Điểm báo ngày 23/01/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 23/01/2019

Vụ án chạy thận khiến 9 người chết: Viện KSND khẳng định nguyên giám đốc Bệnh viện Hòa Bình phải chịu trách nhiệm; Khoảng 3 triệu trẻ em Việt bị nhược thị, 65% đeo kính không đúng

 

Vụ án chạy thận khiến 9 người chết: Viện KSND khẳng định nguyên giám đốc Bệnh viện Hòa Bình phải chịu trách nhiệm

Ngày 22.1, sau khi đại diện Viện KSND TP.Hòa Bình công bố quan điểm luận tội, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần đối đáp giữa các luật sư và đại diện Viện KSND. Bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), các luật sư cho rằng Viện KSND cáo buộc thân chủ của mình vì không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên, thì ngay chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định là hiện nay chưa có chức danh này. Bên cạnh đó, theo các luật sư, trách nhiệm quản lý hệ thống lọc nước RO số 2 tại Khoa Hồi sức tích cực thuộc về bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực) và Phó trưởng khoa Hoàng Công Tình chứ không thể là bị cáo Dương.

Đối đáp lại, đại diện cơ quan công tố cho rằng việc bị cáo Dương không bố trí kỹ sư, kỹ thuật cho đơn nguyên thận nhân tạo, không giám sát, kiểm tra đối với bị cáo Khiếu là hành vi buông lỏng quản lý, dẫn đến việc bàn giao hệ thống máy lọc nước RO số 2 không đảm bảo, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự cố.

“Từ năm 2013 đến khi xảy ra sự cố không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm việc sửa chữa máy móc, thiết bị thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước vụ việc”, đại diện Viện KSND nêu quan điểm và khẳng định: “Luật sư cho rằng, việc bố trí phân công là của trưởng khoa. Tuy nhiên, quan điểm của Viện KSND là việc bố trí nhân lực là nhiệm vụ của giám đốc, giám đốc có quyền phân công cho trưởng khoa nhưng phải giám sát việc thực hiện”.

Trong chiều 22.1, phiên tòa cũng diễn ra phần đối đáp giữa các luật sư bào chữa cho bị cáo Khiếu và bị cáo Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư và thiết bị y tế) với đại diện của Viện KSND. Theo đó, đại diện cơ quan công tố giữ nguyên quan điểm luận tội và cho rằng các quan điểm được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở. Trước đó, Viện KSND đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Dương 30 – 36 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Khiếu và Thắng 36 – 42 tháng tù cùng về tội danh trên (Thanh niên, trang 18).

 

Khoảng 3 triệu trẻ em Việt bị nhược thị, 65% đeo kính không đúng

Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội vừa tổ chức hội thảo Vị trí và vai trò của khúc xạ nhãn khoa trong ngành nhãn khoa. Phát biểu tại đây, PGS, TS Phạm Trọng Văn, Trưởng Bộ môn Mắt – Đại học Y Hà Nội cho biết, tỷ lệ mắt tật khúc xạ ở Việt Nam ước tính ở mức 15% đến 40%, xấp xỉ khoảng 14- 36 triệu người.

Đối với trẻ em (từ 6-15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15 % ở nông thôn. Như vậy, ước tính có 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.

Cũng vì thế, tật khúc xạ hiện nay được nhận định như là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là một ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia về phòng chống mù loà của Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, việc cung cấp kính cho người bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp phần giảm tỷ lệ các bệnh mù loà có thể phòng tránh được.

Thế nhưng, kết quả điều tra đánh giá về chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Tổ chức Brien Holden Vision Institute phối hợp với Bệnh viện Mắt trung ương thực hiện mới đây lại cho thấy, có tới 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính là bị sai do người đo kính không được đào tạo bài bản. Hơn nữa, nguồn nhân lực nhãn khoa được đào tạo bài bản còn hạn chế khiến cho các dịch vụ chăm sóc khúc xạ cũng bị thiếu trầm trọng.

Theo PGS.TS Phạm Trọng Văn, có hơn 50% dân số cần được chăm sóc tật khúc xạ ở những mức độ khác nhau trong khi nguồn nhân lực về khúc xạ nhãn khoa chưa đủ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ của người dân đang ngày một tăng. Các bác sĩ mắt là nguồn nhân lực chính nhưng nguồn lực này còn hạn chế và phân bố không đều khi các bác sĩ chủ yếu tập trung ở các thành phố.

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Bruce Moore, chuyên gia khúc xạ nhãn nhi – Đại học Nhãn khoa New England (Mỹ) cho biết, trên thế giới hiện có 640 triệu người giảm thị lực do tật khúc xạ không được chỉnh kính, trong đó 80% có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng.

Giáo sư Bruce nêu rõ, nhược thị sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ. Việc phát hiện sớm rối loạn thị giác sẽ giúp trẻ có được sự hỗ trợ tốt nhất để trẻ có thể học tập bình thường. Việc không phát hiện và không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới khả năng học tập của trẻ từ 3-5 năm chậm hơn các bạn khác.

“Nhược thị là tình trạng bệnh có thể điều trị được hơn 90% nếu phát hiện sớm. Nếu có hệ thống chăm sóc mắt ban đầu tốt sẽ giải quyết được vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên, đây là điều khó vì không phải quốc gia nào cũng làm được” – GS Bruce nói (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/8/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận