Làm rõ nguyên nhân sản phụ tử vong sau khi sinh mổ tại bệnh viện
Ngày 1.5, ông Hoàng Song Hào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết BV đang tiến hành thành lập hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân khiến sản phụ Nguyễn Thị Huê (36 tuổi, ngụ P.Thạch Tân, TP.Hà Tĩnh) tử vong sau khi sinh mổ tại BV vào ngày 30.4. Bước đầu, các bác sĩ nhận định sản phụ Huê tử vong do tai biến sản khoa, tắc mạch ối.
Anh Trần Quốc Hồng (chồng sản phụ Huê) cho biết khoảng 8 giờ ngày 30.4, chị Huê có dấu hiệu sinh con nên được đưa đến BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán thai đủ tháng, chuyển dạ sinh con thứ 3.
Khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, sản phụ Huê đau bụng dữ dội, nổi vân tím toàn thân nên người nhà yêu cầu bác sĩ kiểm tra. Hai tiếng sau, sản phụ bất tỉnh nên được bác sĩ cho thở ô xy và mổ cấp cứu.
Sau hơn 1 tiếng tiến hành ca mổ, bé trai nặng hơn 3 kg được đưa vào lồng kính để chăm sóc đặc biệt. Chị Huê rơi vào tình trạng hôn mê, mất máu nhiều nên bác sĩ yêu cầu người nhà hiến máu để truyền cho sản phụ này. Đến 18 giờ, người nhà được bác sĩ thông báo sản phụ Huê đã tử vong (Thanh niên, trang 5).
Hà Nội bắt đầu điều chỉnh giá gần 2.000 dịch vụ y tế
Bắt đầu từ hôm nay, 1-5, các cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội sẽ áp dụng viện phí mới cho người bệnh không có thẻ BHYT, với gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 1-5.
Theo đó, giá các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT chi trả, gồm: 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện sẽ được điều chỉnh. Giá dịch vụ y tế tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.
Cụ thể, với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT đang được áp dụng giá dịch vụ chỉ tính mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Từ ngày 1-5, giá dịch vụ y tế áp dụng đối với trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT được điều chỉnh tăng mức lương cơ sở vào giá, từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng.
Những người bệnh vào điều trị tại bệnh viện của thành phố từ trước ngày 1-5 và ra viện sau ngày 1-5 thì vẫn được áp dụng mức viện phí cũ.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện có 86,7% dân số Thủ đô đã tham gia BHYT nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến hơn 13% dân số còn lại chưa tham gia BHYT (An ninh thủ đô, trang 7).
Đấu thầu thuốc tập trung: Lo ngại nhà cung ứng độc quyền
Một số ý kiến lo ngại việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ xuất hiện tình trạng “một nhà cung ứng” dẫn đến độc quyền về giá. Kiểm soát giá thuốc đã được Bộ Y tế thực hiện thông qua đấu thầu tập trung (ĐTTT). Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (TTMSTTTQG), cho biết năm 2017 là năm đầu triển khai, TTMSTTTQG đã thực hiện ĐTTT 5 hoạt chất điều trị ung thư, mỗi hoạt chất 1 hàm lượng. Năm 2018, TTMSTTTQG đã ĐTTT với 22 hoạt chất (thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch), bao gồm tất cả các hàm lượng phổ biến của từng hoạt chất.
Việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, số lượng từng loại thuốc được TTMSTTTQG tổng hợp từ đề xuất của tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc có nhu cầu sử dụng. Liên quan vấn đề này, bà Ngọc Bảo vừa trả lời phỏng vấn Thanh Niên.
Hiệu quả của ĐTTT được thể hiện thế nào?
Về hiệu quả kinh tế, các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế. Cụ thể: năm 2017 gói thầu mua thuốc biệt dược gốc tiết kiệm được 114,315 tỉ đồng so với giá kế hoạch (tương ứng với 6,9% giá trị gói thầu); gói thầu mua các thuốc generic tiết kiệm được 362,862 tỉ đồng so với giá kế hoạch (tương ứng với 33% giá trị gói thầu). Trong năm 2018 gói cung cấp thuốc Capecitabin 500 mg nhóm 2: tiết kiệm được 12,741 tỉ đồng so với kế hoạch (tương ứng với 34% giá trị gói thầu); gói cung cấp thuốc kháng vi rút ARV cho các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ nguồn bảo hiểm y tế giảm 31,96% so với giá kế hoạch (giảm hơn 44,4 tỉ đồng). Gói thầu mua thuốc biệt dược gốc tiết kiệm 745,134 tỉ đồng tương ứng với 10% so với giá trúng thầu năm 2017 được công bố trên cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý dược.
Với gói thầu cung cấp một số thuốc nhóm 3 qua đấu thầu đã tiết kiệm 17,266 tỉ đồng so với giá kế hoạch, tương ứng với giảm 23,46%.
ĐTTT dẫn đến thực tế số lượng rất lớn thuốc chỉ do một nhà thầu cung ứng, rất khó đảm bảo về số lượng và gây thiếu thuốc do không cung ứng kịp thời. Ngoài ra, còn có thể tạo ra tình trạng độc quyền giá. Giải pháp cho vấn đề này?
Theo quy định của luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật về đấu thầu, đấu thầu thuốc chỉ lựa chọn một nhà thầu trúng thầu đối với mỗi phần của gói thầu, sẽ cung cấp thuốc trong thời gian 2 năm cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, điều này dẫn đến một số khó khăn như: sau khi ký thỏa thuận khung với TTMSTTTQG, một nhà thầu phải ký kết một số lượng lớn hợp đồng với các cơ sở y tế trên toàn quốc gây mất nhiều thời gian, công sức cho nhà thầu, khó khăn trong việc đảm bảo thời hạn hoàn thành việc ký kết hợp đồng trước khi cung ứng thuốc cho cơ sở y tế.
Trong tương lai, số lượng thuốc cung ứng lớn cho tất cả các cơ sở y tế toàn quốc là rất lớn, mà nếu chỉ có một nhà thầu thì có thể gây nguy cơ thiếu thuốc cung ứng, dù hiện tại đối với các gói thầu đang thực hiện của TTMSTTTQG chưa gặp phải. Thêm vào đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc các nhà cung cấp, sản xuất khác không trúng thầu sẽ dẫn đến tình trạng sau một đợt ĐTTT chỉ còn các đơn vị trúng thầu cung ứng hoặc sản xuất mặt hàng thuốc đó, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập khẩu hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, các đợt đấu thầu lần sau sẽ mất tính cạnh tranh, nên có thể dễ dẫn đến tăng giá thuốc… Tuy nhiên, cần xem xét đánh giá thêm (Thanh niên, trang 22).