Điểm báo ngày 04/11/2019

(CDC Hà Nam)
Hà Nội: Tổ chức chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” đợt II năm 2019; Kiến nghị cơ quan chức năng thẩm định hướng trị liệu tự kỷ mới của Tâm Việt; Cái kết đắng: Khi thẩm mỹ viện làm thay bác sĩ…

Tiến nhanh tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

“Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT” là những chỉ tiêu mà Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội giao cho Chính phủ. Thế nhưng, đến thời điểm này, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đã có những kết quả vượt xa mục tiêu ban đầu. Ðiều đó cho thấy, sau sáu năm triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Việt Nam đang có những bước tiến nhanh và chắc trên lộ trình hướng tới BHYT toàn dân.

Tỷ lệ bao phủ vượt mục tiêu

Chính phủ đã có Báo cáo số 413/BC-CP ngày 20-9 vừa qua, gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 (gọi tắt là Nghị quyết 68) về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Theo báo cáo, năm 2019, cả nước đã có khoảng 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết 68 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg là 1,7%. Trong đó, có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT ước hơn 90% dân số; 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 88,1 đến dưới 90% và 29 địa phương đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 88,1%. Thống kê cho thấy, các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao là nhóm người thuộc khối ngành sự nghiệp; nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng hoặc được Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT, như: người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới sáu tuổi… Ðồng thời, tỷ lệ bao phủ BHYT chưa cao tập trung vào các nhóm, như: người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên; hộ gia đình.

Một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Nghị quyết 68 của Quốc hội cũng giao Chính phủ: Ðến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ NSNN trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Bộ Y tế đã tích cực tổ chức triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết quả cho thấy, tình trạng quá tải ở các bệnh viên tuyến T.Ư cũng được cải thiện đáng kể, những chuyên khoa quá tải hàng đầu, như: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi… đều có xu hướng giảm… Tại Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh là 168% (năm 2011) giảm xuống còn 112% (năm 2018); Bệnh viện K có công suất sử dụng giường bệnh là 249% (năm 2011) còn 98% (năm 2018)… Tình trạng quá tải ở khu vực nội trú ở các bệnh viện tuyến T.Ư và bệnh viện tuyến cuối của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, quyền lợi của người bệnh BHYT cũng được nâng lên rõ rệt, vì không phải trả thêm hoặc tự mua một số thuốc, vật tư y tế mà trước đây họ phải tự mua hoặc phải trả thêm do quỹ BHYT không thanh toán. Các bệnh viện tuyến dưới cũng được khuyến khích thực hiện các kỹ thuật mới, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và từng bước giảm quá tải cho tuyến trên.

Nghị quyết 68 cũng chỉ rõ, đến năm 2020 sẽ hoàn thành lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyển chi thường xuyên từ NSNN cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Theo báo cáo năm 2018, cả nước đã sử dụng khoảng 31.140 tỷ đồng; năm 2019 sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách tham gia BHYT…

Tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân

Ðánh giá của Chính phủ cho thấy, có được những kết quả ấn tượng nêu trên chính là nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp hiệu quả của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ban ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT. Ðồng thời tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, cải tạo, mở rộng cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn… để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.

Ðể phấn đấu đến năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ: Tập trung phát triển BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng ứng đầy đủ quyền lợi BHYT. Ðổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán…

Ðể thực hiện những nội dung này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa nội dung đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vào nghị quyết về kinh tế – xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và nghị quyết về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, xem xét cân đối vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho chương trình “Ðầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á; cho dự án “Ðầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” vay vốn Ngân hàng Thế giới để có thể thực hiện ngay trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Ðồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã được Thủ tướng giao. Bảo đảm ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 100%; ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia BHYT. Thúc đẩy bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Riêng với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, được sử dụng theo nguyên tắc: Dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành (ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã) và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực y tế… (Nhân dân, trang 4).

 

Kiến nghị cơ quan chức năng thẩm định hướng trị liệu tự kỷ mới của Tâm Việt

Nếu phương pháp Tâm Việt là hiệu quả, an toàn, hoặc có những điều còn chưa hoàn thiện, cần phải nghiên cứu thêm, nên có công bố cho phụ huynh và những người quan tâm khác, tránh hoang mang, tranh cãi, làm tổn thương lẫn nhau, không giúp ích gì cho các cháu tự kỷ…

Liên quan đến những lùm xùm trong phương pháp trị liệu, can thiệp tự kỷ tại Trung tâm Tâm Việt mà báo chí phản ánh, ngày 3-11, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN), một tổ chức của các tổ chức, cá nhân quan tâm và có các hoạt động liên quan đến người tự kỷ tại Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học và các nhà chuyên môn về tự kỷ thẩm định “phát minh mới, hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ” của ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tâm Việt.

Văn bản của VAN nêu rõ: “Ông Phan Quốc Việt, người mở trung tâm Tâm Việt “Huấn luyện người tự kỷ thành kỷ lục gia” thường quảng bá là có phát minh mới, mở ra hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ. Rất nhiều phụ huynh có con tự kỷ bị thu hút bởi những quảng bá này.

Tuy vậy, trên thực tế ông Phan Quốc Việt chưa bảo vệ thành công một công trình khoa học và được công nhận phát minh này, hay phương pháp này ở bất cứ đâu. Ông Việt có học vị tiến sĩ, đương nhiên biết các qui trình khoa học này, nhưng chưa thực hiện, đã tổ chức trung tâm huấn luyện và thu phí, tiến hành quảng bá trên mạng, trả lời báo chí, hứa hẹn với phụ huynh việc sẽ huấn luyện thành công, như vậy có đúng pháp luật hay không? Có hay không việc trẻ tự kỷ trở thành vật thí nghiệm của phương pháp chưa kiểm định khoa học?”.

Bản kiến nghị của VAN cũng cho rằng, sự tranh luận sẽ không đi đến đâu nếu không có các “trọng tài”. Thực tế cho thấy, tại Mỹ, Úc, Anh, Singapore, và một số nước tiên tiến khác đều có thống kê 27 phương pháp có căn cứ khoa học, và minh bạch thông tin này, để các gia đình và người chăm sóc trẻ tránh được những biện pháp thiếu căn cứ khoa học, dẫn đến tổn hại chi phí, sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ tự kỷ.

Do vậy, VAN mong muốn ở Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội, các nhà chuyên môn được đào tạo các lĩnh vực thần kinh học, vận động trị liệu, tâm lý, giao tiếp, hành vi, giáo dục đặc biệt, các hội về Người khuyết tật, về Trẻ em… cùng xem xét vấn đề nêu trên.

Nếu phương pháp Tâm Việt là hiệu quả, an toàn, hoặc có những điều còn chưa hoàn thiện, cần phải nghiên cứu thêm, nên có công bố cho phụ huynh và những người quan tâm khác, tránh hoang mang, tranh cãi, làm tổn thương lẫn nhau, không giúp ích gì cho các cháu tự kỷ.

Trong khi vấn đề chưa được làm sáng tỏ, VAN khuyến cáo phụ huynh toàn mạng lưới chỉ sử dụng những can thiệp có kiểm chứng như các nước tiên tiến khuyên dùng. Hệ thống tư vấn hỗ trợ phụ huynh của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam được đặt trên website http://A365.vn, đây là website được tập thể các nhà khoa học xây dựng với các tư vấn của chuyên gia được đào tạo bài bản về tự kỷ trong ngoài nước. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở thẩm mỹ

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với UBND quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các cơ sở đăng ký kinh doanh là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.

Liên quan đến 2 ca tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ tại TPHCM, chiều 3-11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Emcas, nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân V.N.A.T. (sinh năm 1986) sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực vào ngày 17-10 là suy hô hấp do tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi dẫn đến ngừng tim; rối loạn nhịp tim nặng… Sai sót chuyên môn trong trường hợp này là bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chưa có quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật nên khó phát hiện khi người bệnh trở nặng để xử trí kịp thời. Bệnh viện Emcas cũng ghi chép hồ sơ bệnh án sơ sài, chưa thể hiện được chẩn đoán sơ bộ và hướng xử trí phù hợp.

Đối với sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Kangnam, nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân C.T.L. (sinh năm 1960) sau phẫu thuật căng da mặt vào ngày 11-10 là do sốc phản vệ (mức độ 3, 4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật.

Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo 2 bệnh viện phải thực hiện báo động đỏ liên viện đến bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ kịp thời khi có tình huống người bệnh nguy kịch. Riêng đối với trường hợp bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Emcas có dấu hiệu làm giả quyết định bổ sung phạm vi chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Emcas ngưng ngay hợp đồng và tiến hành rà soát chứng chỉ hành nghề đối với tất cả nhân viên đang hợp đồng tại bệnh viện.

“Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với UBND quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các cơ sở đăng ký kinh doanh là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, kiên quyết không để hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hành nghề quá chức năng cho phép… xảy ra trên địa bàn quản lý”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Cảnh báo: Giả danh là người nhà bệnh nhân để xin tiền tài trợ

Phòng Công tác xã hội, BV Bạch Mai vừa phát hiện một đối tượng lừa người nhà bệnh nhân (BN) để xin tiền hỗ trợ trong bệnh viện.

Cụ thể: Bệnh nhân Lò Văn Đ. (Lai Châu) hiện đang điều trị tại Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai, gia đình thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc Thái (không giao tiếp được nhiều tiếng kinh). BN có tiền sử Thalassemia vào viện do nhiễm trùng bàn chân, vết thương hoại tử bàn chân nhiều nên đã phải cắt cụt cẳng chân phải.

Dự kiến BN sẽ được ra viện ngày 31/10, biết BN có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng đã tiếp cận để người nhà BN ngồi ở sảnh tầng 1 – nhà ăn bệnh viện để xin tiền rồi sau đó chiếm đoạt số tiền đó. Đối tượng là một phụ nữ trung tuổi, tóc ngắn tự nhận với những người xung quanh là người nhà của BN đã trải chiếu, cùng 1 cái đĩa để “mồi” ít tiền lẻ cho BN Đ. ngồi xin tiền.

Khi nhân viên Phòng CTXH nói, nếu là người nhà BN thì về Khoa để làm thủ tục hành chính cho BN xuất viện thì đối tượng lẩn trốn. Khi đó người nhà BN mới kể lại là không biết đối tượng này, chỉ gặp ở hành lang và được rủ đi lấy tiền…

Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của BN nội trú của Bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo người dân nhẹ dạ và BN kém hiểu biết.Phòng CTXH thông báo để người dân và các cán bộ y tế nâng cao cảnh giác và không tin vào những thông tin, hình ảnh chưa được xác thực. Nếu muốn hỗ trợ người bệnh khó khăn xin liên hệ trực tiếp Phòng CTXH hoặc các cán bộ màng lưới CTXH tại đơn vị để được hướng dẫn cụ thể. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Đỉnh dịch sốt xuất huyết, bệnh viện kín người

Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh, hành lang bệnh viện ken đặc bệnh nhân đến khám và điều trị SXH. Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm nay, cả nước có hơn 200.000 ca mắc SXH, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong.

Thêm giường, tăng giờ khám

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa nhiễm D (Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM), cho biết những ngày cuối tháng 10, số bệnh nhân đến khám vì SXH tăng mạnh. Có thời điểm, số bệnh nhân điều trị SXH tại bệnh viện lên đến 300 người, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân của toàn bệnh viện.

Do số bệnh nhân phải nhập viện điều trị tăng cao nên số giường bệnh sẵn có không đủ, đơn vị này phải kê thêm giường dọc hành lang để tiếp nhận bệnh. Riêng khoa nhiễm D do bác sĩ Phong làm trưởng khoa đã phải kê thêm hơn 30 giường bệnh san sát nhau tại hành lang.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), từ tháng 9 đến nay đã có sự thay đổi về tỷ lệ của một số bệnh thường gặp. Trong đó, tỷ lệ trẻ mắc bệnh SXH tăng nhanh, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và tỷ lệ trung bình trong 5 năm vừa qua. Dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Trúc (ngụ TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có con nhỏ 7 tuổi đang điều trị SXH tại BV Nhi đồng 1 chia sẻ, ban đầu thấy con biếng ăn, mệt mỏi rồi lên cơn sốt. Gia đình chỉ nghĩ là bé bệnh cảm thông thường do thay đổi thời tiết nên ra tiệm mua thuốc hạ sốt cho con.

Tuy nhiên, qua 2 ngày bệnh tình của con vẫn không giảm, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương để khám thì phát hiện bị SXH. Lo lắng bệnh chuyển nặng nên gia đình chuyển con lên tuyến trên điều trị. Dù con trai đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực nhưng chị Trúc vẫn rất lo lắng, nhất là khi vừa cách đây vài ngày, đã có một bệnh nhi tại Đồng Nai tử vong vì SXH.

Anh Nguyễn Đông Hồ (quê huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cũng đang điều trị SXH tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Làm việc trong một bãi phế liệu ở vùng ven TP.HCM, cây cối rậm rạp nên có khá nhiều muỗi nên anh Hồ thường xuyên bị muỗi chích. Nghĩ việc bị muỗi cắn là “chuyện nhỏ” nên anh vẫn làm việc bình thường, cho đến khi bị sốt cao, lạnh run nhưng uống thuốc cảm không hết. Khi đến bệnh viện xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện tiểu cầu giảm, huyết áp tụt…, anh Hồ được nhập viện điều trị SXH.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh nhân Toan vừa bị sốt nhiễm trùng do vi khuẩn trên nền SXH nên sốt cao kéo dài hơn các ca SXH thông thường. Nếu không được điều trị sớm, chỉ cho rằng SXH đơn thuần thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), con trai bệnh nhân Nguyễn Thị Toan (nhà ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, mẹ anh “đùng đùng” sốt cao vào thứ 7 (26/10), gia đình đưa bà đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên). Xét nghiệm máu cho thấy bà bị SXH. Tuy nhiên do bà mệt nặng, sốt cao không giảm nên đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Sau 5 ngày sốt cao, đến sáng 31/10 mới giảm. “Gia đình chưa có ai bị SXH nhưng quanh vùng cũng đã thấy nhiều người bị” – anh này cho biết.

Tử vong do chủ quan

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhận định, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố vẫn đang tăng mạnh, chưa có dấu hiệu giảm. Trung bình mỗi tuần, TP.HCM có thêm khoảng 1.800 ca mắc SXH. Đã có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn, hầu hết do đến bệnh viện trễ sau một thời gian tự điều trị tại nhà hoặc kèm theo bệnh lý như béo phì, bệnh mạn tính.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, SXH là bệnh nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng cách. Như trong 9 trường hợp tử vong vì SXH tại TP.HCM, các bệnh nhân này phần lớn đều đến bệnh viện trễ. Khi phát bệnh đã không đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Tại Hà Nội, theo Sở Y tế, từ ngày 21-27/10, toàn thành phố ghi nhận 770 ca SXH (giảm 61 trường hợp so với tuần trước) và đang có chiều hướng giảm khi không khí lạnh tràn về. Tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8.416 ca SXH, không có trường hợp tử vong. Hiện, 95,5% ca mắc SXH đã khỏi và được xuất viện.

PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca SXH trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu chững lại, số ca mắc mới đã giảm hơn so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã không được chủ quan mà phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Về nguyên nhân gia tăng các ca SXH, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai-Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM thông tin, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng gia tăng số ca mắc SXH. Nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường tăng tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng, phát triển. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa ở nhiều địa phương tăng nhanh, xen kẽ giữa các tòa cao tầng là những khu “ổ chuột”, sập xệ không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng là điều kiện phát tán muỗi mang mầm bệnh.

Theo bác sĩ Dũng, hiện TP.HCM đã và đang tăng cường các chiến dịch phòng chống SXH. Tuy nhiên, việc này không thể chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng mà phải dựa vào ý thức của người dân và cộng đồng. Theo đánh giá, một số quận, huyện khu vực ngoại thành TP.HCM hiện vẫn chưa kiểm soát tốt các điểm nguy cơ gây SXH. Nhất là những cơ sở kinh doanh vỏ xe, bồn nước cũ, vựa ve chai, các hộ chăn nuôi, hộ gia đình có vật chứa đựng nước ngoài trời… là những cơ sở có nhiều vũng nước đọng, tạo ổ muỗi.

Ông Phạm Hùng – Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 10, cả nước ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc SXH. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 ca tử vong. Hiện, 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân SXH.

Theo ông Hùng, hiện ở ngoài Bắc, khi mùa đông bắt đầu thì số ca SXH đang giảm dần, tuy nhiên tình hình dịch vẫn phức tạp ở phía Nam khi mùa mưa bão vẫn đang kéo dài. (Nông thôn ngày nay, trang 1).

 

Nhiều ca xuất huyết bất thường

Nhận định về số ca mắc SXH trong thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, ảnh) cho biết: Năm nay xuất hiện nhiều ca SXH bị xuất huyết ồ ạt, bất thường.

Bác sĩ nhận định thế nào về tình hình bệnh SXH hiện nay. Có điều gì đáng phải lưu tâm?

– Theo chu kỳ, thời gian này thường là giai đoạn bùng phát cao nhất số ca mắc SXH trong năm và đi đến thoái trào. Tại Bệnh viện Nhiệt đới thường xuyên có từ 20-40 ca nhập viện/ngày, trong đó, có 3-4 ca được chuyển đến Khoa Cấp cứu để điều trị các triệu chứng nặng như xuất huyết, nhiễm trùng, suy đa tạng… Có một số ca chuyển đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng chảy máu ổ bụng ồ ạt gây sốc, có ca lại chảy máu mũi rất nhiều, khó cầm… Có thể nhận thấy, số ca xuất huyết bất thường năm nay nhiều hơn như chảy máu dạ dày, chảy máu ổ bụng… Hiện chưa xác định được yếu tố thúc đẩy chảy máu nhiều trong những ca SXH. Nhưng có lẽ mỗi năm bệnh dịch có sự khác nhau, ví dụ như năm 2007-2008 thì số ca SXH bị suy đa phủ tạng nhiều…

Vì sao những trường hợp biến chứng SXH, thậm chí tử vong đa số là người có bệnh mãn tính, huyết áp cao, béo phì, người già…, thưa bác sĩ?

– Những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch thì mạch máu sẽ yếu, dễ bị vỡ gây chảy máu ồ ạt khó cầm, xuất huyết não. Đặc biệt, khi bị SXH, bệnh nhân bị thoát dịch (huyết tương thoát khỏi mạch máu) và gây tụt huyết áp. Người bị huyết áp cao thì tụt huyết áp sẽ trở về huyết áp bình thường nên rất dễ bị bỏ qua biến chứng thoát dịch, dẫn đến bệnh nhân bị sốc do giảm khối lượng tuần hoàn, đến khi phát hiện thì đã muộn.

SXH thường gây tổn thương gan, nếu kèm các bệnh mãn tính thì triệu chứng tổn thương gan nặng hơn, chức năng gan giảm, làm giảm khả năng đông máu và gây chảy máu nhiều hơn. SXH cũng có giai đoạn làm hạ bạch cầu trong máu.

Nếu cơ địa giảm miễn dịch do các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy gan, suy thận thì nguy cơ nhiễm trùng gia tăng. Bệnh nhân vừa sốt do bệnh SXH, vừa sốt nhiễm trùng thì kể cả bác sĩ cũng dễ bỏ sót nguyên nhân sốt nhiễm trùng mà không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ cao.

Các bệnh nhân bị SXH thường lo lắng đi xét nghiệm máu liên tục. Theo bác sĩ điều này có cần thiết?

– Ba ngày đầu SXH, bệnh nhân thường sốt rất cao 39-40 độ, đau đầu dữ dội nhưng lại ít biến chứng. Các nguy hiểm bắt đầu từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, khi đó các triệu chứng sốt giảm, nhưng nguy cơ xuất huyết lại gia tăng.

Đây là lúc mà bệnh nhân và người nhà cần phải chú ý nhiều. Trong khi đó, nguy hiểm nhất là người dân thường chủ quan khi giảm sốt, cứ nghĩ đã giảm sốt là khỏi bệnh.

Ở giai đoạn bệnh ngày thứ 4-7, bệnh nhân có nguy cơ bị thoát dịch, máu bị cô đặc hoặc hạ tiểu cầu trong máu. Các triệu chứng này chỉ có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm, cho nên người dân nên xét nghiệm máu mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng phải cảm nhận sức khỏe của mình khi thấy mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, đi tiêu, tiểu ra máu, nôn ra máu hoặc chảy máu cam, xuất huyết dưới da nhiều… Còn trẻ em, cha mẹ có thể theo dõi xem con có bị mệt lả, ly bì, bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ hay không… Nếu có các triệu chứng trên cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Đối với bệnh SXH, giai đoạn lui sốt là giai đoạn phải cảnh giác cao. Nhiều nguy cơ chảy máu dạ dày, ổ bụng, trong cơ, xuất huyết não… mà không có đau đớn báo trước. Không ít ca bệnh SXH nhập viện muộn, tử vong cũng vì chủ quan “hết sốt tưởng hết bệnh”.

– Xin cảm ơn bác sĩ!

Một người có thể bị mắc SXH 4 lần

“SXH không loại trừ bất cứ ai, dù người già hay trẻ nhỏ. Hiện có 4 týp virus SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ SXH 4 lần trong cả đời người”.

Phụ nữ mang thai mắc SXH phải thận trọng

“Gần đây khoa thường tiếp nhận các thai phụ bị mắc SXH bị biến chứng nặng. Do đó, các bà bầu cần chủ động khám sớm và điều trị nếu bị SXH. Thai phụ mắc SXH dễ có nguy cơ sảy thai, đẻ non, rong huyết. Một số ở giai đoạn chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu, tăng nguy cơ rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi. SXH là bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không có hướng xử lý điều trị đúng thì SXH có thể từ nhẹ trở nặng, dẫn đến tử vong. Các thai phụ cần phải có biện pháp phòng chống SXH hiệu quả”. ((Nông thôn ngày nay, trang 2).

 

Hà Nội cấp hơn 1,4 triệu bao cao su và thuốc tránh thai từ nguồn xã hội hóa

Đến thời điểm này, Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại Hà Nội đã cung cấp 1.441.594 chiếc bao cao su, 2.700 vỉ thuốc tránh thai…

Theo thông tin từ Chi cục Dân số – KHHGĐ Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, hiện Hà Nội là một trong những địa phương đã triển khai hiệu quả Đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS (gọi tắt là Đề án 818), góp phần giữ vững mức sinh thay thế trên địa bàn.

Tính đến tháng 8-2019, số lượng sản phẩm xã hội hóa PTTT được phân phối về các địa phương là 1.441.594 chiếc bao cao su, 2.700 vỉ viên uống tránh thai, gần 5000 dung dịch vệ sinh phụ nữ, 1.352 dung dịch vệ sinh đa năng cùng nhiều bột canxi và vitamin tổng hợp…

Đề án 818 của Hà Nội hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, dịch vụ KHHGĐ, SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình dân số – KHHGĐ; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bảo đảm cung cấp đầy đủ PTTT để duy trì mức sinh thay thế.

Hiện nay, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động của Kế hoạch này. Theo bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, để đẩy mạnh hoạt động của Đề án 818, vừa qua Chi cục đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đào tạo với hơn 76 lớp tập huấn cho 3.800 cộng tác viên dân số cơ sở.

Đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi loại PTTT, hàng hóa chăm sóc KHHGĐ, SKSS có ít nhất từ 2 – 3 chủng loại khác nhau được đưa vào cung cấp trên địa bàn. Tăng cường tiếp cận dịch vụ cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ, SKSS của người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Hà Nội: Lấy hơn 3.800 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, hơn 6% không đạt

Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên họp giải trình về vấn đề này…

Dự kiến sáng mai, 4-11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh việc đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn thời gian qua, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, phiên giải trình cũng hướng đến việc tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, nhất là thời điểm cuối năm khi thị trường tiêu dùng thực phẩm được dự báo sẽ diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng.

Riêng CATP Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Cùng đó, 9 tháng năm 2019, Hà Nội đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%), tức còn 6,3% mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm không đạt…

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, nhìn chung công tác đảm bảo ATTP của thành phố đã đạt kết quả tốt song số cơ sở vi phạm cũng còn nhiều.Đặc biệt, theo thông lệ, cứ “đến hẹn lại lên”, vào quý cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

“Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn ở thời điểm cuối năm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP sẽ diễn biến phức tạp” – ông Trần Văn Chung nhận định. ((An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Xử phạt 2 công ty dược phẩm kinh doanh, bán buôn thuốc sai “địa chỉ”

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Đỗ Văn Đông vừa ký ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần Tada Pharma (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) vì vi phạm quy định về bán buôn thuốc. Lý do vì công ty này đã có hành vi bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc.

Theo Quyết định của Cục Quản lý dược, Công ty cổ phần Tada Pharma chịu mức xử phạt hành chính 40 triệu đồng cùng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong 6 tháng; tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược của bà Nguyễn Kiều Việt Như (người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở) trong 6 tháng.

Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuốc đối với Chi nhánh Dược phẩm thành phố Vinh, thuộc Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế Nghệ An.

Theo Quyết định số 655/QĐ-XPVPHC của Cục Quản lý Dược, Chi nhánh Dược phẩm thành phố Vinh đã kinh doanh thuốc không đúng địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Đồng thời, đơn vị này đã kinh doanh thuốc không đúng với hình thức kinh doanh, phạm vi kinh doanh đã ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Do đó, Cục Quản lý Dược xử phạt đơn vị này 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của Chi nhánh Dược phẩm thành phố Vinh trong thời hạn 2 tháng. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

‘Lên đời’ nhan sắc coi thường tính mạng

“Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ chưa biết làm đẹp”, thế nên đã có không ít chị em quyết tâm lên đời nhan sắc bằng mọi giá, thậm chí đánh cược cả tính mạng…

Theo lời quảng cáo trên mạng, trưa ngày 30/10, chúng tôi đến Thẩm mỹ viện (TMV) Sophie International (253A Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1 TPHCM) để tư vấn làm đẹp. Nhân viên đon đả giới thiệu: “Tháng này bên em giảm tới 50% tất cả các dịch vụ nên khách đông lắm làm không kịp, nhiều khách còn xếp lịch chờ đến tháng sau. Chị đặt lịch ngay để bên em giữ giá cũ kèm khuyến mãi cho chị nhé”.

Dù chỉ có nhu cầu xăm chân mày nhưng nhân viên vẫn “vẽ” ra hàng loạt chỗ cần “nâng cấp” để hài hòa gương mặt. “Chân mày chị phần đuôi đi xuống, nếu xét về phong thủy thì không tốt chút nào. Bây giờ em sẽ nâng chân mày chị lên bằng phun thêu tự nhiên. Mắt chị hơi nhỏ, nếu chị tạo mắt 2 mí, mở tròng, mở rộng góc trong, góc ngoài để mắt to hơn thì đẹp khỏi chê. Mũi cũng hơi thấp, không hài hòa lắm. Nếu chị chịu làm luôn tiết kiệm được thời gian hồi phục” – cô nhân viên cho hay.

Yêu cầu gặp bác sĩ để tư vấn được kỹ hơn, cô nhân viên (không đeo bảng tên) tự tin cho biết mình cũng là bác sĩ: “Các bác sỹ có lịch phẫu thuật hết rồi, giờ chỉ còn bác sỹ là em, mà em cũng chỉ tư vấn chứ không đích thân phẫu thuật (?!) Chị đặt lịch trước để giữ khuyến mãi, sắp xếp được bác sĩ bên em sẽ liên lạc lại”. Tổng chi phí để nâng cấp mày, mắt, mũi sau giảm giá còn khoảng 50 triệu đồng. Cô này khẳng định nơi này rất uy tín, bác sĩ đều đi học ở nước ngoài về, chưa có trường hợp khách bị biến chứng khi làm đẹp ở đây nên cứ yên tâm.

Cơ sở thẩm mỹ K.T nằm sâu trong một con hẻm trên đường Đồng Đen (Q.Tân Bình) với biển hiệu hoành tráng, có bảo vệ nghiêm ngặt, thường xuyên livestream quảng cáo làm đẹp thu hút cả ngàn người theo dõi. Tuy nhiên, khi đến nơi, nhân viên của K.T cho biết chỉ “tư vấn” cho khách hàng. “Ở đây có nhiều dịch vụ như: xăm mày, cắt mắt, bơm môi; nâng ngực, hút mỡ, tiêm filler. Nếu chỉ tiểu phẫu thì sẽ đưa khách về chi nhánh ở Q.2, còn đại phẫu thì đưa em vào bệnh viện 5 sao EMCAS để thực hiện” – nhân viên tên H nói.

Để thêm phần thuyết phục, cô này chỉ vào đôi mắt đang sưng húp của mình khoe, vừa mới làm đẹp ở đây. “Sưng vầy chứ vài bữa là hết ngay à. Em cũng vừa nâng ngực, độn mông nữa đó chị, an toàn mà giá phải chăng lắm. Phụ nữ mà, vòng 1, vòng 3 mà xuống cấp là chồng chê ngay” – H. nhìn cơ thể tôi “chơi đòn” tâm lý.

Ngay cả ở các tiệm làm tóc, sơn móng tay, thậm chí “spa” ở chợ cũng tràn lan dịch vụ làm đẹp giá rẻ. Bà C. (một người chuyên xăm môi và chân mày dạo ở khu vực chợ Vườn Chuối, Q.3) quảng cáo: “Tui xăm lâu năm rồi, không có gì phải lo về tay nghề, mới xăm thì sưng chút nhưng từ từ hết. Name card của tui đây, phục vụ tận nơi. Giá cả từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng tùy theo mực”.

Niềm tin đặt nhầm chỗ

Theo tìm hiểu, TMV Sophie International khai trương cách đây không lâu. Ngày ra mắt, dàn hotgirl, người mẫu nổi tiếng xuất hiện xôm tụ, những hình ảnh lung linh của các người đẹp khiến nhiều chị em mơ ước.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Phương Hồng (ngụ Q.7) tố cáo Sophie International gây tai biến sau phẫu thuật và vô trách nhiệm. Cụ thể, chị Hồng muốn làm đẹp mắt theo combo “mở tròng, mở góc mắt, cắt mí song song” giá 19 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó mắt phải bị tụ máu, sưng và nóng, nhưng TMV cho rằng “sưng là chuyện bình thường, chờ thời gian sau sẽ hết”. Lo lắng, chị Hồng đến bệnh viện chuyên khoa khám thì được cho là nhiễm trùng vết mổ.

Hay trường hợp chị Đ.T.N.A (28 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng đã đâm đơn tố cáo TMV Sophie International và bệnh viện EMCAS vì hút mỡ bụng khi chị đang mang thai. Theo nạn nhân, chị hút mỡ bụng với giá 140 triệu đồng tại TMV nêu trên. Trung tâm TMV này đã đưa chị A. đến Bệnh viện Emcas để thực hiện. Sau khi về nhà, chị A. cảm thấy đau, khó chịu nên đi khám tổng quát và phát hiện đang mang thai 2 tháng. Điều đáng nói, TMV Sophie International dù chưa có giấy phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên đón khách và phẫu  thuật theo yêu cầu.

Trong tháng 10/2019, tại TPHCM liên tục có người tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ. Đó là trường hợp nạn nhân là Việt kiều Mỹ (59 tuổi) đến căng da mặt tại bệnh viện thẩm mỹ K.N (Q.3). Sau đó, người này rơi vào tình trạng lơ mơ khó thở, cơ thể tím tái kèm theo các triệu chứng như phù môi, tụt huyết áp… Mặc dù được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó vài ngày.

Chỉ ít ngày sau, ngày 17/10, người phụ nữ khác có tên V.N.A.T (33 tuổi) đến EMCAS đặt túi nâng ngực và được bác sĩ Đinh Viết Hưng thực hiện. Sau khi mổ, chị T. được đưa về phòng hồi sức nhưng chỉ vài tiếng sau, chị T. đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ. Bệnh viện EMCAS thực hiện hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 22h37 cùng ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân chết vào lúc 22h45’ ngày 17/10.

Chế tài chưa đủ răn đe

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ở nước ta là ngành nghề không còn mới.

Quy định pháp luật xử lý vi phạm chưa đủ răn đe. Việc kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ở nước ta hiện nay đem lại nguồn thu nhập rất lớn, lợi nhuận đem lại có thể từ vài chục triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng, có khi chạm mốc tỷ đồng.Vì vậy, dù cho chế tài xử phạt có cao đến hàng trăm triệu đồng cho một lần vi phạm vẫn chưa đủ sức ngăn chặn kinh doanh dịch vụ không có giấy phép này. Với các hành vi vi phạm quy định về khám, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh … đều được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và khung hình phạt kèm theo.

Về trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, xử lý về mặt hình sự tuỳ mức độ sự việc. Bên cạnh đó, có thể xử lý về mặt dân sự, phía gia đình bị hại có thể yêu cầu bồi thường về chi phí thuốc men, điều trị, hoặc là chi phí mai táng nếu xảy ra trường hợp tử vong sau phẫu thuật.

Cho dù khi tiến hành làm phẫu thuật, có thực hiện cam kết hay không có cam kết mà xảy ra sự cố dẫn đến chết người, bệnh viện vẫn phải bồi thường. Ngoài ra, cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.   (Tiền phong, trang 4).

 

Cái kết đắng: Khi thẩm mỹ viện làm thay bác sĩ

Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư hầu như ngày nào các bác sĩ cũng tiếp nhận và xử lý nạn nhân của nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện không đảm bảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết: Các biến chứng hay gặp là tắc mạch sau tiêm filler (chất làm đầy) khiến bệnh nhân bị sưng môi, gây hoại tử vùng mũi, tổn thương vùng mũi – mắt, đau nhức, mưng mủ và phải đến bệnh viện để can thiệp. Một số người đi cắt bao quy đầu ở phòng khám tư bị tai biến cũng tìm đến bệnh viện để khắc phục lại hậu quả…

Ngày 23/10,  Bệnh viện Da liễu T.Ư tiếp nhận bé gái 13 tuổi ở Yên Bái, bị biến chứng nặng vì tiêm filler để nâng mũi. Người nhà bệnh nhi cho biết, cháu bé nghe theo lời giới thiệu của bạn bè nên đến spa quen biết để tiêm filler nâng mũi với giá 2 triệu đồng.

Bị tiêm đúng mạch máu, khoảng 30 phút sau tiêm, nạn nhân có triệu chứng đau mắt bên phải, thị lực giảm dần, đau đầu nhiều và buồn nôn. Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, bệnh nhân được chẩn đoán mất hoàn toàn thị lực mắt bên phải, hoại tử da nghiêm trọng vùng trán và hốc mũi và được chuyển đến Bệnh viện Da liễu T.Ư tiếp tục điều trị.

“Nếu so với việc phẫu thuật làm đẹp từ đầu, việc sửa chữa lỗi do thẩm mỹ phức tạp gấp nhiều lần. Bệnh nhân không chỉ tốn kém tiền bạc, suy giảm sức khỏe mà việc giải quyết hậu quả biến chứng do hút mỡ bụng, nâng ngực, nâng mũi, độn cằm, trẻ hoá da… đôi khi cũng không thể giúp bệnh nhân trở lại hình dáng như ban đầu”- PGS.TS Nguyễn Văn Thường cảnh báo.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho biết, nam bệnh nhân H.A là một trong những trường hợp bị biến chứng sau khi cấy tóc ở cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Toàn bộ vùng tóc được cấy bị phản ứng với dị vật là nang tóc nhân tạo, tạo thành ổ mủ áp xe quanh chân tóc. Thậm chí, các ổ mủ sau khi được điều trị cũng sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Hiện nay các thẩm mỹ viện đang làm thay công việc của bác sĩ. Đó là thực trạng đáng báo động. Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở làm đẹp, spa tìm cách lách luật, với các tên gọi mập mờ khiến nhiều khách hàng lầm tưởng. Không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng các thẩm mỹ viện, spa vẫn quảng cáo, thực hiện rầm rộ các dịch vụ hút mỡ, nâng ngực, nâng mũi, cắt mí… để lại nhiều hậu họa cho khách hàng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp và các bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, thẩm mỹ viện hay spa làm đẹp chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Cấy tóc, xăm mắt, xăm lông mày, cắt mí… Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. Do vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh “tiền mất tật mang”.

Hiện nay các thẩm mỹ viện đang làm thay công việc của bác sĩ. Đó là thực trạng đáng báo động. Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở làm đẹp, spa tìm cách lách luật, với các tên gọi mập mờ khiến nhiều khách hàng lầm tưởng. (Tiền phong, trang 5).

 

Hà Nội: Tổ chức chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” đợt II năm 2019

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4760/SYT-NVY về triển khai tổ chức chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” đợt 2 năm 2019.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai chiến dịch uống Vitamin A đợt 2 năm 2019, từ ngày 29-11-2019 – 30-11-2019, (thứ 6 và thứ 7), cụ thể: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cung cấp viên nang Vitamin A, khẩu hiệu giấy dán tại các điểm uống và biểu mẫu cho các đơn vị; Phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc uống Vitamin A, thời gian, địa điểm triển khai chiến dịch để người dân tích cực tham gia hưởng ứng. Đồng thời, cử cán bộ tham gia kiểm tra, giám sát hỗ trợ tại Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội phấn đấu hơn 99,8% trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi uống vitamin A liều cao; hơn 95% trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống vitamin A liều cao dự phòng trong 2 đợt chiến dịch. (Hà Nội mới, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/8/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 17/2/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận