Điểm báo ngày 12/3/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 12/3/2019

Lo ‘vỡ trận’ vì bác sĩ bệnh viện công chạy việc Ngày càng nhiều bác sĩ của bệnh viện công chạy sang bệnh viện tư làm việc, khiến các nhà quản lý ngành y tế đau đầu; Xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi; Vụ y sĩ làm lây nhiễm sùi mào gà cho hàng trăm trẻ: Lại hoãn xét xử; Chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 2 tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

 

Lo ‘vỡ trận’ vì bác sĩ bệnh viện công chạy việc Ngày càng nhiều bác sĩ của bệnh viện công chạy sang bệnh viện tư làm việc, khiến các nhà quản lý ngành y tế đau đầu

Theo Sở Y tế Đồng Nai, những năm qua tình trạng bác sĩ (BS) ở bệnh viện (BV) công nghỉ việc sang “đầu quân” cho BV tư ngày một tăng.

Cụ thể: năm 2016 chỉ có 65 BS của BV công nghỉ việc, thì năm 2017 tăng lên 98 người, đến năm 2018 là 102 người. Từ đầu năm 2019 đến nay đã có 6 BS BV công nghỉ việc và 5 BS đã nộp đơn.

BS Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc BV đa khoa Đồng Nai, cho biết trong năm 2018, BV này có 32 BS nghỉ việc, trong đó có 3 phó khoa và 8 BS có trình độ thạc sĩ. Nhóm BS nghỉ việc nhiều nhất nằm trong số BS trẻ (từ 2 – 5 năm kinh nghiệm), sau vài năm làm tại BV công, được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc học xong chuyên khoa 1 thì… bỏ đi.

Tương tự, năm 2018, ngành y tế TP.HCM cũng lo lắng khi có 23 nhân viên y tế gồm 6 BS, 6 điều dưỡng, tài xế thuộc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM… nghỉ việc. Lý do chủ yếu là thu nhập quá thấp. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, lo ngại khuynh hướng BS chuyển dịch chỗ làm sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới.

BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cảnh báo: “Tình hình “chảy máu chất xám” BS BV công đang báo động. Cần phải có giải pháp can thiệp nếu không tình trạng trên tiếp tục dễ dẫn đến hiệu ứng domino là ngành y tế “vỡ trận”.

BS Lê Thị Phương Trâm cho biết BV đa khoa Đồng Nai đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến về tiền lương và đa số BS muốn mức lương khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nguyện vọng này, ngoài việc đa dạng các hoạt động khám chữa bệnh, BV còn đang xây dựng đề án khoán việc để tăng thu nhập cho BS.

Tuy nhiên, Giám đốc BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) Phạm Văn Dũng cho rằng ngoài vấn đề thu nhập, tiền lương, còn một số nguyên nhân khác như về cơ chế, chính sách. Bên cạnh áp dụng cơ chế khoán việc, ngành y tế cần có sự thay đổi một số chính sách, cơ chế cho phù hợp và quản lý chặt hơn.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng nhiều người bỏ BV công không phải vì tiền mà còn do môi trường làm việc không thoải mái. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, nguồn thu đối với BS không phải là vấn đề quyết định tất cả mà môi trường làm việc. “Nhiều khi được cống hiến trí tuệ, tài năng mang lại niềm vui cho người dân là niềm động viên cho BS”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói và dẫn chứng: “Nhiều BS qua BV tư dù lương cao nhưng vẫn nghỉ vì không được đi học tập, nghiên cứu nâng cao tay nghề. BV H.Củ Chi một năm tuyển được nhiều BS, là do chính quyền địa phương quan tâm về chính sách (phụ cấp, chỗ ở), không khí làm việc tốt”.

3 – 5 năm trước cũng từng có “cơn sốt” ngầm các BS giỏi của BV công tại Hà Nội về đầu quân cho một BV tư nhân lớn trên địa bàn TP. BV Hữu nghị Việt – Đức và BV Bạch Mai là hai trong số các BV công có điều dưỡng và BS sang “đầu quân” cho BV này. Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số BS trong cuộc, không ít người đã rời khỏi BV tư, bởi thu nhập cao không phải là điều kiện đủ để một BS hay điều dưỡng gắn bó với BV.

Ông Bùi Thành Chi, nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) – người có nhiều kinh nghiệm trong điều hành BV công cũng như BV tư, cho rằng BS giỏi hàng đầu, trong tuổi lao động, đang làm trong BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai hầu như không có nhu cầu chuyển đến BV tư chỉ vì thu nhập. “Nếu lựa chọn BV tư chỉ vì có thu nhập cao thì chưa đủ. Bởi với nghề y, cùng với thu nhập, thì môi trường làm việc phù hợp cũng là yếu tố giúp cho BS có thể cống hiến và gắn bó”, ông Chi nói (Thanh niên, trang 22).

 

Xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi

Ngày 11.3, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, địa phương này vừa phát hiện thêm 1 ổ dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, Thanh Hóa cũng xuất hiện thêm 4 ổ dịch. Cụ thể, theo UBND TX.Đông Triều (Quảng Ninh), cách đây hơn 1 tháng, bà Nguyễn Thị Vân (thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương, TX.Đông Triều) có mua một số lợn giống không rõ xuất xứ. Ngày 7.3, một số con lợn bất ngờ bị ốm, chết nhưng đến ngày 10.3 khi lợn tiếp tục chết thì gia đình bà Vân mới báo cơ quan chức năng. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, ngày 11.3, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh xác định đàn lợn của gia đình bà Vân dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi, nên tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 53 con.

Trong khi đó, ngày 11.3, ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND H.Thiệu Hóa (Thanh Hóa), cho biết trên địa bàn huyện này vừa xuất hiện thêm 4 ổ dịch tả lợn châu Phi ở các xã: Thiệu Long, Thiệu Công, Thiệu Tiến và Thiệu Trung. Tổng số lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy ở các ổ dịch mới này là 134 con lợn (Thanh niên, trang 4).

 

Vụ y sĩ làm lây nhiễm sùi mào gà cho hàng trăm trẻ: Lại hoãn xét xử

Ngày 11.3, TAND tỉnh Hưng Yên đã hoãn lần 2 phiên xét xử đối với cựu y sỹ Hoàng Thị Hiền (50 tuổi, trú H.Khoái Châu, Hưng Yên) về tội vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh trong việc làm lây nhiễm sùi mào gà cho hàng trăm cháu nhỏ, với lý do luật sư của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hưng Yên có đơn xin hoãn. “Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu bé là bị hại trong vụ án cũng như quyền lợi của bị cáo”, TAND tỉnh Hưng Yên đã quyết định chấp thuận đề nghị này.

Trước đó, vào tháng 9.2018, TAND tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa lần 1, nhưng trả hồ sơ để điều tra bổ sung do xuất hiện các nạn nhân mới (Thanh niên, trang 5).

 

Chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 2 tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Ngày 11-3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ), nhằm rà soát tổng thể công tác chuẩn bị và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 2 (BVDCC2.2).

Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng về việc thành lập BVDCC2.2 tham gia hoạt động GGHB LHQ thuộc Học viện Quân y, Học viện Quân y đã phối hợp các cơ quan, đơn vị tiến hành triệu tập nhân sự từ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Hiện tại, quân số của BVDCC2.2 có 84 cán bộ, nhân viên (gồm 72 nam, 12 nữ), đã ổn định tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, thu xếp công việc gia đình để tham gia và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phát biểu ý kiến, tại cuộc họp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia hoạt động GGHB LHQ, nhấn mạnh việc cử lực lượng BVDCC2.2 triển khai thay thế BVDCC2.1 đang làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng là chủ trương cần thiết, đúng đắn, góp phần thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của Việt Nam. Ðồng chí đề nghị, Cục GGHB Việt Nam, Học viện Quân y cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia tích cực, có trách nhiệm, theo đúng lộ trình; trước mắt đặt mục tiêu BVDCC2.2 vượt qua vòng kiểm tra của LHQ và tiến tới chuẩn bị tốt cho công tác huấn luyện. Ðồng thời, cần chuẩn bị tốt vật tư bổ sung, lựa chọn nhân sự phù hợp, bổ sung kế hoạch huấn luyện, kế hoạch tác chiến chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ bệnh viện trên cơ sở sơ đồ hệ thống về trang bị vật chất đã có (Nhân dân, trang 8).

 

Sở Y tế Gia Lai nhận sai vụ mời thầu để… hợp thức hóa

Ngày 11/3, nguồn tin của Tiền Phong cho hay, Sở Y tế tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo UBND tỉnh Gia Lai về vụ “Bất thường Sở Y tế Gia Lai mời thầu công trình… sắp hoàn thành” mà báo Tiền Phong đã phản ánh. Theo Sở Y tế Gia Lai, các công trình đã thực hiện nhưng chưa thanh quyết toán, nguồn vốn vẫn còn nguyên tại Kho bạc tỉnh Gia Lai. Sở Y tế tự nhận thấy sai sót trong Luật Đấu thầu về việc chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu tập trung. Sở Y tế báo cáo tiến hành biện pháp khắc phục hủy cuộc thầu của dự án nêu trên, tiến hành lại các thủ tục về lựa chọn nhà thầu, thực hiện gói thầu theo quy định pháp luật. Đồng thời, thành lập hội đồng xem xét, làm rõ sai phạm, trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm.

Từ báo cáo của Sở Y tế, UBND tỉnh Gia Lai có công văn yêu cầu về việc kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan; UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây mới, cải tạo 6 công trình cấp nước và nhà vệ sinh trạm y tế tại các xã: Ia Phang (Chư Pưh), Ia Ka và Hoà Phú (Chư Păh), Ia Glai (Chư Sê), Đắk Krong (Đắk Đoa), Ia Hiao (Phú Thiện). Báo cáo kết quả kiểm điểm về UBND tỉnh trước ngày 12/3.

Trước đó Tiền Phong có bài phản ánh về dự án công trình xây mới, cải tạo công trình cấp nước và vệ sinh tại 6 trạm y tế thuộc 5 huyện trên toàn tỉnh Gia Lai, trị giá gần 2 tỷ đồng được “mời thầu” sau khi các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành, có dấu hiệu hợp thức hóa việc đã rồi, đi ngược lại tính cạnh tranh, công bằng của Luật Đấu thầu (Tiền phong, trang 11).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 14/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/8/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận