Điểm báo ngày 19/8/2019

(CDC Hà Nam)

 

Đưa chiến sĩ Trường Sa bị hôn mê vào đất liền cấp cứu

Tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ngày 18/8, Bệnh viện cử tổ cấp cứu đường không ra đón một chiến sỹ đang công tác tại đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa bị đa chấn thương về đất liền điều trị.

Bệnh nhân là B.T.T (SN 1997) là chiến sỹ đảo Sơn Ca bị tai nạn khi đang chăm sóc cảnh quanh môi trường xung quanh đơn vị dẫn đến hôn mê bất tỉnh. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào bệnh xá của đảo lúc 14 giờ 50 phút ngày 17/8 và được y bác sỹ đảo Sơn Ca đặt nội khí quản, băng cầm máu và cố định xương gãy, dùng thuốc chống phù não kháng sinh, cầm máu, giảm đau, truyền dịch.

Nhận được lệnh, tổ cấp cứu hàng không Bệnh viện Quân y 175 cùng tổ bay EEC VN-8619 của Binh đoàn 18 do cơ trưởng Nguyễn Minh Tiến điều khiển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đảo Sơn Ca đón bệnh nhân về đất liền vào trưa 18/8. Quá trình tiếp xúc thấy bệnh nhân hôn mê, tự thở qua nội khí quản, tuy nhiên bệnh nhân bị tắc đờm dãi nhiều, tổ cấp cứu đã tiến hành thay ống nội khí quản, trong quá trình bay bệnh nhân luôn được tổ cấp cứu theo dõi chặt chẽ đảm bảo an toàn.

Tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sỹ đã tiến hành chụp CT sọ não, CT cột sống cổ, kiểm tra các tổn thương liên quan. Hiện chiến sĩ B.T.T đã được chuyển về khoa hồi sức tích cực theo dõi và điều trị.  (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 11: “Cấp cứu một chiến sĩ ở Trường Sa bị thương nặng về đất liền”; Báo Thanh niên, trang 4: “Điều trực thăng chở quân nhân gặp nạn ở Trường Sa về đất liền cấp cứu”.

 

Gặp họa vì dùng bột rửa mặt mua online

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu T.Ư mới tiếp nhận bệnh nhân nữ (22 tuổi) bị bội nhiễm virus, vi khuẩn nặng, tổn thương toàn bộ da mặt vì sử dụng bột rửa mặt mua qua mạng.

Bệnh nhân cho biết, sau hai lần sử dụng loại bột rửa mặt được quảng cáo online bệnh nhân thấy xuất hiện triệu chứng nóng rát ngứa khó chịu trên da. Sau đó, bệnh nhân đã ngừng sử dụng loại bột rửa mặt này nhưng triệu chứng ngứa rát vẫn không giảm khiến người bệnh gãi và chà xát nhiều tạo ra nhiều vết xây xước trên da. Khi toàn bộ vùng mặt xuất hiện các tổn thương mụn nước và dập vỡ để lại nhiều vết trợt và vảy tiết trên da kèm theo sốt 38 độ C mới đến khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị bội nhiễm virus và vi khuẩn nặng trên da cần được điều trị tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em cho biết, bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của bệnh Eczema Herpesticum – một bệnh da do virus Herpes simplex. Đây là loại virus hay gây bệnh trên những người có tổn thương da từ trước như: tổn thương da do cào gãi, chăm sóc da không đúng cách, bệnh lý da như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa… Sau 5 ngày được điều trị nội trú tại khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, tổn thương da bệnh nhân lành hẳn, bong hết vảy tiết vàng.

Biến chứng nguy hiểm tính mạng

Chuyên gia da liễu khuyến cáo, bệnh Eczema Herpesticum có thể gây nguy hiểm tới tính mạng, vì vậy khi có triệu chứng nghi ngờ cần đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Eczema Herpesticum là bệnh da do virus Herpes Simplex 1 (HSV1) gây nên, lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch, chất tiết từ người bị bệnh. Bệnh thường gặp ở những người bị viêm da cơ địa và các bệnh viêm da khác như viêm da tiếp xúc hoặc viêm da dầu. Nó phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị viêm da cơ địa nghiêm trọng. Bệnh thường biểu hiện ở vùng da hở như: đầu mặt, cổ, một số trường hợp nặng tổn thương xuất hiện trên diện rộng lan tỏa khắp cơ thể. Thời gian ủ bệnh thường 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh.

Về điều trị, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn sử dụng thuốc kháng virus Acyclovir dùng trong 7-10 ngày, tốt nhất nên sử dụng trong 72 giờ đầu xuất hiện tổn thương. Bệnh nhân nên đi khám sớm nếu có triệu chứng nghi ngờ bệnh. Để phòng tránh bệnh da do virus, bác sĩ khuyên bệnh nhân mắc bệnh lý viêm da cơ địa và các viêm da khác như: viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da dầu không tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh do virus bao gồm cả việc không dùng chung đồ đạc như: khăn mặt, son môi và các vật dụng khác của người bị bệnh; không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc được quảng cáo lan tràn trên các trang mạng xã hội với lời giới thiệu về tác dụng thần kì sau một thời gian ngắn sử dụng vì nguy cơ gây viêm da tiếp xúc từ những sản phẩm này là rất lớn.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh cho biết, mùa hè nắng nóng là thời điểm dễ mắc các bệnh về da do độ ẩm cao cộng thêm một số tác động từ môi trường khác gây viêm da, đặc biệt khi người bệnh chăm sóc da không đúng cách gây ra các tổn thương trên da và tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus trên da phát triển. Bệnh nhân mắc bệnh da do virus thường xuất hiện các mụn nước nhỏ, kích thước đồng đều từ 2-4 mm, phân bố rải rác trên da, chứa dịch trong, khi vỡ tạo thành các vết trợt nông trên da, đóng vảy tiết dày khi bội nhiễm vi khuẩn. Người bệnh thường cảm giác đau rát tại tổn thương. Các triệu chứng khác có thể gặp: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, sưng đau hạch vùng.

Các biến chứng hay gặp nhất là để lại vết sẹo trên da. Bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng khác như: Tổn thương mắt gây viêm giác mạc, có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Trong một số trường hợp tổn thương da có thể xuất hiện trên diện rộng với triệu chứng toàn thân như sốt cao, mệt mỏi,.. có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. (Tiền phong, trang 6).

 

20% người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng mà chưa biết bệnh

Theo ngành y tế, hiện mới chỉ có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình, đồng nghĩa với việc còn 20% người đang nhiễm HIV sống trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, chưa điều trị. Đây là nguồn lây truyền HIV rất nguy hiểm…

Báo động nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới nam

Tính đến hết tháng 5-2019, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Hà Nội là 27.680 người, trong đó có 21.636 người nhiễm HIV còn sống, 6.044 trường hợp tử vong.

Số người nhiễm HIV phát hiện mới và cập nhật trong 5-2019 là 625 người. Trên phạm vi cả nước, tính đến hết năm 2018, có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó 2.150 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong.Đáng chú ý, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, hiện 63% số người nhiễm HIV ở Việt Nam lây nhiễm qua con đường tình dục, chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-49.Số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh (cả nước hiện có khoảng 170.000 nam giới có quan hệ tình dục đồng giới). Bên cạnh đó, sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trọng điểm tăng đã và đang cảnh báo nguy cơ dịch HIVAIDS có thể trở lại trong nhóm trẻ tuổi.

Nguy hiểm hơn, hiện mới có khoảng 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, đồng nghĩa với 20% người nhiễm còn lại chưa được phát hiện. Trong số được chẩn đoán nhiễm HIV cũng mới có khoảng 70% được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và 94% số người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (không có khả năng lây bệnh).

TS. Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, lý do khiến việc chẩn đoán, điều trị HIV vẫn còn hạn chế là do nhiều người bệnh giấu giếm bệnh, không đi xét nghiệm để được chẩn đoán.Thậm chí không ít trường hợp biết bản thân nhiễm HIV nhưng do tâm lý e ngại, tự kỳ thị mà từ chối điều trị hoặc cố che giấu.

Xác định đây chính là nguồn lây truyền cực kỳ nguy hiểm, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đang tập trung rất nhiều giải pháp để phát hiện, đưa những đối tượng nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng đi điều trị. Ngay đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã thông báo, bất kỳ người dân nào đưa được người nhiễm HIV đến các trung tâm y tế điều trị ARV sẽ được “thưởng nóng” với các mức thưởng khác nhau từ 200 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/người.

Không phát hiện = không lây truyền

Nhằm tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS điều trị bệnh, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã duy trì 22 phòng khám ngoại trú, chương trình điều trị Methadone cũng đang được duy trì tại 18 cơ sở, hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV được đẩy mạnh tại 73 phòng xét nghiệm sàng lọc và 6 phòng đã xét nghiệm khẳng định. Đến nay, đã xét nghiệm HIV cho 172.406 trường hợp, phát hiện 1.048 trường hợp dương tính.

TS. Lã Thị Lan cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác phòng, chống HIV/AIDS của thành phố sẽ tập trung chủ yếu vào hoạt động tìm các trường hợp nhiễm HIV tại xã, phường và bệnh viện.

Đồng thời, sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV; mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone…

Đặc biệt, tính đến thời điểm này, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước khởi động chiến dịch K=K – “Không phát hiện = Không lây truyền” từ tháng 5 đến tháng 9-2019.

Thông điệp K=K được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu ở 4 châu lục, trong đó có Việt Nam, đã khẳng định, những người sống chung với HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và đạt tải lượng virus ở mức không phát hiện được trong máu (< 200 bản sao/ml) thì nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục rất thấp (từ không đáng kể đến không có nguy cơ).

Ngày 6-8 vừa qua, tại hội thảo “Không phát hiện = Không lây truyền (K=K)” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định: Việt Nam ủng hộ phong trào K=K dựa trên những chỉ số điều trị tương đối tốt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào K=K giúp đẩy mạnh cam kết của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

“Tuy nhiên, phong trào K=K là quá trình liên tục, lâu dài cần có sự cố gắng, nỗ lực của cả bệnh nhân, thầy thuốc và các bên liên quan. Ngoài HIV, vẫn cần phải dự phòng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và máu” – PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh. (An ninh Thủ đô, trang 15).

 

Gần 4.000 phụ nữ nhiễm HIV mang thai mỗi năm

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam đã giảm xuống còn 1,93%.

Trong tháng 6-2019 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai “Tháng chiến dịch truyền thông cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” với hàng loạt hoạt động như: treo 200 banner thông điệp truyền thông trên các trục đường chính; truyền thông về chủ đề K=K (không phát hiện = không lây truyền); cấp phát 584.202 chiếc bơm kim tiêm cho 7.425 người tiêm chích ma túy, cấp phát 279.564 bao cao su cho 821 phụ nữ mại dâm và 1.724 người nam có quan hệ tình dục đồng giới…

Theo Ủy ban Quốc gia về Phòng, chống AIDS và Phòng, chống ma túy, mại dâm, từ khi triển khai “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” (tháng 6 hàng năm, bắt đầu từ 2009) đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2010 là 10,8%; 5 năm sau (2015) tỷ lệ này giảm còn 2,8% và đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,93%, đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Thông tin từ Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai chiếm 0,19% (tương đương với hơn 3.800 trường hợp) và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1.140 – 1.520 trẻ (chiếm 30% – 40%).

Để duy trì và giảm hơn nữa tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; tăng cường điều trị dự phòng bằng ARV hiệu quả, quản lý tốt cặp mẹ con nhiễm HIV từ khi người mẹ được phát hiện; theo dõi tải lượng HIV thường quy cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị dự phòng bằng ARV cho tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…

Người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính được thông báo thế nào?

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm, trình tự thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Theo dự thảo thông tư này, chậm nhất 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh phải được thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình, trừ các trường hợp: Chưa đến thời điểm hẹn nhưng người được xét nghiệm đến nhận kết quả xét nghiệm; Người được xét nghiệm không đến nhận kết quả xét nghiệm.

Dự thảo thông tư cũng quy định, chỉ được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính khi kết quả này được khẳng định bởi phòng xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính. (An ninh Thủ đô, trang 15).

 

Cao điểm sốt xuất huyết, 16 người tử vong

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết dịch sốt xuất huyết (SXH) đang trong những tháng cao điểm khi thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.

Đối với SXH luôn có hai vấn đề chính: ngoài việc tuyên truyền cho người dân biết phải lật úp tất cả dụng cụ chứa nước, che đậy và diệt loăng quăng, bản thân người dân cũng phải chủ động phòng tránh muỗi đốt. Đặc biệt, khi bị sốt phải được khám để phân loại xem trường hợp nào điều trị ở nhà, trường hợp nào cần thiết phải vào viện, tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc hay truyền dịch điều trị tại nhà.

Đỉnh điểm SXH ở Hà Nội

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong những ngày qua thời tiết mưa rất nhiều, đây là điều kiện thuận lợi cho loăng quăng phát triển, nếu không quyết liệt, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng lên.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết toàn thành phố đã có 2.260 ca mắc SXH. Hà Nội chưa có trường hợp tử vong nhưng số ca sốt tập trung ở các quận nội thành, các huyện ven, vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và vùng đang đô thị hóa cao.

Tại huyện Thanh Oai, nơi có số người mắc SXH cao nhất Hà Nội với gần 30 ca trong một tuần, lãnh đạo huyện Thanh Oai cho biết toàn huyện đã ghi nhận 23 ổ dịch, đã có 148 bệnh nhân mắc SXH, tăng gấp 10 lần so với cùng thời điểm tháng 8-2018. Hiện 17 ổ dịch được khống chế, còn 6 ổ dịch đang hoạt động tại các xã Phương Trung, Cự Khê, Cao Viên, Bình Minh, riêng xã Phương Trung và Bích Hòa có số ca cộng dồn cao.

Không còn diễn biến theo chu kỳ

Ông Đặng Quang Tấn, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng cảnh báo sau những ngày mưa nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam lúc nắng lúc mưa, những ngày tới thật sự là cao điểm SXH.”Năm nay có một khác biệt, đó là ở các nước trong khu vực hầu hết đều tăng số ca mắc SXH, trong đó có Việt Nam” – ông Tấn nói.Theo ông Tấn, dịch SXH hiện nay không còn diễn biến theo chu kỳ mà xuất hiện quanh năm, với những diễn biến khó lường. Vì thế, cần tuyên truyền rõ để người dân tự giác diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.

Lưu ý, bệnh SXH do virút Dengue gây ra với 4 type được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type, cho nên một người có thể mắc SXH đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí có thể mắc đến lần thứ 4. Đáng lưu ý những lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.”Bộ Y tế đã có chỉ thị gửi các tỉnh tăng cường tuyên truyền phòng chống SXH, trong đó đề nghị các tỉnh triển khai ngay các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước. Nếu không giải quyết triệt để các ổ chứa nước đọng, vẫn còn loăng quăng, bọ gậy thì chỉ sau vài ngày lại có đợt muỗi mới, như vậy rất khó cho việc phòng chống SXH” – ông Tấn cho hay.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn cả nước tăng từ 5.000-10.000 ca bệnh/tuần.Cục Y tế dự phòng cũng cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 16 trường hợp tử vong.So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng hơn 3 lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Khi SXH không được dùng kháng sinh

GS.TS Nguyễn Văn Kính – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư – đặc biệt lưu ý khi bị SXH, tuyệt đối không được dùng kháng sinh. “Nhiều người nghĩ dùng kháng sinh nhằm làm yếu virút, nhưng không đúng. Hơn nữa, trong SXH máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh máu cao, dễ gây biến chứng” – GS Kính lưu ý.Về đặc điểm dịch tễ, theo GS Kính, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bệnh SXH đã thay đổi nhiều so với trước. Nếu như trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực có mùa mưa kéo dài, nhiệt độ cao, nay bệnh đã xuất hiện khắp cả nước, xuất hiện quanh năm.”Phần lớn trường hợp tử vong là do bệnh nhân chủ quan, đến viện muộn. Đặc biệt, nếu bệnh SXH xuất hiện ở những người đã có sẵn bệnh như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp… hay phụ nữ có thai, diễn tiến bệnh thường khá nặng, đòi hỏi phải xử lý đặc biệt, điều trị sớm” – GS Kính cho hay.Cũng theo GS Kính, do miễn dịch cộng đồng kém nên nếu như trước đây số ca mắc chủ yếu là trẻ em, thì hiện nay cả trẻ em và người lớn đều mắc. “Đặc biệt, trong quá trình điều trị bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy cần có sự thay đổi phác đồ điều trị SXH đối với người lớn, người mắc bệnh mãn tính. Để phù hợp với nhiều biến đổi của bệnh SXH thời gian gần đây sau khi lấy ý kiến giới chuyên môn, hiện phác đồ cập nhật điều trị bệnh SXH Dengue ở người lớn đã được trình Bộ Y tế. Phác đồ này sẽ đặc biệt chú ý đến SXH ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có sẵn bệnh lý nền để việc điều trị SXH ở nhóm bệnh nhân này đạt kết quả tốt nhất” – ông Kính cho biết.

GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo: SXH ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Do đó, khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

Và “khi đã được chẩn đoán mắc SXH nhưng không phải nhập viện, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị SXH tại nhà” – ông Kính nói. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cứu bệnh nhân không cứng nhắc theo quy trình

Trong điều trị có những quy định, quy trình. Tuy nhiên để cứu bệnh nhân kịp thời, không phải lúc nào bác sĩ cũng cứng nhắc theo quy trình.

Đêm 5.8, ê kíp mổ của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị bỏ qua “quy trình”, cứu sống sản phụ Hồ Thị Hình (21 tuổi, thôn Chân Rò, xã Đakrông, H.Đakrông) cùng bé sơ sinh 2,7 kg bị sa dây rốn, nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ (BS) Trần Trung Hoành (Khoa Sản, BVĐK tỉnh Quảng Trị), người tham gia ca mổ, nói: “BS nào cũng vậy, ai mà không xem tính mạng người bệnh là trên hết. Không riêng gì tôi mà có nhiều ca khác cũng thế, nhiều BS cũng sẽ làm hết sức để cứu bệnh nhân (BN)”.

Cứu người trước

Trước đó, một nam BN (37 tuổi, quê Cà Mau) vào BV Nhân dân Gia Định TP.HCM trong tình trạng hôn mê, huyết áp không đo được, có dấu hiệu ngưng tim, vết thương cổ bên phải 1,5 cm, chảy máu dữ dội, nguy cơ tử vong rất cao. BV kích hoạt báo động đỏ nội viện và đưa thẳng BN vô phòng mổ, cầm máu khẩn và truyền máu; các BS mổ xuyên đêm cứu BN. Lúc đó, BN không có thân nhân nào đi cùng để ký cam kết cho phép mổ hay đóng viện phí.

BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng từng cứu một nam du khách người Nhật (70 tuổi) đột ngột lên cơn đau ngực, ngất lịm khi vừa đến TP.HCM. Tại khoa cấp cứu, BN được dự liệu 90% tử vong, nên được đưa ngay vào phòng mổ (ở khoa cấp cứu) mổ tim khẩn vì không đủ thời gian để di chuyển lên phòng mổ chính của BV. Theo quy trình bình thường, để phẫu thuật tim, cần có thời gian làm các xét nghiệm, nhưng với ca cấp cứu này, nếu kéo dài sẽ khó đảm bảo tính mạng BN.

BS Trương Xuân Nhuận, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị, cho biết nếu theo đúng quy trình, với ca mổ như vừa qua tại BV này cần có hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm cơ bản. Trước khi mổ phải hội chẩn và người nhà phải ký cam kết đồng ý mổ… “Với những ca như trên, trong y khoa gọi là “thời gian vàng” để cứu BN, chỉ tính bằng phút, giây, nếu làm đúng thủ tục thì BN đã tử vong hoặc nếu sống thì có nguy cơ chịu nhiều di chứng”, BS Nhuận nói. Theo BS Nhuận, việc bỏ qua quy trình để mổ cho BN ở BVĐK Quảng Trị cũng như nhiều BV khác là không quá hiếm hoi vì BS phải cứu người trước chứ không chờ… giấy tờ.

Về thủ tục yêu cầu BN hoặc người nhà ký cam kết trước khi thực hiện phẫu thuật được một số ý kiến cho là “giải pháp thiên về đảm bảo trách nhiệm của BS hơn là BN”, BS Nhuận thẳng thắn: “Phải làm thế, bởi mỗi lần y, BS bỏ qua quy trình để cứu người thì đã đi ngược lại quy trình của Bộ Y tế và vi phạm pháp luật. Nếu ca mổ mẹ con sản phụ Hình không thành công, nếu có khiếu nại, ai sẽ bảo vệ kíp mổ trước dư luận, trước pháp luật? Bản thân tôi là lãnh đạo BV, tôi cũng không thể lo nổi cho anh em cấp dưới trong trường hợp như thế”.

Theo BS Nhuận, hiện chưa có một văn bản nào quy định bảo vệ nhân viên y tế trong việc “vượt rào” để cứu người. BS Nhuận kiến nghị, đối với những trường hợp đặc biệt, khi BS bỏ qua thủ tục hành chính thì rất cần phải được bảo vệ bằng một quy định, một thủ tục hành chính khác.

“Đó là làm đúng chuyên môn”

Về việc ê kíp mổ ở BVĐK Quảng Trị đã bỏ qua quy trình để cứu BN, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Đó là làm đúng chuyên môn và đúng quy định chứ không phải bỏ mặc quy trình”.

Ông Khoa cho biết, luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như quy chế BV về cấp cứu đã có các quy định phù hợp với các tình huống khác nhau. Trong trường hợp khẩn cấp, BS là người hoàn toàn chịu trách nhiệm chuyên môn, đánh giá tình trạng bệnh và tiên lượng diễn biến để ra quyết định mà không phải chờ hoàn thành các thủ tục hành chính. “Trong các tình huống cấp cứu, khi BS xác định tính mạng BN nguy kịch, thủ tục hành chính sẽ được bỏ qua và cũng không phải chờ có cam kết của BN và người nhà. Trong tình huống này, nếu BN không thể qua khỏi thì BS vẫn được bảo vệ chứ không thể vì không có cam kết mà đổ lỗi cho BS”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, với trường hợp điều trị, cấp cứu thông thường, việc yêu cầu BN hoặc người nhà ký giấy đồng ý phẫu thuật, can thiệp điều trị cho người bệnh là cần thiết. Bởi nếu BN không đồng ý thì BS không thể thực hiện và BS có trách nhiệm giải thích, tư vấn để BN hiểu rõ về tình trạng sức khỏe, sự cần thiết của việc phẫu thuật, can thiệp.

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nhìn nhận trong cấp cứu không thể lúc nào cũng phải áp dụng đúng một quy trình chuẩn. Bởi có trường hợp khẩn, nếu thực hiện theo đúng quy trình thì BN nắm chắc tử vong. “Làm sao cứu được BN, đó là y lệnh cao nhất. Mỗi năm, BV Chợ Rẫy cứu nhiều ca như vậy. Khi đó, yếu tố khẩn cấp được ưu tiên hàng đầu. Điều này hoàn toàn không sai quy định”, BS Việt nói.

Theo GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), trong tình huống khẩn cấp, BS được quyết định về thực hiện chuyên môn để cứu BN mà không phải chờ các thủ tục hành chính. Việc này cũng là áp lực trách nhiệm với BS, nhưng tính mạng người bệnh luôn được đặt lên trước.

Cần bảo vệ bác sĩ

Thực tế, có những trường hợp BS “vượt rào” để cứu BN thành công, nhưng cũng có những trường hợp không mong muốn, BN trở nặng, tử vong, thì BS bị người nhà BN hành hung. Do vậy cần bảo vệ y, BS.

Theo BS Trương Xuân Nhuận, các bộ, ngành chưa có văn bản cụ thể quy định, bảo vệ cho cán bộ ngành y tế trong việc “vượt rào” để cứu người. “Thật khó để nói rằng các y, BS đặt 100% tâm sức vào việc cứu người mà không lợn cợn suy nghĩ về những vấn đề khác”, BS Nhuận nói.

BS Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết nhiều năm qua BV Đà Nẵng đã mua bảo hiểm cho hơn 2.000 BS, nhân viên y tế của BV, nhằm phòng ngừa các trường hợp tai nạn, thương tích, phơi nhiễm… trong quá trình hành nghề. Tương tự, tại BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, hơn 1.000 nhân viên y tế tại đây cũng được mua bảo hiểm.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, một khảo sát nhanh tại hội nghị về an toàn người bệnh được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017 cho thấy mới có khoảng 20% BV mua bảo hiểm trách nhiệm cho BS. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng lãnh đạo các BV cần quan tâm thực hiện đầy đủ quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh. Ngoài bảo vệ người bệnh, bảo hiểm trách nhiệm cũng là hình thức bảo vệ cho các BS trong công tác chuyên môn.

Nên liệt kê trường hợp khẩn

Trong thực tế, không hiếm trường hợp BS muốn cứu BN nhưng vẫn đắn đo trước những quy định mang tính hành chính. BS Trương Xuân Nhuận nói: “Tôi đề xuất Bộ Y tế nên có quy định đối với những trường hợp mang tính khẩn cấp thì BS có thể bỏ qua quy trình thông thường, xử lý cho BN trước, còn đúng sai sẽ có hội đồng, hội chẩn thành lập sau. Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn của Cục Quản lý khám chữa bệnh nên có quy định, liệt kê những trường hợp nào được cho là khẩn cấp, BS được “vượt rào” không cần phải suy nghĩ. Trong y khoa, những trường hợp đó không phải là quá nhiều, hoàn toàn có thể thống kê và đưa vào quy định được”. (Thanh niên, trang 16).

 

Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết: Cảnh báo việc giả danh cán bộ y tế để thu tiền

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa  phát đi cảnh báo về tình trạng một số cá nhân mạo danh cán bộ y tế đến nhà dân thu tiền phun thuốc diệt muỗi.Chánh  văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định: “Sở Y tế không có chủ trương thu tiền phun thuốc xịt muỗi của người dân”.

Sở khuyến cáo người dân khi phát hiện nhân viên y tế có nghi vấn, thông báo đến công an địa phương, trung tâm y tế quận, huyện để kịp thời được hỗ trợ, xử lý. Người dân cũng có thể liên hệ đường dây nóng phòng chống dịch của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, số điện thoại 0938 06 08 69.

Cũng theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện trung tâm y tế dự phòng ở các quận huyện thành phố phun thuốc diệt muỗi miễn phí cho hộ gia đình, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Cá nhân, tập thể có nhu cầu riêng, có thể liên lạc các đơn vị tư nhân thực hiện phun xịt thuốc diệt muỗi trên cơ sở thỏa thuận về thời gian, chi phí. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Hệ lụy đau lòng từ thói quen uống rượu ở vùng cao

Đến nay, ở nhiều vùng núi cao, hẻo lánh, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn giữ thói quen uống rượu. Vui uống, buồn uống, không có việc gì làm cũng uống. Việc uống rượu không kiểm soát dẫn đến say xỉn, kéo theo không ít bi kịch, hệ lụy đau lòng…

Nhắc đến bi kịch do rượu gây ra, người dân thôn Ra Pân, xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án mạng xảy ra tại gia đình chị Đinh Thị Tâm. Khi chúng tôi cùng một cán bộ xã đến thăm, chị Tâm ngồi một mình thu mình ở góc căn nhà sàn xập xệ, ánh mắt đầy bi thương. Cha chồng mất, chồng đi tù, chị bị suy sụp tinh thần khi trong căn nhà trống hoác chỉ còn lại chị cùng hai đứa con dại.

Chị Tâm run rẩy kể rằng, cuộc sống sau khi kết hôn của chị là một chuỗi ngày bi kịch, vì người chồng trụ cột trong gia đình ngày này qua ngày nọ cứ chìm đắm trong men rượu. Một mình chị phải làm việc quần quật từ sáng đến tối để kiếm tiền nuôi con.

Trong 6 năm trời, Đinh Văn Yết – chồng chị chỉ biết mỗi việc uống rượu. Siêng thì Yết vào rừng lấy củi bán đổi lấy rượu uống. Nhác thì Yết ở nhà, đánh đập chị buộc phải đưa số tiền mà chị làm lụng kiếm được trong ngày để đi mua rượu. Cuộc sống gia đình luôn trong cảnh túng quẫn, thiếu trước hụt sau.

“Nhiều lúc khổ quá chỉ muốn bỏ đi, nhưng vì thương con nên tôi không đành lòng. Đã thế trong cơn say rượu, chồng tôi đã giết chết cha mình. Bây giờ chồng tôi đi tù. Nhà chỉ còn ba mẹ con nương tựa nhau mà sống…”, chị Tâm nói trong nước mắt.

Ông Đinh Văn Só, Trưởng Công an xã Sơn Long, nói rằng, bà con vùng cao có tập tục uống rượu, nhất là các dịp lễ ăn trâu, mừng lúa mới, bà con uống rượu cả ngày, có khi cả tháng.

“Nhưng nếu chỉ uống vào những ngày vui truyền thống thì không đáng lo. Đáng nói ở đây là bình thường ngày nào họ cũng uống, từ sáng tinh mơ đến tối mịt rồi bị say xỉn, mất kiểm soát hành vi, gây ra những vụ án mạng. Biết rõ hệ quả của nạn nghiện rượu nên xã nhiều lần họp tuyên truyền vận động bà con thay đổi thói quen uống rượu, song cũng chưa được nhiều”, ông Só nói.

Oái ăm hơn, có những trường hợp tự tìm đến cái chết vì bị ngăn cấm uống rượu; hoặc tự tử vì bức xúc  do không khuyên can được người thân ngừng uống rượu. Điển hình như trường hợp của ông Đinh Văn Đậu (xã Sơn Long) vì không ngăn được việc con nghiện rượu, quá buồn bã nên đã treo cổ tự sát. Hay như trường hợp bà Đinh Thị Ắc (thôn Tà Vinh, xã Sơn Màu), do quá ức chế vì bị người thân ngăn cấm uống rượu nên đã tìm đến cái chết bằng lá ngón.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác đã chọn cách tìm đến cái chết mỗi khi tâm lý buồn chán, hay gặp chuyện bực bội trong lòng. Điều đáng nói là, hầu hết những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến cái chết thường bắt nguồn từ rượu. Những gia đình có người thân nát rượu, nhất là chồng, con thì những người mẹ, người vợ trong gia đình ấy đều phải làm thuê, làm mướn để kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình và con cái.

Chính vì vậy, những đứa con của họ lớn lên cũng không được quan tâm nuôi dạy tử tế, hầu hết đều phải bỏ học giữa chừng. Có không ít người vợ vì không thể chịu đựng nỗi khổ sở cùng cực ấy nên đã bỏ đi làm ăn xa biệt xứ, để lại những đứa con bơ vơ cùng với người cha nát rượu. Chính vì thế mà đói nghèo, lạc hậu cứ mãi đeo bám, khiến nhiều gia đình khó thể thoát nghèo…

Theo ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, hiện ở xã có hàng chục gia đình có người nát rượu, một số hộ cả vợ cả chồng đều nghiện uống rượu. Việc này gây ra những hệ lụy đau lòng như đói nghèo, mâu thuẫn gia đình, sức khỏe và tương lai của con trẻ.

Nhiều năm qua, chính quyền và các cơ quan chức năng đã dốc sức tuyên truyền, vận động, khuyên can bà con bỏ rượu. Thời gian tới, để góp phần xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương sẽ thay đổi biện pháp tuyên truyền để bà con hiểu những tác hại của uống rượu mà thay đổi thói quen uống rượu triên miên, lo tập trung sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình… (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim có nguy cơ tử vong

Sáng 18-8, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các bác sĩ Trung tâm vừa cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị H. (27 tuổi, trú ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) mắc chứng bệnh viêm cơ tim thể tối cấp (Fulminant myocarditis) với nguy cơ tử vong cao.

Trước đó, ngày 31-7, nữ bệnh nhân H. được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế với triệu chứng đau ngực, khó thở, sốt cao. Qua kiểm tra, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân H. có men tim tăng, chức năng năng tim giảm còn 19%, có dịch màng ngoài tim.

Nhận định đây là một trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp, sốc tim nặng, nguy cơ tử vong cao chỉ trong 1h tiếp theo nên các bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế quyết định đặt thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO), A-V ngoại biên và bóng đối xung động mạch chủ (IABP) nhằm hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân.

Sau khi được hỗ trợ ECMO, các chỉ số, tình trạng huyết động của bệnh nhân H. cải thiện tốt. Đến ngày thứ 6 kể từ khi can thiệp phương pháp trên, chức năng tim của bệnh nhân H. hồi phục tốt, hô hấp ổn định, toàn trạng bệnh nhân khá lên. Đến nay, bệnh nhân H. đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không có di chứng thần kinh.

Theo bác sĩ CKII Đặng Thế Uyên, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, dấu hiệu ban đầu của bệnh nhân bị viêm cơ tim rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng giống cảm sốt thông thường như mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn và thường gặp ở người trẻ tuổi nên người bệnh càng dễ chủ quan, coi nhẹ.

Hậu quả của bệnh rất nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị tích cực kịp thời. “Vì thế, các bệnh nhân có triệu chứng viêm cơ tim cấp cần được nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế có khả năng thực hiện hỗ trợ tuần hoàn cơ học ECMO để được chữa trị kịp thời. ECMO có thuận lợi là nhanh chóng có thể triển khai (trong vòng 20-30 phút) mà không phải mở xương ức. Đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp ngừng tuần hoàn để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Uyên khuyến cáo. (Công an Nhân dân, trang 7).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/3/2022

CDC Hà Nam

20 vấn đề sức khỏe không thể chờ đợi hết dịch Covid-19 mới đi khám

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận