Những sai lầm người bị đái tháo đường hay mắc phải

(CDC Hà Nam)

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) gặp rất nhiều sai lầm trong điều trị và chế độ sinh hoạt. Trong khi đó với căn bệnh mạn tính này thì việc kết hợp điều trị bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều vô cùng quan trọng để bệnh nhân sống vui sống khỏe với bệnh.

Nhiều sai lầm nghiêm trọng

Nói về sai lầm mà bệnh nhân ĐTĐ hay mắc phải, PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, sai lầm phổ biển mà người bệnh mắc phải là thấy khỏe rồi thì tự dưng bỏ thuốc. Thứ hai, bác sĩ khuyên khám định kỳ nhưng tự ý không khám định kỳ theo quy định. Thứ ba, bệnh nhân tự ý thay đổi cách dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Bên cạnh đó là các sai lầm về dinh dưỡng, bệnh nhân ăn uống thái quá hoặc có bệnh nhân lại kiêng khem thái quá. “Đã có thuốc rồi cứ ăn đi” cũng là quan điểm sai lầm. Lại có những bệnh nhân lo âu quá mức, làm việc quá sức trong khi đúng ra người bệnh không nên tạo áp lực cho chính mình mà phải “quẳng gánh lo âu đi mà vui sống” – PGS. Cảnh chỉ rõ.

Tất cả những điều đó làm giảm hiệu quả điều trị, chỉ số đường huyết không thể kiểm soát, có thể tăng đường huyết lên hoặc hạ đột ngột khiến người bệnh phải cấp cứu – hai thái cực này đều nguy hiểm.

Cũng theo PGS. Cảnh, nhiều bệnh nhân không kiểm soát bệnh cẩn thận gây ra tổn thương bàn chân không liền, điều này có thể dẫn tới cắt cụt chân, rồi vấn đề tổn thương võng mạc, nhồi máu cơ tim… Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh luôn luôn có thầy thuốc của mình, làm đúng theo thầy thuốc chuyên khoa, không nên tùy tiện, chủ quan với bệnh.

Không tự chữa ĐTĐ theo truyền miệng, cách để sống vui, khỏe với bệnh

Ở bệnh nhân ĐTĐ, chế độ dinh dưỡng được coi là điều kiện tiên quyết duy trì mức đường huyết, ổn định tình trạng bệnh. Vậy áp dụng chế độ dinh dưỡng nào là tốt nhất với người bệnh ĐTĐ và có phải bệnh nhân nào cũng nên áp dụng chế độ ăn giống nhau? Về vấn đề này, TS.BS Phạm Thuý Hường – Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV Nội tiết Trung ương cho biết, phác đồ điều trị bệnh mạn tính nói chung đều hướng tới cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Chính vì thế, cơ thể mỗi con người đều khác nhau nên với mỗi bệnh nhân cần điều chỉnh ăn uống cho phù hợp với bệnh tật và cuộc sống riêng của mình.

Hiện nay trên mạng xã hội còn lan truyền phương pháp thực dưỡng Ohsawa/ ăn gạo lức muối vừng được coi như “thần dược” có thể phòng ngừa và chữa nhiều bệnh như: đái tháo đường, tim mạch, ung thư. Các chuyên gia cho rằng, nên ăn uống đúng cách sẽ giảm bệnh tật, tăng cường sức khỏe. Bệnh nhân phải đủ năng lượng để sống và làm việc, hoạt động bình thường sau đó mới điều chỉnh để phù hợp với bệnh tật. Không nên kiêng khem quá mức mà bệnh nhân cần có cuộc sống gần như người bình thường nhất.

Chuyên gia y học cổ truyền Đậu Xuân Cảnh chỉ rõ: “Kiêng” ở đây là kiêng ăn nhiều liền một lúc. Như khi chưa bị bệnh có thể ăn một quả chuối, bây giờ không có nghĩa là không được ăn, mà chỉ nên ăn nửa quả thôi, chứ không phải bỏ hẳn món ăn đó đi.

Bệnh nhân ĐTĐ phải ăn đủ, nhưng chia lượng thức ăn ra nhiều bữa nhỏ để cơ thể không cảm thấy quá đói. Vì khi đói, người bệnh sẽ cần phải nạp thêm một lượng lớn năng lượng cho cơ thể, điều này sẽ gây tăng đường huyết.

Ngoài ra, thời gian gần đây dư luận cũng xôn xôn nhiều bài thuốc được cho là chữa dứt điểm bệnh ĐTĐ. Hoặc có các bài thuốc chữa bệnh ĐTĐ bằng viên tiểu đường hoàn, “cặp đá kỳ diệu” và đắp lá… Các bác sĩ nhấn mạnh, đó đều là những phương pháp không chính thống. Để chữa bệnh ĐTĐ cần có bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không thể tùy tiện, coi thường sức khỏe được. Nếu bệnh nhân có kiến thức đầy đủ về bệnh để chủ động chăm sóc cho bản thân và có sự trợ giúp của bác sĩ, thường xuyên khám định kỳ thì gần như kéo dài được tuổi thọ như người bình thường.

Để sống vui sống khỏe với bệnh ĐTĐ, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo bệnh nhân ĐTĐ cần tăng cường tập luyện để cho khí huyết cơ thể lưu thông, tuần hoàn cơ thể tốt. Tập luyện cho cơ thể thanh thoát, nhanh nhẹn hơn, tránh trì trệ cơ thể. ĐTĐ là bệnh mạn tính, việc điều trị bệnh này phụ thuộc vào niềm tin của người bệnh, tin vào thầy thuốc, tin vào hướng dẫn là vô cùng quan trọng.

Các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân hãy tìm niềm vui cho chính mình, trong đó có cả việc chăm sóc cho người khác nữa. Vẫn giữ các mối quan hệ xã hội, bệnh nhân vẫn có thể đi với bạn bè hoặc gặp gỡ giao lưu nhưng mình phải lưu ý các thực phẩm chọn ăn vừa phải, đề phòng diễn biến quá độ đều không tốt cho sức khỏe…

Bệnh ĐTĐ là bệnh lý mạn tính, hiện tại không thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị bệnh chính là kiểm soát chỉ số HbA1c (<6,5% ) và chỉ số đường huyết về mức an toàn (từ 4,4 – 6,4mmol/l hay 70 – 100mg/dL) để ngăn ngừa các biến chứng do ĐTĐ gây ra. Để đạt được các chỉ số an toàn, bệnh nhân cần thực hiện các bước như sau:

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống hợp lý là một trong các cách kiểm soát được lượng đường huyết tốt nhất. Nhịn ăn hoặc chế độ ăn quá kiêng khem hà khắc không phải là cách tốt để kiểm soát đường huyết.

Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa, các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh hoặc chế biến sẵn. Nên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, rau củ, các loại đậu như đậu nành; các thực phẩm nguyên hạt như ngũ cốc; các thực phẩm bổ sung protein ít béo như trứng, cá, sữa…

Uống đủ nước và hạn chế các chất kích thích: Uống đủ nước mỗi ngày và hạn chế các loại đồ uống có cồn như rượu, bia và các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào… Vì đây là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết, giảm sức đề kháng của người bệnh, gia tăng nguy cơ biến chứng ĐTĐ.

Chế độ luyện tập: Chế độ tập vừa sức, hợp lý dựa trên chỉ dẫn của bác sĩ giúp giảm cân, tiêu hao năng lượng dư thừa… cũng là cách kiểm soát đường huyết tốt.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Trị quầng thâm mắt bằng dầu hạnh nhân và sữa lạnh

CDC Hà Nam

Tăng mỡ máu ở người cao tuổi

Ngọc Nga

Thông điệp mới trong phòng, chống dịch Covid -19

Ngọc Nga

Để lại bình luận