Điểm báo ngày 29/7/2019

(CDC Hà Nam)
 Việt Nam sắp có vaccine phòng sốt xuất huyết: Chỉ còn chờ Bộ Y tế cấp phép; Sốt xuất huyết tăng đột biến ở Bà Rịa-Vũng Tàu, 3 người tử vong; Giá giường bệnh điều trị theo yêu cầu có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày; Nghĩa cử đẹp của các thầy thuốc quân y…

Việt Nam sắp có vaccine phòng sốt xuất huyết: Chỉ còn chờ Bộ Y tế cấp phép

Sau 7 năm thử nghiệm ở gần 2.400 trẻ em, nhóm nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết (SXH) của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vừa công bố hoàn tất việc nghiên cứu vaccine này tại Việt Nam, chỉ còn chờ Hội đồng Đạo đức – Bộ Y tế nghiệm thu và cấp phép. Theo PGS.TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vaccine SXH tại Việt Nam, vaccine SXH Dengvaxia được công ty Sanofi Pasteur bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người, về dược lý, tính an toàn, hiệu quả. Từ năm 2011 đến năm 2017, hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vaccine này được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia, gồm 5 quốc gia ở châu Mỹ và 5 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh được giao thực hiện nghiên cứu trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (1.402 trẻ) và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (934 trẻ).

Kết quả phân tích tổng hợp của 2 nghiên cứu ở Đông Nam Á và châu Mỹ cho thấy, vaccine Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh SXH ở cá thể 9-16 tuổi có xác định nhiễm SXH trước đó. Toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vaccine đều an toàn, không xảy tai biến.

PGS.TS Trần Ngọc Hữu khẳng định, đến nay công tác nghiên cứu đã hoàn tất và nhóm nghiên cứu gửi kết quả cho Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế), chờ cấp phép lưu hành. Việc Việt Nam tham gia nghiên cứu vaccine SXH là cơ sở khoa học để người dân có cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng chống SXH theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Được biết, đến hết 2018, công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký lưu hành vaccine Dengvaxia ở 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia cấp phép cho Dengvaxia đều khuyến cáo chỉ được tiêm vaccine cho người đã nhiễm sốt xuất huyết Dengue trước đó và được xác nhận bởi kết quả xét nghiệm hoặc thông qua kiểm tra huyết thanh trước khi tiêm phòng. (An ninh Thủ đô, trang 1; Lao động, trang 1).

 

Sốt xuất huyết tăng đột biến ở Bà Rịa-Vũng Tàu, 3 người tử vong

Theo ngành y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT), tháng 7 chưa phải là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng đến nay số ca mắc ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.400 ca, trong đó 3 người tử vong. H.Châu Đức tăng mạnh, với hơn 1.162 ca, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái… Đáng lưu ý, tại BR-VT có hơn 90% số ca SXH là người lớn (3 ca tử vong đều là người lớn).

Mặc dù các địa phương của tỉnh thường xuyên tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng xử lý ổ dịch nhưng theo đánh giá của đoàn công tác Viện Pasteur TP.HCM thì việc làm này chưa đạt hiệu quả. Tỷ lệ ổ lăng quăng trong các hộ gia đình, khu vực công cộng vẫn còn ở mức cao.

Theo phân tích của Viện Pasteur TP.HCM, nguyên nhân là chưa tìm và xác định đúng vật chứa lăng quăng để xử lý. Tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng nằm trong các vật dụng phế thải, máng nước uống cho vật nuôi, chậu kiểng. Những khu vực đất trống, công viên, nghĩa trang cũng có nhiều vật dụng chứa nước làm ổ cho lăng quăng sinh trưởng. (Thanh niên, trang 4).

 

Giá giường bệnh điều trị theo yêu cầu có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày

Các cơ sở y tế khác tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với mức giá ngày giường từ 900.000 – 3 triệu đồng/ngày.Giá dường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngày 28.7, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch  tài chính (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này đang rà soát lại lần cuối trước khi chính thức ban hành quy định về tiêu chuẩn và giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu trong bệnh viện (BV) công.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành quy định này để đảm bảo giá dịch vụ KCB theo yêu cầu trong Bv công đúng với chất lượng cung cấp. Mặt bằng giá được ban hành có tham khảo các BV tư và cả giá quốc tế, từ đó đưa ra giá trần. Các BV có thể tự ban hành giá nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.

Cụ thể, với BV hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh không quá 500.000 đồng/lần khám; BV hạng 2 không quá 400.000 đồng/lần khám. Giá gường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, có các mức từ 1,3 – 1,5 – 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường – 3 giường – 2 giường/phòng.

Các cơ sở y tế khác tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ với mức giá ngày giường từ 900.000 – 3 triệu đồng/ngày. Các BV được thuê chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia trong nước được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Sau khi có quy định về giá dịch vụ KCB theo yêu cầu (dự kiến sẽ thực hiện trong quý 3 này), các BV phải rà soát lại và điều chỉnh đảm bảo đúng quy định. Nếu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ phải hoàn thành trước 30.12.2020. (Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 6).

 

Nghĩa cử đẹp của các thầy thuốc quân y

Một ngày cuối tháng bảy, tại Bệnh viện Quân y 109, Cục Hậu cần (Quân khu 2), có rất đông người đến khám, chữa bệnh, trong số đó có hàng trăm đối tượng chính sách đến để được mổ, thay thủy tinh thể miễn phí. Chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện Quân y 109 là khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Những năm gần đây, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện nhận thấy, các đối tượng chính sách đa số là người cao tuổi, thường mắc một số bệnh như: xương khớp, huyết áp, tim mạch, nhất là bệnh về mắt. Trong đó, tỷ lệ đối tượng chính sách bị hỏng thủy tinh thể rất cao, làm mờ mắt, gây khó khăn cho sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bằng tình cảm tri ân và trách nhiệm đối với những người một thời đã đóng góp, hy sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 quyết định tiến hành đợt mổ thay thủy tinh thể miễn phí cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bệnh viện đã kêu gọi, huy động các nhà tài trợ là Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Nissan Việt Nam hỗ trợ về kinh phí, thuốc và các bác sĩ chuyên ngành giỏi để tổ chức chương trình. Qua khám sàng lọc, xét nghiệm, đã có 87 trường hợp được lựa chọn. Với phương pháp mổ bằng công nghệ mới PhaCo, thời gian mỗi ca mổ từ 8 đến 10 phút, chi phí khoảng ba triệu đồng. Sau gần một ngày làm việc, với tinh thần trách nhiệm cao, tất cả các đối tượng chính sách có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đã được thay thủy tinh thể, bảo đảm chất lượng tốt.

Thương binh hạng ¾ Nguyễn Xuân Hồng ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Được bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 thay thủy tinh thể miễn phí, tôi cũng như các đối tượng chính sách rất vui và cảm động. Việc làm này có sức lan tỏa và ý nghĩa xã hội rất lớn, như một liều thuốc bổ tinh thần cho những thương binh, bệnh binh…

Bà Phùng Thị Cầm, là vợ liệt sĩ, ở xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, trước khi vào phòng mổ thay thủy tinh thể nói: Được sự quan tâm của thầy thuốc quân y, tôi hy vọng tới đây đôi mắt sẽ được “trẻ” ra; sinh hoạt hằng ngày đỡ vất vả, giúp đỡ con cháu làm ăn.

Đại tá Phạm Minh Phú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 109 cho biết: Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận, chữa trị cho hàng nghìn lượt người, trong đó 60 đến 65% là đối tượng chính sách. Bên cạnh việc chữa trị theo chế độ bảo hiểm y tế, dịch vụ, thì vào các dịp ngày lễ, Tết, Ngày Thương binh, Liệt sĩ, hoặc ngày truyền thống đơn vị, Bệnh viện thường tổ chức các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách và người nghèo. Đợt mổ thay thủy tinh thể này là một nghĩa cử, tình cảm tri ân của những người thầy thuốc quân y với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. (Nhân dân, trang 3).

 

Nguy cơ ung thư từ ‘sát thủ thầm lặng

Thống kê của ngành y tế cho thấy, hiện Việt Nam có gần 11 triệu người mắc bệnh viêm gan virus. Tuy nhiên nhiều người không hề biết mình mắc bệnh, chỉ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng… mới đi khám thì đã muộn. Khoa Viêm gan (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) thường xuyên điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, nhập viện muộn. Hiện phòng khám ngoại trú của bệnh viện cũng đang quản lý hơn 7.000 bệnh nhân viêm gan B và khoảng 3.000 bệnh nhân viêm gan C.

Bệnh nhân H.S.H (36 tuổi, ở Thanh Hóa) chỉ phát hiện viêm gan C khi xuất hiện các triệu chứng của viêm gan mạn tính như mệt mỏi tăng dần, da và mắt vàng, phù hai chân, đau hạ sườn phải. Còn bệnh nhân V.T.T (56 tuổi, Hà Nội) chỉ vô tình phát hiện viêm gan B khi phải phẫu thuật cắt mật. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đã tiến triển rõ rệt.

Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C; 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; 22.000 người tử vong vì ung thư gan. Ngoài virus gây viêm gan, rượu bia cũng là thủ phạm tàn phá gan. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống nhiều chất béo, ngọt, ít vận động; mắc bệnh đái tháo đường; tình trạng thừa cân, béo phì (nhất là béo bụng); việc sử dụng thuốc dài ngày; người gầy, suy dinh dưỡng… cũng dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ và các bệnh lý về gan. Virus viêm gan B, C được coi là những “sát thủ thầm lặng” vì triệu chứng của nó rất khó phát hiện. Chỉ có cách là xét nghiệm máu mới phát hiện được bệnh, nhưng đa số bệnh nhân đến điều trị muộn khi đã xơ gan hoặc ung thư gan.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan virus. Người nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.

Phải xét nghiệm sàng lọc 

Tại Việt Nam với số lượng gần 10 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, nhu cầu chăm sóc, điều trị là rất lớn. Tuy nhiên lượng bệnh nhân đến được cơ sở chăm sóc điều trị vẫn rất thấp do người dân chưa có đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh này không có triệu chứng rõ ràng. TS Kính khuyến cáo, muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, chứ không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới vào viện. Nhiều người nhiễm virus viêm gan B, C mạn tính, nếu không được theo dõi đánh giá tình trạng bệnh và điều trị kịp thời sẽ tiến triển đến xơ gan hoặc ung thư gan nguyên phát; hoặc tiến triển từ xơ gan thành ung thư gan, cuối cùng là dẫn đến xơ gan và tử vong.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay trên thế giới có 325 triệu người nhiễm virus viêm gan B, C nhưng có đến 90% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Trong các loại viêm gan virus A, B, C, D, E, virus viêm gan B, C là hai tác nhân chính của “đại dịch” viêm gan và dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như suy gan cấp, xơ gan, ung thư gan và tử vong. Bác sĩ Cường cho biết: “Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể chán ăn, mệt mỏi, da vàng, đau tức vùng hạ sườn phải. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính thì bệnh có các triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm sang bệnh lý đường tiêu hóa như: mệt mỏi, chán ăn, đầy tức thượng vị, nước giải sẫm màu… Bệnh tiến triển nhiều năm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan”.

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao nhất trong khu vực. Cụ thể, viêm gan B có tỷ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng lên tới 10-15%. Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan rất lớn tại Việt Nam. (Tiền phong, trang 13).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/8/2022

hanh phan

Để lại bình luận