Điểm báo ngày 30/1/2020

(CDC Hà Nam)
Lạng Sơn tăng cường phòng dịch viêm phổi cấp tại cửa khẩu Hữu Nghị; Thực hiện tốt công tác khám, cấp cứu người bệnh trong dịp Tết

Lạng Sơn tăng cường phòng dịch viêm phổi cấp tại cửa khẩu Hữu Nghị

Lạng Sơn là tỉnh có đường biên dài tiếp giáp Trung Quốc, do vậy, những ngày gần đây lực lượng chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp, chủng virus Corona mới (nCoV) tại các cửa khẩu. Các biện pháp phòng dịch được triển khai ngay từ các cửa khẩu – khu vực có nguy cơ dịch xâm nhập cao.

Đảm bảo công tác phòng, chống dịch viêm phổi cấp

Ghi nhận của phóng viên Lao Động tại cửa khẩu Hữu Nghị ngày 29.1 cho thấy, 100% khách đến làm các thủ tục xuất nhập cảnh đều trang bị khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp. Đặc biệt, khi bước vào bên trong khu vực cửa khẩu, hệ thống camera đo thân nhiệt sẽ bao quát toàn bộ khu vực để phát hiện người có thân nhiệt cao, ở mức trên 38 độ C. Tiếp đó, trước khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, mỗi người sẽ được các cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt một lần để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Theo quan sát, bên ngoài và bên trong khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh đã được các đơn vị chức năng dán các thống báo về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virut Corona gây ra. Cửa khẩu cũng khuyến cáo các hành khách có các dấu hiệu mắc bệnh viêm phổi cấp, đề nghị không nhập cảnh vào Việt Nam để tránh lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều tờ rơi đã được các cán bộ kiểm dịch y tế phát cho mỗi hành khách khi vào làm thủ tục xuất, nhập cảnh.

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Trần Kiên – cán bộ kiểm dịch y tế cửa khẩu Hữu Nghị cho biết: “Khi chúng tôi ngồi trong phòng điều hành quan sát trên màn hình camera sẽ quan sát được các luồng khách vào nhập cảnh. Hệ thống con trỏ của máy sẽ tự động di chuyển trên màn hình đến những người có thân nhiệt cao hơn bình thường, nếu ai có biểu hiện sốt thì hệ thống chuông sẽ báo lên. Trường hợp phát hiện ra người có thân nhiệt cao trên 38 độ C thì sẽ được đưa vào phòng cách ly để hỏi về các thông tin liên quan”.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh

Theo ông Kiên, hệ thống giám sát bằng camera và kiểm tra bằng máy chỉ là sang lọc ban đầu. Trước khi mỗi du khách xuất nhập cảnh bên phía Trung Quốc cũng được kiểm tra kỹ từng người sau đó mới làm các thủ tục tiếp theo. Quy trình kiểm tra của 2 nước về cơ bản là giống nhau, việc này nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp.

“Lượng du khách xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị từ Tết Nguyên đán Canh Tý giảm hơn so với trước, tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch lại vất vả hơn. Từ khi cửa khẩu triển khai tổ chức truyền thông khuyến báo, kiểm tra trực tiếp từng người phòng chống dịch bệnh ngay từ luồng nhập cảnh; quan sát tình trạng sức khỏe của tất cả các hành khách nhập cảnh về từ Trung Quốc thì chưa phát hiện trường hợp nào có thân nhiệt cao, có biểu hiện sốt” – ông Kiên thông tin.

Theo ông Hoàng Phúc Sinh – Tổ trưởng Tổ Kiểm dịch y tế, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, các đơn vị chức năng đã bố trí lực lượng trực từ 7 giờ đến 21 giờ hằng ngày để theo dõi toàn bộ khách nhập cảnh. Thêm vào đó, lực lượng chức năng cũng đã chuẩn bị phòng chờ, phòng cách ly. Nếu phát hiện có trường hợp nghi nhiễm có thể thực hiện các biện pháp tại chỗ nhằm khống chế dịch; quy trình và các thao tác xử lý tình huống cũng được đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đảm bảo các cán bộ đều thực hiện thuần thục, kịp thời và hiệu quả.

Là du khách từ Trung Quốc về Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1978, nhà ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhưng ngày vừa qua bà và con trai ăn Tết tại Chiết Giang (Trung Quốc) đến hôm nay (29.1) mới về nước. Dịch bệnh viêm phổi cấp đang được cả thế giới quan tâm nên Trung Quốc cũng đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Tất cả các thành phố lớn như Vũ Hán, Hồ Bắc đều được phong tỏa, kiểm soát người ra vào. Các ngả đường đều có chốt kiểm tra, phòng dịch được cơ quan chức năng kiểm soát.

“Khi vào Việt Nam, tôi đã được cán bộ kiểm dịch y tế cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra thân nhiệt, tình hình sức khỏe trước khi làm các thủ tục nhập cảnh. Sau khi đo và kiểm tra thấy thân nhiệt của tôi và con trai bình thường nên rất an tâm. Từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc tôi đều sử dụng khẩu trang để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm” – bà Thu thông tin. (Lao động, trang 7).

 

Thực hiện tốt công tác khám, cấp cứu người bệnh trong dịp Tết

Thống kê của các cơ sở y tế cho thấy, trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ 23 đến 29-1) công tác khám, chữa bệnh cho người dân được thực hiện kịp thời, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc. Các bệnh viện cũng xử lý đúng quy trình đối với những trường hợp nghi ngờ nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Gần trưa 29-1 (tức ngày mồng 5 tháng Giêng), Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức không còn chen chúc so với thời điểm này của những năm trước. Ths, BS Phạm Vũ Hùng phụ trách tua trực của bệnh viện ngày 29-1 cho biết: Trong bảy ngày nghỉ Tết vừa qua, số trường hợp vào cấp cứu đã giảm so với năm 2019, trong đó số ca cấp cứu có nồng độ cồn giảm tới năm lần. Tại phòng Hồi sức 1, nơi được coi là “điểm nóng” tập trung những trường hợp nặng, hiện có sáu trường hợp đang được cấp cứu, trong đó có một thanh niên 23 tuổi bị tai nạn vừa chuyển từ Lương Sơn (Hòa Bình) về chờ mổ. Kết quả kiểm tra của các bác sĩ cho thấy, nạn nhân bị chấn thương sọ não, vỡ nhãn cầu phải và kết quả xét nghiệm máu có nồng độ cồn.

Theo đánh giá của bác sĩ Phạm Vũ Hùng, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có hiệu lực đã giảm bớt áp lực cho y, bác sĩ cấp cứu trong dịp Tết này. Từ ngày 28 Tết đến mồng 4 tháng Giêng, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức tiếp nhận khám, cấp cứu cho 919 trường hợp, giảm 70 ca so với cùng kỳ Tết năm trước; số trường hợp mổ cấp cứu cũng giảm từ 208 xuống 199 ca. Tính trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám, cấp cứu cho 131 trường hợp, mổ cấp cứu cho 25 người bệnh. Đáng chú ý, số ca cấp cứu có nồng độ cồn trong máu giảm gần năm lần, chỉ có 69 trường hợp so với 304 ca trong dịp Tết năm 2019. Người bệnh cấp cứu không có nồng độ cồn sẽ giúp cho bác sĩ đánh giá chính xác hơn tình trạng bệnh và đưa ra phương án xử lý hiệu quả hơn. Những người vào viện đã có rượu, bia thì tri giác của họ bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng đến quá trình thăm khám của bác sĩ. Những trường hợp này tiềm tàng nguy cơ bỏ sót tổn thương, diễn biến nặng mà không biết…

Tại TP Hải Phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh đã tiếp nhận hơn 5.600 trường hợp người bệnh đến khám cấp cứu, giảm hơn 40% so với Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, khám do tai nạn giao thông là 448 trường hợp; sáu trường hợp tai nạn do pháo nổ; 37 trường hợp do ngộ độc thức ăn (rượu bia, ngộ độc thực phẩm…). Đáng lưu ý là có 430 tai nạn sinh hoạt; 40 trường hợp thương tích phải nhập viện điều trị do đánh nhau… đều tăng hơn so với dịp Tết năm 2019. Do công tác chuẩn bị được triển khai chu đáo, công tác trực cấp cứu, khám và điều trị cho những bệnh nhân ở lại bệnh viện trong dịp Tết được bảo đảm. Tại Hải Phòng cũng không có dịch bệnh nguy hiểm nào xảy ra trong dịp Tết.

Tại Bệnh viện T.Ư Huế trong dịp Tết, số người bệnh nhập viện cấp cứu tăng khoảng 20 đến 25% so với ngày thường, nhất là tại các khoa: Cấp cứu đa khoa, Cấp cứu tích cực, Đột quỵ… Mỗi ngày bệnh viện đã huy động gần 250 cán bộ y tế tham gia trực tại các khoa, phòng. Tại Khoa Hồi sức tích cực, không khí Xuân Canh Tý 2020 dường như không có, khi đội ngũ y, bác sĩ rất tất bật chăm sóc người bệnh, phần lớn đều bệnh nặng, như chấn thương sọ não, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp, nhiễm trùng… Hơn 70 giường bệnh của khoa hoạt động hết công suất.

Theo thống kê Bệnh viện T.Ư Huế, từ ngày 29 Tết đến mồng 5 tháng Giêng, các cơ sở, khoa phòng tiếp nhận thăm khám, cấp cứu cho hơn 4.100 trường hợp khám cấp cứu, tai nạn, tăng hơn 1.000 trường hợp so với cùng kỳ Tết 2019. Bên cạnh những thương tích như: tai biến, đột quỵ, gãy chân, gãy tay, nhiều bệnh nhân bị đa chấn thương. Riêng trong ngày 29-1, tại Khoa Khám bệnh thuộc Trung tâm Nhi – Bệnh viện T.Ư Huế đã đón, khám điều trị hơn 200 lượt trẻ em, trong đó có hơn 30 trường hợp phải điều trị cấp cứu do bệnh nặng, như: viêm phổi, sốt cao, nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thức ăn…

Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện tại TP Đà Nẵng, tình hình chăm sóc sức khỏe người dân trong bốn ngày Tết được bảo đảm, thành phố không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, giảm hẳn các vụ cấp cứu do tai nạn giao thông, bia rượu… gây ra. Tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, trong những ngày Tết, công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là các sản phụ và bệnh nhi được thực hiện chu đáo, các bệnh nhi phải ở lại đón Tết tại bệnh viện được tận tình chăm sóc. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, số người dân đến khám, chữa bệnh trong những ngày cao điểm Tết Nguyên đán diễn ra bình thường, giảm hẳn các ca cấp cứu do tai nạn giao thông, sử dụng rượu, bia… gây ra.

Ngoài chăm sóc sức khỏe người dân, ngành y tế Đà Nẵng phải cùng lúc tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng đã họp khẩn với các ngành, đơn vị liên quan, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đơn vị. Tính đến sáng 29-1, tại Đà Nẵng đang theo dõi 28 trường hợp nghi ngờ bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, gồm 12 trường hợp người nước ngoài đang được theo dõi tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện sức khỏe của nhiều người bệnh đã ổn định, không sốt, không ho, một vài trường hợp sốt nhẹ. Đến nay, tổng số 52 trường hợp nghi ngờ được theo dõi tại bệnh viện, trong đó 24 trường hợp đã xuất viện. Đã lấy mẫu 35 trường hợp để làm xét nghiệm, tất cả 15 mẫu đã có kết quả và đều âm tính với nCoV. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng đã giám sát hằng ngày 21 trường hợp tại cộng đồng.

Ghi nhận tại một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các bệnh viện ít tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn giao thông như dịp Tết các năm trước. Phần lớn thời gian các điều dưỡng dành tập trung điều trị các trường hợp bệnh nội khoa. Tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, vào ngày 26-1 (mồng 2 Tết), bệnh viện chỉ cấp cứu 10 trường hợp tai nạn giao thông.

Về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, ngoài hai trường hợp đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì một số trường hợp (cả người nước ngoài và người Việt Nam) có triệu chứng viêm đường hô hấp (sốt, ho, khó thở…) đến khám tại các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh (Bệnh nhiệt đới, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng 2, Quốc tế City…). Qua điều tra giám sát, tất cả các trường hợp này đều không có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với người mắc bệnh trước đó hoặc về từ vùng dịch; trong đó có ba trường hợp đã được xét nghiệm nCoV đều cho kết quả âm tính. Những trường hợp này đều được xuất viện và được hướng dẫn tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe tại nhà. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ hôm nay (30-1), khi phòng khám hoạt động lại, bệnh viện sẽ có phương án phân luồng cụ thể để tránh tình trạng những người bệnh đến thăm khám định kỳ hằng tháng có các bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… vô tình lẫn lộn với các bệnh nhân từ vùng dịch tễ nhằm ngăn ngừa việc tạo ra vùng lây nhiễm…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những ngày Tết, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 239.795 người bệnh, giảm 6 % so với dịp Tết Kỷ Hợi. Nhập viện điều trị nội trú 153.485 lượt người bệnh, giảm 4,7%; chuyển viện 6.955 trường hợp… Tính đến 7 giờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng, đã có 30.406 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 17,8% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,7% trong tổng số khám, cấp cứu chung. Trong đó, 12.015 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 39,5% tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 4,3% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Đã có 136 trường hợp bị chết do tai nạn giao thông, bao gồm cả chết trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn chín ca so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Các cơ sở y tế cũng tiếp nhận 321 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 34 ca so với cùng kỳ Tết năm trước, không có ca bị chết. 105 trường hợp cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ khác, có một ca bị chết do bị bắn. Số ca cấp cứu do chất nổ khác tăng cao so với Tết Kỷ Hợi 2019 do năm nay Bộ Y tế thu thập cả số cấp cứu do vũ khí cùng vật liệu nổ khác.

Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm (toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, năm viện khu vực trên toàn quốc) và trên phương tiện thông tin đại chúng, tính tới 14 giờ ngày 29-1 trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm. Trong những ngày Tết đã có 2.031 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1,1% tổng số khám, cấp cứu. Trong đó 515 ca ngộ độc rượu, bia, 415 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, một ca bị chết do ngộ độc thuốc trừ sâu… (Nhân dân, trang 8).

 

Phát triển phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh nhi

Ứng dụng phẫu thuật nội soi (PTNS) để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh được thực hiện rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. ở Việt Nam, nhiều cơ sở y tế rất tích cực ứng dụng PTNS để điều trị các bệnh lý phức tạp, trong đó Bệnh viện Nhi T.Ư là đơn vị đi đầu trong ứng dụng PTNS để điều trị cho các bệnh nhi.

Năm 2003, GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khi đó, là người thực hiện ca PTNS đầu tiên cho bệnh nhi ở nước ta. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật này cho khoảng 10 nghìn ca với các loại bệnh lý khác nhau, trong đó có hơn 1.000 trường hợp bệnh nhi bị nang ống mật chủ. Đáng chú ý, cách đây chưa lâu, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã mổ thành công cho hai trường hợp (một cháu sáu tuổi và một cháu tám tuổi đều quê Nghệ An) bị thông liên nhĩ bằng phương pháp nội soi ít xâm lấn qua đường nách. Kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao, vừa an toàn, thời gian hồi phục nhanh và có tính thẩm mỹ cao. Hằng năm, Trung tâm PTNS và Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện nhi T.Ư thực hiện hơn 10 nghìn ca phẫu thuật, thì số ca thực hiện PTNS chiếm tỷ lệ ngày càng tăng.

Bên cạnh việc làm chủ trong phẫu thuật các bệnh lý về tiêu hóa và tim mạch thường quy, gần đây Bệnh viện Nhi T.Ư đã đưa kỹ thuật mổ nội soi thoát vị bẹn, thay thế phương pháp mổ mở hay gây biến chứng và điều trị dài ngày trước đây. Thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em, và phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị. Tuy nhiên, mổ mở thường gây tỷ lệ tái phát thoát vị bẹn khá cao (từ 0,8 đến 3,8%). Với mong muốn nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý này cho trẻ, năm 2018, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận chuyển giao phương pháp PTNS điều trị bệnh thoát vị bẹn từ GS Ma-xô En-đô. Ưu điểm nổi trội của kỹ thuật mới này là thời gian mổ trung bình mỗi bên thoát vị bẹn ngắn (chỉ khoảng 15 phút) với mức độ an toàn cao, dưới sự quan sát phóng đại của ca-mê-ra. Mặt khác, PTNS ít gây sang chấn tới mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam), bảo đảm chức năng sinh sản sau này của trẻ, lại có tính thẩm mỹ cao bởi sau mổ một thời gian ngắn hầu như không có sẹo. Vì thế, những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào điều trị các bệnh khó và phức tạp cho trẻ nhỏ của Bệnh viện Nhi T.Ư hơn 10 năm qua đã khiến không ít bác sĩ từ các nước Thái-lan, Phi-li-pin, Nhật Bản tìm đến học tập.

Bước đột phá đáng kể của Bệnh viện Nhi T.Ư thời gian qua, đó là nơi đầu tiên của khu vực Đông – Nam Á và nước thứ hai của châu Á đưa phương pháp hiện đại PTNS bằng rô-bốt điều trị cho bệnh nhi. TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư là người đầu tiên thực hiện công nghệ cao này vào điều trị cho trẻ nhỏ. Theo TS Phạm Duy Hiền, PTNS bằng rô-bốt có thể áp dụng cho nhiều loại bệnh như: cắt khối u dạ dày, cắt gan, cắt phổi, xử lý tiền liệt tuyến ở người lớn… như các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản lâu nay vẫn làm. Thế nhưng, khi về Việt Nam, nó được cải tiến một vài chi tiết và được sử dụng phẫu thuật cho các bệnh lý phức tạp ở trẻ nhỏ như: nang ống mật chủ, teo đường mật, thận ứ nước, phình đại tràng bẩm sinh… Với đầu ca-mê-ra thông minh, góc phẫu thuật rộng 580 độ trên hình ảnh 3D cánh tay rô-bốt có thể di chuyển tự do, thoải mái vào tận các ngóc ngách của cơ thể (điều này cánh tay của phẫu thuật viên không làm được). Cũng chính vì vậy, vùng phẫu thuật được thu hẹp, ít gây sang chấn và chảy máu cho người bệnh, giúp người bệnh chỉ sau ba ngày đến một tuần sẽ được xuất viện.

với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tương đối lớn trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là khu phẫu thuật gồm 24 phòng, trong đó có phòng mổ tích hợp thông minh (OR1); cũng như đội ngũ nhân lực gần 100 GS, PGS và TS, hy vọng Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ trở thành một trung tâm nhi khoa tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao của khu vực và thế giới. (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/4/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận