Điểm báo ngày 02/7/2019

(CDC Hà Nam)
Lạm dụng tầm soát, sang lọc ung thư: Xét nghiệm máu không phải là phương thức chẩn đoán và sàng lọc ung thư; Bệnh sốt xuất huyết vào mùa; Dành ưu tiên nâng chất lượng dịch vụ y tế; Hà Nội ghi nhận 820 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2019; Cảnh báo gia tăng bệnh sốt xuất huyết, nhiều ca chuyển biến nặng…

 

Lạm dụng tầm soát, sang lọc ung thư: Xét nghiệm máu không phải là phương thức chẩn đoán và sàng lọc ung thư

Phát hiện sớm ung thư đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả bệnh. Tuy nhiên, do nhiều gói tầm soát ung thư hiện đang bị lạm dụng, đặc biệt xét nghiệm chỉ điểm khối u chỉ có giá trị trong tiên lượng và theo dõi điều trị, nhưng do không được khuyến cáo, giải thích đầy đủ gây hiểm lầm với người bệnh. Hậu quả nhiều người vì tin vào tầm soát chỉ điểm khối u trong máu dẫn tới bỏ lỡ cơ hội vàng trong phát hiện và điều trị … (Công an nhân dân, trang 4).

Bệnh sốt xuất huyết vào mùa

Mặc dù mùa dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới chỉ bắt đầu, nhưng tại các cơ sở điều trị, số ca nhập viện do SXH đang có dấu hiệu tăng, thậm chí có những ca tử vong. Các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh SXH năm nay đến sớm hơn thông thường, người dân không nên chủ quan, lơ là.

Số ca mắc mới không ngừng tăng

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, BV tiếp nhận 798 ca nhập viện do SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (403 ca). Hiện BV đang quản lý 151 bệnh nhân SXH, trong đó có 25 trẻ em. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 ca nặng cả người lớn lẫn trẻ em đang phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, trong tháng 5, trung bình khoa tiếp nhận điều trị 20 – 25 ca SXH/ngày. Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, các ca SXH nhập viện bắt đầu gia tăng nhanh, thậm chí có ngày lên đến 70 ca bệnh.

“Mức độ gia tăng các ca bệnh nhập viện cho thấy năm nay dịch bệnh đến sớm hơn 1 tháng. Đặc biệt là tuần qua đã có 2 ca tử vong (1 người lớn và 1 trẻ em; cả 2 đều có cơ địa đặc biệt và mang bệnh nền). Trước tình trạng gia tăng của bệnh SXH, các khoa, phòng của BV đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng Khoa nhiễm D phải bố trí thêm 30 giường bệnh kê tại hành lang, bởi phòng bệnh đã quá tải”, bác sĩ Phong cho hay.

Theo báo cáo từ Viện Pasteur TPHCM, tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tuần qua đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh SXH được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% (1.379 người) so với cùng kỳ năm 2018.

Còn tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng Thành phố, các ca trẻ em mắc SXH nhập viện cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Các bác sĩ khuyến cáo, dù mùa dịch SXH chưa bắt đầu nhưng thời tiết mưa liên tục khiến muỗi sinh sôi nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng người dân nhập viện do mắc SXH.

Chớ chủ quan, lơ là

Nằm điều trị tại Khoa nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, ông Phan Xuân Dũng (64 tuổi, ngụ quận 3) cho biết đã nhập viện 5 ngày, thường xuyên cảm thấy sốt, mệt mỏi.

“Đây là lần đầu tiên tôi mắc bệnh SXH. Các triệu chứng khi mắc bệnh đều không rõ ràng nên tôi cũng không nghĩ mình bị mắc bệnh này. Đến khi hết sốt, cơ thể tôi bắt đầu nổi lên nhiều nốt đỏ thì lúc đó bệnh đã trở nặng rồi”, ông Dũng kể.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, thông thường các bệnh truyền nhiễm khác khi hạ sốt thì người bệnh khỏe hơn, có dấu hiệu nhẹ bệnh, nhưng đối với SXH thì khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó rất nhiều người chủ quan không đi khám, cũng có khi bác sĩ không phát hiện ra, để tình trạng bệnh nặng hơn, điều trị gặp khó khăn hơn.

“Đối với những người có cơ địa đặc biệt, hoặc mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh dễ diễn tiến nặng. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc SXH dễ dẫn đến sinh non”, bác sĩ Phong cảnh báo.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết mưa liên tục khiến muỗi sinh sôi nhanh hơn, người dân cần chú ý các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt. Ngoài ra, khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, nhức đầu, đau phía sau mắt… cần nghĩ đến SXH và đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh đó, đối với trẻ em béo phì hoặc người lớn thừa cân, khi mắc SXH bệnh thường diễn tiến nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng, trong năm 2018, BV Bệnh nhiệt đới có gần 10 trường hợp tử vong do SXH và hơn một nửa trong số này có cơ địa béo phì.

Trẻ béo phì bị bệnh SXH thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Nếu tỷ lệ sốc do SXH ở trẻ có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%.

“Hiện Khoa Nhiễm D đang phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam nghiên cứu về SXH trên bệnh nhân béo phì”, bác sĩ Phong cho hay. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Dành ưu tiên nâng chất lượng dịch vụ y tế

Sáng 1-7, tại thành phố Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, theo chuyên đề với ngành Y tế. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, bác sĩ Hoàng Quang Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, Quốc hội cần sớm sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lấy người bệnh là trung tâm của dịch vụ y tế. Luật cần tạo điều kiện thủ tục thông thoáng để người nước ngoài khám chữa bệnh nhân đạo và chuyển giao kỹ thuật trong khám chữa bệnh, bởi nếu phải đợi Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không bảo đảm tính kịp thời.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên Trần Hữu Lộc cho rằng cần ưu tiên đầu tư cho trạm y tế xã để đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Nhiều cử tri cũng cho rằng, an ninh trong các bệnh viện, cơ sở y tế là vấn đề nhức nhối, theo đó, luật cần quy định sự phối hợp của các lực lượng chức năng khác nhau trong bảo đảm an toàn, an ninh trong bệnh viện.

Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn ưu tiên thực hiện độ bao phủ và nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế, giáo dục theo nguyên tắc thị trường và có sự quản lý của Nhà nước, trong đó vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng. “Đây là hai lĩnh vực Nhà nước không “buông” được, không để những thay đổi gây “sốc” với xã hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm xã hội hóa trong lĩnh vực y tế phải bảo đảm công khai, bình đẳng lợi ích của các bên; Quỹ Bảo hiểm y tế chỉ được chi cho chữa bệnh và khám bệnh, không được chi sử dụng y tế dự phòng, bởi y tế dự phòng là nhiệm vụ chi của Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ kiên quyết chống gian lận và trục lợi từ Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đối với nhu cầu tăng giá trị bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay gần 90% dân số có thẻ bảo hiểm y tế; bình quân giá trị bảo hiểm y tế là 40 USD/người, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chia sẻ với cử tri ngành Y, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu điều chỉnh tăng giá trị này trong giai đoạn tới. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Hà Nội ghi nhận 820 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2019

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 24 đến 30-6, thành phố ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 52 trường hợp so với tuần trước đó. Số ca mắc sốt xuất huyết rải rác tại 85 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị xã.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã ghi nhận 820 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 725 trường hợp đã khỏi, còn 95 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong. Một số đơn vị có số mắc cao như: Quận Hà Đông ghi nhận 150 ca, quận Bắc Từ Liêm 88 ca, quận Cầu Giấy 73 ca, quận Đống Đa 69 ca, quận Nam Từ Liêm 65 ca…

Dù số mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018, nhưng trong các tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Cảnh báo gia tăng bệnh sốt xuất huyết, nhiều ca chuyển biến nặng

Mặc dù chưa vào cao điểm, nhưng bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện sớm và có nhiều ca mắc bệnh trở nặng. Thậm chí, có trường hợp tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại một bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều ca mắc bệnh SXH chuyển biến nặng

BS Vũ Đức Diễn – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận 12, TP.HCM – cho biết: “Hiện nay TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bước vào mùa mưa. Thời điểm này, các bệnh truyền nhiễm đang bắt đầu xuất hiện, trong đó, có bệnh SXH – bệnh phát triển do thời tiết mưa, ẩm thuận lợi cho muỗi phát sinh, đặc biệt là loài muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết ở người”. Tại địa bàn Quận 12, TP.HCM, công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực. Đến thời điểm này, quận đã có người mắc bệnh SXH.

Tại BV Bệnh Nhiệt Đới (TP.HCM) là BV chuyên điều trị các bệnh lây nhiễm ở phía Nam, những ngày gần đây, số ca nhập viện do SXH đang có khuynh hướng tăng dần. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Phòng kế hoạch tổng hợp của BV này cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh do SXH tăng gần gấp đôi. Đáng lo ngại, từ đầu năm 2019 đến nay, tại BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã ghi nhận một ca tử vong, một số ca mắc bệnh nặng đã xin về. Một bác sĩ BV này cho biết, có hai ca mắc bệnh nặng và gia đình xin về vào thời điểm trong tháng 6 là một bé trai (14 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) và một nam thanh niên (26 tuổi, ngụ Bình Phước). Ngoài ra, các khoa, phòng của BV đã và đang bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Khoa nhiễm D điều trị SXH cho người lớn, BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã bố trí thêm 30 giường, tuy nhiên cũng còn một số trường hợp bệnh nhân phải nằm hành lang do không còn chỗ nằm trong phòng điều trị. Được biết, cũng tại Khoa nhiễm D, trong tháng 5 vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 20 đến 25 ca mắc bệnh SXH. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 trở đi, số ca mắc SXH bắt đầu gia tăng nhanh, mỗi ngày có 50 đến 70 ca bệnh. Tính toàn BV nếu từ ngày 1 đến 28.6.2018 (ghi nhận 403 ca SXH) thì từ ngày 1 đến 28.6.2019 (số ca SXH được ghi nhận lên đến 798 ca, tăng 395 ca). Hiện tại, toàn BV đang quản lý 151 bệnh nhân bị SXH (trong đó có 25 ca trẻ em, 10 ca nặng, bao gồm cả người lớn và trẻ em phải nằm phòng hồi sức tích cực, thở máy…). Anh Nguyễn Văn An (27 tuổi, ngụ huyện Bù Đốp, Bình Phước) đang nằm điều trị tại Khoa nhiễm D được hơn 5 ngày, chia sẻ, trước khi nhập viện, anh cảm thấy sốt, nhức đầu, mệt mỏi toàn thân nhưng uống thuốc hạ sốt không đỡ. Sau đó anh nghi ngờ bị mắc bệnh SXH từ hàng xóm nên nhập BV Bệnh nhiệt đới để điều trị.

Theo nhận định của các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, khuynh hướng bệnh SXH năm nay đến sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng cường nhiều biện pháp phòng chống bệnh dịch SXH

Tương tự tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM, được biết, mỗi ngày điều trị nội trú cho 50 đến 60 bệnh nhi, trong đó có một số trường hợp trẻ gặp biến chứng sốc do SXH gây ra. Về mối nguy hiểm của bệnh SXH, ThS.BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) – cho biết: “SXH có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Mới đầu bệnh SXH khó xác định, nhưng từ ngày 3 đến ngày 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn tiến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ), khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn…”. Ngoài ra, BS Tuấn khuyến cáo, các phụ huynh cần theo dõi trẻ, khi có các dấu hiệu trở nặng: Chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, người lừ đừ thì lập tức đưa trẻ tới BV gần nhất để có hướng điều trị kịp thời.

Theo thông tin từ TTYTDP TP.HCM, trong tháng 5 vừa qua, toàn TP có 1.649 ca bệnh sốt xuất huyết được báo cáo (gồm 977 nội trú và 672 ngoại trú), giảm 15% so với tháng trước. Như vậy trong 5 tháng đầu năm 2019, TP có 22.417 ca bệnh được báo cáo, trong đó có 3 ca tử vong. Số ca bệnh hàng tuần giảm theo mùa, đối chiếu với quy luật hàng năm thì tháng 5 là giai đoạn thấp điểm của bệnh sốt xuất huyết tại thành phố. Bước qua tháng 6 cũng là lúc mùa mưa bắt đầu, dự báo số ca bệnh hàng tuần có thể sẽ tăng lên trong vài tuần tới.

Cũng theo TTYTDP, để chủ động kiểm soát ca bệnh SXH ngay từ đầu mùa dịch, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Ủy ban nhân dân quận 6 đã tổ chức Phát động chiến dịch hưởng ứng ngày  ASEAN phòng chống SXH năm 2019 cấp TP. Ủy ban nhân dân các quận huyện cũng đã tổ chức phát động chiến dịch mỗi quận huyện. Chiến dịch Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH năm nay tại TP.HCM kéo dài từ giữa tháng 5 đến hết tháng 6 với các hoạt động như đẩy mạnh truyền thông diệt lăng quăng trong mỗi nhà dân, kiểm tra giám sát điểm nguy cơ, xử lý triệt để một số điểm nóng trên địa bàn quận huyện,… (Lao động, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 16/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 28/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/8/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận