Điểm báo ngày 17/06/2019

(CDC Hà Nam)
  Cả nhà hiến tạng cứu người; Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép; Phòng khám nhận bệnh nhân quá thẩm quyền chuyển nhận hoa hồng: Đúng hay sai?; Phòng khám Thiên Hòa vi phạm nhiều luật.

Cả nhà hiến tạng cứu người

Từ mong ước ban đầu cách đây mấy chục năm, giờ đây bà Phạm Thị Hòa (66 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã có thể toại nguyện khi cả gia đình có tới bốn người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời gồm bà, hai người con ruột và con dâu.

Mới đây, niềm vui này lại được nhân lên khi vợ chồng người con trai út đã thuận lòng đăng ký  hiến tạng

“Tôi và các con đăng ký hiến tạng cùng một ngày mà không phải suy nghĩ đắn đo cân nhắc gì cả” – bà Hòa vui vẻ nói.

Hiểu lòng mẹ, các con cùng đồng hành

Bà Hòa kể suốt mấy chục năm đi khắp các vùng miền làm thiện nguyện, điều bà đau đáu nhất là làm sao có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Như thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, các con bà đều đồng cảm.

Cầm bốn tấm thẻ hiến tạng trên tay, anh Giang Thanh Hải, con trai đầu của bà Hòa, xúc động: “Tất cả đều xuất phát từ nguyện vọng của mẹ, người từng trải qua nhiều đợt tai biến nguy hiểm. Mẹ hiểu giá trị của sự sống và mong muốn làm một việc gì đó sau khi qua đời”.

Năm 2015, sau một thời gian tìm hiểu thủ tục hiến tạng, anh Hải biết đến đơn vị điều phối ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế rồi anh liên hệ xin hồ sơ để đăng ký qua bưu điện và rất nhanh gọn, chỉ ít lâu sau cả bốn người trong gia đình có được tấm thẻ hiến tạng.

“Tôi thấy việc làm này rất nhân văn, nếu hiến được bộ phận nào của cơ thể để cứu sống nhiều người thì đó là việc nên làm” – bà Hòa chia sẻ.

Không chỉ hiến tạng, bà Hòa kể các thành viên trong gia đình còn đăng ký hiến xác cho bệnh viện với mong muốn giúp ích cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy học tập.

Ngoài hiến tạng, anh Hải còn là người có “truyền thống” hiến máu với trên 20 lần hiến máu tình nguyện. Khi biết bệnh viện cần nguồn máu sống, anh lại tìm hiểu đăng ký. Vậy là mỗi khi bệnh viện cần máu sống sẽ gọi điện, anh Hải lại tất tả chạy xe máy hàng chục kilômet để cho đi nguồn máu cứu giúp người bệnh.

Gần ba năm sau ngày đăng ký hiến tạng cứu người, niềm vui của bà Hòa lại được nhân lên khi vợ chồng người con trai út đã thuận lòng đăng ký hiến tạng.

Có những gia đình với nhiều thế hệ cùng đăng ký hiến tạng cứu người. Trong hơn 10.000 người đăng ký hiến tạng tại đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có đến 351 gia đình như thế.

Trong số các gia đình trên, câu chuyện của ba chị em gái Hồ Thị Kiều Thu, Hồ Thị Kiều Nga và Hồ Minh Hồng (quê Tiền Giang) mang đến nhiều xúc động.

Bà Nga năm nay bước sang tuổi lục tuần nhưng vẫn sống cuộc đời cô độc. Không chồng con, cuộc đời bà Nga như rặng lục bình trôi dạt từ miền Tây sông nước lên Sài Gòn và giờ đây là ở Đà Nẵng – nơi gần 10 năm qua bà mưu sinh bằng nghề giúp công việc nhà.

Bà Nga cho biết gia đình bà có sáu anh chị em, nhưng hai người em vắn số qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Trong đó có người em kế, ông Hồ Tuấn Hải (là giáo viên) bị tai nạn chấn thương rất nặng qua đời sau 46 ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Dù được tiếp cận nhiều thông tin hiến tạng trên báo chí, nhưng bà Nga nói chỉ đến khi người em qua đời bà mới thực sự suy nghĩ việc phải đăng ký hiến tạng cứu người.

Khi bác sĩ nói em bà không còn cơ hội để sống, chính bà Nga là người yêu cầu em gái gặp trực tiếp bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu – trưởng đơn vị điều phối hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy – xin được hiến tạng.

“Hoàn cảnh chị em tôi nghèo lắm, cha mất sớm nên chuyện học hành, gia đình dở dang. Khi đăng ký hiến tạng của em mình, tôi nói chị Thu phải tìm đúng những hoàn cảnh cần để cứu giúp họ” – bà Nga nói.

Thế nhưng mong ước hiến tạng người em không thành bởi các bộ phận cơ thể bị nhiễm trùng nặng. Tại sao không hiến tạng khi còn có thể? Chính suy nghĩ ấy khiến cả ba chị em bà Nga cùng đăng ký hiến tạng sau khi người em ra đi được vài tháng.

Sự sống tái sinh

Vốn là giáo viên dạy văn cấp III rời quê Quảng Ngãi vào TP.HCM năm 1992, bà Trần Thị Mai Tuyết (61 tuổi) cùng con gái Trần Thuận Ban Mai (26 tuổi) quyết định đăng ký hiến tạng được hơn sáu năm nay.

“Việc tôi và con gái làm không có gì ghê gớm cả, đó là việc mỗi người nên làm” – bà Tuyết nói về việc đăng ký hiến tạng. Trong tờ đơn đăng ký hiến có ghi 12 bộ phận của cơ thể, bà Tuyết bảo cả hai mẹ con không một chút đắn đo mà đánh dấu hết tất cả các ô gợi ý ấy.

Khi biết được thông tin hiện nay có rất nhiều người đang nằm chờ nguồn tạng hiến để duy trì sự sống, bà Tuyết khựng lại bởi nhu cầu quá lớn.

“Và rồi khi xem báo đài, tôi thực sự khâm phục bé Hải An dù mới 7 tuổi bị u cầu não xâm lấn nhưng đã quyết định hiến giác mạc sau khi qua đời. Tôi nghĩ với một người mất đi nếu có thể hiến bộ phận nào đó của cơ thể để cứu sống một người khác, đó là điều thật tuyệt vời và mẹ con tôi quyết định làm điều đó” – bà Tuyết chia sẻ.

Đến bây giờ, điều khiến bà Tuyết cảm thấy hơi buồn là còn có nhiều người tỏ thái độ khá dửng dưng, thờ ơ khi nói về hiến tạng. “Tôi nói chuyện này có người im lặng, có người ồ lên bảo già cả rồi hiến cái gì”.

Thế nhưng đó chưa phải là điều tệ hại nhất, điều khiến bà Tuyết cảm thấy “buồn vô cùng” là khi một đồng nghiệp có chồng là dược sĩ, con đang theo học y khoa phản bác việc hiến tạng: “Hiến làm gì. Những người tiếp nhận tạng họ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời tốn kém lắm”. Câu nói ấy như giội một gáo nước lạnh vào những người đang làm một việc rất nhân văn.

Dù người chồng qua đời, nhưng bà Nguyễn Minh Phụng (68 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) luôn có một niềm tin sự sống của chồng được tái sinh khi kịp hiến giác mạc.

Năm 2015, ông Nguyễn Hùng Phúc (chồng bà Phụng) đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Và chỉ vài tháng sau khi đăng ký hiến tạng, ông qua đời sau 16 năm chống chọi với căn bệnh đau tim hành hạ.

“Ông ấy mất ở nhà, khi bác sĩ tới đã qua thời gian “vàng” nên không hiến được hết các tạng như mong muốn. May mắn là vẫn còn có thể lấy được hai giác mạc” – bà Phụng kể.

Hoàn cảnh gia đình bà Phụng khá neo đơn. Sống với nhau gần 30 năm nhưng vợ chồng bà không có con cái. Bà bảo nghèo khó bám riết nên từ nhỏ đến lớn chưa làm được việc gì giúp ích cho ai.

Trong những năm nhìn chồng chống chọi với bệnh đau tim, bà Phụng chỉ ước có được một quả tim ai đó hiến tặng, nhưng điều đó không xảy ra. Không nhận được, nhưng bà sẵn sàng cho đi khi quyết định hiến tạng chỉ ít lâu sau lúc chồng qua đời.

Điều phối ghép tạng cho nhiều người

Đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM thành lập từ năm 2014. Thông qua các hình thức đăng ký như trực tiếp, qua email hoặc qua đường bưu điện, đến nay có trên 10.000 người đăng ký hiến tạng với đủ mọi thành phần xã hội và ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, trong số này có nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu – trưởng đơn vị điều phối hiến tạng Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết đến nay có 31 trường hợp hiến tạng khi qua đời, giúp đơn vị nhận được 49 quả thận, 7 lá gan, 4 quả tim, 1 khối tim – phổi và 29 giác mạc.

Từ nguồn tạng này, đơn vị đã điều phối 1 khối tim – phổi đến Bệnh viện Trung ương Huế, 2 quả tim và 2 lá gan đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và 14 giác mạc đến ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân gâu ra 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim cho biết như trên tại  Chương trình Sinh hoạt y khoa Pháp-Việt lần thứ 23 diễn ra ngày 15/6 tại Hà Nội, do Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Năm 2019 là năm thứ 23 của Chương trình sinh hoạt Y khoa Pháp-Việt với chủ đề “Tối ưu hóa quản lý bệnh tăng huyết áp và tiểu đường: Vai trò thiết yếu của sự kết hợp giữa điều trị và giáo dục”.

Bộ trưởng Tiến cảnh báo mô hình bệnh tật ở Việt Nam cũng đang có sự thay đổi. Việt Nam phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc quản lý tăng huyết áp và tiểu đường là những nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật và gánh nặng y tế.

Theo kết quả nghiên cứu quốc gia của Bộ Y Tế, tại Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là 56,9%, tỷ lệ này ở đái tháo đường lên đến lên đến 69,9%; về quản lý bệnh, tỷ lệ tăng huyết áp chưa được quản lý là 86,4%, tỷ lệ này ở đái tháo đường là 71,1%.

Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế; người bệnh chưa tuân thủ điều trị; nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị tập trung chính vào cung cấp thuốc, chưa thực hiện các tư vấn, can thiệp về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tư vấn về tuân thủ điều trị…Đây là thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để phòng chống và hạn chế các bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch và tiểu đường nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” với 11 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp đang được triển khai tích cực, bao gồm: Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, phòng chống tác hại thuốc lá và phòng chống tác hại rượu bia.

Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang triển khai thí điểm chương trình phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư.

“Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam cũng chú trọng tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường sức khỏe, gắn với y tế cơ sở ở xã, phường, quận, huyện; đổi mới cơ chế tài chính, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ý nghĩa các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y tế ngày càng được tăng cường và mở rộng.

Chương trình Sinh hoạt Y khoa Pháp – Việt năm 2019 sẽ bàn thảo về một  mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm có tính khả thi và hiệu quả  cao có tên là “NGÀY ĐẦU TIÊN” được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2016.

Mô hình này gồm tổ hợp các hoạt động khép kín theo vòng đời nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân gồm: tầm soát phát hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường sớm, đào tạo phương pháp tư vấn mới cho y bác sĩ, đào tạo trực tuyến cho đội ngũ điều dưỡng, giáo dục bệnh nhân qua website. Đây là dự án phi lợi nhuận được sự bảo trợ của cộng đồng Pháp ngữ, Hội Tim mạch và Đái tháo đường quốc gia.  (Tiền phong, trang 4).

 

Phòng khám nhận bệnh nhân quá thẩm quyền chuyển nhận hoa hồng: Đúng hay sai?

Phòng khám đa khoa Thiên Hòa (cơ sở y tế tư nhân có tên trong bài báo về tình trạng các phòng khám (PK) tiếp nhận bệnh nhân phá thai quá phép của Tiền Phong) cho rằng mình không có gì sai vì không thực hiện phá thai vượt quá phạm vi chuyên môn mà chuyển cho cơ sở khác để hưởng hoa hồng, và rằng các cơ sở y tế khác cũng thường làm việc này.

Trong khi đó, một thứ trưởng Bộ Y tế nói các phòng khám được phép liên thông về chuyên môn nhưng không được nhận hoa hồng.

Ngày 17/4, báo Tiền Phong đăng bài viết “Tái diễn phá thai trái phép ở các phòng khám tư?” phản ánh tình trạng nhiều PK tư quảng cáo, công khai tiếp nhận các bệnh nhân phá thai quá phạm vi chuyên môn kỹ thuật. PK đa khoa Thiên Hòa xuất hiện với hình ảnh và các thông tin lễ tân đồng ý tiếp nhận bệnh nhân đặt vấn đề muốn phá ở tuổi thai 14 tuần trong khi chỉ được phép phá thai đến 7 tuần. Ngày 19/4, Tiền Phong nhận được đơn khiếu nại của lãnh đạo Cty cổ phần đầu tư Tân Thiên Hòa, cơ quan chủ quản của PK đa khoa Thiên Hòa (sau đây gọi chung là PK Thiên Hòa) với các nội dung như: Bài báo phản ánh sai sự thật, việc sử dụng hình ảnh của PK này trong bài viết là xâm phạm bản quyền, vi phạm Luật Báo chí … và yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh, đính chính, xin lỗi.

Sau khi nhận đơn, báo Tiền Phong có ba lần làm việc với ông Nguyễn Huy Khánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Nguyễn Thanh Vân – GĐ điều hành Cty cổ phần đầu tư Tân Thiên Hòa vào các ngày 23/4, 25/4 và 2/5/2019. Về việc PK Thiên Hòa cho rằng Tiền Phong sử dụng hình ảnh PK này vào bài viết là xâm phạm bản quyền hình ảnh được đại diện Tiền Phong lý giải như sau: Hành vi của báo Tiền Phong chỉ được coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Thiên Hòa khi Tiền Phong sử dụng logo, hình ảnh đã được bảo hộ cho mục đích kinh doanh dịch vụ, sản phẩm trùng với lĩnh vực mà Thiên Hòa đang cung cấp (Căn cứ theo khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ). Ở đây, Tiền Phong đưa hình ảnh của PK Thiên Hòa với mục đích thông tin cảnh báo về một hành vi có dấu hiệu vi phạm nên không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Để giải quyết dứt điểm các khiếu nại còn lại của PK Thiên Hòa cần xác định việc Tiền Phong phản ánh có sai sự thật khi thực hiện chức năng “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” được quy định trong Luật Báo chí hiện hành hay không. Cụ thể, trong trường hợp này, cần làm rõ, hành vi tiếp nhận bệnh nhân phá thai quá giấy phép của Thiên Hòa được báo phản ánh có phải là hành vi “vi phạm pháp luật” hoặc “hiện tượng tiêu cực trong xã hội hay không”.

Qua các buổi làm việc, ông Khánh và bà Vân cho rằng, nhân viên lễ tân không phải là người hành nghề y nên không có quyền ra quyết định tiếp nhận bệnh nhân. Nhưng với các tài liệu mà báo Tiền Phong dẫn chứng, lãnh đạo PK này thừa nhận có tiếp nhận, khám cho bệnh nhân quá phạm vi được cấp phép nhưng không thực hiện chữa bệnh mà chuyển cho một cơ sở y tế khác để nhận hoa hồng.

Cụ thể, trong biên bản làm việc ngày 23/4, ông Khánh nói: “Những vấn đề vượt thẩm quyền, PK nhận rồi chuyển bệnh nhân đến nơi khác, lấy chiết khấu phần trăm, gọi là phí tư vấn”. Tại biên bản làm việc ngày 2/5, ông Khánh xác nhận: “Chúng tôi là liên kết tuyến, gửi bệnh nhân đi và được trả phí tư vấn”. Ông Khánh cũng nói “ngành y không cấm” việc này (?) Cũng tại buổi làm việc này, bà Vân lại dùng khái niệm khác, nhưng nội dung cơ bản không thay đổi: “Khi vượt quá phạm vi khám chữa bệnh được cho phép, bác sĩ trực tiếp nhận bệnh nhân tại PK Thiên Hòa giới thiệu bệnh nhân đi sẽ được trả hoa hồng – tức là chi phí quảng cáo của PK Thiên Hòa. Chi phí hoa hồng được chuyển về tài khoản của PK Thiên Hòa hoặc trả trực tiếp bằng tiền mặt”.

Đại diện báo Tiền Phong đặt câu hỏi: “Khám chữa bệnh là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Vậy việc liên kết tuyến để nhận bệnh nhân quá thẩm quyền chữa bệnh của mình rồi chuyển cơ sở khác, nhận hoa hồng có văn bản pháp lý hoặc quy định nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép không?”, ông Khánh và bà Vân trả lời: “Luật Khám chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn liên quan còn nhiều chỗ quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng. Hiện tất cả các cơ sở y tế tư nhân đều làm như vậy”.

Qua các buổi làm việc cho thấy, PK Thiên Hòa không công khai các dịch vụ thực hiện “liên kết tuyến”, chuyển bệnh nhân để hưởng hoa hồng như trên. Website của PK này không nói rõ PK chỉ được phép phá thai đến 7 tuần tuổi (khi được hỏi vì sao không công khai điều này thì lãnh đạo Thiên Hoà trả lời “vì trang web của Sở Y tế Hà Nội đã ghi rõ điều đó (!), nhưng lại mập mờ khi có nhiều bài viết tư vấn về phá thai quá 7 tuần tuổi.

Báo Tiền Phong cho rằng, việc các cơ sở y tế liên kết để thực hiện các xét nghiệm, thực hiện các biện pháp kỹ thuật hay phẫu thuật… để đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh toàn diện cho bệnh nhân là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc PK Thiên Hòa không thông tin rõ về phạm vi chuyên môn được phép, để thu hút bệnh nhân tìm đến, rồi chuyển họ sang cơ sở khác là vấn đề hoàn toàn khác. “Việc chuyển bệnh nhân để nhận hoa hồng làm bệnh nhân phải chịu thêm chi phí hoa hồng (lẽ ra bệnh nhân chỉ phải chịu chi phí khám chữa bệnh thì lại phải chịu chi phí khám chữa bệnh + hoa hồng), mất công sức đi lại, tước đi quyền lựa chọn cơ sở y tế có điều kiện tốt hơn… nên cần phải làm việc với các cơ quan chức năng của ngành Y tế để làm rõ” – lãnh đạo báo Tiền Phong nêu tại các buổi làm việc.

Có vi phạm cả y đức lẫn y thuật?

Bằng công văn, báo Tiền Phong nêu rõ sự việc (mô tả kỹ quá trình tác nghiệp của phóng viên, quá trình làm việc với lãnh đạo PK Thiên Hòa) gửi đến tham vấn Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Công văn của Vụ Pháp chế trả lời Tiền Phong ngày 13/5 do ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng ký cho rằng, việc tiếp nhận và chuyển bệnh nhân như trường hợp của PK Thiên Hòa là đúng nguyên tắc và “không để người bệnh có cảm giác bị bỏ rơi hay có cảm giác cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh đó thiếu trách nhiệm đối với người bệnh”. Vụ Pháp chế cũng cho rằng, “Luật Khám bệnh chữa bệnh (KBCB) hiện hành không cấm các cơ sở khám chữa bệnh liên thông với nhau trong cùng một dịch vụ. Do đó, việc thỏa thuận trả hoa hồng, phí tư vấn giữa các cơ sở này với nhau là không trái với quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có quan điểm: “Bộ Y tế không khuyến khích việc “bán” bệnh nhân hay “hoa hồng” mang tính chất thương mại trên thân xác bệnh nhân”. Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lấy “hoa hồng” của các bệnh nhân chuyển tuyến, gây tốn kém cho bệnh nhân, về y đức có vi phạm không, ông Khuê cho rằng: “Việc thương mại hóa mà không công khai minh bạch thì rõ ràng Bộ Y tế không ủng hộ”.Về việc các PK tư nhân cho rằng các quy định lỏng lẻo, việc nhận “hoa hồng” là bình thường, quan điểm của ông Khuê cần kiểm tra, giám sát, xử phạt cơ sở đó. Ông Khuê khẳng định, Bộ Y tế không khuyến khích bác sĩ kê đơn xong đưa ra hiệu thuốc, hiệu thuốc ghi tên bác sĩ rồi chi hoa hồng cho bác sĩ, đó là vi phạm y đức, giống như việc PK A chuyển cho PK B một tháng 20 ca rồi chi tiền cho PK A. Về ý kiến cho rằng các PK tư nhân chưa hiểu được “tinh thần” đó, ông Khuê cho hay: “Không phải chưa hiểu mà họ cố tình vì việc quản lý trên địa bàn là chưa chặt chẽ”.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định: “Tôi sẽ có văn bản chỉ đạo các sở y tế tăng cường công tác kiểm tra, giáo dục đối với thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, cần thực hiện đúng quy định y đức và các quy định của ngành y tế, không được kinh doanh trên thân xác người bệnh, không phải chỉ có việc hoa hồng này”.

Khi Tiền Phong hỏi về về hiện tượng PK chỉ được phép phá thai đến 7 tuần tuổi nhưng lại nhận bệnh nhân phá thai ở số tuần tuổi lớn hơn nhiều rồi chuyển cho cơ sở y tế khác để lấy hoa hồng (như PK Thiên Hòa đang thực hiện – PV) có được phép hay không, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời ngắn gọn: “Các PK có sự liên thông liên kết chặt chẽ về chuyên môn với nhau nhưng không được phép nhận hoa hồng…”.

Ngay sau khi diễn ra vụ việc, bộ phận trả lời bệnh nhân trên web của PK Thiên Hòa nhanh chóng từ chối các bệnh nhân đặt vấn đề phá thai quá 7 tuần tuổi. Họ cũng không nhận bệnh nhân để chuyển đến bệnh viện khác như cách liên kết tuyến mà ông Khánh và bà Vân đề cập. Nhưng những ngày gần đây, qua điện thoại, nhân viên tư vấn của PK Thiên Hòa tiếp tục chèo kéo các sản phụ quá 7 tuần đến PK. Một phụ nữ nói rõ mới siêu âm, có thai 8 tuần nhưng nhân viên tư vấn liên tục thúc giục bệnh nhân đến “khám”, “trao đổi cụ thể”. Khi hỏi thai 8 tuần có làm được tại PK Thiên Hòa không, nhân viên này nói lấp lửng: “Bên tôi chuyên về sản khoa nên chị có thể yên tâm”. (Tiền phong, trang 14).

 

Phòng khám Thiên Hòa vi phạm nhiều luật

Luật sư Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Quang cho rằng, hành vi của PK Thiên Hòa nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong văn bản gửi trả lời Tiền Phong, Cty Luật hợp danh Thiên Quang nhận định việc nhân viên lễ tân PK Thiên Hòa cung cấp thông tin cho khách hàng có nhu cầu khám chữa bệnh như nêu tại bài báo “Tái diễn phá thai trái phép ở các PK tư?” là trái quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh (KBCB).

Cụ thể: Khoản 3 Điều 6 “Các hành vi bị cấm” của luật này quy định: “Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”. Trường hợp nêu trong bài báo nêu không phải là trường hợp cấp cứu; việc nhân viên lễ tân (sau khi đã gọi điện hỏi ý kiến nội bộ) trả lời khách hàng PK đồng ý tiếp nhận nạo phá thai bệnh nhân vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn của PK đã vi phạm điều khoản trên.

Việc người bệnh (hoặc người nhà của người bệnh) không được giải thích đầy đủ về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp (cần đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến cao hơn), không được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chính xác (bởi đơn giản biểu giá này không phải do PK Thiên Hòa quy định) đã vi phạm Khoản 1 Điều 7 và  khoản 2 Điều 11 Luật KBCB. Cụ thể, Khoản 1 Điều 7, Luật KBCB quy định, người bệnh “Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh”. Khoản 2 Điều 11 của luật này cũng quy định, người bệnh “Được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.

Cũng theo Cty Luật hợp danh Thiên Quang, Khoản 3 Điều 52 luật KBCB về “Quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” quy định cơ sở khám chữa bệnh “Được thu các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”. Quy định trên đây cho phép hiểu cơ sở khám chữa bệnh chỉ được thu các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh, không được thu các khoản khác như chi phí môi giới, giới thiệu.

Cty Luật hợp danh Thiên Quang cũng nhận định, việc nhân viên lễ tân PK Thiên Hòa cung cấp thông tin cho khách hàng có nhu cầu khám chữa bệnh như nêu tại bài báo là trái quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, luật này cấm tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Cty Luật hợp danh Thiên Quang nhận định: Việc “liên kết” để được hưởng “hoa hồng” giữa các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay là khá phổ biến, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. “Đề nghị báo Tiền Phong mở diễn đàn công khai, rộng rãi về đề tài này để tiếp nhận thêm nhiều ý kiến của đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành y tế; qua đó báo cần tập hợp các ý kiến và có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để chấn chỉnh hiện tượng trên đây, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người bệnh” – Công văn của Cty Luật hợp danh Thiên Quang nêu. (Tiền phong, trang 14).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Thêm một bệnh nhân tái dương tính trở lại sau khi xuất viện

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận