Thời tiết bỗng đột ngột chuyển sang rét đậm, rét hại là lúc nguy cơ nhiều người bị quật ngã bởi bệnh tật.
Trong đó, đột quỵ não là một căn bệnh nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe và tính mạng nhiều người. Ai sẽ là người dễ bị đột quỵ não trong thời tiết giá rét?
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi một phần não bộ bị tổn thương do tắc nghẽn mạch máu não đi nuôi não hoặc vỡ mạch máu não. Lúc này não bộ không được cung cấp đủ ôxy để có thể hoạt động bình thường dẫn đến việc một vùng não nào đó hay nhiều phần não bộ sẽ giảm hay ngừng hoạt động kéo theo việc mất chức năng điều khiển các cơ quan khác hoạt động, tổn thương gây chết các tế bào não. Đột quỵ não có thể gây liệt nửa người, liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, mất ý thức và có thể đi vào hôn mê, tử vong.
Dưới thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
Những ai cần chú ý nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh?
Trước hết, tuổi cao chính là một nguy cơ hàng đầu. Trong thời điểm lạnh giá, nhiệt độ thay đổi thất thường, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở những người cao tuổi do lưu lượng máu qua não ở người già giảm rất thấp bởi xơ cứng động mạch, các chức năng khác của cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Người cao tuổi lại thường có sẵn nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… là những yếu tố làm tăng thêm nguy cơ đột quỵ não trong mùa lạnh.
Không chỉ người cao tuổi mà những ai có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch như kể trên đều có nguy cơ, kể cả tuổi còn trẻ. Những người có rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá… cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công. Do vậy, cũng cần đặc biệt lưu ý trong thời điểm thời tiết lạnh bất thường như hiện nay.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để phòng ngừa đột quỵ những ngày lạnh, điều cần nhớ đầu tiên là mặc đủ ấm. Người cao tuổi nên mặc ấm, đội mũ, quàng khăn đầy đủ khi ra khỏi nhà. Vào ngày lạnh giá, nên tập thể dục trong nhà để đảm bảo sức khỏe. Nếu tập thể dục ngoài trời, tốt nhất là tránh tập vào buổi sáng sớm, chuyển sang tập vào buổi chiều. Hạn chế đi ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm hay tối muộn. Trong sinh hoạt hàng ngày, tránh bực bội, căng thẳng, stress. Không tắm và gội đầu cùng lúc. Khi tắm, gội không nên chọn thời điểm khi đói quá, sau khi ăn hoặc sau 10h đêm. Tắm phải ở nơi kín gió, ấm áp.
Ngoài ra, cần phải kiểm soát và ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh tăng huyết áp vì đó là nguyên nhân chính gây vỡ mạch máu não. Đái tháo đường cũng là yếu tố gây xơ vữa động mạch não dẫn đến thiếu máu ở não. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2,5-4 lần người bình thường. Do đó, ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ. Những người có bệnh lý về tim mạch như các bệnh van tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ phải điều trị ngay.
Trong chế độ ăn, cần chú ý giảm chất béo có nguồn gốc từ động vật, ăn nhiều rau xanh, giảm muối, tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia… Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải để rèn luyện sức khỏe.
Những dấu hiệu đột quỵ não và xử lý trước cấp cứu
Đột quỵ não thường khởi phát đột ngột. Người bệnh bỗng nhiên có các triệu chứng như: Nhức đầu nghiêm trọng kèm theo nôn mửa, chóng mặt; Cảm giác tê yếu một bên mặt, một bên cơ thể, không giữ được thăng bằng… Nặng hơn, bệnh nhân đột nhiên bị ngã hoặc bỗng nhiên mất phối hợp trong các động tác như đang ăn làm rơi đũa, rơi bát; Liệt nửa mặt, một bên mép xệ xuống, liệt nửa người; Khó nuốt; Khó nói, nói ngọng; Mắt đột nhiên nhìn mờ, nhìn thấy hình đôi hoặc đen… Tùy theo đột quỵ não do thiếu máu não hay do xuất huyết não, nhồi máu não mà các triệu chứng có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ tăng dần hay ồ ạt, nặng ngay từ đầu.
Đột quỵ não là một cấp cứu tối khẩn cấp, từng giờ từng phút đều ảnh hưởng tới nguy cơ tổn thương não và tử vong. Do vậy, khi thấy các dấu hiệu nghi đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay. Trong thời gian chờ đợi trợ giúp của y tế, cần đặt người bệnh lên mặt phẳng cứng, không nên để đầu trên gối mềm, đệm mềm. Ủ ấm cho bệnh nhân. Quay nghiêng mặt bệnh nhân sang 1 bên để tránh nôn ói gây ngạt thở. Nếu có thể, kiểm tra nhịp tim, huyết áp của người bệnh. Kiểm tra xem người bệnh còn tỉnh hay hôn mê. Nếu thấy không còn thở có thể sơ cứu hô hấp nhân tạo miệng-miệng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ loại thuốc gì cho đến khi được đưa tới bệnh viện.
(theo suckhoedoisong.vn)