Là một người cầm bút tuyên truyền trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, gần 20 năm qua tôi đã có nhiều kỷ niệm… cười ra nước mắt. Có những lần bụng đói cồn cào vì thâm nhập và bị “cô lập” ở vùng lũ lụt, lại có lần phải “đánh du kích” để đột nhập vào điểm nóng của dịch bệnh. Ấn tượng nhất vẫn là đợt cao điểm viết bài tại điểm nóng về dịch tai xanh ở Hà Nam. Đây là hai trong những lần tác nghiệp đáng nhớ nhất trong suốt quãng đường dài cầm bút.
Suýt bị đánh vì nghi… kẻ trộm!
Chuyện xảy ra cách đây chục năm về trước. Khi đó, dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn đang hoành hành mạnh tại một số tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Nam. Trong khi các ngành chức năng đang tập trung dập dịch tại xã Nhân Chính (huyện Lý Nhân), thì ở một số địa phương khác cũng có lợn ốm, chết bất thường. Với tâm lý, nếu không tiêu thụ kịp thời, số lợn đang nuôi sẽ bị tiêu hủy nếu tỉnh công bố khoanh vùng dịch, do vậy người dân đua nhau bán chạy đàn lợn trước nguy cơ bị khoanh vùng. Được sự trợ giúp của anh bạn, tôi quyết đi vào vùng “tâm bão” với hy vọng sẽ có một bài viết chất lượng và đã nhanh chóng nắm bắt được mọi diễn biến của cánh “lái lợn”. Khu vực này gần chợ lợn An Nội, đây là chợ lợn lớn nhất miền Bắc. Hằng ngày, các thương lái lợn mua gom lợn từ khắp các huyện trong tỉnh Hà Nam, và thậm chí cả tỉnh Nam Định cũng trở về đây bán. Trong khi cầu Châu Giang là con đường huyết mạch nối Lý Nhân với chợ lợn. Anh bạn dẫn tôi ra khu vực gần cầu và mai phục chờ khi màn đêm buông xuống. Đúng như dự kiến, đêm đó, từng đoàn xe chở lợn nối đuôi nhau chạy rầm rập, tiếng lợn kêu eng éc lẫn theo những ánh đèn xe lao vun vút về phía chợ lợn An Nội.
Nhận định đây là thời điểm tốt nhất để tác nghiệp, tôi và anh bạn đã nấp vào dẫy nhãn cổ thụ ven đường để chụp làm một phóng sự ảnh. E rằng, nếu đứng dưới đất, từng vệt sáng ánh đèn xe rọi vào và “thương lái” sẽ phát hiện nên chúng tôi bảo nhau trèo lên rặng nhãn sử dụng ống kính tiêu cự xa với chế độ chụp nhanh để chụp ảnh. Đang mải mê chụp, bỗng có tiếng hô hoán có trộm, một toán thanh niên đổ xô ra chỗ chúng tôi. Sau một hồi “giải trình”, phải xuất trình cả thẻ nhà báo nhưng họ vẫn cho là… kẻ trộm. Cuối cùng chúng tôi đã được giải vây sau khi nhận được sự trợ giúp từ phía chính quyền địa phương. Và cũng từ lúc đó, cánh “lái lợn” như được báo động đã chạy theo hướng khác, không thấy chiếc xe chở lợn nào chạy qua con đường này nữa!
Mạng người = con lợn nái!
Cũng trong đợt cao điểm đó, chúng tôi quay lại một xã chăn nuôi trọng điểm lớn nhất tỉnh Hà Nam tại huyện Bình Lục. Lúc này trên địa bàn đang có biểu hiện của dịch tai xanh, đã xuất hiện tình trạng lợn chết khá nhiều, thậm chí lợn chết còn bị người dân vất rải rác ở đồng ruộng, đe dọa nghiêm trọng ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Biết trước nếu không có “thổ công” thì việc tác nghiệp không phải chuyện dễ. Tôi đã liên hệ với anh bạn là cán bộ thú y, chuyên chữa trị tại địa bàn để dẫn chúng tôi thâm nhập thực tế. Sau khi đến một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu để ghi nhận công tác phòng chống dịch, chúng tôi có khá đầy đủ thông tin về tình hình lợn ốm, chết tại địa phương. Hình ảnh những đàn lợn hàng trăm con được bán “chạy” dịch, những con lợn chết được “thương lái” phanh thây ngay bên đường, bụi bặm, máu mê bê bết… đã được chui vào lăng kính!
Trên đường về, tôi như mở cờ trong bụng, bởi có được một chuyến tác nghiệp thành công. Mọi thông tin, hình ảnh nóng bỏng nhất của vùng dịch đã thu thập được, bố cục một bài viết chất lượng đã được hình thành, chỉ còn chờ về nhà “đổ” ra giấy nữa là nộp để lên khuôn. Đang loay hoay mở máy tính viết bài, bỗng chuông điện thoại đổ. Hiện lên là số máy của anh bạn thú y lúc trước, mừng thầm tưởng anh bạn cung cấp thêm thông tin mới bổ sung cho bài viết, nhưng trái lại là một khẩu khí khẩn thiết: “Anh đừng viết về lợn ốm chết nữa, chúng nó đang dọa giết em!”. Anh bạn khuyên tôi đừng trở lại trong thời điểm này và cho biết, sau khi các anh về, một đội chủ lợn và lái buôn lao đến nhà chửi bới hăm dọa: nếu ngày mai có bài báo đó thì cho cả bọn chúng mày không còn đường sống! Chúng tuyên bố: “Mạng chúng mày chỉ bằng một con lợn nái!” (giá 1 con lợn nái lúc đó khoảng 30 triệu đồng). Và ngay lúc đó, điện thoại chúng tôi cũng liên tục nhận được những tin nhắn từ những số điện thoại lạ hăm dọa, đòi “xin tý tiết” nếu có tin dịch bệnh! Chúng gây áp lực với anh bạn thú y cùng gia đình ngày càng gay gắt, nguy cơ anh bạn bị dọa trả thù, nhiều khoản nợ ở người chăn nuôi không có cơ hội lấy được. Tình hình ngày càng căng thẳng, bố anh bạn phải đến tận UBND xã giải trình, nhờ chính quyền xã can thiệp, đồng thời hứa với những người chăn nuôi sẽ không có bài báo nào về tình hình lợn ốm chết trên địa bàn!
Đứng trước một tình thế khó xử làm bản thân tôi cũng phải cân nhắc trước khi cầm bút. Vì nếu không viết thì bỏ qua một vấn đề nóng, mà viết thì sẽ nguy hiểm cho chính mình và nhất là những cộng sự đã nhiệt tình giúp đỡ. Cuối cùng tôi quyết định báo cáo lãnh đạo cơ quan, đồng thời viết một bài mang tính tuyên truyền, phân tích kỹ những tác hại của dịch bệnh để người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch. Và cũng rất mừng, bài báo tôi viết đã có tác động tích cực với chính người chăn nuôi tại địa phương. Kể từ ngày đó, nhận thức của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch đã chuyển biến rõ rệt và hầu như không xuất hiện dịch bệnh xảy ra.
Những lần tác nghiệp đó tuy không cho tôi có được một bài viết như dự định, nhưng đã cho tôi thêm một bài học quý báu trên con đường dài cầm bút. Qua đó đã giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc khai thác thông tin và chọn hướng tuyên truyền những vấn đề được cho là nhạy cảm. Và hơn nữa, đã cho tôi hiểu hơn và có thêm nghị lực để đấu tranh với những “góc khuất” của cuộc sống muôn màu!
Thanh Hội