Điểm báo ngày 22/4/2019

(CDC Hà Nam)
 TP.HCM kiểm soát kê đơn, bán thuốc kê đơn ngoại trú; Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo; Báo SK&ĐS trao tặng trang thiết bị y tế cho quân, dân đảo Sơn Ca thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa: Đất liền gần hơn với đảo xa…

Khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho hơn 1.500 trẻ

Từ ngày 19 đến 21-4, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đác Lắc phối hợp với Bệnh viện nhi Đức Tâm, TP Buôn Ma Thuột và Bệnh viện đa khoa huyện Ea H’Leo, Bệnh viện đa khoa huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc tổ chức khám sàng lọc và tầm soát, tư vấn bệnh tim miễn phí cho hơn 1.500 trẻ em là con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Chương trình khám sàng lọc và tầm soát, tư vấn bệnh tim miễn phí cho trẻ em nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua việc khám sàng lọc và tầm soát bệnh tim, những em bị bệnh tim bẩm sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được chỉ định phẫu thuật sẽ được hỗ trợ phẫu thuật miễn phí 100%. Năm 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đác Lắc cùng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho 58 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh với tổng kinh phí gần ba tỷ đồng. (Nhân dân,  trang 5)

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân nghèo

Ngày 20-4, các y bác sĩ Trường Đại học Y dược TP HCM thành lập tổ khám bệnh, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho 600 dân nghèo trên địa bàn ba xã của TP Cà Mau là Hoà Tân, Hoà Thành và Định Bình. Đây là một trong những hoạt động thường niên của Trường Đại học Y dược TP. HCM, nhằm chia sẻ, chung tay cùng chính quyền các vùng quê còn nhiều khó khăn trong cả nước chăm lo tốt hơn sức khoẻ người dân.

Lần về nguồn lần này có sự tham gia của 25 người là các y bác sĩ giỏi của Trường Đại học Y dược TP.HCM. Trong đó có một Phó giáo sư, tiến sĩ, hai bác sĩ chuyên khoa 2 và mười thạc sĩ chuyên khoa 1. Tại Trạm y tế các xã Hoà Tân, Hoà Thành và Định Bình, các y bác sĩ trong đoàn thực hiện siêu âm tổng quát, khám nội, khám ngoại… và tư vấn sức khoẻ, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng là người già, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. (Nhân dân, trang 5)

Hà Nội: 99% nhà thuốc tư đã kết nối liên thông vào dữ liệu chung của thành phố

Tính đến thời điểm này, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc của Hà Nội đã cơ bản đạt tiến độ, song tại nhiều quận, huyện, việc kết nối quầy thuốc tư nhân còn chậm như: Quốc Oai, Thanh Oai, Sóc Sơn…

TS. Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số liệu tính đến hết tháng 3-2019 cho thấy, việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố về cơ bản đạt tiến độ đề ra. Cụ thể, trên địa bàn thành phố có 6.890 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.372 nhà thuốc, 2.389 quầy thuốc. Đến nay, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối mạng là 5.279/6.890 (đạt 76,6%), trong đó có 3.341/3.372 nhà thuốc (đạt 99%) và 1.617/2.389 quầy thuốc (đạt 67,7 %).

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc tại 11 quận, huyện, thị xã cho thấy, tại một số huyện tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân còn chậm. Đơn cử như huyện Quốc Oai chỉ có 15/100 quầy thuốc có kết nối mạng (đạt 15%), tiếp đến là huyện Thanh Oai có 12/63 quầy thuốc kết nối mạng (đạt 19%), huyện Mỹ Đức (9/28 quầy thuốc kết nối mạng, đạt 32%). Huyện Sóc Sơn còn 141 quầy thuốc tư nhân, Hoài Đức còn 93 quầy thuốc tư nhân và huyện Chương Mỹ còn 66 quầy thuốc tư nhân chưa kết nối mạng… Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông giữa các cơ sở cung ứng thuốc hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.Một số cơ sở đã thực hiện kết nối liên thông nhưng chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý kinh doanh thuốc. Theo ông Trần Văn Chung, thành phố đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành 100% cơ sở cung ứng thuốc được kết nối mạng.

Tới đây, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động bán thuốc kê đơn, chất lượng kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc… (An ninh Thủ đô, trang 3)

Chuẩn bị thí điểm thêm một loại vaccine “5 trong 1” mới tại 5 tỉnh, thành phố

Dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Việt Nam sẽ tiến hành tiêm thí điểm một loại vaccine “5 trong 1” mới ở 5 tỉnh, thành thuộc 4 khu vực địa lý, riêng miền Bắc có 2 tỉnh thí điểm…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện Bộ này đang xem xét các chiến lược sử dụng vaccine, đưa thêm các vaccine mới vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (tiêm miễn phí) để có thêm cơ hội phòng bệnh cho trẻ em. Ngoài vaccine “5 trong 1” ComBe Five đang được triển khai tiêm chủng mở rộng – nhưng tình trạng khan hiếm, thiếu cục bộ vaccine này thường xuyên xảy ra trong những tháng vừa qua – dự kiến tháng 5-2019, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiến hành tiêm thí điểm trên quy mô nhỏ loại vaccine “5 trong 1” có thành phần kháng nguyên tương tự vaccine ComBe Five. GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, loại vaccine 5 trong 1 mới này cũng phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT – VGB – Hib). Việc đưa thêm một loại vaccine 5 trong 1 vào tiêm chủng mở rộng nhằm đảm bảo an ninh vaccine, chủ động không thiếu nguồn cung ứng vaccine.

Được biết, loại vaccine này đã đạt tính an toàn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là vaccine được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ (chính là công ty đã sản xuất và cung cấp vaccine sởi – rubella cho Việt Nam trong dịch sởi năm 2014). Sau khi triển khai tiêm ở quy mô nhỏ, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá, triển khai tiêm đại trà vào khoảng cuối năm 2019. (An ninh Thủ đô, trang 3)

Phát hiện nhiều nhà thuốc thuê sinh viên gọi điện tư vấn sức khỏe, rao bán sản phẩm

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã phát hiện và xử lý nhiều vụ nhân viên tư vấn gọi điện thoại đến khách hàng, mạo danh nhà thuốc Đông y để rao bán sản phẩm, thậm chí thuê cả học sinh, sinh viên không có chuyên môn y tế làm… nhân viên tư vấn.

Ngày 21-4, Cục ATTP đưa thông tin cảnh báo, hiện nay trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đáng nói, các nhân viên tư vấn này thường sử dụng “chiêu bài” giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định, nhất là các sản phẩm: Xương khớp; Sinh lý nam; Tiểu đường; Kích thích mọc tóc; Trị mất ngủ…Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát chứ không giao trực tiếp.

“Cục ATTP đã phát hiện và xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chi là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Trong khi các cơ quan quản lý đang tích cực phối hợp xử lý, người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên” – thông cáo của Cục ATTP nhấn mạnh.

Trước đó, chính Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cũng là nạn nhân của “chiêu trò” gọi điện tư vấn sức khỏe, gạ bán thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng như trên. Theo lời kể của ông Phong, khi ông đang ngồi tiếp khách thì nhận được một cuộc điện thoại số lạ, đầu dây bên kia giọng nữ, giới thiệu và tư vấn sản phẩm giảm cân Bà Dung. Trùng lặp là sản phẩm giảm cân Bà Dung đã bị chính Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong ký quyết định đình chỉ, yêu cầu thu hồi vì vi phạm trước đó chưa lâu. (An ninh Thủ đô ,trang 3)

Lập điện thờ, khám chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan

Chiều 21-4, Công an huyện Thuỷ Nguyên cho biết vừa phát hiện một đối tượng hành nghề chữa bệnh trái phép theo kiểu mê tín dị đoan.

Theo đó, thời gian gần đây Đội An ninh- Công an huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nhận được nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp về việc tại nhà của bà Lê Thị Dung, sinh 1967, ở thôn Mỹ Liệt, xã Lưu Kiếm, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng thường xuyên có rất đông người tập trung đến để bà Dung khám chữa bệnh cho theo kiểu mê tín dị đoan.

Theo phản ánh của người dân, sau khi con gái chết do tai nạn giao thông, chồng và con đi lao động ở nước ngoài, vào khoảng năm 2014, bà Lê Thị Dung lập điện thờ trong nhà và ngoài sân, lôi kéo thêm một số “con nhang, đệ tử” rồi  tự xưng là “quan thầy” hành nghề xem bói và chữa bệnh cho những người bị bệnh nặng bị bệnh viện trả về như ung thư và nhiều loại bệnh khác. Cách chữa bệnh của bà này rất “quái đản” như đặt tay lên đầu bệnh nhân rồi đạp vào bụng, phun nước vào mặt, bắt người bệnh hút 7 hơi thuốc lá… Đối với người bệnh mà bà ta chẩn đoán là bị “người âm theo” thì chữa bằng cách dùng roi mây tẩm nước bẩn quất vào người, lẩm bẩm khấn vái…để “trục vong”. Khi được Dung chữa bệnh, thì bệnh nhân hoặc người nhà phải tự nguyện đặt lên ban thờ từ 10.000 đến 200.000 đồng…số người đến đây để nhờ “quan thầy” chữa bệnh cho cũng khá đông. Tuy nhiên là họ có “khỏi bệnh” hay không thì chẳng ai biết…

Sau khi xác minh, các trinh sát Đội An ninh xác định, bà Lê Thị Dung không được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào về nghề y mà chỉ lợi dụng sự cả tin của người dân, tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh mang đậm màu sắc mê tín, dị đoan. Đến 10h ngày 19-4, tổ công tác Đội An ninh- Công an huyện phối hợp với lực lượng Công an xã Lưu Kiếm và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở của bà Dung. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện, bắt quả tang bà Dung đang tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh bằng mê tín dị đoan cho 16 người với hình thức như đã nêu ở trên. Cơ quan chức năng cũng phát hiện, thu giữ một số lọ thuốc không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, bà Lê Thị Dung cũng không xuất trình được những giấy tờ, chứng chỉ hành nghề…khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Công an huyện Thủy Nguyên đã triệu tập Lê Thị Dung về trụ sở để làm việc. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu bà Dung cam kết chấm dứt ngay hoạt động hành nghề chữa bệnh mê tín dị đoan trái phép này. (Công an Nhân dân, trang 2)

Báo SK&ĐS trao tặng trang thiết bị y tế cho quân, dân đảo Sơn Ca thuộc huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa: Đất liền gần hơn với đảo xa

Trong các ngày từ 12 – 20/4/2019, TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống đã cùng Đoàn công tác số 4 TP. Hà Nội đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Đoàn công tác số 4 do Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải – Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn còn có Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn và hơn 200 đại biểu gồm đại diện các sở, ban, ngành, huyện, đoàn thể, lực lượng vũ trang công an, quân đội ra thăm quân, dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Ngày 12/4/2019, tàu Trường Sa 571 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân kéo một hồi còi dài, vọng vang giữa không gian trời chiều, chào tạm biệt cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân ra tiễn trên Cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tất cả các thành viên chúng tôi trong Đoàn công tác số 4 ra Trường Sa đứng hết lên mạn tàu, mặt boong, nghiêm trang từ giã đất liền, hẹn ngày gặp lại. Có cái gì đó cay cay nơi sống mũi. Trái tim trong lồng ngực như cũng đập rộn ràng, thổn thức, nôn nao về giây phút thiêng liêng được ra với quần đảo Trường Sa – nơi Tổ quốc giữa lòng đại dương dạt dào sóng vỗ.

Đoàn công tác của báo SK&ĐS vinh dự và tự hào thể hiện tình cảm của đất liền đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác, làm việc, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ vững chắc biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, cùng với Đoàn công tác số 4, đoàn công tác của báo SK&ĐS đã trao tặng trang thiết bị y tế cho Bệnh xá đảo Sơn Ca. Nằm cách Cam Ranh 330 hải lý, đảo Sơn Ca có hình bầu dục, là lá chắn vòng ngoài bảo vệ các tỉnh Nam Trung Bộ. Trung tá Đỗ Ngọc Dũng – Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca nói, nằm trong cụm Nam Yết, đảo Sơn Ca phối hợp với các đảo trong cụm và quần đảo tạo thành thế trận liên hoàn nơi biển khơi. Trong những năm qua, quân, dân trên đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển quê hương. Trên đảo Sơn Ca còn có đèn hải đăng với nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại. Đây là ngọn đèn biển có vị trí chiến lược trên con đường hàng hải quốc tế, cũng là sự khẳng định chủ quyền và vai trò của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Đặt chân lên đảo Sơn Ca, chúng tôi đều bất ngờ vì đảo có nhiều cây cối xanh tốt, cây lâu năm cành lá sum suê, rợp bóng mát. Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến khi được đặt chân lên đảo Sơn Ca và càng bất ngờ hơn nữa khi được thắp nén tâm nhang trong vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhiều loài hoa đủ màu sắc rực rỡ. Các chiến sĩ trên đảo cho biết, khuôn viên xây dựng trên diện tích khoảng 200m2 được bố trí gọn gàng, rợp bóng cây xanh với dừa, bàng vuông, tra biển và nhiều loại hoa mang từ đất liền ra như hoa giấy, hoa đại, hoa mười giờ… Đất liền như gần hơn giữa biển trời Tổ quốc.

BS. Nguyễn Văn Tuấn – Bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca cho phóng viên báo SK&ĐS biết, được sự quan tâm của đất liền, những năm qua, bệnh xá là điểm tựa vững chắc cho những người lính biển và ngư dân đánh bắt ra khơi. Bệnh xá đã làm chủ được các kỹ thuật cấp cứu thông thường như mổ ruột thừa, chấn thương sọ não… Mới đây, ngư dân Phan Hữu Cường (51 tuổi, quê Khánh Hòa) trong đêm bị huyết áp bất ngờ tăng vọt gây xuất huyết não được đưa vào bệnh xá trong tình trạng liệt nửa người, không nói được. Ngay lập tức, BS. Tuấn báo cáo với Viện 91 của Quân khu 1 đề nghị hội chẩn khẩn qua telemedicine. Chỉ trong ít giờ, với sự chi viện từ đất liền qua cầu truyền hình, tập thể quân y bệnh xá đã cứu sống ông Cường qua cơn thập tử nhất sinh.

Được biết, đến nay, tính riêng huyện đảo Trường Sa đã có 9 đảo, điểm đảo được lắp đặt hệ thống truyền hình y học trực tuyến. Đối với những ca cấp cứu khó, vượt quá khả năng và điều kiện cho phép ngoài đảo, các kíp quân y trên đảo sẽ liên lạc, hội chẩn các bệnh viện phụ trách trong đất liền để cùng xử lý, lên phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân hoặc xin ý kiến cấp trên vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay về đất liền tiếp tục điều trị.

Giữa muôn trùng sóng gió, những người lính quân y nơi quần đảo Trường Sa đã và đang là điểm tựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và ngư dân đánh bắt xa bờ.

Trò chuyện với TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn cùng với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Giám đốc BVĐK Xanh Pôn…, thành viên của đoàn công tác số 4, ánh mắt BS. Nguyễn Văn Tuấn – Bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca ánh lên sự tự tin, sẵn sàng làm chủ trang thiết bị y tế được báo Sức khỏe&Đời sống trao tặng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

1 người tử vong, người khác nguy kịch vì uống rượu ngâm thuốc phiện

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu vừa tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, thở yếu. Trước đó, bệnh nhân và người thân cùng uống rượu ngâm quả và cây thuốc phiện. Theo lời kể người nhà, trước khi vào viện 5 giờ, anh T và người thân cùng uống rượu ngâm quả và cây thuốc phiện. Sau uống rượu, anh T thấy mệt mỏi, đau đầu nên đi ngủ. Khoảng 30 phút sau người nhà phát hiện anh bất tỉnh, mạch đập yếu nên đã đưa đến Bệnh viện cấp cứu. Một người thân cùng uống rượu với anh T do không được phát hiện kịp thời đã tử vong tại nhà.

Các bác sĩ cho biết, lúc vào viện, anh T bị hôn mê, tim loạn nhịp, hơi thở yếu, huyết áp tụt, đe dọa tử vong. Sau khi khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T ngộ độc cây thuốc phiện ngâm rượu. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Theo BS. Phan Thanh Huy- Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, một số người dân sử dụng rượu ngâm cây thuốc phiện với quan niệm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên đây là việc làm phạm pháp. Mặt khác để có thể sử dụng với mục đích chữa bệnh thì phải đúng bệnh và bào chế cẩn trọng và đúng liều lượng chứ không thể dùng bất chấp tác dụng và liều lượng. Sử dụng rượu ngâm các bộ phận của cây thuốc phiện rồi uống bất chấp liều lượng rất dễ quá liều dẫn đến ngộ độc, nặng là tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

BV Đại học Y Hà Nội: Lần đầu phẫu thuật cột sống ít xâm lấn đường bên

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phối hợp với chuyên gia phẫu thuật cột sống hàng đầu tại Bệnh viện PutraJaya, Malaysia thực hiện ca phẫu thuật cột sống ít xâm lấn đường bên XLIF.

Ưu điểm của phương pháp này là giảm thời gian phẫu thuật, giảm biến chứng trong và sau phẫu thuật như chảy máu và tổn thương rễ thần kinh. Phương pháp không can thiệp trực tiếp vào ống sống, không phá hủy cấu trúc xương vì vậy sau mổ bệnh nhân không đau, hồi Phục nhanh chóng.

Phẫu thuật đường bên ít xâm lấn là một kỹ thuật phức tạp, khó nhất trong các kỹ thuật mổ cột sống, đòi hỏi phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm. Phẫu thuật thường được chỉ định trong những bệnh nhân bị trượt cột sống, vẹo cột sống do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

TP.HCM kiểm soát kê đơn, bán thuốc kê đơn ngoại trú

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020, nhằm kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn ngoại trú, trong đó tập trung kiểm soát việc kê đơn và bán thuốc kháng sinh trên địa bàn TP.

Kế hoạch thực hiện được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ tháng 4 – 10.2019 thực hiện khảo sát, đánh giá việc kê đơn và bán thuốc kê đơn tại nhà thuốc bệnh viện công – tư, các phòng khám đa khoa, nhà thuốc… tại Q.Phú Nhuận. Giai đoạn 2 từ 11.2019 – 2020 thực hiện trên toàn TP. Theo Sở Y tế, khi khảo sát, đánh giá lần 1, nếu đơn vị, cá nhân nào vi phạm về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn thì sẽ bị nhắc nhở; lần kiểm tra thứ 2 vi phạm sẽ bị phạt hành chính bằng tiền ở mức độ cao nhất theo quy định. (Thanh niên, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/6/2021

CDC Hà Nam

6 biện pháp cần làm ngay để phòng viêm não virus trong mùa hè

CDC Hà Nam

Tập huấn TOT cho cán bộ thuộc Dự án “Đánh giá hiệu quả mô hình can thiệp CLB học tập cộng đồng vì sự phát triển của trẻ” trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Ngọc Nga

Để lại bình luận