Điểm báo ngày 30/5/2019

(CDC Hà Nam)
Thách thức mới trong công tác dân số: Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên tăng; Thủ đoạn làm giả giấy tờ của Bệnh viện Bạch Mai, rao bán trên mạng; Bộ Y tế thống nhất với Hà Nội về việc không cấp phép sử dụng bóng cười…

 

Đưa vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng: Có đáp ứng yêu cầu?

Để trẻ có thêm cơ hội phòng bệnh, Bộ Y tế vừa đưa thêm vắc xin mới “5 trong 1” DPT – VGB – Hib vào Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm miễn phí cho trẻ. Cùng các vắc xin hiện có, việc đưa vắc xin mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng có bảo đảm an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân là vấn đề được đặc biệt quan tâm? Bởi, trên thực tế, vẫn có một bộ phận người dân đã đưa con đi tiêm dịch vụ, thậm chí không tiêm phòng.

Một bà mẹ cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra vắc xin trước khi tiêm tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (phường Khương Thượng, quận Đống Đa).

Thêm sự lựa chọn, nâng tỷ lệ tiêm phòng

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại điểm tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa) vào ngày 28-5 cho thấy, có rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến đây để tiêm vắc xin dịch vụ.

Bế con gái 4 tháng tuổi trên tay, chị Nguyễn Thị Ngọc (28 tuổi, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) chia sẻ, do vắc xin dịch vụ “5 trong 1” đã hết, nên chị chuyển sang tiêm vắc xin “6 trong 1” cho con. Trước câu hỏi của phóng viên: Chương trình tiêm chủng mở rộng có triển khai tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBE Five, vì sao không đưa con ra trạm y tế để tiêm? Chị Ngọc cho biết, tiêm vắc xin dịch vụ cho yên tâm, không lo tai biến…

Còn chị Phạm Thị Huệ (25 tuổi ở đường Láng, quận Đống Đa), vì không thể chờ đợi vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, nên đã quyết định cho con tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBE Five tại trạm y tế. Chị Huệ cũng cho biết, do lo ngại xảy ra biến chứng, nên gia đình chị muốn cho con tiêm vắc xin dịch vụ.

Tuy nhiên, nhiều lần đưa con đi tiêm phòng, nhưng không tiêm được vì hết vắc xin, sợ tiêm muộn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phòng bệnh, nên chị lại đưa con ra trạm y tế. Sau khi tiêm vắc xin ComBE Five, sức khỏe con chị hoàn toàn bình thường, chị thấy yên tâm.

Từ cuối năm 2018, vắc xin ComBE Five được đưa vào thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem để phòng 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) cho trẻ nhỏ. Trong quá trình triển khai, đã xảy ra một số trường hợp phản ứng sau tiêm, khiến tỷ lệ tiêm vắc xin ComBE Five đạt thấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lo ngại, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã tiêm vắc xin ComBE Five cho hơn 60.000 trẻ, đạt tỷ lệ 54%, thấp hơn so với các vắc xin khác. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn xảy ra ở các tỉnh, thành phố khác.

Thực tế đã chứng minh, năm nào tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp là năm đó dịch bệnh tăng cao. Đơn cử như năm 2013, do xảy ra một số phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế đã quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin này trong hơn 5 tháng, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp, khiến dịch sởi gia tăng mạnh vào năm 2014, làm hơn 17.000 trường hợp mắc, trong đó có hơn 100 trẻ tử vong. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong, có tới hơn 98% trẻ chưa tiêm chủng, hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, trên thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 trường hợp mắc sởi, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái, mà nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin xuống thấp…

Để tăng sự lựa chọn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, Bộ Y tế vừa quyết định đưa thêm vắc xin “5 trong 1” DPT – VGB – Hib do Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc xin mới có thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương vắc xin ComBE Five, được cấp phép lưu hành, sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010.

Đến nay, đã có hơn 600 triệu liều DPT – VGB – Hib được sử dụng tại 79 quốc gia. Từ tháng 5 đến tháng 7-2019, vắc xin DPT – VGB – Hib được tiêm thí điểm tại 6 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Bến Tre, Kon Tum, trước khi triển khai trên cả nước. Hiện tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai tiêm vắc xin DPT – VGB – Hib cho 1.280 trẻ và không ghi nhận trường hợp nào bị tai biến nặng.

Vắc xin có độ an toàn cao

Từ 6 vắc xin cơ bản dành cho trẻ em dưới 1 tuổi được triển khai từ năm 1985, đến nay, Việt Nam đang lưu hành khoảng 30 loại vắc xin. Riêng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng có 12 loại vắc xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm phổ biến như: Lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm não Nhật Bản…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm cho biết, vắc xin là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất, song không có một loại vắc xin nào sau khi tiêm chủng lại không có phản ứng. Có hiện tượng tiêm cùng một lô vắc xin, nhưng có trẻ có phản ứng sau tiêm rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người, chứ không phải do chất lượng vắc xin.

Ngoài ra, phản ứng sau tiêm có thể gặp ở những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác trong thời điểm tiêm chủng. Hiện tại, Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc xin ComBE Five, vì vắc xin này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu đến hết năm 2019, chưa phải bổ sung thêm vắc xin mới DPT – VGB – Hib.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ phản ứng sau tiêm đối với vắc xin “5 trong 1” dịch vụ và trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là như nhau. Còn tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại vết tiêm của vắc xin “5 trong 1” dịch vụ thấp hơn, vì trong vắc xin đó có thành phần ho gà vô bào, trong khi vắc xin “5 trong 1” của Chương trình tiêm chủng mở rộng có thành phần ho gà toàn tế bào, nên dễ gây phản ứng mạnh hơn. Tuy nhiên, thành phần ho gà toàn tế bào lại cho hiệu quả miễn dịch, bảo vệ trẻ tốt hơn.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vắc xin có tác dụng phòng bệnh cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng mới gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Nếu trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao (hơn 95%), thì dù mầm bệnh xâm nhập, nhưng do có ít đối tượng bị nhiễm, dịch bệnh không thể lan rộng.

Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ. Thậm chí, có những dịch bệnh đã bị xóa sổ, có nguy cơ quay trở lại. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Thủ đoạn làm giả giấy tờ của Bệnh viện Bạch Mai, rao bán trên mạng

Ngày 29-5, Công an thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Trử Văn Thắng (SN 1999, trú tại phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào) và tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý đối với 2 đối tượng liên quan về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức….

Trước đó, tổ công tác Công an thị xã Mỹ Hào kiểm tra tại quán nước ở phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào phát hiện Nguyễn Tuấn Hoàng (SN 1995, trú tại phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào) đang bán 3 giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Bạch Mai cho một thanh niên với giá 150.000 đồng/1 tờ.

Qua đấu tranh, Hoàng khai nhận đã cùng với Nguyễn Trung Dũng (SN 1999) cùng trú tại địa phương, mua số giấy tờ trên về để bán kiếm lời. Cơ quan CSĐT- Công an thị xã Mỹ Hào đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của Dũng, thu giữ nhiều giấy tờ đều mang tên Bệnh viện Bạch Mai, cùng một số vật chứng liên quan.

Căn cứ lời khai của các đối tượng và các tài liệu chứng cứ thu thập được, Công an thị xã Mỹ Hào đã tiến hành bắt giữ Trử Văn Thắng là đối tượng đã bán giấy tờ cho Hoàng và Dũng. Khám xét người và chỗ ở của Thắng, thu giữ gần 300 giấy tờ giả gồm giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận nằm viện; chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; giấy ra viện đã được đóng dấu đỏ mang tên Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài ra, còn có các giấy tờ chưa đóng dấu, 1 hộp mực dấu, 1 dấu số, 7 con dấu chức danh và dấu kết quả khám bệnh…

Bước đầu, Thắng khai nhận, đã đặt mua các hộp dấu trên về làm giả các loại giấy tờ của Bệnh viện Bạch Mai sau đó rao bán giấy tờ trên mạng. Khách hàng của Thắng đa số là công nhân tại các khu công nghiệp. Mỗi tờ giấy khám sức khỏe Thắng bán cho các đối tượng thân quen với giá từ 25.000 đồng – 40.000 đồng/1 tờ, bán lẻ với giá 80.000 – 100.000 đồng. Các đối tượng mua của Thắng sẽ bán lại với giá từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/1 tờ. Để tránh bị phát hiện, khi giao dịch, Thắng thường sử dụng tên và địa chỉ giả. (An ninh Thủ đô, trang 15)

 

Bộ Y tế thống nhất với Hà Nội về việc không cấp phép sử dụng bóng cười

Ngày 29-5, Bộ Y tế có Công văn số 2954/BYT-KCB phúc đáp Công văn số 5051/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội về việc khuyến cáo tác hại của khí N2O và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, lưu hành khí N2O.

Theo Bộ Y tế, khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Theo quy định, loại khí này chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người.

Hiện tại, trong danh mục các hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng của Bộ Y tế ban hành không có khí N2O. Bộ Y tế cũng chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O.

Tuy nhiên, trước những tác hại do người dân tự ý sử dụng khí N2O (bóng cười) như một chất kích thích có thể dẫn đến tử vong, Bộ Y tế nhất trí với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí N2O với sức khỏe con người.

Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin về những tác hại do “bóng cười” gây ra và thực trạng sử dụng “bóng cười” trong giới trẻ. Cụ thể, gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận những trường hợp yếu chi, liệt do tổn thương tủy sống không phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn sau khi sử dụng “bóng cười”. (Hà Nội mới,  trang 1)

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 3: “Bộ Y tế khuyến cáo: Không sử dụng bóng khí N2O với mục đích vui chơi, giải trí”; Báo Lao động, trang 6: “Cấm bóng cười tại khu vui chơi, giải trí”; Báo Thanh niên, trang 3: “Khí N2O (bóng cười) không được sử dụng cho giải trí”

 

Nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến xã, phường

Nhằm giúp y tế cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ “gác cổng” của hệ thống y tế cũng như bảo đảm công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025”.

Hệ thống y tế Việt Nam có mạng lưới rộng khắp từ trung ương đến xã, phường, trong đó riêng tuyến xã, phường có hơn 11 nghìn trạm y tế. Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế, nhất là ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế. Cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày trong tuần để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện hết danh mục kỹ thuật theo quy định, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Khắc phục những hạn chế đó, đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 – 2025” tập trung vào các giải pháp: Thí điểm thành lập phòng khám vệ tinh của một số bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương đặt tại trạm y tế xã, phường, khu đông dân cư. Tổ chức đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp bách để bổ sung danh mục kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề tại các trạm y tế xã, phường, ưu tiên quản lý bệnh không lây nhiễm. Mặt khác, xây dựng mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên về khám, chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng. Tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ hoặc đào tạo từ xa (Hệ thống y tế từ xa – Telemedicine) hoặc đào tạo trực tuyến (e-learning), đào tạo giảng viên nội bộ (TOT) cho các bệnh viện tuyến dưới. Tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn tại y tế xã, phường tạo tiền đề cho việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo ba cấp chuyên môn. Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện.

Trọng tâm của đề án là nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Bảo đảm đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; đến năm 2025, phấn đấu tất cả các trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được ít nhất 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã.

Để triển khai hiệu quả đề án, Bộ Y tế giao 15 bệnh viện tuyến trung ương trực tiếp tham gia, có trách nhiệm cử cán bộ đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Xây dựng danh mục kỹ thuật, gói kỹ thuật thuộc 22 chuyên khoa, chuyên ngành có người thường xuyên khám, chữa bệnh ở tuyến xã, phường: Nội; ngoại, phục hồi chức năng; y học cổ truyền, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, phụ sản, nội tiết, nhi, lao, tâm thần… Đối với các bệnh viện tuyến trên, trung tâm y tế huyện có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn xuống đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Một bệnh viện tuyến trên có thể cử cán bộ giúp đỡ nhiều trạm y tế xã, phường. Ngược lại, một trạm y tế xã, phường có thể nhận cán bộ của nhiều bệnh viện tuyến trên về chuyển giao.

Về phía Sở Y tế các tỉnh, thành phố, lập danh sách các trung tâm y tế có trạm y tế xã, phường cần tiếp nhận cán bộ đi chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trên; thẩm định, phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường khi có cán bộ tuyến trên xuống khám bệnh, chữa bệnh. Bố trí nhân lực tại các trạm y tế xã, phường bảo đảm việc tiếp nhận chuyên môn, đào tạo từ các cán bộ bệnh viện tuyến trên. Đồng thời phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu từ 5.000 đến 10 nghìn người tại mỗi cơ sở trạm y tế xã, phường. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; chỉ đạo việc cung ứng thuốc đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế về danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán… Đối với, các trung tâm y tế tuyến quận, huyện, tập trung rà soát, đề xuất yêu cầu sát với thực tế, để các bệnh viện tuyến trên đáp ứng hiệu quả các yêu cầu đề ra trên cơ sở có tham khảo kết quả công tác chỉ đạo tuyến trước đây. Thống nhất với các bệnh viện tuyến trên kế hoạch về số lượng cán bộ, chuyên khoa, thời gian và các nội dung liên quan. (Nhân dân, trang 5)

 

Quảng Bình: 8 học sinh đuối nước tử vong trong 1 tuần

Ngày 29-5, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), cho biết trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử nạn.

Chiều tối 28-5, 3 em Đinh Thị Hồng T. (13 tuổi, lớp 7), Trần Thị H. và Trương Thị H. (cùng 10 tuổi, lớp 4) – trú ở thôn 5, xã Tân Hóa, đi bắt cua đá. Đến 4 giờ sáng 29-5, mọi người phát hiện thi thể các em ở khe Hói Bụt, thôn 5.

Ngày 23-5, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) cũng xảy ra một vụ đuối nước làm 2 trẻ tử vong, trong khi xã Thanh Thạch (Tuyên Hóa) có 3 học sinh đuối nước tử vong.

Như vậy, chỉ trong 1 tuần, Quảng Bình có đến 8 học sinh đuối nước tử vong. (Sài Gòn giải phóng,  trang 9)

 

Những nguy cơ đối với sức khỏe từ thuốc lá

Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) hằng năm là dịp để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và khuyến khích nói không với thuốc lá. Năm nay, chủ đề được chọn là “thuốc lá và các bệnh về phổi”.

Theo WHO, trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình nhất là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 90% trong số hơn 600 nghìn người mắc ung thư phổi hằng năm là người hút thuốc lá. Hút thuốc là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K, tỷ lệ người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em. Hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ sẽ khiến các em có thể phải gánh chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành, như bị tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên.

Với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, WHO muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. Một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; tăng cường sự quan tâm và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Các nghiên cứu và bằng chứng khoa học cho thấy, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi (chiếm hơn hai phần ba tổng số ca tử vong do ung thư phổi). Hút thuốc thụ động (tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín…) cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc… Bỏ thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi (sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc). Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), một tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi người hút thuốc dẫn đến ho, đau ngực và khó thở. Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây ra tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động.

Đáng chú ý, hút thuốc lá thụ động có rất nhiều tác hại đối với hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi; có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Trẻ em hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc COPD do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ. WHO ước tính trên toàn cầu, mỗi năm có tới 165 nghìn trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.

Bệnh lao gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi. Bệnh sẽ trầm trọng hơn ở những người hút thuốc. Với những người hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp hai lần những người không hút thuốc. Ở những người đang mắc bệnh lao, nếu tiếp tục hút thuốc thì sự kết hợp của bệnh lao với các tác hại của khói thuốc lá, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp.

Khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, nhất là trong môi trường khép kín, tại các khu vực trong nhà. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi đối với những người sống và làm việc tại các nơi này. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới năm giờ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững nhằm giảm một phần ba tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra vào năm 2030, WHO nhấn mạnh, phòng, chống tác hại của thuốc lá cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới. Các nước cần tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ các nội dung của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Tại các gia đình, cha mẹ và các thành viên khác cần thực hiện các biện pháp để môi trường trong lành không có khói thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái, người thân trong gia đình.

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5) Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của bệnh tật do việc hút thuốc. Chúng ta hãy chung tay xây dựng cuộc sống không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang4: “Thuốc lá và các bệnh về phổi”; Báo Tiền phong, trang 15: “Thuốc lá và sức khỏe lá phổi”

 

Thách thức mới trong công tác dân số: Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên tăng

Mục tiêu của Nghị quyết 21 – NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định qui mô dân số. Do vậy trong những năm tới, cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu mức sinh, đặc biệt là tỉ lệ sinh con thứ ba, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết 21 – NQ/TW đã đề ra.

Chỉ tiêu quan trọng trong chương trình DS-KHHGĐ

Trong thực hiện chương trình Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), để đánh giá mục tiêu giảm sinh, thông thường được phân tích, đánh giá thông qua các chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh thô, tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên.

Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – TFR) là chỉ tiêu vĩ mô, dài hạn đánh giá cho cả một giai đoạn, như mục tiêu của Chính sách DS-KHHGĐ trong Nghị quyết TW 4 khóa 7 là phấn đấu đạt mức sinh thay thế từ 2,0-2,2 con bình quân cho mỗi cặp vợ chồng vào 2015; tỷ lệ sinh thô phản ảnh mức sinh biến đổi hàng năm, chỉ tiêu này là chỉ tiêu vi mô mang tính chất tác nghiệp hàng năm (ở Việt Nam trong một thời gian là chỉ tiêu giảm sinh Quốc hội giao hàng năm).

Ngoài ra, một trong những chỉ tiêu phục vụ tác nghiệp quan trọng trong chương trình DS-KHHGĐ, nhằm sớm phát hiện những biến động bất thường trong thực hiện mục tiêu giảm sinh đó là tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên. Trong các chỉ tiêu phản ảnh mức sinh, chỉ tiêu này thường rất “nhạy cảm” trong phản ảnh sớm các tình hình sinh bất thường trong thực hiện chính sách KHHGĐ. Ví dụ như năm 2004, sau khi có Pháp lệnh Dân số, một bộ phận dân số do chưa hiểu chính xác Điều 10 của Pháp lệnh qui định về quyền và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng khi sinh con nên tỷ lệ sinh tăng trở lại. Điều này được phản ảnh qua tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng và tập trung tăng ngay trong nhóm cán bộ, đảng viên, những người có trình độ học vấn cao… Do sớm phát hiện vấn đề nên Ban Bí thư đã chỉ đạo ban hành quy định bổ sung, sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số để kịp thời điều chỉnh mức sinh.

Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Tây Nguyên cao nhất nước

Để xem xét, đánh giá mức sinh hiện nay, góp phần thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TW của Hội nghị TW lần thứ 6 khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, chúng ta phân tích đánh giá tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên qua các số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê (TCTK) trong những năm gần đây, chú trọng tập trung phân tích trong 3 năm 2015 – 2017.

Theo số liệu đã công bố của Tổng cục Thống kê, trong thời gian qua, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trong cả nước giảm dần qua các năm, từ 18,5% năm 2006 xuống 14,2% năm 2012, bình quân 0,6 điểm phần trăm/năm. Tỷ lệ này ổn định, dao động ở mức trên dưới 14% trong 4 năm (2012 – 2014), chỉ tăng bình quân 0,1 điểm phần trăm/năm. Xu thế này không còn được duy trì và đã tăng nhanh trở lại kể từ năm 2015 lên mức gần 16% và năm 2016 là 16,3%, 2017 là 17,3%, bình quân tăng 0,5 điểm phần trăm năm (mức tăng cao xấp xỉ mức giảm cao trong thời gian tốt nhất ở thời kỳ 2006-2012). Như vậy là hiện nay mức tăng bình quân năm tăng gấp đôi so với trước đây.

Sự khác biệt về tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên chia theo vùng, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên cao nhất ở Tây Nguyên (28,3%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,7%). Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên thấp nhất lần lượt là 10,9% và 11,3%; đây cũng là 2 vùng có TFR thấp nhất của cả nước. Tây Nguyên là nơi cư trú của các dân tộc ít người, việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cũng như phương tiện truyền thông về KHHGĐ có hạn chế nên đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên của vùng này cao nhất nước.

So sánh từng năm thì cũng thấy rõ xu thế tăng, nếu so sánh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của 3 năm gần đây (2015-2017), năm 2015 và 2016 thì trong 6 vùng có: 1 vùng giữ nguyên; 2 vùng tăng (tăng nhiều, 0,4 và 0,6 điểm phần trăm) và 3 vùng giảm (giảm ít, 2 vùng giảm 0,2 và 1 vùng giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhưng so sánh năm 2016 và 2017 ta thấy xu thế tăng rõ rệt, trong 6 vùng: Chỉ có 1 vùng giữ nguyên (Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); 5 vùng còn lại đều tăng và tăng rất nhiều, trong đó Trung du và miền núi phía Bắc tăng 2,7 điểm phần trăm và tăng lớn nhất là vùng Tây Nguyên tăng 3,2 điểm phần trăm.

Đề ra các giải pháp kịp thời nhằm duy trì mức sinh thay thế

Khi xem xét tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các tỉnh, thành phố thì số liệu của năm 2016 cho thấy có 29/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên tăng so với năm 2015. Nhưng chuyển sang năm 2017 thì đã có 34/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi sinh con thứ 3 trở lên tăng so với năm 2016. Trong đó có một số tỉnh, thành phố như: Cao Bằng tăng 4,28 điểm phần trăm; Thái Nguyên 5,44; Phú Thọ 4,44; Vĩnh Phúc 4,32; Hà Nam 5,06; Ninh Bình 6,82; Bình Phước 5,18; Tiền Giang 5,35; Đồng Tháp 5,88. Đặc biệt có những tỉnh tăng rất cao như: Quảng Nam tăng cao nhất là 11,84 điểm phần trăm; Ninh Thuận là 8,25 điểm phần trăm.

Qua các phân tích trên cho thấy, trong 3 năm gần đây (2015-2017) tỷ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3 trở lên tăng lên cao và đã tăng ở cả 6 vùng. Đây là một chỉ tiêu quan trọng cần chú ý khi thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong việc thực hiện mục tiêu đạt mức sinh thay thế, đặc biệt như ở Việt Nam, văn hóa Á Đông có quan niệm “nhà đông con là nhà có phúc”.

Điều đặc biệt là khi có những biến động về sinh con thứ 3 trở lên lại thường xảy ra ở nhóm dân cư có trình độ văn hóa cao và ở cả cán bộ, đảng viên, điều này dễ tạo hiệu ứng trong xã hội về sinh con thứ 3 trở lên. Vừa qua ngày 27/12/2018, trong họp báo công bố Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê đã ước tính tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của năm 2018 là 20,9%, tương đương với mức cao nhất (20,8%) xảy ra năm 2005 do tác động của Điều 10 Pháp lệnh Dân số dẫn đến phải sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh. Như vậy với mức tăng 3,6% so với năm 2017, đây cũng là mức tăng cao kỷ lục, cao hơn với mức tăng của cả thời kỳ 5 năm trước là 3,1% (2012-2017) là thời gian tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bắt đầu tăng trở lại. Mức tăng cao gấp 6 lần mức tăng trung bình của cả 5 năm trước.

Mục tiêu của Nghị quyết 21 – NQ/TW khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định quy mô dân số. Do vậy trong những năm tới, cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu mức sinh, đặc biệt là tỉ lệ sinh con thứ ba, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết 21 – NQ/TW đã đề ra. (Gia đình & Xã hội, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 08/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/11/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận