Điểm báo ngày 03/6/2019

(CDC Hà Nam)
Thực hư ăn pín hải cẩu chữa vô sinh; Được giao tự chủ toàn diện, các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn; Vĩnh Phúc có hơn 99% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia…

 

Mùa hè và mối lo tai nạn thương tích ở trẻ

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp nghỉ hè, tai nạn thương tích ở trẻ lại gia tăng. Không chỉ gây nguy cơ tử vong, tai nạn thương tích còn để lại những hậu quả, di chứng nặng nề, biến trẻ thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cần làm gì để có thể phòng tránh những chuyện đáng tiếc này cho trẻ?

Trăm kiểu tai nạn rình rập

Dù mới bước vào hè, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện, nhiều bệnh nhi bị tai nạn thương tích được đưa vào cấp cứu. Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ vừa tiến hành ca phẫu thuật gắp viên đạn súng hơi găm ở cánh tay phải của bé trai N.H.K. (5 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tai nạn hy hữu này xảy ra trong lúc K. đang chơi trốn tìm cùng bạn và vô tình trúng đạn súng hơi do người dân bắn chuột.

Sau 5 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe của K. đã ổn định. “Đến giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn. May mắn là viên đạn chỉ trúng vào tay, chứ lệch đi vào mắt, ngực…, thì không biết con tôi sẽ thế nào”, mẹ bé K. chia sẻ.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều tai nạn bất ngờ mà Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận trong dịp nghỉ hè. Bác sĩ Phạm Xuân Hưng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, mùa hè học sinh nghỉ học, được tự do vui chơi và tai nạn thương tích gia tăng. Nếu người lớn không để ý, với sự hiếu động chưa lường hết được mọi sự nguy hiểm, trẻ dễ bị tai nạn thương tích như: Đuối nước, bỏng, trượt ngã, va quệt, điện giật, hóc dị vật…

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cấp cứu, gắp đồng xu trong cổ họng kịp thời cho bé Lương Minh Đ. (5 tuổi) và bé Nguyễn Hải N.K. (3 tuổi) cùng sinh sống trên địa bàn quận Long Biên do nuốt đồng xu khi chơi đùa tại nhà. Theo bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), trẻ bị hóc dị vật cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xử lý kịp thời, dễ dàng kiểm soát các nguy cơ.

Còn tại Khoa Cấp cứu – Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.000-2.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong số đó, nhiều trường hợp thương tâm như: Bé trai 3 tuổi uống nhầm dầu hỏa, bé gái 8 tuổi bị đuối nước trong bồn tắm, bé trai 5 tuổi bị gấu cắn đứt 2 tay, hay do mải thả diều một bé trai ngã từ sân thượng (tầng 4) xuống dẫn đến tử vong…

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, trẻ bị tai nạn thương tích chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi. Mùa hè, khi trẻ không phải đến trường, nguy cơ này càng gia tăng. Đáng nói, ngoài việc có thể bị cướp đi tính mạng, trẻ còn bị thương tật suốt đời, mất đi khả năng học tập, lao động và để lại những tổn thương tâm lý nặng nề.

Trong số các tai nạn thương tích, đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong nhiều nhất ở nước ta, sau tai nạn giao thông. Mặc dù hồi chuông cảnh báo liên tục được gióng lên, song những ngày vừa qua, nhiều vụ tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước. Gần đây nhất, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí) đã tiếp nhận một bệnh nhi (13 tuổi ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khi đang chơi ở gần nhà không may bị ngã xuống hố nước sâu.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Không chỉ ở nơi có sông, ngòi, ao, hồ mà ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như: Giếng, bể chứa nước, bồn tắm… cũng là những mối hiểm họa.

Xây dựng cộng đồng an toàn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 900.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày và mỗi giờ có hơn 100 trẻ tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó phần lớn là do các tai nạn trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: Bỏng, ngã, ngộ độc thuốc, đuối nước…

Việc đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn” và “Cộng đồng an toàn” được xem là một trong những chiến lược phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng lâu dài và bền vững. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn” giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa, từ đó rà soát, liệt kê các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích để có kế hoạch sắp xếp, sửa chữa, loại bỏ. Ngoài việc dành thời gian quan tâm chăm sóc, quản lý con cái, mỗi gia đình cần cập nhật thêm kiến thức về sơ cấp cứu một số trường hợp tai nạn đơn giản, để có thể sơ cứu trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Ngoài ra, các ngành chức năng, địa phương cần tích cực triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ như: Tổ chức các khóa tập bơi, chống đuối nước; dạy kỹ năng sống; tạo sân chơi lành mạnh trong dịp hè cho trẻ…

Riêng vấn đề phòng, chống đuối nước, trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ. Cô Vũ Kim Phượng, giáo viên thể dục Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) lưu ý, ngoài dạy bơi cho trẻ, cần giáo dục trẻ ý thức tự bảo vệ khi tham gia các hoạt động mạo hiểm, tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn.

“Trẻ không những cần biết bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước, mà còn cần nắm được kỹ năng cứu đuối. Bởi, khá nhiều vụ đuối nước tập thể là do các em hoảng loạn cứu nhau không được, nên cùng bị chìm”, cô Vũ Kim Phượng nhấn mạnh.

Tại lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019” vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và mỗi gia đình. Do đó, các địa phương phải bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trong đó chỉ đạo lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương.

Ngoài ra, tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú để trẻ em được vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp, an toàn. Cùng với đó, rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp những điểm vui chơi, cũng như bổ sung trang thiết bị vui chơi tại cộng đồng cho trẻ em…  (Hà Nội mới trang 1)

 

Được giao tự chủ toàn diện, các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn

4 bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa được Chính phủ giao thí điểm cơ chế tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Bên cạnh những thuận lợi và khó khăn của mỗi bệnh viện trong việc thực hiện chủ trương này thì về phía người bệnh, điều lo ngại nhất là khi các bệnh viện tự chủ toàn bộ thì liệu có dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ y tế hay không?

Trả lời báo chí về vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, thực tế từ năm 2016 trở về trước, Bệnh viện K đã là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên, thuộc nhóm 3 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP. Từ năm 2017, Bệnh viện được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, tức là thuộc nhóm 2.

Do vậy, việc triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ (về thí điểm tự chủ tài chính của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế) tại bệnh viện K sẽ không gây ra quá nhiều sự xáo trộn.

Hơn nữa, trong Nghị quyết số 33 của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh mục tiêu khi triển khai cơ chế tự chủ ở 4 bệnh viện tuyến trung ương là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo; đặc biệt không được để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, khi được giao quyền tự chủ tài chính, đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng bệnh viện.

Về giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải thực hiện theo đúng quy định chứ không phải muốn tăng thế nào thì tăng. GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, Nghị quyết 33/NQ-CP đã nêu rõ: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành.

Còn với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Nghị quyết 33 của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; 4 bệnh viện tự chủ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Được biết, năm 2018, sau khi được Bộ Y tế giao tự chủ toàn bộ tài chính, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016, điều trị nội trú tăng hơn 20%. Doanh thu của bệnh viện có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%. (An ninh Thủ đô trang 3)

 

Vĩnh Phúc có hơn 99% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 15 cơ sở khám, chữa bệnh công lập; 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2016 -2018, tỉnh đã đầu tư 1.037 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho một số cơ sở khám, chữa bệnh như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, Trung tâm Y tế TP Phúc Yên. Tỉnh đã đầu tư hơn 94 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, sửa chữa 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm đạt chuẩn quốc gia về y tế; đầu tư gần 220 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế cơ sở. Nhờ sự quan tâm đầu tư đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 99% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; tất cả các trạm y tế xã có bác sĩ công tác; 51% số dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Trung bình các đơn vị y tế triển khai được 140 dịch vụ kỹ thuật mới theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế; trong đó có một số kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu được triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh như: nút mạch máu u xơ tử cung, chụp và can thiệp mạch máu não, nút mạch gan, phẫu thuật u tủy vi phẫu, xạ hình xương, can thiệp mạch… Tỉnh chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.400 cán bộ, y sĩ, bác sĩ, đạt tỷ lệ 10,7 bác sĩ/vạn dân.

Từ nay đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được ít nhất 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện, 15% kỹ thuật của tuyến trên; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. (Nhân dân  trang 3)

 

Từ 7-2019 triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc

Theo Bộ Y tế cho biết, 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành phố đã được lựa chọn triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân.

Cụ thể, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia đề án y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020. Trong đó có việc thí điểm xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR).

Được biết, đến nay các địa phương đã triển khai kết nối liên thông, phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe tại 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đến tháng 6.2019 hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm và từ tháng 7-2019, triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra đến lúc mất đi và được lưu trữ trong hệ thống điện tử quốc gia. (Công an Nhân dân  trang 3)

 

29/30 quận, huyện của Hà Nội ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trong 2 tuần qua, hầu hết các dịch bệnh trên địa bàn thành phố đều giảm so với các tuần trước đó, tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết lại bắt đầu có xu hướng gia tăng vì theo chu kỳ, dịch bệnh này thường tăng vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.  Đến nay,  toàn thành phố đã ghi nhận 326 trường hợp mắc sốt xuất huyết và không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 29/30 quận, huyện, 147 xã phường. Hiện tại chỉ còn 65 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Để chủ động phòng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã duy trì các hoạt động giám sát bệnh nhân, Giám sát côn trùng truyền bệnh. Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết; chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết; xử lý triệt để các ổ dịch. Tích cực tuyên truyền về công tác tiêm chủng mở rộng cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 

Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử: Cái lợi cho nhiều phía

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.

Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế. Thông tin này được nhấn mạnh tại cuộc họp về đẩy mạnh triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân diễn ra tại Bộ Y tế cuối tuần qua. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS), Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh bao gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia Đề án YTCS, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 – 2020. Một trong những nhiệm vụ trong Đề án YTCS là xây dựng Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR) bước đầu đáp ứng các nội dung theo Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, hiện Bộ Y tế đã triển khai thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 8 tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Tính đến thời điểm này, tại các địa phương, trên hồ sơ sức khỏe được kết nối liên thông, phần mềm Hồ sơ sức khỏe đã triển khai tại 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu chỉ cần bấm máy tính là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.

Đối với người thầy thuốc, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp thầy thuốc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Đồng thời cũng giúp thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Theo lộ trình, từ tháng 1- 6/2019, triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm. Từ tháng 7/2019, tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến nửa cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giao Cục Công nghệ thông tin tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan hoàn thiện các ý kiến của các đơn vị tham gia thí điểm sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân cũng như các ý kiến của đơn vị liên quan sớm trình Bộ trưởng để đến cuối năm 2019 Bộ Y tế sẽ triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc. (Sức khỏe & Đời sống  trang 3)

 

Thực hư ăn pín hải cẩu chữa vô sinh

Anh Đào Văn Hùng (Thanh Hóa) viết thư về tòa soạn hỏit: Anh 44 tuổi, vợ 34 tuổi, cưới nhau hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có con. Vợ chồng anh nghe nói pín hải cẩu có thể chữa được bệnh vô sinh cho đàn ông nên muốn nhờ chuyên gia của Báo KH&ĐS tư vấn.

Không phải ai cũng dùng được

Trả lời về vấn đề này, BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, pín hải cẩu có tác dụng bổ thận, tráng dương, sinh tinh… nhưng phải dùng đúng người, đúng bệnh chứ không phải ai cũng dùng được. Bởi trong mỗi người, âm dương luôn cân bằng nhau, pín hải cẩu bổ dương nếu ta dùng dương bồi bổ sẽ gây mất cân bằng dẫn tới mắc bệnh.

Thực tế, các bài thuốc bổ dương của Đông y nếu có 10 vị thì ít nhất phải có 8 vị bổ dương, 2 vị bổ âm để cân bằng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là dùng vị thuốc gì, bài thuốc nào cũng phải theo cơ địa của từng người, phải được bác sĩ bắt mạch, khám tổng thể mới có thể kê đơn phù hợp để tránh tình trạng chữa “ từ yếu” thành  “hỏng”, thậm chí mất mạng vì thuốc bổ.

Vì vậy, nếu muốn sử dụng pín hải cẩu, bạn cần đi khám Đông y kèm theo kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, và kết quả khám phụ khoa của Tây y để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp chứ dùng một mình pín hải cẩu thôi cũng không có tác dụng.

BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng cảnh báo, nhiều người nghe nói pín hải cẩu và các loại pín khác có khả năng giúp sinh tinh, tăng cường sức mạnh đàn ông…nên nhờ người mua từ nước ngoài về. Mạnh đâu chưa thấy, nhưng ông đã từng phải điều trị cho khá nhiều người là nạn nhân của việc tự ý sử dụng này.

Có một anh làm ngành Hải quan, sau khi dùng hết một cái pín hải cẩu phải mất hơn 5 tháng điều trị vì dương vật suốt ngày cương cứng. Người bệnh đã phải dùng thuốc bổ âm, bổ huyết, bổ thận âm… kết hợp với châm cứu mới đỡ, nhưng để trở về bình thường thì phải mất cả năm trời.

Người bị thận âm hư không dùng được

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, dương vật và tinh hoàn của hải cẩu cũng như các động vật khác đều thuộc về tạng thận và được gọi là “ngoại thận” (để phân biệt với “nội thận”, tức là quả thận có chức năng bài tiết nước tiểu). Chức năng của tạng thận trong Đông y rất phong phú, ngoài việc bài tiết nước tiểu, còn liên quan đến việc sinh tủy, sinh xương, đến sinh dục và một số chức năng nội tiết khác.

Bệnh của tạng thận phần nhiều thuộc chứng hư, được chia làm hai thể cơ bản là thận dương hư và thận âm hư. Ngẩu pín có tác dụng chữa chứng thận dương hư; Những người bị thận âm hư với các chứng trạng như: Cơ thể gầy khô, hay có cảm giác nóng hâm hấp về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, họng khô, miệng khát, ra mồ hôi trộm; hay ù tai, hoa mắt, chóng mặt; tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo… thì không được dùng.

Việc lạm dụng hoặc dùng không đúng có thể dẫn tới di tinh, liệt dương. Hơn nữa, khi dương đang vượng, dùng ngẩu pín tức là làm cho dương càng vượng, khiến âm đã hư càng hư và như vậy là làm cho các bệnh lý vốn có thuộc về âm hư như cao huyết áp, viêm gan… càng nặng thêm.

BSTTND Nguyễn Xuân Hướng khuyến cáo, biển Việt Nam không có hải cẩu nên pín hải cẩu phải nhập ngoại. Hiện nay tình trạng buôn bán pín hải cẩu giả rất nhiều, với giá rất đắt. Hơn nữa, việc bồi bổ cũng phải do bác sĩ thăm khám và quyết định, kể cả khi cùng là thận dương hư hoặc thận âm hư thì việc sử dụng ở mỗi người cũng khác nhau. Việc tự ý mua dùng có thể nguy hiểm tới tính mạng. (Khoa học & Đời sống trang 6)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/10/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/6/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận