Điểm báo ngày 21/6/2019

(CDC Hà Nam)

 

Dịch bệnh đông – xuân gia tăng trong mùa hè: Vì sao có sự bất thường?

Theo quy luật, những dịch bệnh như sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị… thường xảy ra vào mùa đông – xuân, do thời tiết thời điểm này là môi trường thuận lợi cho vi rút gây dịch bệnh phát triển. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, mùa hè năm nay, các dịch bệnh mùa đông – xuân vẫn tiếp tục gia tăng. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi bất thường của dịch bệnh?

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, dịch bệnh tấn công

Ho gà là bệnh đã được khống chế tại nước ta, song gần đây, bệnh này đã xuất hiện trở lại với sự thay đổi một cách bất thường. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 16-6, toàn thành phố đã ghi nhận 77 trường hợp mắc ho gà, tương đương số mắc của cả năm 2018. Dù đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp xảy ra vào mùa đông – xuân, nhưng trong tháng 5 và đầu tháng 6-2019, Hà Nội vẫn ghi nhận 2-4 trường hợp mắc ho gà/tuần (tương đương số mắc trong tháng 1 và tháng 3-2019).

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh và khống chế bệnh ho gà. Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin “5 trong 1” được tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ (hay viêm phổi do vi khuẩn HiB) và viêm gan B; trong đó, quan trọng nhất là phòng bệnh ho gà.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, mỗi tháng phải có 8% trẻ được tiêm vắc xin “5 trong 1”, thì sau một năm mới đạt độ bao phủ cần thiết là 95%. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, khi vắc xin ComBE Five được đưa vào thay thế vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, số trẻ được tiêm chủng vắc xin này mới đạt 4-7%/tháng (tùy từng địa phương). Nếu tiến độ tiêm như hiện nay, thì tỷ lệ tiêm vắc xin trong cả năm 2019 chỉ đạt 80% và như vậy, một số dịch bệnh như: Ho gà, bạch hầu… có nguy cơ gia tăng.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nhận định: Do lo ngại phản ứng sau tiêm, tỷ lệ tiêm vắc xin “5 trong 1” đạt thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ho gà tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 200-250 trường hợp mắc ho gà và hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 14 trường hợp mắc ho gà. Vi khuẩn ho gà rất nguy hiểm, khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho.

Tương tự ho gà, dịch bệnh sởi năm nay cũng diễn biến khá bất thường, dù thời tiết đã vào giữa hè. Trong 3 tuần đầu tháng 6-2019, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận trung bình 30-40 trường hợp mắc sởi/tuần. Và từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.481 trường hợp mắc sởi, trong khi đó cả năm 2018 chỉ có 511 trường hợp mắc.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm vẫn có 3-5 trẻ bị sởi nhập viện/ngày. Còn ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc sởi. Chị Phạm Thị H. (25 tuổi, quê ở Ninh Bình) có thai 5 tháng, bị mắc sởi, đã nhập viện điều trị được gần một tuần, chia sẻ: “Do chủ quan nghĩ rằng, bệnh sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em, nên trước khi có thai, tôi đã không tiêm phòng. Cách đây hơn một tuần, tôi bị sốt nhẹ, sau đó phát ban và được phát hiện mắc bệnh sởi”.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, thông thường, dịch bệnh sởi bùng phát mạnh vào mùa đông – xuân, sang hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là ở người lớn (từ 25 đến 35 tuổi) và phụ nữ có thai mắc sởi cao hơn hẳn so với mọi năm. Những đối tượng này hầu hết không tiêm phòng hoặc không nhớ tiền sử tiêm phòng. Thậm chí, thời điểm này, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu, quai bị – dù đây là những bệnh đặc trưng của mùa đông – xuân.

“Thời tiết thay đổi bất thường, vi rút, vi khuẩn – tác nhân gây bệnh dễ thích nghi, biến đổi, do đó, hiện nay, dịch bệnh có xu hướng xảy ra quanh năm, chứ không vào mùa nhất định”, bác sĩ Đỗ Duy Cường lý giải.

Phòng dịch chủ động bằng tiêm vắc xin

Để bảo đảm trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh nguy hiểm, dự kiến trong năm 2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành Giáo dục triển khai thí điểm quy định: Khi trẻ nhập học mẫu giáo phải có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Trước mắt, quy định này dự kiến được thí điểm tại Hà Nội vào cuối năm 2019. Ngoài ra, ngành Y tế còn tổ chức tiêm bổ sung cho những trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu sự thay đổi của dịch bệnh; đồng thời, củng cố và nâng cao khả năng giám sát, phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động và chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn cho đội phòng, chống dịch cơ động của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. “Với các bệnh đã có vắc xin tiêm phòng như: Sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu…, người dân phải đưa trẻ đi tiêm vắc xin. Ngay cả người lớn chưa có miễn dịch với dịch bệnh sởi, không nhớ tiền sử tiêm chủng cũng nên đi tiêm phòng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo.

WHO cho biết, trong những tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300% do tỷ lệ tiêm chủng giảm. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu toàn ngành triển khai hiệu quả phòng dịch chủ động bằng tiêm vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin nhắc lại ở các vùng nguy cơ cao. Đặc biệt, chú trọng đến vấn đề an toàn tiêm chủng, trong đó cần quan tâm khám sàng lọc trước tiêm để giảm các phản ứng sau tiêm và các chống chỉ định.

Để khám sàng lọc hiệu quả, ngành Y sẽ lựa chọn các bác sĩ đủ năng lực chuyên môn, được tập huấn đầy đủ. Mặt khác, trong công tác điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc, phân loại bệnh chính xác, không để người bệnh nặng nằm chung với người bệnh nhẹ để tránh chẩn đoán nhầm, bỏ sót bệnh hoặc lây nhiễm chéo… (Hà Nội mới, trang 1)

 

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao tỏi đen mật ong vi phạm quy định quảng cáo

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra thông báo về việc cẩn trọng với thông tin quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao tỏi đen mật ong trên trang https://www.facebook.com/pg/duongduocbaosinh.vn/posts/.

Theo đó, thời gian qua trên trang https://www.facebook.com/pg/duongduocbaosinh.vn/posts/ có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao tỏi đen mật ong vi phạm quy định quảng cáo. Cụ thể, sản phẩm này được quảng cáo công dụng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Theo tìm hiểu, sản phẩm này do Công ty cổ phần Dưỡng sinh Bảo Sinh (ở số 32, ngõ 12, đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, công ty này khẳng định, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao tỏi đen mật ong đang quảng cáo trên trang https://www.facebook.com/pg/duongduocbaosinh.vn/posts/ không phải do Công ty cổ phần Dưỡng sinh Bảo Sinh thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên trang Facebook này.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao tỏi đen mật ong tại trang Facebook nêu trên. (Hà Nội mới, trang 4).

 

Phòng trừ từ gốc

Dù đang giữa hè, nhưng nhiều dịch bệnh trong mùa đông – xuân lại có xu hướng gia tăng. Sự bất thường này không thể xem thường khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong những tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%; thậm chí, nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi, nay bùng phát trở lại. Còn tại Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, số ca mắc sởi là gần 1.500 trường hợp; toàn thành phố cũng ghi nhận 77 ca mắc ho gà…

Việc dịch bệnh phát sinh trái quy luật có nguyên nhân do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là, thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng độ ẩm luôn ở mức cao là điều kiện thuận lợi cho một số loại vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người. Đặc biệt, do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm phòng còn hạn chế, đôi khi thiếu căn cứ nên việc không tiêm vắc xin đầy đủ đã khiến số bệnh nhân tăng nhanh. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm… cũng góp phần làm nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh.

Là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, có dân số đông, mật độ cao… nên việc phòng trừ dịch bệnh từ gốc tại Hà Nội luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi cả xã hội, mỗi cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm chung tay thực hiện.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời và không để dịch bệnh lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, từ đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã triển khai những hành động cụ thể, như: Đẩy mạnh tuyên truyền; thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Thế nhưng, trước những diễn biến cụ thể hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cần phải được tăng cường, quyết liệt hơn. Đặc biệt, công tác tiêm chủng phải được đặt ở vị trí trung tâm, là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Thực tiễn, sau hơn 30 năm triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm đã được loại trừ; trong đó, các bệnh như sởi, ho gà đã được khống chế… Hiệu quả đó cần tiếp tục được phát huy thông qua tăng cường truyền thông để người dân nhận thức rõ lợi ích của việc tiêm chủng. Đồng thời, các ngành chức năng cần tiếp tục rà soát, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng vắc xin, bảo đảm an toàn tiêm chủng…

Cùng với đó là việc chủ động tuyên truyền của các cấp, ngành chức năng để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân. Hoạt động này cần thực hiện đa dạng, thường xuyên và đồng loạt trên diện rộng. Hiện, một số xã, phường trên địa bàn thành phố đã cập nhật tình hình và cách phòng, tránh dịch bệnh trên trang thông tin điện tử của địa phương – đó là cách làm thiết thực, tác động đến nhận thức, làm thay đổi hành vi của mỗi người.

Và trên hết, mỗi địa phương cần chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi trọng điểm. Những địa bàn có nhiều người mắc bệnh, khu vực nguy cơ cao cần được giám sát chặt chẽ để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đặc biệt, mạng lưới cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn phải hoạt động nghiêm túc, thực chất để bảo đảm dịch bệnh được phát hiện, xử lý kịp thời sớm nhất, ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng.

Khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng, mỗi cá nhân có ý thức tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ, giữ gìn vệ sinh môi trường, tự phòng bệnh…, ắt hẳn khi đó, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn từ gốc. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Tránh nể nang, lạm quyền

Từ ngày 10-7 tới, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quyền hạn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, người dân.

Gỡ nút thắt thiếu lực lượng thanh tra

Từ năm 2015, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Là một địa bàn rộng, tập trung đông các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhưng sau khi được lựa chọn để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ở tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước, huy động thêm nguồn lực cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Mặt khác, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.

Dẫn chứng cho đánh giá trên, theo ông Trần Thanh Long, ngay trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), quận Nam Từ Liêm thành lập 14 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có 4 đoàn tuyến quận và 10 đoàn tuyến phường. Ngoài ra, quận đã thành lập thêm các đoàn kiểm tra chuyên ngành tại 2 phường được tham gia thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Nhờ lực lượng thanh tra được tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Do đó, chỉ trong 1 tháng, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra được 416 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 31 cơ sở với số tiền phạt là 205 triệu đồng.

Thế nhưng với những quận chưa triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm như quận Tây Hồ thì công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận tập trung 1.869 cơ sở thực phẩm. Ý thức tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở nhỏ lẻ chưa cao. Chỉ khi có sự xuất hiện của đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, các cơ sở này mới nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại tái vi phạm. Thậm chí, khi đoàn kiểm tra ra quyết định xử phạt vẫn có những cá nhân, tổ chức chống đối.

“Hiện quận cố gắng thực hiện kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong địa bàn mỗi năm một lần. Nhưng do lực lượng cán bộ kiểm tra còn mỏng nên rất khó để triển khai. Mong rằng, tới đây khi triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn quận và tại tất cả các phường, lực lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra được tăng cường, hiệu quả kiểm tra cũng được nâng lên”, ông Phạm Xuân Tài cho hay.

Thành phố hiện đã tổ chức các lớp đào tạo cho khoảng 2.700 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác tập huấn đã truyền tải được những nội dung cơ bản và cần thiết để thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp cơ sở. Dù vậy, điều lo ngại nhất là một số cán bộ có thể áp dụng một cách máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức về quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dẫn đến khi phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm thì xử phạt chưa đúng; hay do chưa nắm chắc nghiệp vụ nên không dám phạt vì sợ bị khiếu nại.

Không chỉ kiểm tra trên giấy…

Ngoài việc đào tạo cấp chứng chỉ cho lực lượng công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ nay đến ngày 5-7, thành phố cũng tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 450 người và tập huấn các kỹ năng thanh tra cho hơn 1.000 người.

Ông Trần Văn Chung đề nghị, các địa phương cần phải có những hoạt động thanh tra, kiểm tra thực tiễn hơn, không dừng lại ở việc kiểm tra giấy phép mà phải kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, xét nghiệm các chất tồn dư trong thực phẩm, kiểm tra quá trình thực hành các quy định an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến thực phẩm… Mặt khác, tập trung kiểm soát thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thức ăn nhanh, dịch vụ ăn uống khu vực du lịch, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, khi hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa thanh tra cấp trên với cấp cơ sở để tránh chồng chéo. Với mô hình sản xuất, kinh doanh khác nhau tại nội thành và ngoại thành, cũng phải có những cách thức tiến hành thanh tra, kiểm tra khác nhau.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Chung cho rằng, để tránh sự chồng chéo, lạm quyền trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phải giám sát và kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng cấp cơ sở để đánh giá chất lượng và có sự điều chỉnh. (Hà Nội mới, trang 6)

 

Hà Nội: Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 200 bếp ăn tập thể với 2 hình thức tổ chức. Một là tự tổ chức nấu ăn (chiếm khoảng 20%), hai là ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống (chiếm khoảng 80%).

Do số lượng suất ăn lớn, ăn uống tập trung nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao, nhất là trong mùa hè. Trước thực tế trên, hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và Ban Quản lý các khu công nghiệp, các quận, huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra 100% bếp ăn tập thể khu công nghiệp trên địa bàn.

Sở Y tế cũng đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể theo quy định, cần tăng cường giám sát phát hiện dấu hiệu vi phạm để thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm.

Cùng với kiểm tra, Sở Y tế cũng đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý chặt chẽ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, căng tin, các nhà thầu cung cấp suất ăn, đặc biệt là nguồn cung cấp thực phẩm phải bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ. Riêng với các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cần tăng cường công tác kiểm nghiệm, thành lập tổ tự quản, tự kiểm tra giám sát, kiểm thực 3 bước tại bếp ăn, đồng thời khắc phục tồn tại sau mỗi lần thanh tra, kiểm tra. (Hà Nội mới, trang 6)

 

Hai bệnh viện phối hợp cứu sống thai phụ ngưng tim, ngưng thở

hai phụ 32 tuổi bất ngờ ngưng tim khi đang đẻ mổ do thuyên tắc ối vừa được Bệnh viện Hùng Vương và Chợ Rẫy phối hợp cứu sống. Đây là trường hợp thuyên tắc ối thứ hai được hai bệnh viện giúp qua cơn nguy kịch trong một năm qua.

Tại phòng mổ, các bác sĩ mổ bắt con thành công một bé gái nặng 2.950g, tử cung gò tốt, nhau bong tự nhiên,… Tuy nhiên, bệnh nhân bỗng dưng ngưng tim, tím tái.

Các bác sĩ lập tức tiến hành đặt nội khí quản, khởi động quy trình báo động đỏ nội viện, hồi sức tim phổi, mời bác sĩ BV Chợ Rẫy hội chẩn và tư vấn người nhà. Người bệnh được chẩn đoán ngưng tim ngưng thở do thuyên tắc ối và chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu BV. Chợ Rẫy.

Tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu, suy đa cơ quan. Bệnh nhân lập tức được gây mê, sau đó nối thông động mạch đùi để chạy ECMO (phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể).

Về phía sản khoa, các bác sĩ đến từ BV Hùng Vương do BS. Lê Kim Bá Liêm mổ chính cũng đã lập tức tiến hành cắt bỏ tử cung, kiểm tra cầm máu (bệnh nhân bị rối loạn đông máu). Tiếp sau đó, các bác sĩ chuyên khoa niệu đã tiếp cận bệnh nhân để tiếp tục bóc tách tìm niệu quản, khâu lại động mạch tử cung, khâu cầm máu.

Sau hơn 1 ngày được bác sĩ cả hai bệnh viện cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân đã có những tín hiệu lạc quan, dần qua cơn nguy kịch, tim mạch huyết áp và hô hấp có dấu hiệu hồi phục tốt, đã có thể ăn uống được. Chị nở nụ cười tươi khi hay tin con gái khỏe mạnh đang được chăm sóc của các bác sĩ, nữ hộ sinh tại BV Hùng Vương.

Các chuyên gia y tế cho biết, thuyên tắc ối là là một cấp cứu sản khoa xảy ra khi tình trạng trong đó nước ối, tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của mẹ qua đường nhau thai ở tử cung và gây ra phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng (rối loạn đông máu).

Thuyên tắc ối được coi là một thảm họa sản khoa, xảy ra đột ngột không có triệu chứng báo trước vào thời điểm chuyển dạ hoặc ngay lập tức sau sinh. Trong dạng nặng, bệnh nhân khó thở dữ dội kèm tình trạng sốc với ngưng tim, ngưng thở, đôi khi kèm co giật, tử vong mẹ. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Thiếu hóc môn tăng trưởng làm trẻ thấp còi

Mỗi ngày, các bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết-Chuyển Hóa-Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư) tiếp nhận từ 30-50 trường hợp đến khám chậm tăng trưởng chiều cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, trong đó thiếu hóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Bệnh nhi Nguyễn L.A (17 tháng tuổi, Hà Nội) đến khám vì chậm lớn. Chiều cao của trẻ lúc đến khám là 59 cm  (chiều cao của trẻ ở độ tuổi này là 74 -86 cm). Qua thăm khám và xét nghiệm trẻ được chẩn đoán thiếu hóc môn tăng trưởng và bắt đầu điều trị hóc môn tăng trưởng lúc 19 tháng tuổi. Sau gần 5 năm, chiều cao của bé gái L.A đã có sự thay đổi đáng ngạc nhiên: năm đầu tiên trẻ tăng được 14 cm, năm thứ 2 trẻ tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng 13 cm và năm thứ 4 tăng 6 cm. Hiện trẻ 5 tuổi 8 tháng và cao 101 cm.

Bé trai Trần Văn M (6 tuổi, 3 tháng, Hải Phòng) đến khám với chiều cao 94 cm (chiều cao bình thường của trẻ này là 117 – 127 cm). Bệnh nhi này cũng được chẩn đoán thiếu hóc môn tăng trưởng. Kết quả điều trị của bệnh nhân M cũng khả quan: Năm thứ nhất trẻ tăng 14 cm, năm thứ 2 tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng 7,5 cm, năm thứ 4 tăng 6 cm, năm thứ 5 tăng 6,5 cm. Hiện tại trẻ 11 tuổi 4 tháng và cao 139 cm.

TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội Tiết-Chuyển hóa-Di truyền cho biết hóc môn tăng trưởng là hóc môn cần thiết để giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao. Ngoài ra, hóc môn tăng trưởng giúp chuyển hóa làm giảm khối mỡ, tăng khối cơ trong cơ thể. Trẻ em thiếu hóc môn tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương, bệnh tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt.

Điều trị hóc môn tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao tại Bệnh viện Nhi T.Ư tiến hành từ năm 2005. Tới nay có trên 900 trẻ đang điều trị hóc môn tăng trưởng tại đây với các nhóm bệnh do thiếu hóc môn tăng trưởng, Turner, Prader Willi, chậm tăng trưởng so với tuổi thai. Kết quả điều trị rất tốt: năm đầu trẻ tăng trung bình 10 -12 cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 – 9 cm, các năm sau đó tăng trung bình 6 cm.

Điều trị sớm

Theo bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành. Bác sĩ khuyến cáo, bất kỳ thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường, tốc độ tăng trưởng chậm, gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Nhi. Cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Điều trị bệnh bằng đường tiêm. Cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. (Tiền phong, trang 11)

 

Cảnh báo những sai lầm tai hại thường gặp trong mùa cao điểm sốt xuất huyết

Chỉ trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Theo các chuyên gia, thời điểm này, dịch SXH đã “vào mùa”, song do số mắc chưa tăng vọt nên nhiều người còn chủ quan, hoặc nhận thức sai lầm trong phòng, điều trị bệnh…

Chỉ số nguy cơ gây dịch đang tăng

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ở tuần gần đây nhất (từ 10-6 đến 16-6), số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố đã tăng đến hàng chục ca so với tuần liền trước đó. Tổng số ca mắc mà toàn thành phố ghi nhận từ đầu năm đến nay là 548 trường hợp, tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.Tính trên phạm vi cả nước, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện đã ghi nhận hơn 67.000 ca mắc SXH, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Với những diễn biến trên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Đáng chú ý, kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh SXH tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây.

Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất chủ quan với bệnh dịch này, thậm chí nhiều hộ dân còn chống đối, không hợp tác với cơ quan chuyên môn tiến hành phun thuốc, hóa chất diệt muỗi phòng SXH.

Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã vận động, yêu cầu các hộ gia đình hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch, cương quyết xử lý những trường hợp chống đối.

Những hiểu nhầm “chết người”

Ngoài một bộ phận người dân chủ quan với dịch SXH thì rất nhiều người dân khác vẫn có những nhận thức không đúng về bệnh này, dẫn đến những hậu quả khôn lường.Đặc biệt, một số người mắc SXH nhưng tự ý điều trị ở nhà, điều trị theo phương pháp phản khoa học, dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho tính mạng. Từ thực tiễn khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ ra một số hiểu nhầm tai hại thường gặp ở nhiều người dân trong phòng chống, điều trị SXH như sau:

Thứ nhất, rất nhiều người nghĩ rằng với SXH thì bị một lần rồi sẽ không mắc lại nữa. Thực tế, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus này thì vẫn có thể bị mắc lại chủng virus khác và thậm chí lần mắc sau còn nặng hơn lần trước.

Thứ hai, nhiều người bệnh mắc SXH, qua điều trị đã giảm sốt hoặc hết sốt thì lập tức dừng điều trị vì nghĩ giảm sốt là hết bệnh. Thực tế, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh SXH sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt, tuy nhiên đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh vì giai đoạn này người bệnh có thể có những biến chứng nặng.

Thứ ba, nhiều người bệnh khi bị SXH tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống, phổ biến nhất là uống 2 loại thuốc Aspirin và ibuprofen. Thực tế, 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh SXH trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Lý do vi bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu, trong khi đó thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Hơn nữa, Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu. Thứ tư, vẫn có những người hiểu nhầm rằng tiếp xúc với người bị SXH sẽ lây bệnh. Thực tế, SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều người dân cho rằng chỉ cần phun thuốc muỗi một lần là yên tâm không lo mắc bệnh.

Thực tế, sau khi phun thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Khoảng một vài ngày sau, những đàn muỗi ở khu vực xung quanh nếu chưa bị tiêu diệt vẫn có thể bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người…. (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Cứu sống bé sơ sinh ‘đẻ rớt’

Trên đường cấp cứu thai phụ vỡ ối, thai nhi chuyển ngược, nửa cơ thể đã ra ngoài nhưng phần đầu kẹt lại bên trong. Rất may mắn, các bác sĩ đã can thiệp kịp thời cứu sống bé sơ sinh.

Ngày 20-6, thông tin từ Bệnh viện Sản – nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết sản phụ P.T.B. (25 tuổi, ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) và con sơ sinh đã ổn định sức khỏe. Hiện bệnh viện đang tiếp tục theo dõi chuyển biến sức khỏe của cả hai mẹ con.

Trước đó, ngày 19-6 thai phụ B. được chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện Ba Tơ đến Bệnh viện Sản – nhi tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng mang thai lần 2, đủ tháng, chẩn đoán ngôi thai ngược.

Trên đường chuyển viện, thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ đột ngột và sinh trên xe khi còn cách bệnh viện khoảng 5km. Tuy nhiên, vì thai ngôi ngược nên nửa người thai nhi ra trước, đầu thai nhi bị kẹt lại trong âm đạo mẹ.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp phức tạp, thai nhi bị lọt ra ngoài một thời gian đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng. Quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt.

Bác sĩ Đinh Thị Mỹ Hòa trực tiếp cấp cứu cho sản phụ P.T.B. cho biết lúc vào bệnh viện thai nhi đã rất yếu, chỉ cần chậm vài phút là có thể tử vong. Các bác sĩ phải lập tức đỡ đầu thai nhi ra khỏi âm đạo mẹ. Bé trai nặng 2.7kg chào đời nhưng không khóc, nhịp tim rời rạc, da tím tái.

“Các bác sĩ đã phối hợp đặt nội khí quản duy trì đường thở, ép tim ngoài lồng ngực cho bé. Sau 5 phút được hồi sức tích cực, bé bắt đầu khóc và có những chuyển biến tốt. Đến hôm nay đã ổn định hơn rất nhiều”, bác sĩ Hòa cho biết.

Theo bác sĩ Hòa, những ca mang thai ngôi ngược chiếm tỉ lệ khoảng 5%. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý tốt, thai ngôi ngược có thể làm tăng nguy cơ tai biến cho mẹ và tăng tỉ lệ tử vong đối với thai nhi. (Tuổi trẻ, trang 5)

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/01/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận