Sống cân bằng, hài hòa để giảm stress
Nhịp sống gấp gáp của xã hội hiện đại, nhiều áp lực đã và đang làm cho số người bệnh bị stress ngày càng gia tăng. Hệ quả là tạo ra những gánh nặng cho xã hội và cho chính bản thân người bệnh, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, công việc, phát sinh nhiều chi phí không hợp lý.
Nhìn bề ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng chị H (gần 40 tuổi) đang phải điều trị rối loạn dạng cơ thể tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Khởi phát từ khoảng bốn năm trước, sau một thời gian lo lắng, căng thẳng do cuộc sống gia đình, chị H có cảm giác đau ở vị trí hai bên thái dương và lan tỏa ra khắp đầu. Những cơn đau kèm theo triệu chứng khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc khiến chị thường bị rơi vào trạng thái hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực và mắc chứng trào ngược dạ dày… Vì vậy, chị không còn hứng thú trong công việc, giảm sự quan tâm đến con cái và không thiết vận động. Ðáng chú ý, đi khám ở nhiều nơi, nhiều chuyên khoa, ai mách thuốc gì cũng mua để uống, nhưng bệnh vẫn không giảm. Khi gia đình đưa lên Viện Sức khỏe tâm thần, qua các bài kiểm tra đánh giá, bác sĩ nhận định chị bị mắc stress (+++) dạng cơ thể. Rất may, quá trình điều trị đang đem lại những dấu hiệu tích cực, chị có dấu hiệu phục hồi tốt.
Theo TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan stress (Viện Sức khỏe tâm thần), có rất nhiều nguyên nhân làm con người có thể bị stress. Nhiều người mới chịu áp lực rất nhỏ trong cuộc sống cũng có thể dẫn đến stress, như một nam thanh niên chưa tới 30 tuổi chuẩn bị lấy vợ, vì lo lắng cho đám cưới đến mức phải nhập viện điều trị. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy đây là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, stress kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy khó lường, nhất là guồng quay áp lực công việc, kinh tế của xã hội hiện đại. Trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý, đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.
Hiện nay, có hai thể stress, là stress bệnh lý cấp tính, xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể như: người thân bị bệnh nặng, bị tiến công, gặp nguy hiểm…, khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể; stress bệnh nguyên, bệnh sinh (phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội… sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân). Stress xuất hiện có thể do một nguyên nhân duy nhất hoặc do nhiều sang chấn kết hợp với nhau gây ra, có thể là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng cũng có thể chỉ là yếu tố thúc đẩy một bệnh sẵn có phát sinh. Stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Ngược lại, với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, số người bệnh đến khám, điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong đó nhiều người bệnh đến điều trị ở mức độ quá muộn. Các nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy khoảng 15% dân số mắc các rối loạn do stress. Ðiều đáng nói, trong quá trình chữa trị, phần lớn người bệnh không biết mình bị bệnh gì; hầu hết số người bị stress đều đi khám các chuyên khoa khác (tim mạch, huyết áp, da liễu…) trước khi đi khám tâm thần.
Vì vậy, các bác sĩ cho rằng, để điều trị stress, bên cạnh phác đồ của thầy thuốc, người bệnh cần điều chỉnh lối sống, nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức đề kháng với stress. Thực hiện ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ giấc, không nên ăn quá muộn hoặc ngủ quá muộn vì điều này sẽ làm tăng căng thẳng; tránh sử dụng những chất kích thích. Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp cơ thể và rèn luyện. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Cùng với sự trợ giúp của gia đình, người thân, chính người bị stress phải tìm cách giải tỏa để giảm stress. Trong trường hợp bệnh không có tiến triển thì cần đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. (Nhân dân, trang 5)
Bệnh viện có được thu tiền người nuôi bệnh:Kiểm tra việc bệnh viện thu tiền người nuôi bệnh
‘Như vấn đề Báo Thanh Niên nêu về tình trạng bệnh viện thu phí đối với người nhà BN, chúng tôi cũng sẽ cho kiểm tra lại, nếu xác định có bất hợp lý sẽ có ý kiến chính thức’
Liên quan việc một số bệnh viện (BV) thu phí người nuôi bệnh (NNB), trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BYT (ngày 30.11.2018) đang có hiệu lực được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.
Tại thông tư này, các chi phí trực tiếp tính trong mức giá khám bệnh gồm: chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải sinh hoạt…; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn trong quá trình khám bệnh; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, dụng cụ…
Tuy nhiên, hiện chưa thể tính đủ 100% chi phí trong giá dịch vụ và nếu tính thì cũng trên tinh thần 1 bệnh nhân (BN) có 1 người nhà chăm bệnh, nếu số người nhà nhiều hơn cũng đồng nghĩa kéo theo các chi phí như điện nước, vệ sinh tăng lên thì BV cũng khó có nguồn bù đắp.
Theo ông Liên, vừa qua nhiều BV cũng phàn nàn về tình trạng 1 BN vào viện nhưng có khi 2 – 3 người nhà chăm bệnh. Môi trường đông đúc ảnh hưởng đến vệ sinh chung cũng là vấn đề mà BV phải xử lý. Còn trong trường hợp BV có các dịch vụ như nhà trọ cho người nhà BN thì thu phí là hợp lý vì chi phí đó không nằm trong cơ cấu giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, BV cần tính toán để có mức thu phù hợp với khả năng của gia đình BN.
“Như vấn đề Báo Thanh Niên nêu về tình trạng BV thu phí đối với người nhà BN, chúng tôi cũng sẽ cho kiểm tra lại, nếu xác định có bất hợp lý sẽ có ý kiến chính thức; sở y tế nơi nhận được ý kiến phản ánh của gia đình BN cũng cần rà soát, căn cứ trên các quy định để chấn chỉnh nếu BV thực hiện không đúng”, ông Liên nói.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước thực trạng người bệnh phản ánh BV thu tiền NNB, Sở Y tế đã chỉ đạo các BV không thu tiền điện, nước NNB. Nhưng khi NNB sử dụng các tiện ích mà BV trang bị thêm thì được thu, chẳng hạn nhà lưu trú cho bệnh nhân…(Thanh niên, trang 5)
Tử vong do chủ quan không tiêm phòng dại: Những bài học đau xót
Một gia đình chủ quan nghĩ rằng do “thú cưng” nhà nuôi nên cả gia đình bị chó cắn không ai đi tiêm phòng dại, hiện đã có 2 người tử vong, 1 người đang có hiện tượng dại; một nữ bác sĩ thú y chủ quan cho rằng mình có đầy đủ kinh nghiệm, tự chẩn đoán không mắc dại nên không tiêm phòng khi bị chó cắn và đã tử vong sau đó 3 tháng…
Những cái chết vì chủ quan hằng năm đều xảy ra, song vẫn tiếp tục lặp lại, gây thiệt mạng cho hàng chục người mỗi năm. Bài học tiêm phòng dại cho vật nuôi, cho người sau khi bị chó mèo cắn vẫn còn nóng hổi.
Những cái chết thương tâm do chủ quan
Trong mấy ngày qua đã xảy ra hai vụ chết người vì bị chó cắn vô cùng thương tâm. Đó là một cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó 6 con cắn chết và một gia đình ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có tới 4 người bị chó nhà cắn nhưng không tiêm phòng dại, 2 tháng sau 2 bố con tử vong.
Trước đó, ngày 6-2-2019, cả 4 người trong gia đình anh Bùi Văn Tuấn (xã Trung Sơn) bị chó nhà cắn nhưng không đi tiêm phòng. Do anh Tuấn bị con chó tiếp tục cắn lần hai nên đã giết chết vật nuôi và đem chôn, thay vì nhốt lại để theo dõi. Chính vì không biết chó đã mắc bệnh dại nên cả nhà không xử lý vết thương và không đi tiêm phòng.
Ngày 31-3, anh Tuấn có dấu hiệu khó thở, nấc, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động mạnh, lên cơn co giật… vợ và con gái mới vội vã đi tiêm phòng. Người con trai 7 tuổi do bị sốt nên hoãn tiêm.
Anh Tuấn được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và chẩn đoán phát bệnh dại nặng. Chiều 2-4 anh Tuấn tử vong tại nhà. Đêm 3-4 người con trai cũng qua đời.
Vào tháng 6-2018, BS thú y Phan Thị C (24 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) trong lúc làm việc bị chó ốm cắn vào tay phải, chị đã tự sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Sau 4 ngày con chó chết, nhưng chị vẫn không tiêm phòng vaccine dại vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên. Hơn 1 tháng sau, chị xuất hiện triệu chứng của bệnh dại và đau nhức chỗ bị chó cắn. Được gia đình đưa tới Bệnh viện Bạch Mai, nhưng nữ BS đã tử vong 1 ngày sau đó.
Những cái chết vì bệnh dại liên tiếp xảy ra, vào thời điểm trước cái chết của BS thú y Phan Thị C một tháng, 2 cháu bé ở Hòa Bình bị chó nhà nuôi cắn và nhiễm virus dại, nhưng gia đình không biết và không đưa các cháu đi tiêm phòng. Sau khi nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 1 tuần đã tử vong. Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), năm 2018 có 86 người chết vì bệnh dại ở 26 tỉnh, thành, tăng 12 trường hợp so với năm 2017.
Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, tháng 10-2018, ông L.V.T (SN 1968, trú tại xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu) tử vong sau một thời gian bị chó nhà hàng xóm cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm phòng dại. Gần 10 ngày sau đó, cũng trên địa bàn huyện này, bà V.T.X. (SN 1966) cũng bất ngờ qua đời.Trước đó, bà X. cũng bị một con chó của gia đình trong bản cắn, nhưng không đến cơ sở y tế để thăm khám. Sau khi đi đám tang một người quen trở về, bà X. phát bệnh rồi tử vong.
Trên địa bàn huyện Nghi Lộc, trong năm 2018 có tới 4 nạn nhân không qua khỏi do bị chó cắn. Theo cán bộ y tế của huyện này, cả 4 trường hợp này tử vong đều bị những con chó chưa được tiêm phòng dại cắn và cả 4 bệnh nhân sau khi bị chó cắn đều không tiêm phòng dại. Các trường hợp này sử dụng thuốc nam để chữa trị.
Trước đó, vụ việc thương tâm nhất, xảy ra vào tháng 6-2016, chị H.T.H. (SN 1978), trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên trên đường đi thu mua ve chai về bị con chó thả rông (nghi dại) cắn ở chân. Chị H. tự đi mua thuốc nam về uống, 3 tháng sau thì lên cơn dại rồi tử vong. Tháng 12-2017, nữ sinh H.T.L., học sinh lớp 9 tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong cũng đã tử vong sau một thời gian bị chó nhà cắn nhưng chủ quan, không đi tiêm phòng dại tại các cơ sở y tế.
Nhiều người chủ quan “chó nhà cắn không sao” nên không đi tiêm phòng, hoặc tìm đến thầy lang để chữa viết thương. Đây là một sai lầm, làm mất đi cơ hội phòng bệnh vì cho đến nay, chưa có cơ sở nào khẳng định điều trị bằng thuốc nam có hiệu quả trong việc phòng, chữa bệnh dại.
BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với các bệnh nhân khi đã lên cơn dại, gần như 100% là tử vong. Vậy nên, người bị chó cắn, tuyệt đối không được chủ quan, nhiều người thấy vết thương liền da thì không đi tiêm phòng. Bởi tùy theo vị trí vết cắn, thời gian phơi nhiễm virus ở mỗi người sẽ khác nhau.
Có người sau khi chó cắn 20-30 ngày lên cơn dại, cũng có người vài tháng, thậm chí cả năm. Vì vậy, cần theo dõi con chó trong vòng 10 ngày, nếu thấy nó ốm hoặc chết phải đi tiêm phòng ngay. Đặc biệt lưu ý, nếu bị cắn vào vùng dây thần kinh (đầu mặt cổ) thì phải đi tiêm phòng ngay để bảo vệ tính mạng.
Phải xử lý nghiêm người nuôi chó không tiêm phòng dại
Chiến dịch tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo được triển khai sâu rộng đến từng tổ dân cư trên cả nước. Người đứng đầu địa phương phường, xã, tổ dân phố có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, xử lý hộ gia đình nuôi chó, mèo chưa tiêm phòng dại. Trách nhiệm của người nuôi là phải cho chó đi tiêm phòng để bảo vệ người xung quanh. Điều này đã được quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, còn rất nhiều gia đình không tuân thủ và việc kiểm tra, xử phạt không được thực thi nghiêm túc nên chủ nuôi “nhờn” luật.
Qua khảo sát của phóng viên ở phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội), nhiều chủ nuôi còn chủ quan và không thực hiện Nghị định của Chính phủ. Tổ trưởng tổ dân phố phải đi “khua” từng nhà nuôi chó, yêu cầu chủ nuôi đưa chó đi tiêm phòng dại. Nếu không sát sao, không trách nhiệm sẽ dễ dàng bỏ “lọt” và đây là nguy cơ gây chết người khi mùa hè đang đến, nguy cơ bùng phát bệnh dại cao.
Ngay tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), khi gia đình bị chó dại cắn tháng 2 thì tháng 3 địa phương mới có lịch đưa chó đi tiêm phòng. Cả xã còn gần 100 con chó chưa được tiêm phòng, đây là nguy cơ lớn nếu nó được thả rông, không rọ mõm và cắn người.
Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự cho biết: Pháp luật hiện hành có những quy định rất cụ thể dành cho chủ nuôi động vật. Cụ thể, Nghị định 05/2007 về phòng chống bệnh dại đã quy định rất rõ về việc nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường. Phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Hiện nay, mặc dù đã có quy định xử phạt chó thả rông nhưng tình trạng nuôi chó, thả rông chó tại các khu dân cư và nơi công cộng vẫn rất phổ biến.
Nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực kể từ ngày 15-9-2017 quy định, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Hồng Phú thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tương tự như vụ đàn chó thả rông tấn công cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên, nếu chó cắn người lây nhiễm virus dại gây thiệt mạng cũng bị xử lý tương tự.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi vì không tiêm phòng bệnh dại cho chó, người nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. (Công an Nhân dân, trang 7)
Điều cần làm để trẻ không phải mang hình hài “bà lão”
Nhiều trẻ nhỏ còn ít tuổi đã phải mang hình hài của “bà lão” khi bị vẹo cột sống. Vẹo cột sống ở trẻ không chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Trẻ bị cong vẹo gặp nhiều biến chứng
Bé Trần Tuệ Linh ở đội 3 (xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã được các bác sỹ Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật tạo hình lại cột sống do cong vẹo hình chữ S. Chị Lê Thị Loan – mẹ của bé cho biết, khi bé Linh được 1 tháng tuổi, gia đình sờ thấy một khối u ở sau lưng. Khối u cứ dần to lên, càng lớn bé càng rõ cái dáng “bà còng”, thêm vào đó là chứng tức ngực và khó thở nên phải đi khám. Theo các bác sĩ, trường hợp của bé Linh bị gù vẹo cột sống bẩm sinh. Với mức vẹo cột sống hình chữ S, bé Linh đã được các bác sỹ phẫu thuật can thiệp để nắn lại cái lưng gù.
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, Khoa này vẫn thường tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân tới khám cong vẹo cột sống mà đa phần đã ở mức độ nặng. Đặc biệt tới đây vào dịp hè, số lượng thường sẽ tăng nhiều, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam.
Cong vẹo cột sống nhẹ gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ. Trong trường hợp nặng, khung sườn bị biến dạng có thể đè ép vào phổi và tim làm cho trẻ khó thở, giảm sức co bóp của tim, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Biến dạng khung chậu ở trẻ em nữ có thể ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này. Đặc biệt trong giai đoạn bệnh nhi phát triển 5 – 8 tuổi, tình trạng cong vẹo cột sống ảnh hưởng nặng đến hô hấp.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (nguyên bác sĩ Bệnh viện Quân y 103) cho biết, mọi người vẫn nghĩ, cong vẹo cột sống chỉ là do ngồi sai tư thế, phải lao động cực nhọc khi còn nhỏ tuổi, đeo nặng nhưng thực tế nguyên nhân có nhiều. Phần lớn bệnh nhân vẹo cột sống không xác định được rõ nguyên nhân. Vẹo cột sống còn do bẩm sinh, kèm theo các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, hội chứng Marfan, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não, di chứng sốt bại liệt…).
Một phần vẹo cột sống ở trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều hiện cũng do trẻ ngày nay lười vận động, thời gian sử dụng máy tính, thiết bị điện tử kéo dài, ngồi sai tư thế với tiêu chuẩn bàn ghế không phù hợp.
Cong vẹo cột sống thường xuất hiện từ bé và tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì. Từ 14-17 tuổi là thời điểm biểu hiện rõ nhất do đây là thời kỳ mà hệ xương khớp phát triển mạnh. Vẹo cột sống không chỉ mất thẩm mỹ mà còn làm giảm chức năng hô hấp, tim mạch, các em gái có thể sẽ khó khăn cho việc sinh nở sau này.
Cách phát hiện sớm con cong vẹo cột sống
PGS.TS Đinh Ngọc Sơn cho rằng, việc phát hiện sớm cong vẹo cột sống là rất quan trọng để can thiệp cho trẻ, tránh những biến chứng không tốt cho sức khỏe. Phương pháp đơn giản để bố mẹ có thể phát hiện bất thường cột sống của trẻ ngay tại nhà là: cho trẻ đứng thẳng, hai chân song song sát nhau, rồi để trẻ cúi xuống từ từ, đầu gối thẳng. Lúc này, người lớn có thể quan sát sự cân đối của hai vai, nếu một vai nhô lên cao cho thấy có sự bất thường cột sống thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên về cột sống để làm các chẩn đoán xác định lại xem các cháu có bị vẹo không.
Để phát hiện vẹo cột sống hay không bác sỹ chỉ định chụp phim chụp X-quang rất đơn giản, nhanh chóng. Nhiều trường hợp phát hiện muộn, điều trị không đúng cách khiến tình trạng vẹo nặng hơn. Khi đó dù phẫu thuật, cột sống cong góc quá lớn cũng chỉ khắc phục được một phần.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho biết để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sức mạnh khối cơ, các tổ chức liên kết, dây chằng, khớp, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối. Lứa tuổi học sinh cần chú ý đến tư thế ngồi học đúng, không mang cặp nặng…
Để phục hồi chức năng có thể áp dụng một số bài tập có mục tiêu kéo giãn các cơ, dây chằng phía cột sống cong lõm và làm mạnh các cơ phía cột sống cong lồi để điều chỉnh lại tư thế cột sống. Ngoài tập các bài hỗ trợ như bơi, đu xà đơn thường xuyên, có thể áp dụng các bài tập sau.
* Bài tập ở tư thế nằm ngửa:
– Bài tập 1: Trẻ nằm ngửa, hai tay trẻ đan các ngón vào nhau và đặt sau gáy. Kỹ thuật viên gập gối phải của trẻ, đưa gối và khuỷu tay bên đối diện chạm vào nhau rồi đổi bên. Gối phải chạm khuỷu tay trái, gối trái chạm khuỷu tay phải. Mỗi động tác lặp lại 10 lần.
– Bài tập 2: Trẻ nằm ngửa, co hai chân, tỳ gót và vai xuống giường nâng mông lên đưa mông sang phía cột sống cong lồi đặt xuống giường, rồi nâng mông đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa mông về phía cột sống cong lồi hai lần thì đưa mông về phía cột sống cong lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần.
* Bài tập ở tư thế nằm nghiêng:
– Trẻ nằm nghiêng góc lõm cột sống ở phía dưới, góc lồi cột sống ở phía trên. Chống tay phía dưới đỡ bàn tay vào đầu trong khi người vẫn giữ ở tư thế thẳng, chân dưới duỗi, chân trên co, giữ 5 – 10 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.
– Trẻ nằm nghiêng như trên trong tư thế thân người thẳng. Kỹ thuật viên đứng trước mặt bệnh nhi dùng tay phía chân bệnh nhi luồn xuống trước dưới đỡ chân bệnh nhi bàn tay đặt vào đùi phía dưới của bệnh nhi, tay kia của kỹ thuật viên cố định bờ sườn phía trên của bệnh nhi rồi nâng chân bệnh nhi lên để kéo giãn cột sống phía lõm, giữ 5 giây rồi đặt về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 10 lần.
* Bài tập ở tư thế nằm sấp:
– Bài 10: Trẻ nằm sấp, tay phía cột sống lõm giơ thẳng lên phía đầu, tay phía cột sống lồi duỗi thẳng với xuống gối cùng bên, đầu nghiêng nhìn theo tay, giữ 5 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác 10 lần.
– Bài 11: Trẻ nằm sấp, hai tay duỗi thẳng đặt hình chữ V lên phía đầu. Kỹ thuật viên dùng một tay đỡ hai chân trẻ bàn tay đặt mặt dưới đùi nâng khung chậu lên khỏi mặt giường, tay kia cố định bờ sườn phía cột sống lồi rồi đưa chân trẻ về phía lồi để kéo giãn bên lõm, giữ 5 giây rồi đưa về vị trí ban đầu. Cứ đưa chân trẻ về phía cột sống lồi hai lần thì về phía cột sống lõm một lần. Lặp lại động tác 10 lần. (Gia đình & Xã hội, trang 11)
Mổ thành công khối u tuyến ức nặng 1kg ở bệnh nhân
Chiều 10/4, Bác sĩ Nguyễn Xuân Dũng-Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay, vừa phẫu thuật thành công khối u tuyến ức lớn ở nữ bệnh nhân lớn tuổi. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị thực hiện một ca phẫu thuật có khối u tuyến ức lớn như thế này.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị Huột (71 tuổi, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng liên tục thiếu máu. Chụp chiếu toàn thân bệnh nhân thì phát hiện 1 khối u lớn ở tuyến ức. Bệnh nhân Huột lớn tuổi, thiếu máu, từng bị ung thư song khối u quá lớn, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên các bác sĩ quyết định mổ cho bệnh nhân, dù có nhiều yếu tố rủi ro.
“Kíp mổ của Khoa Ung bướu đã tiến hành mở ngực đường giữa, cắt xương ức, tiếp cận khối u, cô lập các mạch máu nuôi u, bóc tách khối u có kích thước 12 x10 cm, nặng khoảng 1 kg ra khỏi thành ngực thành công sau 3 giờ phẫu thuật”, BS Dũng nói. (Tiền phong, trang 2)