Điểm báo ngày 06/3/2019
Liên tiếp cứu sống nhiều bệnh nhân nước ngoài bị bệnh trọng; Cảnh báo trẻ hóa bệnh nhân ung thư dạ dày; Nhà trường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh sởi – rubella; Trẻ mắc sởi ở Hà Nội tăng mạnh, đông nhất ở các quận huyện ven đô; Kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí bảo hiểm y tế không hợp lý; Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Còn nhiều việc phải làm…
Liên tiếp cứu sống nhiều bệnh nhân nước ngoài bị bệnh trọng
BV Việt Đức vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một du khách Nhật Bản bị lóc động mạch chủ loại A, thể rất phức tạp. Trước đó, BV TW Quân đội 108 cũng cấp cứu thành công bệnh nhân quốc tịch Hàn Quốc bị đột quỵ não.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, liệt nửa người. Và một sự kiện có thể coi là tín hiệu lạc quan khi BV K mới đây đã tiến hành ca phẫu thuật khá phức tạp do khối u tương đối lớn (4x5cm) và xâm lấn thành chậu cho một bệnh nhân người Nhật Bản. Những thành công này đã thêm phần khẳng định thương hiệu của thầy thuốc Việt Nam đã và đang làm chủ các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh và y tế Việt Nam đã, đang và sẽ là sự lựa chọn của nhiều bệnh nhân người nước ngoài, Việt kiều…
Cấp cứu thành công nhiều ca bệnh người nước ngoài nguy kịch
Khoảng 8 giờ sáng ngày chủ nhật, 17/2/2019, trên đường đi tham quan Hà Nội, bệnh nhân O.O. 67 tuổi, là du khách Nhật Bản đột ngột bị mất ý thức và hôn mê, nên đã được chuyển đi cấp cứu tại BV Việt Pháp với chẩn đoán ban đầu nghi là tai biến mạch não, nhưng trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và hệ mạch máu vùng nền cổ thấy có hình ảnh nghi lóc động mạch chủ. Thăm khám hệ mạch ngoại vi thấy không bắt được mạch và thiếu máu rõ ở tay và chân phải.
Do xác định là biến cố tim mạch phức tạp, ngay lập tức, các bác sĩ trực của BV Việt Pháp đã hội chẩn gấp trực tuyến với PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực – BV Việt Đức. Theo đó, bệnh nhân được chẩn đoán là lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp (lóc lên mạch máu nuôi não và tay phải, lóc vào mạch nuôi chân phải gây thiếu máu chi rất nặng), suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn khá nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao, với nguy cơ chắc chắn tử vong ngay nếu không được phẫu thuật kịp thời.
Ngay lập tức, BV Việt Pháp đã chuyển cấp cứu bệnh nhân tới BV Việt Đức để điều trị. Tại BV Việt Đức, mọi công tác cấp cứu đã được chuẩn bị hết sức nhanh chóng để tiếp đón, hồi sức, xét nghiệm và sớm phẫu thuật tim hở để cứu bệnh nhân…
Một thành viên chính của kíp mổ cho biết, với kinh nghiệm hơn 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạch chủ loại A của BV Việt Đức trong gần 10 năm qua nhưng chưa có trường hợp nào lại diễn biến nặng và phức tạp như bệnh nhân này. “Quá trình phẫu thuật diễn ra hết sức cam go, căng thẳng, kéo dài hơn 10 giờ, với hầu hết các kỹ thuật khó và phức tạp nhất của phẫu thuật tim hở. Còn PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, trưởng kíp mổ thông tin thêm, sau quá trình nỗ lực phẫu thuật rất phức tạp và hồi sức sau mổ rất nặng nề với nhiều phương tiện hồi sức hiện đại, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần qua từng ngày, bệnh nhân có thể nhận biết người thân, chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt và đã được ngừng thở máy, rút ống nội khí quản. Gia đình bệnh nhân từ Nhật Bản sang thăm đã rất xúc động, cảm ơn, khâm phục các thầy thuốc Việt Nam cứu sống người thân của họ dù mắc bệnh rất hiểm nghèo. Nếu không có các biến chứng nhiễm trùng hoặc suy tạng khác, bệnh nhân có thể được ra viện trong vài tuần nữa.
Trước đó, BV K đã tiến hành ca phẫu thuật khá phức tạp do khối u tương đối lớn (4x5cm) và xâm lấn thành chậu cho một bệnh nhân người Nhật Bản. Sống ở Việt Nam 8 năm và đang làm việc cho một công ty xây dựng Nhật Bản, kỹ sư U. có đầy đủ bảo hiểm y tế Nhật Bản và có quyền lợi chi trả phí điều tri tại các BV quốc tế trong nước. Tuy nhiên, ông U. và gia đình đã quyết định chọn phẫu thuật tại BV K.
Tại phía Nam, ông Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết, năm 2018 số lượng bệnh nhân có quốc tịch nước ngoài đến khám bệnh là 664 người, điều trị nội trú 1.225 người. Trong đó chiếm một phần lớn là người Campuchia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Úc…
Hướng đến “kéo ngược, thu hút bệnh nhân là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam”
Tại cuộc gặp với báo giới nhân dịp năm mới 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018, các BV trong nước đã tiếp nhận 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú, 57.000 người trong đó được điều trị nội trú. Những người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam chủ yếu là Việt kiều về nước, một số bệnh nhân ở Lào, Campuchia, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. Những dịch vụ kỹ thuật được người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng như Việt kiều về nước sử dụng như: nha khoa, can thiệp tim mạch, ung thư, thẩm mỹ và một số bệnh ngoại khoa.
Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, “Nhiều người bệnh cho biết, họ lựa chọn Việt Nam vì chất lượng tốt, giá lại rẻ so với ở nước ngoài, trong khi chất lượng của các kỹ thuật tương đương nhau, bác sĩ tay nghề giỏi, tỷ lệ thành công cao. Chính vì vậy, chúng tôi đang phấn đấu kéo ngược lại, thu hút bệnh nhân là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam”.
Thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công trong dự phòng và điều trị, một số kỹ thuật chuyên môn cao đã trở thành thường quy, được thực hiện tại nhiều bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, thậm chí xuống tuyến huyện. Đó là những kỹ thuật như can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, ghép tế bào gốc đồng loại, ứng dụng robot định vị trong phẫu thuật cột sống và phẫu thuật nội soi nhi khoa…
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, người nước ngoài tìm đến Việt Nam chữa bệnh là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành y tế bởi bấy lâu nay chỉ có người Việt ra nước ngoài khám bệnh thì bây giờ người nước ngoài lại đổ vào Việt Nam khám bệnh.(Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Cảnh báo trẻ hóa bệnh nhân ung thư dạ dày
Theo thống kê của BV K, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở tuổi rất trẻ. Đáng chú ý, những bệnh nhân này khi phát hiện thì bệnh ở giai đoạn tiến triển. Thậm chí có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư dạ dày khi mới 15,16 tuổi … (Tiền phong, trang 6).
Nhà trường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh sởi – rubella
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 24-2, toàn Thành phố đã ghi nhận 261 trường hợp mắc Sởi, một số quận, huyện có số mắc cao như Hoàng Mai (59), Thanh Xuân (35), Nam Từ Liêm (29), Hà Đông (16), Gia Lâm (12).
Ngày 1-11-2018 UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella (MR) cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, còn một số đơn vị có kết quả tiêm chưa đạt yêu cầu như: Đống Đa, Hoàng Mai, dự báo số mắc sởi có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi đang diễn ra trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 803/UBND-KGVX ngày 28/02/2019 chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng phối hợp với cán bộ Y tế tại địa phương rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm vét đủ mũi vaccine theo quy định.
TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi – Rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn nhằm đạt tỷ lệ chung trên 95% tại quy mô xã, phường, thị trấn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang theo học tại trường, đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục.
UBND TP yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; tiến hành xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, không để dịch bùng phát, lan rộng; Tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi và các dịch bệnh khác trong trường học, đặc biệt trong các trường mầm non mẫu giáo; với các trường mầm non, mẫu giáo chưa đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi cần tiếp tục triển khai quyết liệt việc tiêm vaccine; chỉ đạo các trường trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trên địa bàn trong việc triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học; nhà trường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh trong trường học. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Trẻ mắc sởi ở Hà Nội tăng mạnh, đông nhất ở các quận huyện ven đô
Từ tháng 2-2019 đến nay, số bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng nhanh, riêng trong tuần vừa qua (từ 25-2 đến 3-3) đã ghi nhận 76 ca mắc, tiếp tục tăng cao hơn so với những tuần trước đó…
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25-2 đến 3-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi, tăng 7 trường hợp so với tuần trước. Còn tính từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 336 trường hợp mắc sởi, tại 27/30 quận, huyện, thị xã.
Như vậy, số bệnh nhân mắc sởi của Hà Nội trong năm 2019 này đã tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018. Nhóm đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 24,1%); nhóm bệnh nhân từ 1 đến 5 tuổi chiếm 17,6%; nhóm bệnh nhân từ 6 đến 15 tuổi chiếm 23,4%.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi là quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Gia Lâm… Điều đáng nói, khoảng 90% trường hợp mắc sởi do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Sở Y tế Hà Nội dự báo, trong thời gian khoảng 1 tháng tới đây, tình hình bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn có thể vẫn tiếp tục gia tăng. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí bảo hiểm y tế không hợp lý
Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa yêu cầu đội ngũ viên chức làm công tác giám định bảo hiểm y tế (BHYT) phải nâng cao trách nhiệm, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi phí BHYT không đúng quy định, không hợp lý…Theo đó, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa vừa có công văn yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ phải nâng cao trách nhiệm công vụ, thực hiện nghiêm một số công việc liên quan đến công tác quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2019.
Trong đó, cần tập trung đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đến Cổng thông tin Giám định BHYT ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh hoặc kết thúc đợt điều trị đối với người bệnh.
Đặc biệt, phải nâng cao trách nhiệm của viên chức trong công tác kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT, kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí không đúng quy định, không hợp lý… và chịu trách nhiệm trước Giám đốc BHXH TP cũng như trước pháp luật về kết quả giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Được biết, năm 2018 vừa qua, BHXH TP Hà Nội ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 197 cơ sở y tế, trong đó có 160 cơ sở y tế công lập, 37 cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho trên 10,7 triệu lượt người. Cơ bản quỹ BHYT đã được quản lý và sử dụng tốt, tuy nhiên vẫn còn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT xảy ra ở một số đơn vị. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Còn nhiều việc phải làm
Từ tháng 3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu triển khai sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án, sổ khám bệnh giấy. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, bước đầu việc áp dụng thí điểm bệnh án điện tử đã mang lại thay đổi tích cực, giúp người bệnh thuận lợi hơn khi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, để tiến tới đạt mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử lưu trữ suốt đời và được liên thông ở tất cả các tuyến y tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Chưa thể bỏ ngay sổ khám giấy
Cầm chiếc thẻ từ thông minh trên tay, bà Đinh Thị Chạm (phường Việt Hưng, quận Long Biên) đi thẳng đến máy đăng ký tự động tại khu vực làm thủ tục nhập viện của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Sau vài thao tác đơn giản, đặt thẻ vào vị trí quẹt, máy tự động nhận và hiển thị thông tin người bệnh, bà Chạm ấn ngón tay vào ô giao diện có tên phòng khám, lập tức máy hiện lên thông tin phòng và số thứ tự khám. “Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, tôi phải xếp hàng mua sổ y bạ, tự điền các thông tin, rồi xếp hàng lấy số đăng ký khám… Mỗi lần như vậy, tôi phải chờ đợi rất lâu, nhưng từ khi bệnh viện triển khai thẻ thông minh, thủ tục nhập viện tiến hành rất nhanh, thuận lợi”, bà Chạm chia sẻ.
Cách đây khoảng 5 năm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã “đi tắt đón đầu” trong việc triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, bắt đầu từ việc ứng dụng thẻ từ thông minh. Đến nay, bệnh viện đã cấp 15.000 thẻ từ thông minh cho người dân. Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 1.200 lượt người đến khám, chữa bệnh. Việc ứng dụng thẻ từ thông minh giúp giảm thời gian chờ đợi cho một bệnh nhân đăng ký khám bệnh trung bình từ 30 phút xuống chỉ còn 5-10 giây. Mặt khác, từ năm 2018, bệnh viện đã thí điểm ứng dụng nhận diện vân tay giúp quản lý tốt hồ sơ bệnh án cũng như ngăn chặn việc lạm dụng bảo hiểm y tế. Những bệnh nhân đã từng đến khám tại bệnh viện, sau khi quét vân tay thì hệ thống sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ đăng ký khám.
Tương tự, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày khám và điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối đồng bộ tất cả các quy trình từ tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, thanh toán viện phí đã giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, việc triển khai bệnh án điện tử tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y, bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh ra sao… đều được hệ thống đều cảnh báo. Hơn nữa, nếu bệnh án điện tử được liên thông giữa các bệnh viện, giữa các tuyến, khi bệnh nhân chuyển tuyến, bác sĩ tuyến trên sẽ nắm được bệnh sử để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
Tiện lợi là như vậy, song việc ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ bệnh án điện tử mới chỉ được triển khai bước đầu tại một số bệnh viện lớn, với phần mềm quản lý dữ liệu riêng. Còn đa phần tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện tuyến huyện vẫn quản lý theo kiểu thủ công, lưu trữ bệnh án giấy và người bệnh đến khám đều phải mua sổ y bạ. Ông Nguyễn Đình Đính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, nhiều trường hợp điều trị dài ngày, bệnh án giấy dày nhiều tập, việc lưu trữ không đơn giản, nếu chuyển sang bệnh án điện tử sẽ dễ quản lý, theo dõi hơn. Tuy nhiên, với những bệnh viện đa khoa hạng II, bệnh viện tuyến huyện, việc triển khai cần có lộ trình và kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực…
Giống như bệnh án điện tử, từ năm 2017, Hà Nội đã thực hiện thí điểm hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia tại 584 xã, phường, thị trấn, giúp quản lý, theo dõi việc tiêm chủng trên giấy sang quản lý bằng phần mềm trên máy tính. Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, do chưa cập nhật được đầy đủ tiểu sử, quá trình tiêm chủng của từng trẻ vào phần mềm dữ liệu, nên có những điểm tiêm chủng vẫn triển khai quản lý song song hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử. Do đó, phụ huynh vẫn phải mang theo sổ tiêm chủng để đối chiếu lịch sử tiêm chủng của trẻ, bảo đảm an toàn, tránh sai sót và sự cố đáng tiếc trong quá trình thực hành tiêm chủng.
Triển khai theo lộ trình
Theo Bộ Y tế, bệnh án điện tử sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người. Hơn nữa, khi bệnh án này được thông suốt giữa các tuyến y tế sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay, khi triển khai bệnh án điện tử là vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của các bệnh viện chưa đồng bộ. Về vấn đề này, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các bệnh viện với nhau. “Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng “mỗi nơi một kiểu” và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh, cơ sở khám bệnh và bệnh viện”, ông Trần Quý Tường nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng quy định rõ lộ trình thực hiện bệnh án điện tử. Theo đó, giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai. Giai đoạn từ năm 2024 đến 2028, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dù có những khó khăn nhất định, song Sở Y tế vẫn quyết tâm sớm triển khai thực hiện đại trà để mang lại thuận lợi nhất cho bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh. Trước mắt, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng có hiệu quả trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến, quản lý kết quả xét nghiệm, thanh toán viện phí… Điều này sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải, tiến tới xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện trong ngành Y tế Thủ đô và phát triển một nền y tế thông minh. (Hà Nội mới, trang 1).
Hướng tới nền y tế thông minh
Bệnh án điện tử là một đột phá lớn cho ngành Y tế Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám, chữa bệnh; tiết kiệm đáng kể thời gian không chỉ của người bệnh mà còn của cả y, bác sĩ, giúp việc điều trị, nhất là trong các ca cấp cứu hiệu quả, chất lượng.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh đã được ngành Y tế Thủ đô thực hiện ở nhiều lĩnh vực và bệnh án điện tử đã được triển khai khá thành công ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Tim Hà Nội… Thực tế, ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việc ứng dụng này còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác; góp phần vào việc xây dựng “Chính quyền điện tử” và đây cũng là xu hướng tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc ứng dụng bệnh án điện tử vào thực tế chỉ là một phần trong việc hướng đến một nền y tế thông minh. Bởi, sau bệnh án điện tử, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế cấp xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử… Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên. Về lâu dài, bệnh án điện tử sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.
Hiện nay, việc ứng dụng bệnh án điện tử trên địa bàn thành phố cũng như cả nước chưa toàn diện, đồng đều trên toàn hệ thống bởi lĩnh vực này mới bước đầu được thực hiện. Khó khăn trước mắt còn nhiều, song với lộ trình đã được xác định, ngành Y tế Thủ đô đã có những hành động cụ thể như nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để sớm triển khai đại trà, hướng đến một nền y tế thông minh, vì quyền lợi của bệnh nhân và toàn xã hội.
Để nhanh chóng đưa ứng dụng này vào cuộc sống, đòi hỏi nhiều nguồn lực phải thực hiện song song. Trong đó, điều kiện nhân sự, nền tảng công nghệ thông tin và nguồn kinh phí… là những đòi hỏi cơ bản và cần thiết. Về phía con người, các cơ sở y tế cần chủ động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ; mỗi y, bác sĩ cần có ý thức “đi trước một bước” để sớm tiếp cận những công nghệ mới. Về lĩnh vực công nghệ, cần xây dựng phần mềm thống nhất để dữ liệu được thông suốt giữa các tuyến, các cấp và giữa các bệnh viện trong cả nước… Đặc biệt, hướng đến sự chuẩn hóa, Bộ Y tế cần thống nhất trong xây dựng phần mềm dùng chung giữa các bệnh viện để việc liên thông bệnh án điện tử được thực hiện xuyên suốt trong toàn hệ thống. Mặt khác, các tiêu chuẩn để chuẩn hóa bệnh án điện tử cần tính đến mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố, vùng miền để có sự đồng nhất trong quá trình liên thông về sau.
Tính hữu ích của bệnh án điện tử đã được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, với lộ trình từng bước, “làm đâu, chắc đấy”, bên cạnh việc tập trung triển khai bệnh án điện tử thì bệnh án giấy vẫn phải thực hiện ở những cơ sở y tế chưa đủ điều kiện. Trong quá trình này, cùng với hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhân sự, các bệnh viện, nhất là cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã cần lồng ghép với việc tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng hành, hợp tác để sự “chuyển mình” đạt hiệu quả thực chất.
Cùng với đó, ngành Y tế và các đơn vị liên quan cần có những sơ kết, đánh giá ban đầu với những bệnh viện đã, đang thực hiện thí điểm mô hình này để tìm ra những điểm còn hạn chế. Từ đó, sẽ có những điều chỉnh khoa học nhằm thực hiện thành công mô hình bệnh án điện tử, góp phần từng bước xây dựng nền y tế thông minh. (Hà Nội mới, trang 1).
Bất cập khi triển khai bệnh án điện tử
Từ ngày 1/3, các bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy theo Thông tư 46/2018/TT –BYT của Bộ y tế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau 5 ngày triển khai tồn tại lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, hầu hết các bệnh viện vẫn đang trong quá trình rục rịch chuẩn bị do còn quá nhiều khó khăn và những ràng buộc khắt khe của Thông tư 46 … (Công an nhân dân, trang 1).
Khởi tố hình sự vụ đấu thầu thuốc tại Đắk Lắk: Một phó giám đốc sở tạm điều hành hoạt động Y tế
Chiều ngày 5/3/2019, tại Sở Y tế Đắk Lắk, ông Nguyễn Thượng Hải, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng ông Miên Klơng Giám đốc Sở Nội vụ đã chủ trì cuộc họp bất thường cùng Ban giám đốc và Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế, phân công một phó giám đốc Sở Y tế tạm thời điều hành công việc của ngành. Trước đó, ngày đầu tuần 4/3/2019, dư luận bất ngờ khi Thông báo số 2885/TB-TU về công tác tổ chức cán bộ do Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu ký ngày 28/2 gửi theo đường bưu điện vừa đến các địa chỉ liên quan. Nội dung Thông báo thể hiện: Từ ngày 20/2/2019, Thường trực Tỉnh ủy đã họp và thống nhất chủ trương đối với 4 cán bộ. Trong đó có 2 giám đốc nghỉ hưu, 1 giám đốc nghỉ thôi việc theo quy định, 1 giám đốc được thực hiện quy trình bổ nhiệm lại chức vụ cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Người được bổ nhiệm lại, là ông Doãn Hữu Long giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk.
Dư luận xôn xao, vì Quyết định khởi tố vụ án hình sự về đợt đấu thầu thuốc năm 2014-2015 xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Viện Kiểm sát thống nhất công bố vào ngày làm việc cuối tuần mới đây, thứ sáu 1/3/2019. Các hồ sơ liên quan cho thấy người chịu trách nhiệm chính về việc tổ chức cuộc đấu thầu này, là ông Doãn Hữu Long.
Tiếp theo, ngày 4/3/2019 Sở Nội vụ có văn bản số 286/SNV-CCVC “V/v thực hiện quy trình bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý” gửi Sở Y tế và các bên liên quan. Với nội dung thực hiện Thông báo số 2885-TB/TU, Sở Nội vụ đề nghị Sở Y tế thực hiện quy trình bổ nhiệm lại chức vụ giám đốc Sở Y tế cho ông Doãn Hữu Long. “Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại gửi về Sở Nội vụ trước ngày 10/3/2019 để tổng hợp trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh”. Tuy nhiên, văn bản 286 vừa phát hành ra đã lập tức bị thu hồi.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Miên K’lơng, Giám đốc Sở Nội vụ, người ký văn bản 286 xác nhận: “Dù Thường vụ đã có chủ trương cho thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với ông Long, nhưng vì có cái chuyện lình xình như thế, nên Thường trực thống nhất tạm thời dừng lại chỗ ông Long, và dự kiến đưa một phó giám đốc sở khác phụ trách điều hành hoạt động của ngành Y tế tỉnh, cho tới khi có giám đốc Sở Y tế mới. Còn văn bản 286 mình ký, bảo anh em khoan phát hành để chờ xem tình hình thế nào đã, vì có cơ quan nào gửi văn bản cho Sở Nội vụ biết gì về sai phạm của cán bộ do Thường vụ quản lý đâu. Nhưng anh em nó hấp tấp gửi khiến dư luận ồn ào quá, nên mình đã yêu cầu phải thu hồi lại ngay”-ông Miên Klơng cho biết.
Trả lời báo Tiền Phong qua điện thoại, Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu cho biết Thường trực Tỉnh ủy sáng nay họp đã thống nhất giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ làm việc với lãnh đạo Sở Y tế. Cụ thể thế nào, báo Tiền Phong cứ liên hệ với người phát ngôn là Chánh văn phòng Tỉnh ủy.
Ông Bạch Văn Mạnh, Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho biết ông không dự cuộc họp sáng ngày 5/3 cùng Thường trực Tỉnh ủy nên không rõ nội dung thế nào. Nguồn tin riêng của báo Tiền Phong cho biết: Cuộc họp tại Sở Y tế chiều ngày 5/3 đã thống nhất với việc cử 1 trong 3 Phó giám đốc Sở Y tế đương nhiệm làm người phụ trách, điều hành hoạt động của Sở Y tế đến khi sở chính thức có giám đốc mới. Người được chỉ định là ông Nguyễn Trung Thành, sinh năm 1966, bác sĩ chuyên khoa II về Quản lý Y tế, Phó giám đốc Sở, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Đắk Lắk. (Tiền phong, trang 11).