Điểm báo ngày 06/5/2019

(CDC Hà Nam)
Hà Nội yêu cầu rà soát lại việc tiêm chủng với trẻ em; Gần 700 đoàn kiểm tra của Hà Nội tăng tốc “truy” thực phẩm kém chất lượng

Hà Nội yêu cầu rà soát lại việc tiêm chủng với trẻ em

Từ đầu năm đến nay, toàn Hà Nội đã ghi nhận 928 trường hợp mắc sởi và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đáng nói, đa phần bệnh nhân chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng sởi theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi UBND các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh, Hai Bà Trưng, yầu các quận, huyện này tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi.

Lý do vì đây là những quận, huyện có số ca mắc sởi cao và vẫn đang có xu hướng tăng. Theo số liệu từ đầu năm đến cuối tháng 4-2019, toàn thành phố ghi nhận 928 trường hợp mắc sởi, trong đó: Hoàng Mai  có 123 trường hợp mắc, Thanh Xuân  67 người mắc, Nam Từ Liêm 65, Hà Đông 57, Đống Đa 48, Ba Đình 46, Thanh Trì 46, Long Biên 41 trường hợp…

Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện có số ca mắc sởi cao nói trên tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng phối hợp với cán bộ Y tế tại địa phương thường xuyên tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng để có kế hoạch tiêm vét đủ mũi vaccine theo quy định.

Cùng đó, phải chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn thường xuyên thực hiện việc rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang theo học tại trường, đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh (An ninh thủ đô, trang 2)

 

Gần 700 đoàn kiểm tra của Hà Nội tăng tốc “truy” thực phẩm kém chất lượng

Thời điểm này, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, gần 700 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) ở tất cả quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang bước vào cao điểm chiến dịch “truy” thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng…

Tiêu hủy hàng trăm lít rượu, lọ phụ gia thực phẩm không rõ xuất xứ

Thực hiện kế hoạch của Tháng hành động vì ATTP năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, từ ngày 15-4, quận Thanh Xuân đã thành lập 14 đoàn kiểm tra ATTP, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận; 1 đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh ATTP tại các trường học.

Tính từ 15-4 đến đầu tháng 5-2019, qua công tác kiểm tra của các đoàn, quận Thanh Xuân đã xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp với số tiền phạt hơn 30 triệu đồng, đáng chú ý trong đó có 2 bếp ăn tập thể lớp mầm non tư thục.

Các lỗi vi phạm thường gặp là nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Ngoài phạt tiền, quận Thanh Xuân đã tiêu huỷ các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP, gồm: 70 lít rượu không có tem mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 26 lọ phụ gia không rõ nguồn gốc; 18 hộp hoa quả và hoa quả khô; 52 túi bánh mì, sữa chua, chè các loại.

Cũng giống như quận Thanh Xuân, công tác kiểm tra ATTP đang được quận Long Biên tăng cường cả về số đoàn lẫn tần suất kiểm tra.

Bà Lương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Y tế quận Long Biên cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, quận đã triển khai 16 đoàn kiểm tra liên ngành. Trực tiếp lãnh đạo UBND quận và các phường đã tham gia nhiều cuộc kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hiện trên địa bàn quận Long Biên có 6.023 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tính từ đầu Tháng hành động đến nay, các đoàn kiểm tra của quận và các phường đã kiểm tra được 170 cơ sở, xử phạt 16 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 45 triệu đồng.

Không chỉ vậy, các đoàn kiểm tra của quận Long Biên cũng đã lấy mẫu thực phẩm để làm xét nghiệm nhanh một số chỉ tiêu về tinh bột, độ sôi, dấm vô cơ, phẩm màu, độ ôi khét, hàn the, methanol… qua đó phát hiện gần 500 mẫu thực phẩm không đạt chất lượng.

Không nương tay với vi phạm, kết hợp xử phạt với tuyên truyền

Nhìn chung, qua đợt cao điểm kiểm tra ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội từ giữa tháng 4-2019 đến nay cho thấy, nhận thức của người dân, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được nâng cao đáng kể. Dù vậy, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm được làm nhái, làm giả với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, không dễ nhận biết…

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường – Sở Công Thương Hà Nội, một trong những “chiêu” làm nhái, làm giả thường gặp với thực phẩm, nhất là thực phẩm nhập khẩu, đó là in ấn nhãn mác giả hoặc dùng chất tẩy để tẩy xóa hạn sử dụng cũ, thay hạn sử dụng mới trên nhãn mác sản phẩm…

Trong khi đó, công tác giám định mẫu thực phẩm còn nhiều hạn chế, ý thức tố cáo thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng của người tiêu dùng chưa cao…

Từ thực tiễn kiễm tra, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 thành phố Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực thực hiện, chỉ đạo triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019 của các cấp, các ngành, các quận huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu từ nay đến hết tháng hành động, các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục tập trung cao công tác kiểm tra liên ngành ATTP từ cấp quận đến phường. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thông báo công khai kết quả kiểm tra ATTP để người dân biết và cùng giám sát cơ sở.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, phải chú ý kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về đảm bảo ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Phòng bệnh sởi và Rubella bẩm sinh cho trẻ bằng vắc-xin

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin sởi- Rubella cho trẻ từ 1 – 14 tuổi, chương trình tiêm chủng vắc-xin này cho nhóm 16-17 tuổi cũng đã được thực hiện trên toàn quốc.

Với các nỗ lực nâng cao tỷ lệ bao phủ trong cộng đồng, Bộ Y tế hướng tới mục tiêu giảm số mắc Rubella và loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam sau năm 2020.

Bệnh Rubella bẩm sinh gây tác hại nguy hiểm

Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Rubella gây ra. Phần lớn bệnh thường ở mức độ nhẹ, thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh Rubella gây tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm virut trong thời kỳ mang thai.

Bệnh Rubella rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virut có thể qua hàng rào nhau thai, xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc Rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.

Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70 – 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu mang  thai. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim bẩm sinh, điếc, tật đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe giống nòi. Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.

Chủ động phòng bệnh sởi – Rubella bằng tiêm chủng

Với bệnh sởi, lịch tiêm sởi hiện nay là thời điểm trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi vắc-xin sởi đơn, trẻ 18 tháng tiêm vắc xin sởi – Rubella. Trẻ lớn hơn tiêm nhắc lại khi có chiến dịch tiêm bổ sung.

Tuy bệnh do Rubella nguy hiểm nhưng phòng bệnh lại không quá khó khăn. Phụ nữ (nếu chưa được tiêm chủng) chuẩn bị mang thai nên tiêm chủng vắc-xin ngừa Rubella (thời gian tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng) giúp bà mẹ khi mang thai có một thai kỳ khỏe mạnh và phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh cho em bé. Học sinh sinh viên cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh Rubella để bảo vệ cho chính mình (Sức khỏe & Đời sống, trang 12)

 

Bộ Y tế đề nghị giữ đề xuất về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia

Trước những tác hại của rượu bia gây ra không chỉ với sức khỏe, tai nạn giao thông mà còn nhiều mặt khác của đời sống xã hội, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Tại phiên họp báo Chính phủ tối 4/5, câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ Y tế là cơ quan này có xem xét đưa nội dung về kiểm soát thời gian bán rượu bia và quảng cáo với mặt hàng này vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sau loạt tai nạn vừa qua không?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, nội dung về quảng cáo và giờ bán rượu bia đã được đưa ra trong bản dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia gần đây.

Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia. Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày. Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch).

Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay, trong ngày 3/5, Bộ Y tế đã văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung trên. Bởi lẽ, theo ông, rượu bia tác động tới nhiều mặt, không chỉ tai nạn giao thông mà còn liên quan tới các vấn đề bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục…

Một điểm nữa, việc Quốc hội đề nghị thay đổi tên từ “Luật Phòng, chống tác hại rượu bia” sang “Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng”, Bộ Y tế cho rằng tên này quá dàihứ. T hai là, không chỉ sức khoẻ vì thực tế tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, nên không thể nói là chỉ mỗi sức khoẻ.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị giữ lại tên như cũ theo quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Trước đó, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật, sau nhiều nỗ lực, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019.

Nhiều nước mạnh tay với hành vi lái xe khi say rượu bia

Trong khi chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý tài xế uống rượu bia gây tai nạn, thì tại nhiều nước trên thế giới hành vi say rượu, bia nhưng vẫn lái xe được xem là vi phạm nghiêm trọng.

 Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện bị phạt tù từ 3 -5 năm và nộp phạt từ 100-200 triệu đồng. Lái xe say rượu gây tai nạn sẽ phải ngồi tù 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Tại Singapore, người điều khiển phương tiện nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền lên đến 85 triệu đồng và đối diện với 6 tháng tù giam.

Với hành vi tái phạm, tài xế phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 50-130 triệu đồng nếu tái phạm lần thứ 2, phạt 510 triệu đồng và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn tái phạm lần thứ 3.

Nếu gây tai nạn do lái xe khi say rượu, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu án tù từ vài năm tới vài chục năm.

Tại Anh, tài xế bị phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 75 triệu đồng và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi điều khiển phương tiện khi uống bia, lái xe cũng khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay Mỹ.

Tại Hàn Quốc, với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự, ngồi tù từ 3 năm trở lên và nộp phạt khoảng 206 triệu đồng. Bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.

Tại Trung Quốc, nếu lái xe bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml máu trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm không được cấp bằng trở lại. Nếu lái xe say xỉn gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngồi tù tùy theo mức độ nghiệm trọng của vụ việc.

Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Anh, Mỹ đã đề xuất thực hiện các mức phạt từ chung thân tới tử hình đối với hành vi say rượu lái xe gây hậu quả nghiêm trọng (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/10/2020

CDC Hà Nam

Duy trì 6 thói quen này khi ngủ có thể khiến bạn giảm tới 10 năm tuổi thọ

hanh phan

Bệnh phổi lạ Trung Quốc lây từ người sang người

Mậu Ngọ

Để lại bình luận