Điểm báo ngày 11/7/2019

(CDC Hà Nam)
136 người ngộ độc thực phẩm, đình chỉ hoạt động cơ sở nấu cỗ cưới 3 tháng; Thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam rất ngắn; 25 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển

136 người ngộ độc thực phẩm, đình chỉ hoạt động cơ sở nấu cỗ cưới 3 tháng

Ngày 9/7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 80 triệu đồng đối với bà Nguyễn Ngọc Diễm (chủ cơ sở dịch vụ ăn uống Hoàng Vy) vì chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.

Cơ sở Hoàng Vy còn bị đình chỉ hoạt động chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm trong vòng 3 tháng; đồng thời bị buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm; khám, điều trị cho người bị ngộ độc.

Như Tiền Phong đã phản ánh, sau khi dự đám cưới tại nhà bà K.G (tổ dân phố Di Linh Thượng, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh), 136 người phải vào cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Di Linh (Lâm Đồng), nghi bị ngộ độc thực phẩm. Cỗ cưới do cơ sở dịch vụ ăn uống Hoàng Vy cung cấp.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Di Linh tiến hành lấy 5 mẫu thức ăn tại nơi tổ chức tiệc cưới gửi đi xét nghiệm. Kết quả, 5/5 mẫu thực phẩm có sự hiện diện của 2 loại vi khuẩn E.coli và Staphylococcus aureus; 2/2 mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của vi khuẩn E.coli. Nguyên nhân khiến 136 người bị ngộ độc là do độc tố vi sinh hay còn gọi là độc tố tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus (Tiền phong, trang 2).

 

Thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam rất ngắn

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7) diễn ra ngày 10-7, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, nếu như giai đoạn năm 1989-1999 tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của nước ta là 1,7% thì giai đoạn năm 1999-2009 giảm xuống dưới 1,2%, và từ 2009 đến nay tiếp tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 1%.

Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu nghị quyết của Trung ương và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Đặc biệt, nước ta đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với số người trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số. Tuy nhiên, Tổng cục Dân số và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, “dân số vàng” của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác chỉ kéo dài tới năm 2025 do Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và già hóa dân số cùng diễn ra. Hiện Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Vì thế thực trạng này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc tận dụng khai thác nguồn lực dân số, lao động cho phát triển kinh tế – xã hội (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

25 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển

Kỷ niệm Ngày dân số thế giới (11-7) năm nay là dịp đánh giá lại 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (Cai-rô, Ai Cập năm 1994). Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển nhanh, bền vững. Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển được đánh dấu là điểm khởi đầu, mang tính đột phá cho các quốc gia trong việc gắn giải quyết các vấn đề dân số với phát triển bền vững. Nếu như năm 1994, chỉ có khoảng 15% số phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thì hiện nay tỷ lệ này là 37%. Tỷ lệ chết đối với phụ nữ khi mang thai hoặc khi sinh giảm một nửa so với 25 năm trước. Số con trung bình của một phụ nữ tại các nước kém phát triển giảm từ sáu xuống bốn con/phụ nữ… Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều việc để các nước cần thực hiện để có thể đạt được các cam kết đưa ra tại hội nghị ở Cai-rô. Chính vì vậy chủ đề Ngày dân số thế giới năm nay được Quỹ dân số Liên hợp quốc đưa ra là: “25 năm sau Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm đạt được những nội dung đã cam kết”.

Theo Tổng cục trưởng Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, 25 năm kiên định theo những cam kết, công tác dân số của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công, tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống dưới 1,2% (giai đoạn 1999-2009) và khoảng 1% (giai đoạn từ 2010 đến nay). Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm mạnh từ 6,39 con (năm 1960) xuống 2,33 con (năm 1999), đạt mức sinh thay thế 2,09 con (năm 2006), sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

Dân số nước ta năm 2018 khoảng 95 triệu người, giảm khoảng 20 triệu so với ước tính tốc độ tăng dân số trước đây. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ hơn 27% (năm 1993) lên 56% (năm 2016); cũng khoảng thời gian đó lao động nông nghiệp giảm từ hơn 72% xuống còn 44%. Dân số nước ta đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% số dân. Chất lượng dân số cũng cải thiện về nhiều mặt, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất chết ở trẻ em đã giảm hai phần ba; tỷ số chết mẹ giảm ba phần tư so với năm 1990. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng từ 65,5 tuổi (năm 1993) lên 73,5 tuổi (năm 2018), cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng dẫn tới mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền và đối tượng. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tăng và có dấu hiệu ngày càng lan rộng. Thời kỳ dân số vàng đan xen già hóa dân số với tốc độ rất nhanh dẫn đến tình trạng không tận dụng triệt để nguồn lao động vàng.

Ðể giải quyết những thách thức đó, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, trong thời gian tới, công tác dân số cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 06/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/5/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận