Điểm báo ngày 26/12/2019

(CDC Hà Nam)
Những câu chuyện thấm đẫm tình người bên giường cấp cứu; Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép cùng lúc 2 tạng cho bệnh nhân nước ngoài; Hà Nội phân công 7 bệnh viện ứng trực cấp cứu tai nạn giao thông trên đường cao tốc…

 

Chủ động triển khai thường xuyên, liên tục việc phòng, chống dịch bệnh

Chiều 25-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh, dân số – kế hoạch hoá gia đình, nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình năm 2019 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong năm 2019, tại Hà Nội, một số bệnh dịch có số mắc cao. Cụ thể, trên địa bàn thành phố ghi nhận 12.179 ca sốt xuất huyết, 1.764 ca sởi, 1.045 ca tay chân miệng, 117 ca ho gà… Do chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nên số mắc tăng nhưng dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, không để bùng phát thành dịch lớn và không có trường hợp tử vong.

Cũng trong năm 2019, Hà Nội tiến hành rà soát, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, sắp xếp lại các phòng chức năng… của các trạm y tế. Cùng với đó, thành phố cũng đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu dân số, như: Giảm tỷ suất sinh thô, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ số giới tính khi sinh là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận ở cả 3 lĩnh vực: Phòng chống dịch bệnh, dân số và mô hình trạm y tế điểm vẫn còn những tồn tại, bất cập. Cụ thể, dịch sốt xuất huyết và sởi được kiểm soát, không có tử vong, nhưng số mắc trong năm 2019 vẫn cao hơn mức trung bình trong 5 năm gần đây; mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình chất lượng chưa đồng đều; một số huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao…

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị, ngành Y tế Thủ đô cần chú trọng đến công tác dự báo, kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Các địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách thường xuyên, liên tục; thực hiện tốt công tác tiêm chủng. Mặt khác, tập trung các giải pháp, biện pháp thực hiện các chỉ tiêu dân số ngay từ những ngày đầu năm, nhất là ở các huyện.

Đặc biệt, tại các địa phương phải quan tâm tới chất lượng hoạt động và tính bền vững của mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, chứ không chỉ chạy theo số lượng. Việc tăng cường bác sĩ từ các bệnh viện về khám chữa bệnh tại trạm y tế cần căn cứ vào nhu cầu, mô hình bệnh tật của địa phương, thời gian xuống khám chữa bệnh hợp lý để tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ có chất lượng. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép cùng lúc 2 tạng cho bệnh nhân nước ngoài

Theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiến hành ghép cùng lúc 2 tạng từ người hiến tạng chết não cho bệnh nhân M.S (59 tuổi, quốc tịch Lào) bị suy thận mãn kèm theo xơ gan (do rượu). Việc ghép đồng thời gan – thận là một kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức trong tình trạng đã suy gan và thận giai đoạn cuối có chỉ định ghép tạng. Sau khi đánh giá, các bác sĩ đã quyết định ghép đồng thời cả gan và thận để thay thế 2 tạng bị suy của người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cho biết, đây là ca ghép rất đặc biệt, cũng là trường hợp đầu tiên được ghép cùng lúc 2 tạng từ một người cho chết não.

Ca ghép diễn ra ngày 17-12, kéo dài 12 giờ liên tục với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng. Trong suốt kíp mổ, các bác sĩ vừa ghép gan vừa phải tiến hành lọc máu liên tục để hỗ trợ thận của ng11ười bệnh đã bị suy. Hiện tại, người bệnh đã tự thở, các chức năng gan và thận đã dần phục hồi. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Thêm hai ca ghép tạng phức tạp”; Báo Công an Nhân dân, trang 7: “Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công 2 ca ghép tạng đồng thời”.

 

Hà Nội phân công 7 bệnh viện ứng trực cấp cứu tai nạn giao thông trên đường cao tốc

Ngày 24-12, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2020.

Theo đó, Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm cấp cứu 115 tổ chức sơ cứu, cấp cứu tại chỗ và vận chuyển, hồi sức cấp cứu người bị tai nạn giao thông về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh tật để giải quyết. Đồng thời, phối hợp với các tuyến y tế trên địa bàn để cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, hồi sức cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.

Các bệnh viện và TTYT, tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tại đơn vị để tiếp nhận, điều trị nạn nhân khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Đảm bảo sẵn sàng thuốc cấp cứu, máu và chế phẩm máu, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân khi có yêu cầu. Tổ chức sơ cứu, cấp cứu kịp thời, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tai nạn giao thông.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho 7 bệnh viện: Đông Anh, Bắc Thăng Long, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Đức Giang, Gia Lâm đảm bảo công tác sẵn sàng cấp cứu người bệnh, sẵn sàng ứng phó với sự cố giao thông trên các đường cao tốc được phân công.

Trong trường hợp vượt quá khả năng phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật, cơ sở phải chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên môn phù hợp để điều trị.

Cũng liên quan đến công tác chữa bệnh trong dịp nghỉ Tết 2020, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành, phòng y tế, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Thiết bị y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế về việc đảm bảo cung ứng thuốc chữa bệnh dịp Tết.

Cùng đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực dược, mỹ phẩm và đảm bảo thuốc trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Phân công cán bộ chuyên trách về dược trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc cho đơn vị.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ cử cán bộ trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán để theo dõi, nắm bắt tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc chỉ đạo giải quyết cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Phát hiện thuốc Tanganil 500mg nghi ngờ là thuốc giả

Ngày 25-12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế vừa ra thông báo về việc nghi ngờ thuốc Tanganil 500mg bị làm giả. Thuốc nghi ngờ giả có các thông tin sau: tên thuốc Tanganil 500mg, do Công ty Pierre Fabre Medicament Production – Pháp sản xuất, số đăng ký: VD-26608-17, số lô: 1916018, ngày sản xuất: 29/04/2019, hạn dùng: 29/04/2022.

Cục Quản lý Dược cũng đưa ra nhận diện mẫu thuốc thật và thuốc giả. Theo đó, mẫu thuốc Tanganil 500mg giả ở phần hộp thuốc có lỗi chính tả excipients p.s. và Satch No, mẫu thuốc thật là excipients q.s và Batch No. Ở tờ hướng dẫn thuốc nghi ngờ giả có mã số: P05-TAN-01/01 (phiên bản cũ), ngày xem xét sửa đổi, cập nhật lại nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc: 06.02.2017, ĐT: 061 383 6770 – Fax: 061.383 6570, ở thuốc thật là mã số: P05-TAN-01/02 (phiên bản mới), ngày xem xét sửa đổi, cập nhật lại nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc: 23.05.2019, ĐT: 0251 3836770 – Fax: 02513836570. Vỉ thuốc của mẫu thuốc giả có thông tin sản xuất bởi: Pierre Fabre Medicament Production Pháp, còn ở mẫu thuốc thật sản xuất bởi: Pierre Fabre Medicament Production – Pháp. Kiểm nghiệm ở mẫu thuốc giả về định tính không có Acetyl DL Leucine, ở mẫu thuốc thật về định tính có Acetyl DL Leucine.

Để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi pháp của người tiêu dùng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố không được buôn bán, sử dụng Tanganil 500mg nghi ngờ thuốc giả; tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Đồng thời, cần rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo về Thanh tra Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Được biết, thuốc Tanganil (Acetylleucin) là loại thuốc tân dược có tác dụng điều trị các triệu chứng bệnh thiểu năng tuần hoàn máu não và rối loạn tiền đình, bao gồm các triệu chứng: chóng mặt, đau đầu, đau nửa đầu, hoa mắt, buồn nôn… (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Xây dựng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 xứng đáng bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia

Tại Hà Nội, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) vừa tổ chức Ðại hội thi đua quyết thắng (TÐQT) giai đoạn 2014 – 2019.

5 năm qua, công tác thi đua, khen thưởng và phong trào TÐQT được Ðảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện cùng cấp ủy, chỉ huy các phòng, khoa, ban tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, có sự đổi mới, tập trung đột phá vào khâu yếu, việc khó, nhiệm vụ trọng tâm; gắn phong trào TÐQT với các cuộc vận động, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Bệnh viện chính quy, khoa học, tiên tiến, văn hóa, xứng đáng bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia.

Nhân dịp này, Ban tổ chức công bố quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Quốc phòng tặng tập thể và cá nhân; Bệnh viện trao “Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào TÐQT” tặng bốn tập thể; trao Bằng khen tặng 11 tập thể và 52 cá nhân, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào TÐQT giai đoạn 2014 – 2019. Ðồng thời, Bệnh viện trao “Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào TÐQT” tặng bốn tập thể; trao danh hiệu “Ðơn vị quyết thắng”, “Ðơn vị tiên tiến” tặng 34 tập thể; trao danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” tặng 285 cá nhân, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào TÐQT năm 2019. (Nhân dân, trang 3).

 

Ðổi mới phương pháp đào tạo nhân lực y tế

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, xu hướng ưu tiên phát triển y tế cơ sở… đòi hỏi công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng cần có những thay đổi phù hợp. Sau hơn hai năm triển khai dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) tại 17 trường đại học, 11 trường cao đẳng y, dược cho thấy những tín hiệu tích cực.

Lâu nay, sinh viên ngành y thường học theo phương pháp là giảng viên phát tài liệu để tự nghiên cứu, khi lên lớp giảng viên sẽ thuyết trình lại những nội dung đó, sinh viên chép lại. Ðây là phương pháp dạy và học có từ rất lâu, khiến các sinh viên thụ động, không tìm hiểu sâu vấn đề, xa rời thực tế. Do vậy, khi triển khai dự án HPET, Bộ Y tế tập trung đổi mới nội dung và phương pháp dạy học để nâng cao năng lực quản lý y tế, năng lực đội ngũ nhân lực y tế cơ sở ở khâu cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là xây dựng, đổi mới khung chính sách và thể chế tương quan, tạo hành lang pháp lý thuận tiện để hỗ trợ thực hiện việc đổi mới giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Ðến nay đã có hơn 10 cơ sở đào tạo được phê duyệt chương trình đào tạo mới với thay đổi cách tiếp cận giảng dạy từ chủ yếu trên lý thuyết sang cách tiếp cận dạy học dựa trên năng lực tập trung vào các ngành bác sĩ đa khoa (BSÐK), bác sĩ răng, hàm, mặt (RHM) và điều dưỡng mà dự án đang hỗ trợ đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ngành y tế. Từ tháng 10-2018, tất cả các trường đào tạo BSÐK, điều dưỡng và bác sĩ RHM thuộc dự án đồng loạt triển khai giảng dạy năm thứ nhất theo chương trình khung đổi mới là sáu năm. Trong đó, có 500 giảng viên của năm cơ sở đào tạo được đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo quốc tế; 100 giảng viên của ba cơ sở đào tạo bác sĩ RHM được đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo hướng dẫn bởi chuyên gia quốc tế và trong nước; 110 giảng viên của 11 cơ sở đào tạo điều dưỡng được đào tạo, tập huấn thông qua các hội thảo do các chuyên gia trong nước hướng dẫn.

Trường cao đẳng Y tế Thái Bình là một trong những đơn vị có sự thay đổi rất lớn trong đổi mới phương pháp giảng dạy, đơn vị đầu tiên triển khai lớp học đảo chiều, xây dựng hệ thống E-learning, cũng là trường đầu tiên có nhật ký lâm sàng cho sinh viên báo cáo công việc hằng ngày trong quá trình đi thực tập tại các bệnh viện… Do vậy, hơn 70% số sinh viên có việc làm trong vòng sáu tháng sau khi ra trường. TS Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Thái Bình đánh giá: Từ khi tiếp nhận dự án HPET, nhà trường đã xác định đây là cơ hội tốt để phát triển trong lĩnh vực đào tạo và kết quả đạt được cho thấy có sự chuyển biến rõ ràng trong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy. Ðáng mừng là cả ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên và sinh viên đều quyết tâm thực hiện đổi mới. Kết quả khảo sát cho thấy, hơn 80% sinh viên học theo phương pháp này ra trường tự tin hơn và hơn 90% sinh viên đánh giá hài lòng về sự thay đổi chương trình giảng dạy.

Sinh viên Nguyễn Phương Anh, Lớp AVO k2, Trường cao đẳng Y tế Thái Bình chia sẻ: “Với phương pháp học tập mới, giúp người học biết được công việc của người điều dưỡng khi ra thực tế ở bệnh viện. Ngay từ khi ngồi ở giảng đường, chúng em đã được hướng dẫn rất kỹ từ cách đón tiếp người bệnh đến chuẩn bị dụng cụ, cách viết bệnh án… So với cách học trước đây, chúng em có phần bỡ ngỡ do phải thực hành nhiều hơn lý thuyết nhưng lại có thể tiếp thu công việc nhanh hơn, tốt hơn và cải thiện kỹ năng của người điều dưỡng tương lai. Nếu như với phương pháp truyền thống, giảng viên phát tài liệu và lên lớp giảng viên thuyết trình thì theo phương pháp mới yêu cầu người giảng viên phải tích cực hơn, có sự chuẩn bị nhiều hơn, phải soạn giáo trình và các vi-đê-ô bài giảng đăng lên trang web của nhà trường vào hệ thống E-learning để sinh viên có tư liệu tham khảo bài trước khi lên lớp”.

Thạc sĩ Lê Thị Hoa, giảng viên Khoa Y học cơ sở cho biết: “Khi giảng viên giao bài tập cho học viên, các em phải làm các sản phẩm tự học và nghiên cứu kỹ các tài liệu, sau đó thảo luận nhóm và giải quyết các câu hỏi tình huống giảng viên giao. Khi tới lớp, các em rất tích cực tham gia phát biểu ý kiến và trình bày sản phẩm học ở nhà. Tôi thấy chương trình giúp cho các em học rất tốt. Các em có thể học bằng máy tính, điện thoại mọi lúc mọi nơi, tiện lợi hơn hẳn phương pháp cũ”. (Nhân dân, trang 5).

 

Công tác dân số với sự phát triển bền vững của đất nước

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam (26-12) năm nay được đưa ra là “đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Suốt 58 năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII về chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGÐ), với sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân, công tác dân số đã đạt được những kết quả nhất định. Tốc độ gia tăng quy mô dân số đã được khống chế, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 13 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, phân bố dân số hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa. Từ năm 2007, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh (chiếm 70% số dân) nước ta chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng. Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh (đạt 73,5 tuổi năm 2018), cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm hai phần ba; tỷ số tử vong mẹ giảm ba phần tư (so với năm 1990). Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn như: mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, và duyên hải miền trung, Tây Nguyên lại có mức sinh rất cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng. Lợi thế của dân số vàng chưa được khai thác hiệu quả, chưa có giải pháp đồng bộ. Tốc độ già hóa dân số nhanh chưa có hệ thống giải pháp thích ứng với già hóa dân số. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác truyền thông giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao…

Nhằm khắc phục những hạn chế, thách thức để đưa công tác dân số ổn định một cách bền vững, theo Tổng cục trưởng DS – KHHGÐ (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú, thời gian tới, công tác dân số sẽ chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số sẽ chú trọng phát triển toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bổ, nhất là chất lượng dân số nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục tìm giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Tuyên truyền mạnh nội dung chính sách dân số và phát triển, song song tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con. Ðáng chú ý, Việt Nam cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu dân số vàng sang già hóa dân số với tốc độ thuộc hàng nhanh nhất thế giới, cho nên sẽ có những giải pháp triệt để nhất, để tránh nguy cơ nước ta trở thành quốc gia dân số già trong tương lai không xa…

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam năm nay, bên cạnh mục đích chính thì tháng hành động còn tạo được những nhận thức sâu rộng trong toàn xã hội, tiến tới huy động được mọi nguồn lực để quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số phát triển một cách toàn diện nhất tạo tiền đề cho mục tiêu dân số Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, các địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan cần coi trọng là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bổ, nhất là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế – xã hội… để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Tập trung giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước bền vững. Có những giải pháp thích ứng già hóa dân số… (Nhân dân, trang 5).

 

Từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019: Những xu hướng mới về mất cân bằng giới tính khi sinh

Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh hôm nay phải vài chục năm sau mới bộc lộ. Vì vậy, nỗ lực ngay từ bây giờ nhằm đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước mai sau.

Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức

Dân số được chia thành nam và nữ. Sở dĩ như vậy là vì nam và nữ khác nhau ở cả góc độ tự nhiên (sinh học) lẫn góc độ xã hội (giới). Cần chú ý và tính đến những điểm khác biệt này nhằm phân công lao động hợp lý trong gia đình và ngoài xã hội, phấn đấu đạt tới sự bình đẳng nam, nữ thực sự.

Để đánh giá mức độ cân bằng giữa số nam và số nữ của dân số, người ta thường dùng các chỉ tiêu: Tỉ lệ nam, tỉ lệ nữ trong tổng dân số; hoặc chỉ tiêu tỉ số giới tính, tức là số nam tương ứng với 100 nữ. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, nước ta có 96.208.984 người; trong đó có 47.881.061 nam, 48.327.923 nữ; tỉ số giới tính là 99,1 (100 nữ thì trung bình có 99,1 nam). Như vậy, xét toàn bộ dân số, số nam và số nữ ở nước ta gần cân bằng.

Người ta không chỉ chú ý đến tính cân bằng giữa nam và nữ của toàn bộ dân số mà còn đặc biệt quan tâm đến sự cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh thông qua việc tính toán tỉ số giới tính khi sinh, nghĩa là trung bình cứ sinh 100 cháu gái thì tương ứng sinh được bao nhiêu cháu trai. Tỉ số này được tính hằng năm và theo quy luật tự nhiên thường vào khoảng từ 104 – 106.

Theo kết quả các cuộc Điều tra Dân số, năm 2006, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam cao bất thường, lên đến 109,8 và từ đó có xu hướng tăng dần. Như vậy, đã có sự lựa chọn của cha mẹ, sự can thiệp của tư vấn và kỹ thuật để sinh được con trai.

Ngay từ năm 2003, khi tỉ số giới tính khi sinh còn ở mức bình thường (104 bé trai/100 bé gái), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số, trong đó nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Năm 2016, Chính phủ cũng phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Những thách thức không thể bỏ qua

Dù đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy 5 xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam rất đáng lo ngại.

Một là, xét trên phạm vi cả nước, tỉ số giới tính khi sinh khá cao và vẫn có xu hướng tăng lên. Từ năm 1961, khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, dù nhanh chậm khác nhau nhưng mức sinh luôn luôn giảm. Trong khi đó, mặc dù đã nhiều năm triển khai Pháp lệnh Dân số và Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tỉ số này vẫn không ngừng tăng lên. Nếu năm 1999, tỉ số này mới là 107 thì đến năm 2009 tăng lên 110,5 và 10 năm qua tiếp tục tăng lên đến 111,5. Điều này cho thấy giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh còn khó khăn hơn cả giảm sinh.

Hai là, tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị. Năm 2009, tỉ số giới tính khi sinh khu vực thành thị là 110,6, cao hơn khu vực nông thôn không đáng kể (110,5). Năm nay ngược lại, tỉ số này ở nông thôn là 111,8, còn ở thành thị là 110,8. Rõ ràng, tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn và tăng nhanh hơn thành thị. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi khoảng 2/3 dân số nước ta sống ở nông thôn. Do đó, xu hướng tăng nhanh tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn sẽ quyết định xu hướng biến động tỉ số này của cả nước.

Ba là, tỉ số giới tính khi sinh tăng nhanh nhất ở các tỉnh vùng núi và cao nguyên. Trong 10 năm (2009-2019), tỉ số giới tính khi sinh vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng mạnh nhất, từ 108,5 lên 114,2. Tiếp đó là Tây Nguyên tăng nhanh thứ hai, từ 105,6 lên 108,6. Như vậy, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm sinh được con trai đã lan tỏa nhanh đến những vùng có trình độ phát triển chưa cao.

Bốn là, tỉ số giới tính khi sinh ở 4 vùng tăng lên, chỉ có 2 vùng giảm nhẹ. Ngoài các vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, còn 2 vùng có tỉ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng. Đó là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Trong khi đó, chỉ có 2 vùng tỉ số giới tính khi sinh giảm, đó là: Đồng bằng sông Cửu Long, giảm từ 109,9 xuống 106,9; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm ít hơn, từ 109,7 xuống 109,4.

Năm là, tăng nhanh số tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh rất cao. Năm 2009, chỉ có 9 tỉnh hầu hết tập trung ở Đồng bằng sông Hồng có tỉ số giới tính khi sinh rất cao, từ 115 trở lên. Đến năm 2019, đã có 17 tỉnh có tỉ số này cao như vậy. Đặc biệt là các tỉnh này phân bố ở khắp 6 vùng kinh tế xã hội của nước ta. Chẳng hạn, tỉ số giới tính khi sinh của Sơn La là 121,8; Hà Nam: 125,3; Hà Tĩnh: 115,2; Lâm Đồng 115,8; Bà Rịa – Vũng Tàu: 121,1 và Long An: 119,8. Những tỉnh này có thể trở thành nhân tố thúc đẩy tăng tỉ số giới tính khi sinh của các tỉnh trong vùng.

Những xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh nói trên cho thấy những thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số này xuống “dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống” vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về Công tác dân số trong tình hình mới đề ra.

Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh hôm nay phải vài chục năm sau mới bộc lộ. Vì vậy, nỗ lực ngay từ bây giờ nhằm đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là đảm bảo tương lai cho thế hệ trẻ, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước mai sau. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Những câu chuyện thấm đẫm tình người bên giường cấp cứu

Hàng trăm bác sĩ các bệnh viện Trung ương dốc sức cứu người mẹ trẻ ung thư quyết giữ thai để sinh con. Y bác sĩ chăm sóc đêm ngày khiến cậu bé tỉnh dậy sau 2 năm hôn mê. Bác sĩ hợp lực chăm sóc cô bé 4 tuổi bơ vơ sau vụ tai nạn. Nhân viên y tế “tung quân” tìm cha mẹ cách hàng nghìn cây số cho cô gái trẻ bị tai nạn… Đó là những câu chuyện đầy tình người bên giường bệnh trong năm qua.

Điều trị, mổ bắt thai cho người mẹ trẻ ung thư giai đoạn cuối

Chị Nguyễn Thị Liên (29 tuổi, quê Hà Nam) mang thai đến tháng thứ 4 thì phát hiện bị ung thư vú giai đoạn cuối, vẫn quyết tâm giữ lại thai nhi, chịu đau đớn và suy kiệt dần để bé chào đời an toàn. Chiều 22/5, bé trai Đỗ Bình An mới 31 tuần thai đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ với sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ đầu ngành 3 bệnh viện: K, Việt Đức và Phụ sản Trung ương. Cùng với các bác sĩ Bệnh viện 103, họ là những người đã theo sát thai phụ đặc biệt này ngay từ những ngày đầu chị nhập viện.

Ca mổ hy hữu do sản phụ phải ngồi mổ bởi ung thư vú di căn vào phổi, nếu nằm chị không thể thở được. Sản phụ cũng không thể gây mê vì không biết chị có thể tỉnh lại hay không. 20 ngày chờ đợi để được gặp con là chuỗi ngày chị Liên và bao người thấp thỏm lo âu cho sự sống của chị. Trong gần 3 tuần đó, các bác sĩ Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã sử dụng những phương pháp điều trị tối tân nhất, thay người nhà chăm sóc, điều trị cho chị Liên và bé Bình An.

Điều kỳ diệu đã đến khi ngày 13/6, chị Liên ngồi trên xe lăn, dù chưa nói được nhiều, đã được gặp con lần đầu tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cuộc gặp gỡ chóng vánh trong 30 phút nhưng đẫm nước mắt đã thoả ước nguyện của người mẹ ung thư. Sau cuộc gặp gỡ, tiến triển sức khỏe của cả hai mẹ con đều tốt hơn.

Kỳ tích tiếp theo đã xảy ra khi hai mẹ con đều khỏe mạnh xuất viện. Đến nay, sức khỏe chị Liên dần ăn uống tốt, tăng cân, hạch đã hết, khối u nhỏ đi. Bé Bình An tăng cân đều. PGS.TS Nguyễn Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương – người trực tiếp thực hiện ca mổ lấy thai hi hữu nhận xét: “Đây là một ca kinh điển”.

Bé trai tỉnh dậy mỉm cười sau 2 năm hôn mê.

Bé trai ở Hoà Bình 2 năm nay hoàn toàn hôn mê, sống thực vật do biến chứng viêm não Nhật Bản, đôi mắt vô hồn, phụ thuộc vào máy thở. Hai ngày nay cháu đột nhiên mỉm cười rất tươi…

Cậu bé 14 tuổi, trắng trẻo, gương mặt sáng, không may mắc viêm não Nhật Bản có di chứng nặng nề, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp. BS Hoàng Công Tình, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình – người trực tiếp điều trị cho cháu bé cho biết, trước khi được chuyển về bệnh viện này, cháu đã có 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Sau 6 tháng điều trị cháu vẫn không bỏ được máy thở, gần như rơi vào trạng thái sống thực vật: Liệt tứ chi, mở mắt tự nhiên nhưng vô hồn, thở phụ thuộc vào máy thở nhân tạo. Hơn một năm nay, bệnh nhi này chuyển về với khoa của BS Hoàng Công Tình. Bệnh vẫn không khá lên là bao, đôi mắt vẫn vô hồn và vẫn phụ thuộc vào máy thở.  Dù biết bệnh cháu khó nhưng các bác sĩ vẫn tích cực điều trị. Và gia đình cháu, một gia đình rất nghèo, sống trong vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, vẫn không hết hi vọng.

Thế rồi vào ngày 18/10, trong khi các bác sĩ đi điểm bệnh, cháu bé đã có dấu hiệu nhận biết được xung quanh. Theo hướng dẫn của bác sĩ, trẻ đã làm được các động tác: Nhắm mắt, mở mắt; đưa mắt sang trái, sang phải; há miệng; thè lưỡi. Và một điều ngạc nhiên là khi các bác sĩ bảo cháu bé cười, cháu đã cười rất tươi và nhìn mọi người xung quanh. Lúc đó, có khoảng 10 y bác sĩ khoác áo blouse vây quanh giường bệnh của em bé đặc biệt này.

Nhận được thông tin rất vui này, BS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương – nơi tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nặng từ các tuyến dưới chuyển đến – rất vui và nói lời “cảm ơn” các bác sĩ tuyến tỉnh. Theo BS Tình, từ khi em bé mỉm cười vào ngày “Thứ Sáu kỳ diệu”, đến nay, não em bé đã có những dấu hiệu phục hồi. Nếu cháu bé bỏ được thở máy thì cháu sẽ nói được.

Bác sĩ hợp lực chăm sóc cô bé 4 tuổi bơ vơ sau vụ tai nạn

Sáng 22/10, bé T.H.N (4 tuổi) được cha mẹ chở đi trên một chiếc xe gắn máy, khi đến ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) thì bất ngờ gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chiếc xe container đã tông vào xe máy, bánh trước của xe đã cán qua người cha, mẹ N khiến cả 2 tử vong. Bản thân bé bị kéo lê vài chục mét dẫn đến tổn thương ở 2 phổi, dập phổi, tràn khí màng phổi, gãy xương nhiều nơi như xương đòn, xương sườn, xương vai, xương mu, tụ khí mô mềm vùng lưng, chậu hai bên… Bé được chuyển đến Bệnh viện quận Thủ Đức.

Điều đáng nói là vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt, trong những ngày đầu, bệnh viện không xác định được thân nhân, gia đình em bé nhưng vẫn tích cực cấp cứu, điều trị.

Trong suốt gần 1 tháng, bé N được các nhân viên khoa Cấp cứu, khoa Gây mê hồi sức, đơn vị Hồi sức nhi, khoa Ngoại tổng quát – những nơi mà bé đến điều trị và mổ 2 đợt, thay nhau chăm sóc. Các nhân viên y tế ở đây đặt cho bé một cái tên thân thương “bé con siêu nhân” và thay nhau chăm sóc ngày đêm. Cùng đó, các bác sĩ vận động nguồn lực hỗ trợ cho cô bé đặc biệt này.

Ngày 15/11, Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) cho hay, sau gần 1 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng, bé N đã được các bác sĩ ở đây cho xuất viện. Sức khỏe của bé đã ổn định, nhưng các bác sĩ nói đây mới chỉ là giai đoạn 1, bé N còn phải kiểm tra và trải qua những cuộc phẫu thuật tiếp theo thì sức khỏe mới hồi phục được hoàn toàn. Bệnh viện sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ cùng bé trong thời gian điều trị ở nhà tiếp theo.

Tìm cha mẹ cho cô gái hôn mê thất lạc gia đình 2 năm

Ngày 19/10, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân 22 tuổi, được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, phải thở bằng máy. Bệnh nhân không có người thân đi cùng, được chẩn đoán phù phổi cấp và suy thận.

Trước đó, khi đang đi xe buýt, cô gái trẻ lên cơn khó thở rồi đi vào hôn mê. Bệnh nhân chỉ kịp cung cấp những thông tin cơ bản: Họ tên là Bùi Thị Trang, SN 1997, ở xã Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Kiểm kê tài sản, người bệnh không có giấy tờ tùy thân, chỉ có một chiếc túi màu xám, trong đó vỏn vẹn 37.000 đồng.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ một mặt nỗ lực hết sức để cứu bệnh nhân, một mặt không ngừng tìm kiếm thông tin, tìm người thân cho cô gái. BS Phạm Thị Bích Mận – Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) ngay lập tức kết nối ngay với thị xã Đồng Xoài.

Sau khi nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo thị xã Đồng Xoài, tới 10h ngày 22/10, bệnh viện được thông báo đã tìm được gia đình bệnh nhân Trang. Bố Trang là ông Bùi Văn Kính, năm nay 66 tuổi. Người cha mái tóc bạc trắng, lại bị điếc nên giao tiếp khá khó khăn. Hàng ngày, ông Kính cùng vợ đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được vỏn vẹn khoảng 100.000 đồng. Nhìn thấy ảnh Trang dù với rất nhiều dây rợ, ống, máy thở đang được cấp cứu trong bệnh viện, ông Kính vẫn nhận ra con gái mình. Ông kể, đã 2 năm nay vợ chồng ông đi tìm con nhưng không có tin tức. “Vợ chồng tôi muốn ra ngay Hà Nội để đón con về. Dù con có đang bệnh nặng, cứ về đây, có chết cũng chết trong vòng tay bố mẹ”, ông Kính xúc động nói tiếp.

Gia cảnh nghèo khó, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, đêm 23/10, gia đình Trang đã tới được khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai gặp con gái. Nhìn con gái, bố mẹ Trang không giấu được những giọt nước mắt: “Con ơi! Mẹ đây! Đúng con rồi… Bố mẹ đến đón con về đây. Bố mẹ không muốn mất con một lần nữa”, bà Hảo (mẹ Trang) vừa khóc vừa nói.

Chi phí điều trị cấp cứu gần 34 triệu đồng của Trang được Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ toàn bộ. Người nhà bệnh nhân các giường bệnh bên cạnh, không ai bảo ai cũng đã cùng nhau chia sẻ, bỉm, sữa và đồ dùng để Trang đi tiếp chặng đường dài về Bình Phước. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 27/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 25/11/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/9/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận