Điểm báo ngày 30/8/2019

(CDC Hà Nam)
  Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14: Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế hiệu quả; Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14:Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế hiệu quả

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan tổ chức từ ngày 29/8 – 30/8/2019 tại Siem Reap, Campuchia.

Trước khi vào phiên toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14, Phiên họp kín của các Bộ trưởng Y tế ASEAN được tổ chức với chủ đề “Nỗ lực của ASEAN trong công cuộc chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng”. Tại Phiên họp kín, các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp của quốc gia mình nhằm chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có bài phát biểu nhấn mạnh 03 thách thức lớn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong giai đoạn hiện nay, đó là:

1. Xu hướng toàn cầu hóa thương mại, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, trong đó có thuốc nhưng cũng đồng thời gây ra các nguy cơ và khó khăn trong việc kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa giả, kém chất lượng.

2. Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, trong đó có công nghệ in ấn, sản xuất bao bì thúc đẩy sản xuất phát triển nhưng cũng tạo điều kiện cho các hoạt động làm giả hồ sơ giấy tờ, bao bì, nhãn mác ngày càng tinh vi hơn và khó phát hiện hơn. Rất ít hoặc không có những dấu hiệu để nhận biết, phân biệt thuốc thật – thuốc giả bằng cảm quản và các phương pháp phân tích thông thường.

3. Hoạt động bán thuốc qua mạng internet: cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng mạng internet và các ứng dụng, sự thuật tiện và khả năng tiếp cận của tất cả người dân với qua mạng internet, việc bán thuốc qua mạng internet đang ngày một phổ biến trong khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, công nghệ.

Trước những thách thức nêu trên, trong thời gian qua, Việt nam đã thực hiện đồng thời rất nhiều nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó đáng chú ý là nhóm giải pháp về thể chế và nhóm giải pháp minh bạch hóa hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng.

Việt Nam cho rằng cơ quan quản lý dược của các nước ASEAN cần hợp tác hơn nữa thông qua các hoạt động tăng cường (1) Thiết lập thêm các thỏa thuận công nhận lẫn nhau liên quan đến các nội dung chuyên môn về dược như kỹ thuật trong sản xuất, thiết lập các tiêu chuẩn về dược cũng như triển khai một cách có hiệu quả các thỏa thuận hiện có. (2) Tăng cường chia sẻ các thông tin cấp phép lưu hành sản phẩm dược phẩm; hỗ trợ và tạo thuận lợi để giúp cơ quan quản lý dược nước thành viên khác có thể dễ dàng thẩm tra thông tin về các sản phẩm có xuất xứ từ nước mình; tăng cường tính hiệu quả của hệ thống báo cáo giám sát hậu mại (PMS) hiện nay của ASEAN để cơ quan quản lý dược các nước có thể sớm được tiếp cận được thông tin về thuốc giả, thuốc kém chất lượng và có các can thiệp kịp thời.

Chiều ngày 29/8/2019, Phiên toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 được diễn ra và có chủ đề “Tăng cường Sức khỏe cho mọi người dân ASEAN”.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã có bài phát biểu về chủ đề của Hội nghị. Bộ trưởng nêu rõ Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Bộ trưởng đã chia sẻ một số giải pháp chủ yếu như:

(1) Tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chú trọng tới tăng cường sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng ngừa bệnh tật là trọng tâm của đổi mới. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến y tế cơ sở được mở rộng và cung ứng dựa trên nguyên lý y học gia đình. Nguồn nhân lực y tế cơ sở được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo giám sát năm 2017 về UHC của WHO và WB, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam được đánh giá ở mức 73 điểm trong tổng số 100; trong khi mức điểm trung bình của các nước khu vực Đông nam Châu Á là 59 điểm và điểm trung bình của toàn cầu là 64 điểm.

(2) Để đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản mà không phải chịu gánh nặng về tài chính, ngân sách nhà nước bao phủ 100% dân số thuộc nhóm đối tượng đích cho các dịch vụ dự phòng, trong khi bảo hiểm y tế xã hội bao phủ gần 90% dân số cho các dịch vụ khám chữa bệnh. Chính phủ trợ cấp 100% mệnh giá bảo hiểm y tế cho đối tượng yếu thế và trợ cấp 70% mệnh giá cho người cận nghèo.

(3) Đổi mới cơ chế tài chính y tế. Đây được coi là một chính sách quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu công cho y tế đã tăng đáng kể từ năm 2000. Năm 2016, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam đạt mức 5,9% GDP và 129 USD/đầu người.

(4) Nhận thức được việc tăng thêm ngân sách cho y tế là rất khó khăn, do vậy, ưu tiên của Việt Nam là tận dụng tối đa nguồn lực tài chính sẵn có và tăng hiệu suất sử dụng nguồn tài chính thông qua một số giải pháp như: (i) Củng cố hệ thống cung ứng cung ứng dịch vụ y tế dựa trên nền tảng của chăm sóc sức khỏe ban đầu, chú trọng tới nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; (ii) Rà soát và xác định gói quyền lợi bảo hiểm y tế trên cơ sở lựa chọn các dịch vụ/thuốc có bằng chứng về chi phí-hiệu quả thông qua tiến hành đánh giá công nghệ y tế; (iii) Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế, chuyển từ hình thức thanh toán theo phí dịch vụ sang chi trả theo định suất và theo nhóm chẩn đoán DRG; (iv) giảm giá thuốc thông qua việc thực hiện mua sắm toàn quốc tập trung và đàm phán giá thuốc cũng như thúc đẩy việc sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất.

Bộ trưởng cũng đã chia sẻ những thách thức Việt Nam gặp phải trong quá trình thực hiện đổi mới. Mặc dù chi phí tiền túi từ hộ gia đình đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng vẫn còn cao ở mức khoảng 40%. Các nguồn lực chủ yếu vẫn tập trung hơn vào các dịch vụ chữa bệnh trong khi kinh phí không đủ để chi cho các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng và y tế công cộng. Các nhóm đối tượng yếu thế (đặc biệt là người dân tộc và những người sống ở các tỉnh nghèo, miền núi) có chỉ số về sức khỏe thấp hơn mức trung bình và có khả năng tiếp cận thấp hơn tới các cơ sở y tế có chất lượng tốt. Sự chênh lệch về chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa nông thôn và đô thị vẫn còn tồn tại, gây nên tình trạng vượt tuyến trong khám chữa bệnh. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên với gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số, mong đợi của người dân về chăm sóc sức khỏe tăng lên, cùng với sự phát triển của công nghệ cao và dịch vụ đắt tiền là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tài chính y tế bền vững.

Bộ trưởng đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng, đồng ý tiếp tục duy trì và sử dụng những lợi ích từ việc thực hiện Chương trình Phát triển Y tế ASEAN sau năm 2015 và tiến tới xây dựng các chương trình hành động mới và các ​​dự án cho giai đoạn 2021 – 2025. Các Bộ trưởng cũng cam kết thúc đẩy già hóa lành mạnh và tích cực, đồng thời thừa nhận việc thành lập Trung tâm ASEAN về Tuổi già năng động và sáng tạo (ACAI) sẽ hỗ trợ các chính sách về già hóa tích cực, tăng cường năng lực và hợp tác giữa các quốc gia ASEAN về lĩnh vực này.

Các Bộ trưởng cũng nhắc lại cam kết thúc đẩy các hành động để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; hợp tác và thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mới nổi và tái bùng phát; đồng thời ủng hộ sáng kiến Một ASEAN trong Ứng phó và quản lý thảm họa trong y tế. Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về kháng kháng sinh (AMR); Ủng hộ việc hoàn thiện Kế hoạch hành động  của WHO trong việc chống lại thuốc giả và thuốc kém chất lượng bằng cách tăng cường cơ chế của các cơ quan quản lý Nhà nước; Hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Cam kết tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các quan chức cấp cao và các Nhóm Công tác chuyên môn trong việc tăng cường hợp tác và thực hiện Chương trình Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015, đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của các Đối tác phát triển, các Tổ chức quốc tế, các ngân hàng phát triển và các khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội.

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 cũng đã thông qua nội dung dự thảo Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về An ninh và tự lực vắc xin. Văn kiện này sẽ được đệ trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Thái Lan tháng 11/2019. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16).

 

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh

Theo Bộ Y tế, sau những ngày mưa nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam lúc nắng lúc mưa, những ngày tới thật sự là cao điểm SXH. Đáng lo ngại hơn, dịch SXH hiện nay không còn diễn biến theo chu kỳ mà xuất hiện quanh năm, với những diễn biến khó lường. Vì thế, cần tuyên truyền rõ để người dân tự giác diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt.

Tiếp tục có bệnh nhân tử vong

Báo cáo Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại toàn tỉnh có 2.387 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 15 ca. Đặc biệt, đã có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Chợ Gạo.

Bệnh nhân là H.T.A.T, 14 tuổi, học sinh Trường THCS An Thạnh Thủy, khởi bệnh ngày 16.8 với dấu hiệu sốt, người nhà đã tự mua thuốc về uống. Đến 23h ngày 18.8, bệnh nhân nhức đầu, đau bụng và ói nên gia đình đưa đến phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang khám và nhập viện. Đến 20h ngày 20.8, bệnh nhân tử vong.

Tại các tỉnh miền Trung tình hình sốt xuất huyết có diễn biến cũng phức tạp. Tại tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao thứ 2 của tỉnh với gần 600 trường hợp. Đáng lưu ý là số ca mắc bệnh tăng đến 64 lần so với năm 2018 và số người mắc bệnh lại tăng cao trong những tháng nắng nóng. Tại huyện Tuy An, nhà nào cũng có vài thùng đựng nước, đây là nguyên nhân phát sinh bọ gậy, khiến các ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS TS Huỳnh Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn – làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Ninh Thuận. Tại tỉnh Ninh Thuận, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 21.8.2019, toàn tỉnh đã có 55/65 xã, phường mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, với tổng số ca mắc 968 trường hợp; trong đó có 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh tăng 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2018 (968/147).

Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, theo thống kê, mới hết tháng 8 nhưng có đến 55.705 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Nắng nóng kéo dài nên các gia đình đều trữ nước, nhưng những lu, thùng chứa nước này lại không đậy nắp. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác số 7 (Bộ Y tế) cho thấy, ở nhiều hộ có đến 7 chủng loại dụng cụ chứa nước, gây phát sinh muỗi tại tỉnh Phú Yên. Thậm chí, có xã không thiếu nước nhưng người dân vẫn trữ nước ở các thùng và bọ gậy cứ thế sinh sôi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc trữ nước trong thời điểm khô hạn là điều bắt buộc, nhưng các hộ dân lại không đậy nắp – chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Cán bộ y tế đến xử lý, nhưng sau vài ngày quay trở lại, các lu, dụng cụ chứa nước lại đầy bọ gậy. Với tình hình hiện nay, nếu chỉ riêng ngành Y tế vào cuộc, việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết sẽ gặp khó, nhất là theo dự báo từ đây đến cuối năm bệnh có khả diễn biến phức tạp hơn bởi đây là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết.

Phạt hành chính, cưỡng chế nếu để phát sinh bọ gậy

Riêng tại Hà Nội, hiện toàn thành phố có 2.586 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đơn cử, trên địa bàn huyện Hoài Đức trong tháng 8 ghi nhận 59 ca mắc với 11 ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm đến nay có 128 ca/38 ổ dịch, đứng thứ 9 toàn thành phố. Số mắc tăng 107 ca so với cùng kỳ năm 2018 (20 bệnh nhân).

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn: Hoài Đức là một khu vực trọng điểm, có nhiều ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ 3 khu vực ngoại thành. Bệnh nhân rải đều tại 18/20 xã/thị trấn (chỉ trừ xã Đông La và Đắc Sở chưa ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết). Việc tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy vẫn còn hạn chế. Có 1.081 cộng tác viên phòng chống dịch nhưng vẫn thấp so với lượng dân cư đông đúc trên địa bàn. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay rất phức tạp và có nguy cơ bùng phát tại các xã Sơn Đồng, Đức Giang, Kim Chung nếu không có các biện pháp mạnh hơn nữa trong hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Khi kiểm tra thực tế các hộ gia đình, hộ kinh doanh, nơi tồn đọng phế thải trên địa bàn xã Đức Giang, các dụng cụ chứa nước (chai, lọ hoa, bể cây cảnh, bể nước tại các công trình xây dựng…) xuất hiện ổ bọ gậy, hiện hữu nhiều nguy cơ gây sốt xuất huyết rất lớn. Trả lời về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Chung cũng nhấn mạnh: “Đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành tốt việc phòng chống dịch sốt xuất huyết sẽ kiên quyết xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế những khu vực kinh doanh có dụng cụ liên quan đến việc phát sinh bọ gậy”.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, để phòng chống sốt xuất huyết, các địa phương cần tổ chức nhiều đợt phun hóa chất diện rộng, phun cả trong nhà và khu vực công cộng để giảm nguy cơ bùng phát dịch, phải có người chịu trách nhiệm các khu vực phế thải để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả cao. Duy trì hàng tuần chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tập trung thu gom phế thải phế liệu, những dụng cụ chứa nước không sử dụng đến, đặc biệt là những khu vực buôn bán chai, lọ hay khu vực sửa chữa xe có lốp xe… Đối với bể nước tại các hộ gia đình cần có nắp đậy cẩn thận. Nếu phát hiện có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần xử lý môi trường, phun mù nóng, phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nhà bệnh nhân.

Các xã thống kê số lượng trường học, khu vực công cộng (nghĩa trang, đình chùa, bãi phế thải…) để phân công nhiệm vụ rõ ràng. Yêu cầu đội ngũ y tế phun thuốc diệt muỗi tại các trường học trước khi khai giảng năm học mới. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như ngủ màn, kem xoa ngoài da, hóa chất diệt muỗi… Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các buổi họp dân lồng ghép tuyên truyền các nội dung phòng chống sốt xuất huyết. Tổ chức đào tạo, tập huấn lại cho lực lượng đội xung kích, tổ giám sát. Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. Sốt xuất huyết sẽ tăng nhanh nếu các cấp ngành và người dân không cùng nhau vào cuộc quyết liệt. (Lao động, trang 1).

 

Quảng bá thành tựu của y dược cổ truyền chăm sóc sức khỏe cộng đồng với khu vực

Từ ngày 5 – 6/9/2019, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị với chủ đề “Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

PGS. TS Phạm Vũ Khánh cũng chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và có nền y học cổ truyền lâu đời, phong phú. Y dược cổ truyền Việt Nam bao gồm y học dân gian của các dân tộc Việt Nam và y học cổ truyền trong hệ hàn lâm. Thông qua các hoạt động tại Hội nghị nhằm giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về ứng dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 1.000 huyện và hơn 11.000 xã, phường; tỷ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền  đạt 92,7%; trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đạt 84,8%; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam. Mỗi năm, có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Thực hiện tự chủ: bệnh viện được quyết định mức giá dịch vụ nhưng phải đảm bảo đúng quy định

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: 4 BV thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ là những BV công của nhà nước, không phải là doanh nghiệp. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các BV này là phải khám chữa bệnh BHYT và vẫn phải thực hiện mức giá theo Bộ Y tế quy định, không được thu cao hơn.

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, 4 bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước thuộc Bộ Y tế (gồm BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K và BV Chợ Rẫy) sẽ tự chủ hoàn toàn sau khi Đề án tự chủ được Chính phủ cho phép.

Mục tiêu của Đề án nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện; nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý…

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được người dân rất quan tâm, đó là khi tự chủ thì giá dịch vụ y tế ở những cơ sở này được tính như thế nào và các bệnh viện có quyền được tăng giá “vô tội vạ” hay không?

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định, hoàn toàn không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, kiểm toán nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/10/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận