Điểm báo ngày 26/7/2019

(CDC Hà Nam)
“Chú trọng phát triển y tế chuyên sâu để hút người dân ở lại khám chữa bệnh”; Ai được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử?; Phối hợp đảm bảo tuyệt đối an toàn bệnh viện Bưu Điện; Phát hiện sớm ung thư tinh hoàn…

“Chú trọng phát triển y tế chuyên sâu để hút người dân ở lại khám chữa bệnh”

Quảng Ninh cần phấn đấu làm sao có được các bệnh viện hiện đại, chuyên môn tốt để kéo ngược người dân ở lại địa phương khám chữa bệnh và hút người bệnh nước ngoài, khách du lịch đến khám chữa bệnh. Ngày 25/7, tiếp theo chương trình công tác tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc tại một số cơ sở y tế trên địa bàn và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về công tác y tế trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế có đồng chí Nguyễn Văn Đọc- Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ban ngành liên quan.

Quan tâm chú trọng thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh do bà Vũ Thị Thu Thuỷ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngành y tế Quảng Ninh hiện có  13 trung tâm y tế đa chức năng, 9 phòng khám đa khoa khu vực, 186 trạm y tế xã, phường, ngoài ra tại các thôn, bản, khe còn có đội ngũ nhân viên y tế thôn bản.

Toàn tỉnh có  trên 3.000 cán bộ y tế. Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh nặng và tử vong do dịch bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, đặc biệt là BVĐK tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, làm giảm hẳn tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến…

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Bộ Y tế một số nội dung liên quan đến vấn đề cùng chi trả BHYT, nâng mức đóng BHYT, sửa đổi ban hành định mức chi ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng… có cơ chế đào tạo đặc thù nguồn nhân lực y tế cho tỉnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh, quan tâm thực hiện các Nghị quyết TW về công tác y tế, hình thành các khu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ người dân chất lượng cao thể hiện qua việc làm chủ nhiều kỹ thuật cao về tim mạch, chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh…

“Quảng Ninh cần phấn đấu làm sao có được các bệnh viện hiện đại, chuyên môn tốt để kéo ngược người dân ở lại địa phương khám chữa bệnh và hút người bệnh nước ngoài, khách du lịch đến khám chữa bệnh”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng ngành y tế Quảng Ninh cần phải nỗ lực và đột phá hơn nữa trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn cao, kết hợp với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng y tế hiện đại đồng bộ để theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện của tỉnh như BVĐK tỉnh, BV Bãi Cháy…

Bộ trưởng cũng gợi ý tỉnh nghiên cứu phát triển kết hợp y học cổ truyền gắn với du lịch để đa dạng hoá loại hình chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đồng thời, tỉnh cũng cần chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam để lo cho sức khỏe của người dân trước khi bị bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm chú trọng đến công tác y tế cơ sở để tăng cường vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe người dân ngay tại cơ sở.

Sắp xếp phòng bệnh tại trạm y tế hợp lý để phục vụ người bệnh tốt hơn

Trước đó, sáng ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm, kiểm tra công tác khám chữa bệnh của Trạm y tế xã Đoàn Kết- huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

Tại Trạm y tế xã Đoàn Kết, BS Bùi Thị Hằng- Trạm Trưởng Trạm y tế xã Đoàn kết cho biết, khoảng 89% người dân trên địa bàn tham gia BHYT. Trạm có 6 cán bộ, mỗi ngày 25-30 bệnh nhân đến khám. Riêng công tác tiêm chủng, mỗi đợt khoảng 50-60 cháu.

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị KimTiến ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Trạm y tế xã Vân Đồn trong thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao sáng tạo của Trạm trong ứng dụng công nghệ thông tin để lưu hồ sơ khám bệnh cho bệnh nhân khi đến khám bệnh tại Trạm thay vì ghi thủ công vào các sổ theo dõi như phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng cho rằng việc bố trí dành nhiều phòng phục vụ cho thực hiện kế hoạch hoá gia đình, sinh đẻ trong khi cả tháng mới chỉ có 5-10 trường hợp đến theo dõi và thực hiện kế hoạch hoá gia đình như vậy rất lãnh phí các phòng bệnh.

Trong khi phòng chờ khám, phòng theo dõi bệnh nhân sau thăm khám thì chỉ có 2 phòng nhưng rất đông bệnh nhân chờ đợi, đặc biệt vào các dịp tiêm chủng. Do đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo ngành y tế Quảng Ninh cần có những chỉ đạo trong việc linh hoạt sử dụng các phòng bệnh tại các trạm y tế chuyển thành phòng chờ khám, phòng theo dõi các cháu sau tiêm… để tránh lãng phí

Về phòng truyền thông của Trạm Y tế, Bộ trưởng đánh giá cao việc Trạm có các phương tiện phong phú như tivi, tủ sách, tờ rơi… Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho hay, việc trang bị các phương tiện truyền thông này vẫn mang tính hình thức, vì người dân không thể vào phòng này, do đó cần truyền thông tại góc chờ khám,góc theo dõi sau tiêm. Phải bố trí các góc truyền thông hợp lý để tăng hiệu quả của truyền thông.

Báo cáo với Bộ trưởng, BSCK2 Phạm Quang Dũng – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Vân Đồn cho biết, trung bình mỗi ngày khám cho khoảng 160-180 bệnh nhân. 98% bệnh nhân của Trung tâm là bệnh nhân BHYT. Hiện TTYT Vân Đồn đã thực hiện vượt phân tuyến trên 1000 kỹ thuật của bệnh viện hạng 3 theo danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế, trong đó có nhiều kỹ thuật về chấn thương chỉnh hình như thay khớp gối,

Trung tâm có 46/160 cán bộ y tế, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, phục vụ khách du lịch, nhất là khi sân bay Vân Đồn và khu công nghiệp công nghệ cao hình thành, tỉnh Quảng Ninh đã có cơ chế thu hút nhân lực bác sĩ cho TTYT huyện Vân Đồn. Theo đó, nếu bác sĩ về TTYT công tác sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng, tiến sĩ là 100 triệu đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Ai được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử?

Vừa qua tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.

Theo PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế, hội nghị lần này là hội nghị tổng thể có sự tham gia của nhiều bên liên quan để tìm ra giải pháp tối ưu, hiệu suất cao nhằm thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Thông tư số 46, đồng thời thực hiện theo phương châm về phát triển Chính phủ điện tử là Nghĩ lớn, nhìn tổng thể; hành động nhanh, làm đâu chắc đấy; bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra thảo luận, qua thời gian bắt tay triển khai bệnh án điện tử, như hồ sơ bệnh án điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy, vấn đề sử dụng chữ ký số, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, khi triển khai xong hồ sơ bệnh án điện tử thì bệnh viện có cần phải lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy không? Bệnh viện cần thực hiện những hạng mục nào để đáp ứng đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử? Vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật đối với hồ sơ bệnh án điện tử; Những lợi ích mang lại từ hồ sơ bệnh án điện tử? Phương án chia sẻ hồ sơ bệnh án điện tử giữa các bệnh viện như thế nào, khi người bệnh chuyển viện?

Sau khi bệnh án điện tử được ký số, thì thông tin trên bệnh án điện tử này có chỉnh sửa được không? Những ai được phép tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử? Người dân có được quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án điện tử của họ không? Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử? Phương án ngăn chặn tấn công vào hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử; Những tiêu chuẩn CNTT y tế được sử dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử? Bệnh viện cần có phương án, chính sách gì để bảo vệ tính riêng tư về dữ liệu của người bệnh? Phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử? Kế hoạch để đẩy mạnh việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT đã nêu các giải pháp chính để triển khai bệnh án điện tử. Đó là, (i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và các quy định về bệnh án điện tử, trong đó đặc biệt phải khẩn trương xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (ID); xây dựng chuẩn kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại bệnh viện; quy định và giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế và hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó tập trung xây dựng kết cấu chi phí CNTT trong chi phí dịch vụ y tế.

Đối với thanh toán điện tử ở các bệnh viện, PGS. TS. Trần Quý Tường đề nghị cần khắc phục trong thời gian tới là: Phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Làm rõ dấu hiệu 2 bệnh viện tư ở Gia Lai núp bóng từ thiện, trục lợi bảo hiểm y tế

Trước phản ánh của nhiều bệnh nhân cũng như báo cáo từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Gia Lai về dấu hiệu Bệnh viện Mắt Cao Nguyên (248 Lê Duẩn, phường Trà Bá, TP. Pleiku, Gia Lai) và Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, Gia Lai) núp bóng khám bệnh từ thiện để trục lợi BHYT, tin từ Sở Y tế Gia Lai cho biết đã lên kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra, sớm làm sáng tỏ vụ việc.

Nhiều bất thường

Là hai bệnh viện ngoài công lập, chuyên khoa về mắt liên tục quảng cáo rầm rộ thực hiện đầy đủ các dịch vụ về BHYT để thu hút bệnh nhân nên ngày càng có nhiều người tìm đến hai bệnh viện này. Tuy nhiên, gần đây liên tục có nhiều dấu hiệu bất thường. Một số bệnh nhân đã phản ánh đến các cấp chính quyền.

Theo BHXH tỉnh Gia Lai: Số tiền thanh toán BHYT của hai bệnh viện này đề nghị tăng vọt một cách khó hiểu. Cụ thể, tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên thống kê từ tháng 1 đến tháng 6/2019 có 13.488 lượt người khám bệnh ngoại trú, trong đó bệnh nhân trong tỉnh là 10.465 lượt, ngoài tỉnh 3.023 lượt. Bên cạnh đó điều trị nội trú 4.662 lượt và mổ (phẫu thuật) 716 ca (hơn 23 ca/ngày); Trong đó, mổ 1 mắt là 315 ca; mổ 2 mắt là 401 ca. Theo dự toán chi tiết, số tiền BHYT cả năm 2019 của Bệnh viện Mắt Cao Nguyên là 18,6 tỷ đồng. Vậy nhưng, mới hết 6 tháng, bệnh viện này đã yêu cầu BHXH Gia Lai thanh toán hơn 24 tỷ đồng tiền BHYT cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai dự toán tiền BHYT cho cả năm 2019 là 17 tỷ đồng nhưng mới đến tháng 6 đã yêu cầu BHXH Gia Lai thanh toán là hơn 14 tỷ đồng.

BHXH Gia Lai đánh giá: Dù lượng bệnh nhân có thể giao động nhưng không thể tăng một cách đột biến như vậy. Các năm trước có tăng nhưng rất ít vì trên địa bàn còn có nhiều bệnh viện và các phòng khám chuyên khoa khác để cho bệnh nhân lựa chọn.

Làm rõ dấu hiệu trục lợi BHYT

Ông Nguyễn Văn B. và một số bệnh nhân ở huyện K’Bang cho biết: Thấy hai bệnh viện mắt thông báo rộng rãi liên tục khám bệnh từ thiện nên nhiều người dân đã đến khám và phẫu thuật, điều trị. Tuy nhiên, lúc đến viện thì phải xuất trình đầy đủ thẻ BHYT và chứng minh thư nhân dân mới được làm thủ tục.

Để hút bệnh nhân dưới hình thức khám, điều trị từ thiện, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên còn xuống tận huyện K’Bang khám, chữa cho hơn 1.600 lượt người. Hàng trăm người còn được tư vấn nên mang thẻ BHYT đến bệnh viện để được phẫu thuật. Thế nhưng, có người phẫu thuật xong thì bệnh vẫn hoàn bệnh.

Ông Nguyễn Đức Hải (SN 1949), xã Đăk Hlơ, huyện K’Bang ngỡ ngàng: Khám từ thiện miễn phí gì mà lại cứ bắt xuất trình thẻ BHYT mới chịu. Nếu khám, phẫu thuật BHYT thì người dân có khi lựa chọn cơ sở khác chứ chưa chắc đã đến các cơ sở này.

Nhiều người đặt nghi vấn có thể hai bệnh viện tư nhân trên đã “vẽ” ra các chương trình từ thiện để thu hút nhiều bệnh nhân đến với mình. Sau đó tư vấn làm nhiều thủ thuật, phẫu thuật để thanh toán BHYT?

Nắm bắt các ý kiến phản ánh, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai đã ký Văn bản 1064 yêu cầu Bệnh viện Mắt Cao Nguyên và Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai tạm dừng tất cả các chương trình khám, phẫu thuật từ thiện cho đến khi ngành chức năng vào cuộc xác minh làm rõ (dự kiến hết tháng 7) các dấu hiệu núp bóng từ thiện để gom bệnh nhân, trục lợi BHYT. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Phối hợp đảm bảo tuyệt đối an toàn bệnh viện Bưu Điện

Từ những việc ‘nhỏ’ như đảm bảo TTĐT, vệ sinh môi trường bên ngoài khu vực cổng bệnh viện, cho đến giúp đỡ bệnh nhân, kịp thời phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm… đã được CAQ Hoàng Mai và Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội phối hợp thực hiện hiệu quả.

Kết quả này có được từ sự thống nhất cao trong công tác phối hợp đảm bảo ANTT của hai đơn vị. Những nội dung trong Quy chế phối hợp giữa CAQ Hoàng Mai và Bệnh viện Bưu Điện tiếp tục được lãnh đạo hai đơn vị bổ sung, nâng tầm tại Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế, được tổ chức chiều nay 24-7.

Hỗ trợ bệnh nhân, phòng ngừa tội phạm

Chập tối 24/4/2018, tại khu vực cấp cứu của Bệnh viện Bưu Điện tiếp nhận một bệnh nhân bị thương tích khá nặng. Bệnh nhân là Phùng Anh Kim ở phường Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi thăm khám, các bác sỹ xác định vết thương trên người của bệnh nhân có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến việc bị người khác gây thương tích.

Vừa tích cực cấp cứu nạn nhân, lãnh đạo bệnh viện đã thông báo thông tin trên đến chỉ huy CAQ Hoàng Mai để nắm tình hình, phối hợp làm rõ.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía Bệnh viện Bưu Điện, CAQ Hoàng Mai đã chỉ đạo Đội CSHS và CAP Định Công nhanh chóng vào cuộc xác minh vụ việc. Qua công tác điều tra, CAQ Hoàng Mai xác định vết thương của bệnh nhân Phùng Anh Kim chính là hậu quả của một vụ ẩu đả.

Do mâu thuẫn trong sinh hoạt cá nhân, anh Phùng Anh Kim đã bị Đinh Ngọc Sâm (SN 1992) và Lương Ngọc Chí (SN 1999) đều ở tỉnh Bắc Kạn xông vào dùng gạch đá, đập vào đầu.

Những cú đánh rất mạnh của hai đối tượng đã khiến anh Phùng Anh Kim bị thương nặng vùng đầu. Sau khi điều tra làm rõ nguyên nhân, vụ án đã được CAP Đại Kim, nơi xảy ra vụ việc tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Vài ngày sau, tại khoa Sản của Bệnh viện Bưu Điện xảy ra vụ rất đông người dân là người nhà của một bệnh nhân đến hò hét, có những biểu hiện gây mất ANTT.

Qua xác minh, được biết trước đó bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân đang mang thai. Quá trình thăm khám, các bác sỹ đã phát hiện tim thai của sản phụ không có. CAQ Hoàng Mai đã tham mưu cho bệnh viện phối hợp thành lập tổ công tác xác định rõ nguyên nhân, đồng thời tuyên truyền, thăm hỏi động viên sản phụ, gia đình không tập trung đông người gây mất ANTT.

Không chỉ kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vụ việc gây mất ANTT, hoặc truy đến tận cùng nguyên nhân bị thương của một số bệnh nhân vào cấp cứu do liên quan đến hành hung, gây rối, CAQ Hoàng Mai và bệnh viện Bưu Điện còn phối hợp hiệu quả trong việc PCCC, cứu hộ, cứu nạn.

Tối 19/8/2018, một tấm pa nô được treo tại tầng 6 của bệnh viện bỗng nhiên bốc cháy vì sự cố. Sau khi nhận được thông tin, CAQ Hoàng Mai đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng CAP khẩn trương có mặt, dùng các thiết bị, dụng cụ cứu hộ, nhanh chóng chữa cháy, dập tắt ngọn lửa, không để cháy lan, gây hậu quả.

Hè thông, đường thoáng, phục vụ khám, chữa bệnh

Thượng tá Phạm Ngọc Anh, Phó trưởng CAQ Hoàng Mai là người luôn đau đáu với những kế hoạch, biện pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn. Cùng với Ban chỉ huy CAQ Hoàng Mai, trong nhiều năm qua, Thượng tá Phạm Ngọc Anh đã trực tiếp và tham mưu cho Trưởng CAQ xây dựng nhiều kế hoạch, biện pháp đảm bảo ANTT, trong đó có Quy chế phối hợp giữ gìn ANTT trong lĩnh vực y tế của CAQ Hoàng Mai và Bệnh viện Bưu Điện.

TS – BS Đỗ Văn Tráng, Giám đốc Bệnh viện Bưu Điện cho biết: Trên thực tế, khi không có lưc lượng Công an, xung quanh khu vực cổng bệnh viện vẫn còn tình trạng xe taxi dừng, đỗ trái phép. Nhiều hàng quán dù đã được lực lượng CSTT thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền song vẫn cố tình tái phạm bày bán hàng hóa trên vỉa hè, dưới lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến ATGT.

Bên cạnh đó, hàng ngày có rất nhiều lượt người đến thăm khám, cùng với hàng trăm bệnh nhân điều trị nội trú kèm theo từng đó số người nhà chăm sóc tại bệnh viện.

Điều này đã dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông nhất là trong giờ cao điểm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây án…

Thượng tá Phạm Ngọc Anh thông tin: Nhằm đảm bảo ANTT tại khu vực trong và ngoài bệnh viện, CAQ Hoàng Mai đã tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện giữ vững chính trị nội bộ, phát động các phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc. CAQ tiếp tục duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát tại bệnh viện nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT, phòng ngừa, giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông ngoài cổng và đường dẫn vào bệnh viện.

Việc này đã phục vụ hiệu quả các phương tiện xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân ra vào bệnh viện được kịp thời, nhanh chóng…

CAQ Hoàng Mai cũng duy trì đường dây nóng giữa hai đơn vị, nhằm kịp thời tiếp nhận, giải quyết các thông tin vụ việc liên quan đến công tác đảm bảo ANTT. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc CAQ đã thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng của bệnh viện đưa ra các giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng đảm bảo ANTT… Hai đơn vị làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền trực tiếp đến các hộ dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như những hộ dân xung quanh bệnh viện nhằm nâng cao cảnh giác, phòng chống tội phạm.

Đơn vị cũng duy trì lực lượng tuần tra, chốt, giải quyết các hàng quán bán rong, tình trạng xe taxi, xe ôm, dừng, đỗ gây mất ANTT, TTATGT, phân luồng giao thông vào các khung giờ cao điểm. Qua công tác tuần tra, CSTT đã thu giữ hàng trăm bộ bàn ghế, biển quảng cáo, băng rôn… treo, móc, để không đúng nơi quy định gây mất ANTT, TTATGT. Tình trạng buôn bán hàng rong đã giảm cơ bản ở xung quanh cổng bệnh viện.

Cũng theo chỉ huy CAQ Hoàng Mai, qua công tác tham mưu, Bệnh viện Bưu Điện đã triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát trong khu vực bệnh viện, nhất là những khu vực có nguy cơ mất ANTT hoặc tội phạm móc túi, trộm cắp hoạt động. Những quy định về giờ giấc vào thăm bệnh nhân, khu vực cấm,… tất cả đều được triển khai nhằm đảm bảo ANTT cũng như hỗ trợ đắc lực vào công tác khám, chữa cho bệnh nhân. (An ninh Thủ đô, trang 14).

 

Phát hiện sớm ung thư tinh hoàn

Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các biện pháp bảo hộ khi chơi các môn thể thao nguy hiểm. Duy trì lối sống và sinh hoạt tình dục lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Các phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị ung thư tinh hoàn có hiệu quả đến mức độ nào, việc phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng.Bác sĩ Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, chuyên gia Nam học cho biết, ung thư tinh hoàn thường không gây đau, nhưng khối u ung thư có thể gây ra tổn thương cho tinh hoàn hoặc cơ quan lân cận. Lúc đầu khối ung thư còn khu trú ở tuyến, hầu như chưa có biểu hiện.Về sau, tinh hoàn tăng dần thể tích và nổi cục. Tuy nhiên, di căn lại có thể xảy ra sớm theo đường bạch mạch, xâm lấn các cụm hạch ở thắt lưng, động mạch chủ, rồi lên các hạch thượng đòn, vào phổi và gan.

Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tinh hoàn là bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể gặp là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vậy nên nếu gặp triệu chứng này, cần đi khám ngay.

Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn nam giới, nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng. Kiểm tra vùng tinh hoàn ngay sau khi tắm bằng nước ấm, nước ấm làm giãn bìu, da vùng bìu đang mềm giúp dễ phát hiện bất thường ở tinh hoàn.

Nếu tinh hoàn bị sưng, có u cục cứng dù nhỏ cũng cần được thầy thuốc chuyên khoa tiết niệu và sinh dục khám. Nếu chẩn đoán xác định ung thư tinh hoàn, tùy mức độ bệnh các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Cách điều trị thông thường là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị bệnh, hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, để lại tinh hoàn lành, do đó vẫn đảm bảo khả năng tình dục và sinh sản.

Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các biện pháp bảo hộ khi chơi các môn thể thao nguy hiểm. Duy trì lối sống và sinh hoạt tình dục lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Các phương pháp chẩn đoán và liệu pháp điều trị ung thư tinh hoàn có hiệu quả đến mức độ nào, việc phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh vẫn đóng vai trò quan trọng. (Tiền phong, trang 6).

 

Muốn hành nghề y, phải thi lấy chứng chỉ

Để được hành nghề khám chữa bệnh, cả bác sĩ đa khoa và chuyên khoa sẽ phải trải qua một kỳ thi quốc gia, nếu đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ hành nghề … (Tuổi trẻ, trang 2).

Giám sát nghiêm người nhập cảnh từ vùng dịch Ebola

Ngày 25-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành trong cả nước yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh do virus Ebola gây ra. Cục Y tế Dự phòng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch, trong vòng 21 ngày, cần thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm xác định.

Cùng với đó, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn và ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại bệnh viện khi thực hiện tiếp nhận, khám, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, chú ý khai thác tiền sử các bệnh nhân trở về từ khu vực đang có dịch để phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời; thường xuyên cập nhật cho cán bộ y tế về tình hình dịch bệnh, công tác giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do virus Ebola.

Theo Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola nhưng nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua hành khách về từ vùng có dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tình hình dịch bệnh do virus Ebola tại châu Phi, đặc biệt là tại Cộng hòa dân chủ Congo diễn biến phức tạp. Từ tháng 4-2018 đến nay, tại Congo đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc, trong đó có 1.698 ca tử vong. Trước diễn biến của dịch bệnh do virus Ebola gây ra, Ủy ban Khẩn cấp thực hiện Điều lệ y tế quốc tế của WHO về dịch bệnh Ebola đã họp và tuyên bố dịch bệnh do virus Ebola tại Congo là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, khuyến cáo các quốc gia thực hiện các biện pháp dự phòng, ứng phó để phòng chống dịch bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Trung tâm Sản nhi, BVÐK tỉnh Phú Thọ tạo hình lỗ tiểu cho bệnh nhân

Các bác sĩ Trung tâm Sản nhi của BVĐK tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật thành công ca mổ tạo hình lỗ tiểu dương vật, với sự hỗ trợ của các thầy thuốc BV Nhi Trung ương. Điều đáng mừng, các thầy thuốc không chỉ giúp bệnh nhi đi tiểu được bình thường mà còn bảo toàn được nguyên vẹn chức năng sinh sản sau này.

Năm 2015, gia đình chị Hoàng Thị Chuẩn vui mừng khi đón con trai khỏe mạnh chào đời. Tuy nhiên niềm vui ấy lại chẳng được trọn vẹn khi chị phát hiện con mình có những bất thường ở dương vật. Gia đình đã đưa cháu đến BVĐK tỉnh Phú Thọ kiểm tra.

Tại đây, sau khi thăm khám, cháu Thanh được chẩn đoán bị dị tật bẩm sinh lỗ niệu đạo, theo đó lỗ niệu đạo của cháu nằm thấp, gây khó khăn trong quá trình tiểu tiện, ảnh hưởng chức năng sinh sản sau này. Tuy nhiên do tuổi của còn quá nhỏ nên các bác sĩ tư vấn gia đình nên đưa cháu về, khi cháu lớn hơn, đủ điều kiện về sức khỏe thì đưa cháu trở lại để tiến hành phẫu thuật tạo hình.

Tháng 7/2019, gia đình đưa cháu xuống Trung tâm Sản nhi thăm khám. Nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để phẫu thuật, các bác sĩ đã tư vấn gia đình cho cháu nhập viện để chuẩn bị phẫu thuật.

Với nhiều công đoạn phức tạp, phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác  sĩ thực hiện đồng thời cần thiết có các trang thiết bị hiện đại, thậm chí các thiết bị y tế dành riêng cho các phẫu thuật tạo hình dương vật ở trẻ.

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi đội ngũ các bác sĩ giỏi khoa Ngoại nhi tổng hợp – Trung tâm Sản nhi dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ThS.BS. Nguyễn Duy Việt – Phó trưởng Khoa Tiết niệu – Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau hơn 1 tiếng, ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhi được chuyển về Khoa Ngoại nhi tổng hợp tiếp tục theo dõi và điều trị.

Được biết, lỗ tiểu lệch thấp là dị tật khá phổ biến ở nam giới với tỷ lệ mắc có xu hướng ngày càng gia tăng (vào những năm 80, tỷ lệ mắc là 1/800 thì đến nay con số này đã là 1/300). Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng này có tác động rất lớn tới tâm lý của bệnh nhân và gia đình. Đặc biệt, chức năng sinh dục, sinh sản của bệnh nhân gặp rất nhiều trở ngại. Nếu không kịp thời xử lý có thể gây vô sinh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận