Hướng dẫn theo dõi sau tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản

(CDC Hà Nam)

 Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao và để lại những di chứng tàn phế hết sức nặng nề cho trẻ.

Tuy vậy, chúng ta cũng có thể phòng bệnh chủ động bằng cách tiêm phòng vắc-xin cho trẻ. Bài viết này cũng cấp cho bạn đọc kiến thức để giúp người chăm sóc trẻ biết cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B.

Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm thế nào?

Viêm não Nhật Bản là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, gây ra tổn thương hệ thần kinh trung ương do tác động của virut gây bệnh. Loại virut này được phát hiện vào năm 1935 bởi các nhà khoa học Nhật Bản, vì vậy nên bệnh viêm não do virut này gây ra được đặt tên là viêm não Nhật Bản. Bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho người lớn và trẻ em, để lại di chứng nặng nề nếu trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh. Trong đó, nhóm có nguy cơ mắc cao nhất là trẻ nhỏ 2-6 tuổi (chiếm 75% trên tổng số người mắc bệnh). Bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh mẽ vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản, vì vậy, việc tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản là rất quan trọng, giúp trẻ đề phòng được nguy cơ mắc bệnh cũng như các rủi ro có thể xảy ra.

Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây trực tiếp từ người sang người mà phải truyền qua trung gian muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật mang virut (thường là lợn) rồi sau đó truyền bệnh cho người qua vết muỗi đốt. Muỗi có khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản thì được gọi là véc-tơ truyền bệnh. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi hàng ngày với người bệnh không có khả năng làm lây bệnh.

Bệnh viêm não Nhật Bản hiện đang lưu hành nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc nước ta. Các ổ dịch hầu hết tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi gia súc hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều cây ăn quả và kết hợp nuôi lợn.

Sau tiêm 30 phút, cho trẻ theo dõi tại trung tâm vắc-xin, sau đó cho trẻ về và gia đình theo dõi tiếp.

Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho con trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Phụ huynh cần chú ý đưa trẻ đi tiêm sớm, theo đúng lịch tiêm để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong đợt cao điểm dịch bệnh.

Lịch tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản

Vắc-xin viêm não Nhật Bản được dùng để dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng người lớn và trẻ em khi đủ 12 tháng tuổi trở lên. Vắc-xin được đưa vào cơ thể qua đường tiêm dưới da. Muốn được bảo vệ đầy đủ, phải thực hiện tiêm sơ chủng và tái chủng đầy đủ. Đối với sơ chủng, được tiêm 3 mũi lần lượt:

Mũi 1: Trong lần đầu tiên đến tiêm.

Mũi 2: Cách mũi thứ nhất 1 – 2 tuần.

Mũi 3: Sau mũi thứ nhất 1 năm.

Đối với tiêm tái chủng, mỗi lần được tiêm một liều dưới da, cứ mỗi 3 năm nhắc lại một lần để duy trì khả năng miễn dịch. Nên tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất ngay từ nhỏ.

Về hình thức tiêm, vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản được tiêm dưới da và không bao giờ được tiêm tĩnh mạch. Cụ thể, bác sĩ có thể tiêm bắp ngay vị trí cơ delta ở bắp tay hoặc ở chân ngay vị trí mặt trước bên đùi. Tiêm viêm não Nhật Bản ở tay hay chân đều mang lại hiệu quả phòng bệnh như nhau và không có ảnh hưởng khác đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản ở tay hay chân còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ và sự thuận tiện về phía người được tiêm.

Hướng dẫn theo dõi chăm sóc trẻ sau tiêm

Sau tiêm 30 phút, cho trẻ theo dõi tại trung tâm vắc-xin, sau đó cho trẻ về và gia đình theo dõi tiếp tại nhà. Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, hạn chế nhiễm trùng; Cho trẻ ăn uống bình thường như mọi ngày. Đặc biệt không bôi, đắp bất kỳ loại thuốc, hóa chất hay vật gì vào chỗ tiêm để tránh kích ứng da gây nên tình trạng sưng đau và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Với trường hợp trẻ sốt trên 38,50C: lau người bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ (tránh trẻ bị nhiễm lạnh vào mùa lạnh).

Những lưu ý sau khi tiêm phòng vắc-xin cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

Khi thấy trẻ có một vài dấu hiệu sau: Trẻ khó thở, tím tái, quấy khóc, vật vã, nổi mề đay/ban đỏ toàn thân; Trẻ sốt cao liên tục trên 390C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ; Quầng đỏ sưng cứng tại vị trí tiêm có kích thước trên 2cm… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời.

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Hà Nam: Tiếp tục thông báo kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Mậu Ngọ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập huấn công tác Phòng cháy chữa cháy năm 2019

CDC Hà Nam

Khô miệng, mất ngủ: Dấu hiệu cảnh báo lá gan bị nóng

CDC Hà Nam

Để lại bình luận