở cùng phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được tiêm ComBE Five khi địa phương triển khai tiêm quy mô nhỏ.

“Sau khi tiêm về nhà cháu không sốt, nhưng có đau ở vết tiêm trong vòng 3 ngày, đau ở mức khi có người động vào là cháu kêu. Sau đó vị trí tiêm có bị cứng trong vòng vài ngày, hiện cháu đã trở lại bình thường” – mẹ cháu Duy cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền – y sĩ tại trạm y tế phường Nam Cường (Yên Bái), người được giao nhiệm vụ khám sàng lọc cho các cháu – cho biết tại buổi tiêm ComBE Five quy mô nhỏ hồi tháng 11-2018, phường có sáu cháu đến lịch tiêm nhưng có ba cháu ốm đúng vào ngày tiêm chủng, chỉ có ba cháu tiêm. 2/3 cháu sau đó có sốt dưới 38 độ trong vòng gần một ngày sau tiêm. Khi tỉnh Yên Bái bắt đầu tiêm chủng ComBE Five trên diện rộng, ngày 7-1, phường có 13 cháu đến theo lịch tiêm văcxin này.

“Sau 30 phút theo dõi tại trạm, chúng tôi sẽ gọi điện hỏi thăm các gia đình việc các cháu có gặp phản ứng sau tiêm hay không, hướng dẫn gia đình đưa trẻ đến ngay trạm y tế gần nhất”- chị Huyền cho biết.

Theo bà Dương Thị Hồng – trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho đến nay đã có 19 tỉnh thành triển khai tiêm văcxin ComBE Five, với trên 100.000 trẻ được tiêm.

Về khả năng văcxin này gây nhiều phản ứng sau tiêm hơn so với văcxin sử dụng nhiều năm gần đây là Quinvaxem, bà Hồng cho rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy tỉ lệ gặp các phản ứng sốt, quấy khóc, đau vết tiêm… có thể lên đến trên 50% khi tiêm Quinvaxem, ở văcxin mới tỉ lệ ghi nhận được cao nhất là 5,5%. Tuy số trẻ được tiêm hai văcxin này có chênh lệch rất cao, đánh giá ban đầu cho thấy phản ứng sau tiêm ComBE Five không cao hơn Quinvaxem.

Bà Hồng cũng đề nghị gia đình đồng hành cùng cán bộ y tế, theo dõi trẻ 1-2 ngày sau tiêm (không chỉ theo dõi sau 30 phút như trước đây – PV). Nếu thấy trẻ có các phản ứng sau tiêm như có phát ban, quấy khóc dai dẳng trên 3 tiếng đồng hồ, sốt cao, co giật, khó thở hoặc tím tái thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tiêm chủng dịch vụ cũng gặp phản ứng nặng sau tiêm

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tính đến tháng 11-2018, năm 2018 có gần 27.800 trẻ gặp các phản ứng sau tiêm, trong đó có 32 ca phản ứng nặng. 29 bé trong số này đã hồi phục và có ba trẻ tử vong sau tiêm các văcxin Quinvaxem và BCG. Đặc biệt, có ba trẻ gặp phản ứng nặng sau tiêm chủng văcxin dịch vụ, cả ba trường hợp này đều ở Hà Nội, các cháu đều được cấp cứu kịp thời.

Trong số 32 ca phản ứng nặng sau tiêm nói chung, có 20 ca gặp phản ứng sau tiêm văcxin Quinvaxem (loại văcxin tương tự ComBE Five) trong tổng số 3,5 triệu liều văcxin đã sử dụng, bảy trường hợp khác gặp phản ứng nặng sau tiêm văcxin viêm gan B, một cháu gặp phản ứng sau tiêm văcxin viêm gan B và BCG, một cháu sau tiêm văcxin BCG (BCG là loại văcxin được dùng để phòng bệnh lao) trên tổng số hơn 2 triệu liều đã tiêm của cả hai văcxin này.

Về nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm, có 68% các trường hợp được kết luận là do phản ứng quá mẫn với văcxin (sốc phản vệ), 19% các trường hợp là không rõ nguyên nhân, 13% là do trùng hợp với bệnh sẵn có của trẻ (Tuổi trẻ, trang 14).

Xét xử vụ án sự cố chạy: bị cáo Hoàng Công Lương phải điều trị trầm cảm?

Ngày 7/1, bà Đinh Thị Huyền Thư (SN 1986) đã gửi đơn đề nghị TAND TP Hòa Bình cho chồng bà là bị cáo Hoàng Công Lương – nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) được xét xử vắng mặt.

Theo đơn của bà Như, ngày 24/12/2018, ông Lương đã phải điều trị tại Khoa Nội thần kinh BV Hòa Bình sau khi được gia đình đưa đi cấp cứu tại đây. Lý do, ông Hoàng Công Lương đang hoảng loạn, sốc tâm lý lại nhận được giấy triệu tập bị cáo và quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Hòa Bình.

Hôm sau, Hoàng Công Lương được chuyển đến BV Bạch Mai khám và điều trị, kết quả cho thấy bị cáo này mắc rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm, phải uống thuốc 1 tháng và tái khám theo quy định. Ngày 30/12/2018, ông Lương tiếp tục phải vào BV Hòa Bình cấp cứu, đến nay vẫn đang điều trị.

Vì vậy, bà Đinh Thị Huyền Thư mong tòa án xem xét hoàn cảnh và sức khỏe của chồng mình không thể có mặt tại phiên tòa ngày 8/1; khi điều kiện sức khỏe tốt hơn sẽ lập tức tham gia phiên tòa.

Trong vụ án, bị đơn dân sự trong vụ án được xác định là BV Hòa Bình và Cty CP dược phẩm Thiên Sơn. Có 7 bị cáo phải hầu tòa gồm Hoàng Công Lương; Bùi Mạnh Quốc – GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh; Trần Văn Sơn – cán bộ phòng vật tư BV Hòa Bình; Trần Văn Thắng – trưởng phòng vật tư BV Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu – Phó GĐ BV Hòa Bình; Trương Quý Dương – GĐ BV Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn – GĐ Cty Thiên Sơn. Theo truy tố, tháng 9/2010, bị can Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BV Hòa Bình ký với bị can Đỗ Anh Tuấn – GĐ Cty Thiên Sơn hợp đồng mua sắm thiết bị chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, tại Đơn nguyên thận thuộc Khoa hồi sức cấp cứu BV Hòa Bình không có kỹ sư hoặc kỹ thuật viên về chất lượng nước dùng cho lọc máu.

Tháng 4/2017, bị can Trần Văn Sơn – cán bộ Phòng vật tư BV Hòa Bình phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 dùng trong chạy thận hỏng nên lập biên bản và được Trần Văn Thắng – Trưởng phòng vật tư, Hoàng Công Lương – bác sĩ phụ trách Đơn nguyên thận ký đề nghị sửa chữa. BV Hòa Bình đã thuê Cty Thiên Sơn sửa chữa với giá gần 100 triệu đồng nhưng doanh nghiệp này thuê lại Bùi Mạnh Quốc – GĐ Cty xử lý nước Trâm Anh thi công với giá chỉ gần 50 triệu đồng.

Ngày 28/5/2017, Quốc sửa chữa, tẩy rửa màng lọc RO và vô ý để axit lẫn vào trong hệ thống. Tuy vậy, Quốc vẫn thông báo tới Trần Văn Sơn việc sửa chữa đã xong nên Sơn báo lại cho điều dưỡng tại Đơn nguyên thận việc này. Sáng hôm sau, Hoàng Công Lương chỉ nhận tin từ điều dưỡng viên – người không có trách nhiệm về chất lượng nước nói đã sửa chữa xong nhưng đã ra y lệnh chạy thận khiến 8 người chết. Vì vậy, các bị can Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.

Tiếp đến, bị can Hoàng Đình Khiếu – Phó GĐ BV Hòa Bình phụ trách Phòng vật tư kiêm Trưởng khoa hồi sức được xác định buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng hệ thống lọc nước RO sau khi sửa chữa được sử dụng luôn khi chưa có kết quả kiểm tra, xét nghiệm… Bị can Trần Văn Thắng thiếu kiểm tra cấp dưới (Trần Văn Sơn), không làm hết trách nhiệm tham mưu với cấp trên… góp phần gây ra hậu quả vụ án.

Tương tự, bị can Trương Quý Dương đã không làm hết nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý với cấp dưới dẫn tới vi phạm trong thời gian dài. Bị can Đỗ Anh Tuấn là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề liên quan Cty Thiên Sơn nhưng đã bỏ mặc bị can Quốc tự sửa chữa hệ thống lọc nước. Vì vậy, VKSND truy tố các bị can Trần Văn Sơn, Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo VKSND tỉnh Hòa Bình, hậu quả vụ án có trách nhiệm về quản lý Nhà nước với hoạt động chữa bệnh bằng kỹ thuật nhân tạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hòa Bình. Cụ thể, kỹ thuật nhân tạo được thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện trên cả nước nhưng trước ngày 29/5/2017, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn, quy trình thận nhân tạo, không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO. Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định về chủ thể đủ điều kiện, tiêu chuẩn sửa chữa bảo dưỡng hệ thống RO trong chạy thận.

Đặc biệt, VKSND cho rằng có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng nước dùng cho lọc máu nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây là một trong những điều kiện góp phần gây ra hậu quả vụ án. Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng không kiểm tra, thanh tra thường xuyên về hoạt động lọc máu của BV Hòa Bình. Do đó, VKSND tỉnh Hòa Bình sẽ có kiến nghị về việc bổ sung, sửa đổi những quy định liên quan hoạt động lọc máu tại các cơ sở y tế trên cả nước (Tiền phong, trang 10).

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five nằm trong giới hạn

Đó là ý kiến của ông Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại cuộc họp báo về tình hình triển khai vaccine ComBE Five do Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức vào chiều 7-1. Ông Đặng Đức Anh cũng cho biết vaccine Quinvaxem phối hợp 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam từ tháng 6-2010. Nhưng từ năm 2016, Công ty Berna Biotech Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem trên qui mô toàn cầu. Vì thế, Bộ Y tế đã xem xét và quyết định sử dụng vaccine ComBE Five thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Từ tháng 10 và tháng 11-2018, Bộ Y tế đã triển khai vaccine DPT-VGB-Hib ComBE Five, do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu). Kết quả đã tiêm được 17.356 trẻ và tỷ lệ xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.

Sau khi triển khai trên qui mô nhỏ tại 7 tỉnh, từ tháng 12- 2018, vaccine ComBE Five được triển khai trên toàn quốc. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phân bổ vaccine đến 63 tỉnh/thành phố và hướng dẫn triển khai tiêm vaccine; chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, đặc biệt là khám sàng lọc và tư vấn cho các bậc cha mẹ cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Căn cứ vào lịch tiêm chủng thường xuyên, các tỉnh/thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin ComBE Five. Đến nay, vaccine ComBE Five đã triển khai tại 19 tỉnh/thành phố: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Cà Mau. Đã có 101.862 trẻ được tiêm vắc xin ComBe Five. Theo đại diện  Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc… là 1,73%. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở với tỷ lệ khoảng 0,05%. C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.  Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng).°Ông Đặng Đức Anh cho biết: Vaccine ComBE Five có thành phần tương tự như vaccine Quinvaxem. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vaccine  chứa thành phần ho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39

Ông Trần Đắc Phu –Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện tiêm vaccine ComBE Five theo kế hoạch, thực hiện đúng qui trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm chủng, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Bộ Y tế cũng khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.

Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút  để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. “Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như sốt cao từ 39 độ C trở lên , co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.”- Ông Đặng Đức Anh lưu ý. Về việc 2 trẻ ở Nam Định tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five, ông Đức Anh thông tin, đây là hai trẻ tử vong có triệu chứng xuất hiện 36 giờ sau tiêm. Hội đồng chuyên môn đã họp và xác định cháu bé tử vong không liên quan đến thực hành tiêm chủng, không sốc phản vệ. Nguyên nhân tử vong vẫn còn đang xem xét. Mặc dù ngành y tế khẳng định đã tập huấn kỹ lưỡng cho các nhân viên y tế về tiêm vaccine  ComBE Five cũng như tất cả các loại vaccine khác và cán bộ tham gia tiêm chủng đều phải có chứng chỉ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác thực hành khám sàng lọc tại các trạm y tế xã/phường có đảm bảo hay không. Bởi nếu sàng lọc không tốt có thể dẫn đến trẻ bị bệnh mà vẫn cho tiêm vaccine, gây phản ứng trong cơ thể của trẻ (Công an nhân dân, trang 7).

Hà Nội: Gần một nửa số ca đẻ trong năm 2018 là đẻ mổ

Năm 2018 vừa qua, tổng số ca đẻ tại các bệnh viện của thành phố Hà Nội là 79.255 ca, trong đó có 35.638 ca phẫu thuật lấy thai (đẻ mổ), chiếm tỷ lệ 45%…Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác khám chữa bệnh năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019.

Theo báo cáo của Sở Y tế, so với năm 2017, năm 2018 vừa qua, số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú, số ca phẫu thuật đều tăng. Cụ thể, số lượt bệnh nhân khám bệnh là 6.679.853 lượt, tăng 4,5%, trong đó tăng nhiều tại các bệnh viện chuyên khoa với 5,5%. Tổng số lượt khám BHYT là 4.400.103 lượt.

Số giường bệnh kế hoạch năm 2018 là 12.265 giường, tăng 1.515 giường; công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường kế hoạch năm 2018 là 120%, cơ bản không còn tình trạng nằm ghép. So với năm 2017, số lượt người bệnh điều trị nội trú cũng tăng 6,5% tại các tất cả các tuyến (các bệnh viện thành phố tăng 8%, các bệnh viện huyện tăng 2,7%).

Trong tổng số người bệnh được điều trị nội trú tại bệnh viện có 71,5% người bệnh được điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến thành phố. Tổng số lượt người bệnh điều trị nội trú BHYt tại các bệnh viện năm 2018 là 514.284 lượt, chiếm 67% so với tổng số lượt khám chữa bệnh, tăng 6,9% so với năm 2017.

Về triển khai các kỹ thuật, dịch vụ y tế, năm 2018, các bệnh viện của Hà Nội đã thực hiện 1.995.796 thủ thuật, vượt 16,7% so với năm 2017. Tổng số phẫu thuật được thực hiện là 144.539 ca, trong đó, kỹ thuật nội soi được thực hiện tại các bệnh viện hạng I.

Cũng trong năm 2018, tổng số ca đẻ tại các bệnh viện là 79.255 ca, trong đó có 35.638 ca phẫu thuật lấy thai (đẻ mổ), chiếm tỷ lệ 45%.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện của thành phố trong thời gian tới cần tiếp tục cải cách công tác quản lý bệnh viện, tổ chức tốt công tác thường trực cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú, cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy chế chuyên môn; đẩy mạnh triển khai các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, tiếp tục triển khai ghép tạng (An ninh thủ đô, trang 8). 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/12/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận