Điểm báo ngày 13/3/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 13/3/2019

Bảo hiểm y tế góp phần hình thành nhân cách sống cho thế hệ trẻ; Bác sĩ ảo trong phòng khám tư; 56 tỉnh , thành có dịch sởi; Khống chế dịch sởi, chặn sốt xuất huyết bùng phát; Hà Nội giám sát 12 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết…

 

12 phường ở Hà Nội có nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết

Trong 12 xã/ phường được Sở Y tế Hà Nội nhận định có nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết, nhiều phường vốn là trọng điểm của dịch bệnh này ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Ba Đình…

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời điểm này, bệnh sởi vẫn đang là bệnh dịch truyền nhiễm diễn biến “nóng” nhất trên địa bàn Thủ đô. Riêng tuần vừa qua (từ 4-3 đến 10-3), toàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 76 trường hợp mắc sởi và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần tới.

Ngoài dịch sởi, các dịch bệnh nguy hiểm khác như tay chân miệng, ho gà, sốt xuất huyết… đều có số mắc giảm so với các tuần trước. Tuy nhiên, với dịch sốt xuất huyết, nguy cơ gia tăng mạnh số mắc trong vài tuần tới đây là rất lớn bởi thời tiết chuẩn bị vào mùa hè là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

Ông Hạnh cho biết, tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã ghi nhận 139 trường hợp sốt xuất huyết trong năm 2019. Để đề phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát vào mùa hè, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị cần chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và tăng cường công tác giám sát véc tơ phòng bệnh.

Đáng chú ý, trong tuần qua, Hà Nội đã tiến hành giám sát tại 12 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết, trong đó có các trọng điểm như: phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), phường Nghĩa Đô và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), phường Ngọc Hà và phường Thành Công (quận Ba Đình)… (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Bảo hiểm y tế góp phần hình thành nhân cách sống cho thế hệ trẻ

Tham gia BHYT không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện về trí lực và thể chất mà còn góp phần hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ …  (Thanh niên, trang 17).

 

Bác sĩ ảo trong phòng khám tư

Nhiều phòng khám tư đăng tên các bác sĩ đang làm việc tại những bệnh viện lớn để lòe bệnh nhân.

Khảo sát của Pháp Luật TP.HCM cho thấy không ít phòng khám tư trên địa bàn TP.HCM đăng tải tên tuổi kèm hình ảnh bác sĩ (BS) ảo trên trang điện tử. Chưa hết, các phòng khám này còn quảng cáo họ có nhiều BS đang làm việc tại những bệnh viện (BV) đầu ngành khiến người bệnh ngộ nhận.

Toàn BS làm ở BV lớn

Trang điện tử bacsidennha.com của Trung tâm BS gia đình TP.HCM ở địa chỉ 65 Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM đăng tấm ảnh điều dưỡng Thanh Thúy.

Kèm tấm ảnh, trang điện tử nói trên còn đăng tải nội dung: “Điều dưỡng Thanh Thúy tốt nghiệp ngành điều dưỡng năm 2011. Cô có bảy năm kinh nghiệm làm việc tại BV Nhân dân 115, TP.HCM trong ngành điều dưỡng”.

Tương tự, trang điện tử bacsigiadinhphuduc.com của Phòng khám đa khoa (PKĐK) BS gia đình Phú Đức (383 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM) đăng hàng loạt tên các BS đang làm việc tại những BV lớn. Cụ thể, các BS Trương Trọng Tuấn, Giáp Nguyễn Đăng Thi, Phạm Lương Tri (BV Nhân dân 115); BS Huỳnh Thúy Oanh (BV Từ Dũ); các BS Trần Anh Thông, Bùi Châu Uyên Ngọc (BV Nguyễn Tri Phương)…

Không kém cạnh, trang điện tử jiohealth.com của Công ty TNHH PKĐK Jio Health (30 Nguyễn Văn Lạc, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đăng tên và hình ảnh nhiều BS đến từ những BV lớn ở TP.HCM. Chẳng hạn, các BS Huỳnh Thị Thủy Trang, Lê Tuyết Trân, Nguyễn Nhật Uy, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Sĩ, Trần Đăng Khoa (BV Nhân dân Gia Định); các BS Vũ Thị Thùy Trang, Lê Ánh Ngọc, Lê Minh Hiếu, Nguyễn Văn Nhàn, Trần Thị Hoàng Yến (BV Nhi đồng 2)…

Quá trời bác sĩ ảo

Ông Nguyễn Văn Ngân, phụ trách Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ BV Nhân dân 115, cho biết hiện có điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Thúy và điều dưỡng Lê Thị Thanh Thúy công tác tại khoa Nội thần kinh tổng quát của BV này. “Tuy nhiên, cả hai điều dưỡng Thanh Thúy của BV Nhân dân 115 không hợp tác ngoài giờ cho Trung tâm BS gia đình TP.HCM” – ông Ngân nói.

Ông Ngân cho biết thêm BV Nhân dân 115 không có BS Giáp Nguyễn Đăng Thi và Phạm Lương Tri như trang điện tử của PKĐK BS gia đình Phú Đức đã đăng tải. “BS Trương Trọng Tuấn đúng là đang làm việc tại BV này. BS Tuấn cũng có thời gian hợp tác ngoài giờ với PKĐK BS gia đình Phú Đức nhưng đã nghỉ làm cho phòng khám này khá lâu” – ông Ngân nói thêm.

Trong khi đó, lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương cho biết hai BS Trần Anh Thông và Bùi Châu Uyên Ngọc chỉ tham gia nghiên cứu y học với PKĐK BS gia đình Phú Đức nhưng đã ngưng khoảng một năm. Riêng BS Huỳnh Thúy Oanh, lãnh đạo BV Từ Dũ khẳng định danh sách nhân sự của BV không có tên BS này. “Chẳng hiểu PKĐK BS gia đình Phú Đức lấy đâu ra BS Oanh của BV Từ Dũ rồi đăng tải trên trang điện tử của mình” – vị lãnh đạo này bất bình.

Bà Đinh Thị Minh Hoàng, Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ BV Nhân dân Gia Định, cho biết trong số sáu BS được đăng tải trên trang điện tử của Công ty TNHH PKĐK Jio Health thì chỉ có BS Huỳnh Thị Thùy Trang đang làm tại BV này. Hai BS Lê Tuyết Trân và Nguyễn Nhật Uy nghỉ việc tại BV khá lâu.

“Riêng ba BS Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Sĩ, Trần Đăng Khoa không nằm trong danh sách nhân sự của BV Nhân dân Gia Định. Việc Jio Health đăng tên những BS không làm việc tại BV này làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của BV” – bà Hoàng nêu quan điểm.

Khai sao đăng vậy?!

PV Pháp Luật TP.HCM tìm đến Trung tâm BS gia đình TP.HCM để hỏi lý do vì sao đăng tên điều dưỡng Thanh Thúy trên trang điện tử của trung tâm trong khi người này không làm việc cho BV Nhân dân 115. Tuy nhiên, trung tâm này không có văn phòng tại địa chỉ 65 Linh Đông, quận Thủ Đức.

PV gọi số điện thoại 0902632898 và nhận được tín hiệu từ người xưng là quản lý Trung tâm BS gia đình TP.HCM. “Chị Thanh Thúy nói đang làm việc tại BV Nhân dân 115 mà. Ai khai sao tôi đăng vậy” – nói xong ông này cúp máy.

Tương tự, bà Dương Thị Xuân Thùy, quản lý PKĐK BS gia đình Phú Đức, cho rằng hai BS Giáp Nguyễn Đăng Thi và Phạm Lương Tri khai có thời gian làm cho BV Nhân dân 115 nên phòng khám đã đăng tải nội dung trên lên trang điện tử của phòng. “Nếu hai BS này thực sự không làm việc cho BV Nhân dân 115 thì chúng tôi sẽ… chỉnh sửa lại” – bà Thùy nói.

Vài giờ sau, PV vào trang điện tử của phòng khám nói trên thì phát hiện toàn bộ danh sách BS đã bị gỡ bỏ.

Tại Công ty TNHH PKĐK Jio Health, PV đặt câu hỏi: “Vì sao ba BS Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Sĩ, Trần Đăng Khoa không thuộc nhân sự của BV Nhân dân Gia Định nhưng trang điện tử của Jio Health lại đăng ba BS này làm việc tại BV trên?”.

Bà Đoàn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Jio Health, giải thích: “Các BS nói trên đều có văn bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, do thiếu sót nên Jio Health đăng sai đơn vị công tác. Chúng tôi sẽ điều chỉnh ngay”.

Bác sĩ qua mặt lãnh đạo bệnh viện

Về phía BV Nhi đồng 2, bà Lê Thị Minh Hồng, Phó Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ, cho rằng năm BS được đăng tải trên trang điện tử của Công ty TNHH PKĐK Jio Health đúng là đang làm việc tại BV này.

Bà Hồng cho biết theo quy định, BS làm việc tại BV công muốn hợp tác ngoài giờ với phòng khám bên ngoài buộc phải được sự cho phép của lãnh đạo BV. Điều này giúp BV quản lý được BS của mình. Đồng thời để phòng khám xác định đúng BS hợp tác thực sự đang công tác tại đâu.

“Tuy nhiên, chỉ có BS Vũ Thị Thùy Trang được lãnh đạo BV Nhi đồng 2 cho phép hợp tác ngoài giờ với Jio Health. Bốn BS còn lại chưa được sự đồng ý của lãnh đạo BV nhưng lại hợp tác ngoài giờ với Jio Health là sai. BV sẽ có hướng xử lý vụ việc đúng pháp luật” – bà Hồng nói.

PV đặt câu hỏi với bà Đoàn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Công ty TNHH PKĐK Jio Health: “Vì sao nhiều BS của BV Nhi đồng 2 chưa được sự đồng ý của lãnh đạo BV nhưng Jio Health lại hợp đồng làm ngoài giờ?”. “Đây là thiếu sót của Jio Health. Chúng tôi sẽ yêu cầu các BS nói trên bổ sung công văn cho phép của lãnh đạo BV Nhi đồng 2 ngay trong tháng này. Nếu không có, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng” – bà Tuyết nói.

Sở Y tế TP.HCM vào cuộc

Sở Y tế TP.HCM ghi nhận những nội dung phản ánh của Pháp Luật TP.HCM và đã chuyển phòng thanh tra để xác minh. Các phòng khám và cá nhân BS có sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).

 

56 tỉnh , thành có dịch sởi

Ngày 12-3, Bộ Y tế cho biết, tính đến nay, tại 56 tỉnh, thành trong cả nước đã ghi nhận có dịch sởi với trên 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó khoảng 3.000 trường hợp dương tính với virus sởi.

Đáng lưu ý, hiện số người mắc sởi tại nhiều địa phương vẫn chưa có xu hướng giảm. Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vaccine phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ, cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 – 5 năm.

Trước dịch bệnh sởi lan rộng và bùng phát mạnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi. Trong đó tập trung thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch phòng chống dịch sởi; tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn; tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng…

Cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM thông tin tình hình bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết (SXH) gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2018 và chưa có dấu hiệu dừng.

Từ đầu năm đến nay số ca SXH ghi nhận trên địa bàn TP là 9.048 trường hợp, tăng 255% so với cùng kỳ năm 2018 (2.547 trường hợp). Ngành y tế TP ghi nhận 2 trường hợp tử vong do SXH tại quận Tân Phú và huyện Củ Chi. Số ca tay chân miệng ghi nhận 388 trường hợp, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018 (là 291 trường hợp) và số ca sởi là 1.337 trường hợp, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 3 trường hợp.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trong tuần qua, có 97 trường hợp sởi nhập viện, số ca sởi đã lan rộng ra 24/24 quận, huyện. Các quận, huyện có nhiều ca bệnh là quận Bình Tân, quận 8 và huyện Bình Chánh. Số trẻ trong độ tuổi từ 18 tháng tuổi đến 10 tuổi mắc sởi chiếm 49% (trong đó: trẻ từ 18 tháng tuổi đến 5 tuổi chiếm 26%, trẻ từ 6-10 tuổi chiếm 23%). 96% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng và hơn 4% chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Ngoài ra còn có 19% bệnh nhân là trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm chủng) không nhận được kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang.

Để phòng chống dịch sởi, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khuyến cáo, mọi người cần chủ động đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Khống chế dịch sởi, chặn sốt xuất huyết bùng phát

Ngày 12-3, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và triển khai công tác phòng chống dịch sởi, sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến ngày 10-3, một số dịch bệnh trên địa bàn thành phố như: Sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ho gà có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, tính đến ngày 10-3, thành phố đã ghi nhận 412 ca mắc sởi (tăng 366 ca so với cùng kỳ năm ngoái), phân bố tại 29/30 quận, huyện, thị xã và 183/584 xã, phường, thị trấn. Số ca mắc sởi tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành (chiếm 73%). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình. Điều đáng nói là 92% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng do mất sổ tiêm chủng.

Cùng với dịch bệnh sởi, Hà Nội cũng đã ghi nhận 127 ca mắc tay chân miệng tại 26 quận, huyện (tăng 110 ca so với cùng kỳ); ghi nhận 139 ca sốt xuất huyết tại 26/30 quận, huyện, thị xã (tăng 2,4 lần), đồng thời ghi nhận 40 ca ho gà tại 21 quận, huyện (tăng 36 ca). Tuy nhiên, Hà Nội chưa để xảy ra trường hợp tử vong do các dịch bệnh trên.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đánh giá, một số dịch bệnh như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng thời gian qua do khí hậu thời tiết thuận lợi cho vi rút và muỗi truyền bệnh tồn tại và phát triển. Cụ thể, hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 và dự báo đến tháng 6-2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn… Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh gia tăng. Thêm vào đó, sự e ngại sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của các bậc phụ huynh, trong khi các loại vắc xin dịch vụ đang bị thiếu hụt tại một số nơi dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch còn thấp.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, số trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn thành phố cần tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella là hơn 607 nghìn trẻ. Tính đến ngày 8-3, chiến dịch đã tiêm bổ sung cho hơn 588 nghìn trẻ (đạt tỷ lệ hơn 96%). Hiện còn duy nhất quận Đống Đa mới đạt tỷ lệ tiêm 80%, chưa đạt mục tiêu của chiến dịch. Thời gian tới tiếp tục tổ chức tiêm vét bổ sung vắc xin sởi – rubella tại 12/21 phường có tỷ lệ tiêm thấp (dưới 95%) của quận Đống Đa.

Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, vắc xin là vũ khí hiệu quả phòng chống 10 loại bệnh. Nhưng hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc xin rất thấp. Chẳng hạn như tỷ lệ tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBe Five mới, chỉ đạt 51,5% số đối tượng cần tiêm. Nếu tỷ lệ tiêm thấp, không chỉ có sởi mà trong tương lai, một số dịch bệnh đã khống chế như bại liệt, sẽ có nguy cơ quay trở lại. Thực tế hiện nay, nhiều gia đình ở thành phố có điều kiện kinh tế thường tìm đến tiêm chủng dịch vụ. Thậm chí, nhiều phụ huynh chờ vắc xin dịch vụ, dẫn đến khoảng trống tiêm phòng. Hơn nữa, có cơ sở tiêm dịch vụ tiêm cho 1.000 trẻ nhưng chỉ báo cáo tiền sử tiêm chủng của 200-300 trẻ, vì vậy, công tác quản lý đối tượng tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Do đó, tới đây, nếu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không thực hiện thống kê đầy đủ số lượng trẻ tiêm chủng thì sẽ bị thanh tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, Hà Nội phấn đấu khống chế dịch bệnh sởi trong quý II-2019. Cụ thể, cần giảm số ca mắc sởi từ 76 ca một tuần như hiện nay xuống còn 30 ca một tuần trong tháng 4-2019 và đến tháng 6-2019 chỉ còn 10 ca một tuần. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai tốt công tác tiêm phòng. Vì vậy, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần phải rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; đồng thời, cần có sự tham gia của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội để huy động đội ngũ cộng tác viên dân số cùng vào cuộc, rà soát lập danh sách cụ thể trẻ cần tiêm chủng theo hộ gia đình.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội nằm rải rác, không bùng phát tập trung. Kết quả này nhờ vào việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi và sốt xuất huyết cần tiếp tục phải tăng cường trong thời gian tới.  (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hà Nội giám sát 12 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết

Chiều 11-3, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế, từ ngày 4-3 đến 10-3, thành phố Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 76 trường hợp mắc sởi, 6 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp mắc tay chân miệng, 5 trường hợp mắc ho gà.

Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận 412 trường hợp mắc sởi, 139 trường hợp sốt xuất huyết, 127 trường hợp tay chân miệng và 40 trường hợp ho gà nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch sởi tiếp tục có xu hướng gia tăng trên cả nước. Theo nhận định, dịch bệnh này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thời tiết hiện nay thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định. Các dịch bệnh còn lại như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà đều có số ca mắc giảm so với các tuần trước.

Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý, thời tiết chuẩn bị vào mùa hè là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, vì vậy, các đơn vị cần chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và tăng cường công tác giám sát véc tơ phòng bệnh.

Tuần qua, Hà Nội đã tiến hành giám sát tại 12 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết, trong đó có các trọng điểm như: Phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), phường Nghĩa Đô và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), phường Ngọc Hà và phường Thành Công (quận Ba Đình).

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu, các đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa xuân – hè. Mặt khác, tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, sởi…

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi. Kết quả tiêm đến thời điểm hiện tại toàn thành phố đã đạt tỷ lệ 96,83%.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường công tác giám sát ổ dịch cũ và giám sát véc tơ truyền bệnh để chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức

Ngày 11/3/2019, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam

Cùng đi với Bộ trưởng, có Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, lãnh đạo các Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan.Vào cuối tháng 10/2018, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được khánh thành giai đoạn 1 tháng 10/2018.Trước khi làm việc với Ban Quản lý y tế chuyên ngành của Bộ Y tế, các nhà thầu và các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng của cả hai Bệnh viện.Báo cáo của Ban Quản lý chuyên ngành tại buổi làm việc cho biết, sau khi khánh thành Khoa khám bệnh thuộc Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vào cuối tháng 10/2018, đến nay các công trình vẫn đang tiến hành thực hiện để hoàn thành các hạng mục còn lại.

Đối với cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại, khu vực khám đã cơ bản hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3/2019 sẽ đưa vào khám chữa bệnh phục vụ người dân. Còn khu khám bệnh của Bệnh viện Việt Đức, nhà thầu thi công hứa sẽ hoàn thành vào dịp 30.4.2019.

Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Dự án y tế trọng điểm cũng như đại diện các nhà thầu cũng đã báo cáo với Bộ trưởng về một số khó khăn trong quá trình thi công liên quan. Đại diện Lãnh đạo 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cũng đã báo cáo với Bộ trưởng về những thuận lợi và khó khăn cũng như công tác chuẩn bị để triển khai khám bệnh tại bệnh viện trong tháng 4 tới.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để đảm bảo hoạt động của  Khoa Khám bệnh, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã có quyết định phân công, điều động y bác sĩ, nhân viên xuống xơ sở 2 làm việc. Cùng với đó, để đảm bảo hoạt động của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đã triển khai các phương án về cửa hàng phục vụ ăn uống cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên. Song song với đó, 10 máy bán hàng tự động cũng được lắp đặt để phục vụ các nhu cầu của bệnh nhân, người nhà.

GS.TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định điều động hơn 200 cán bộ y bác sĩ là lãnh đạo các khoa, phòng và điều dưỡng, nhân viên y tế xuống làm việc tại cơ sở 2; đồng thời, danh mục khám chữa bệnh, cũng như hồ sơ xin cấp phép hoạt động, Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn và gủi về Cục Khám chữa bệnh để chờ xin cấp phép.

Tại buổi làm việc, PGS. TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế đã phê duyệt danh mục khám bệnh của Khoa khám bệnh đa khoa thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai gồm gần 2.000 danh mục khám và hồ sơ cấp phép hoạt động của Khoa Khám bệnh. Tuy nhiên, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng lưu ý trong quá trình khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai cần lưu ý đến công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Đối với cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, hiện Cục đã nhận được  hồ sơ 364 danh mục khám chữa bệnh của Bệnh viện Việt Đức cũng như các hồ sơ liên quan. “Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng để khi có mặt bằng, có trang thiết bị và hoàn thiện thì chúng tôi sẽ tiến hành cấp phép hoạt động của Khoa Khám bệnh cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức theo quy định”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay

Sau khi lắng nghe những ý kiến phát biểu của các Bệnh viện, nhà thầu cũng như Ban quản lý dự án, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ghi nhận, biểu dương những cố gắng nỗ lực của Bệnh viện Bạch Mai cũng như các đơn vị đã cố gắng để hoàn thiện khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Trước vấn đề chậm tiến độ triển khai tại Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý, nhà thầu cùng Bệnh viện cần tiếp tục “ngồi lại với nhau” để lên danh mục cụ thể từng hạng mục và cùng làm song song các hạng mục để 30.4.2019 phải hoàn thành, đặc biệt khu vực cảnh quang xung quanh của bệnh viện cần sớm hoàn thành tránh việc để ngổn ngang vật liệu; Bộ trưởng yêu cầu Ban quản lý chuyên ngành phải làm báo cáo tiến độ, thẩm định dự toán, đối với những vướng mắc cần được thống nhất giữa bệnh viện và nhà thầu.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng thường trực Nguyễn Viết Tiến chủ trì gia hạn hợp đồng với các nhà thầu đồng thời họp cùng với các đơn vị liên quan trong việc tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề khám chữa bệnh BHYT tại đây.

“Ban quản lý cùng với nhà thầu cần phải có phương án cụ thể lộ trình để triển khai các hạng mục còn lại. Cùng với đó cần song song triển khai các hạng mục đặc biệt là việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, hướng tới áp dụng bệnh viện không giấy tờ và thanh toán bằng thẻ tại 2 cơ sở này. Tất cả chúng ta cùng quyết liệt làm mọi việc để sớm hoàn thành tiến độ các công trình này nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”- Bộ trưởng nhấn mạnh

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi. Đây là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi. Đây là một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương: xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch.

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức là công trình trọng điểm ngành Y tế Việt Nam. Khi đưa vào sử dụng các 02 bệnh viện này có cơ sở vật chất hiện đại như các nước tiên tiến, vừa phục vụ tốt về dịch vụ y tế để người bệnh coi đây là điểm đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt không phải lãng phí tiền của và công sức ra nước ngoài trị bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/05/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/4/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận