Điểm báo ngày 22/10/2019

(CDC Hà Nam)
Hà Nội phấn đấu hết tháng 11/2019 khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết; Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ điều tâm đắc và trăn trở nhất trong 8 năm đứng đầu ngành y tế; 11 địa phương chưa thanh toán hơn 518 tỷ đồng kết dư quỹ bảo hiểm y tế; Tử vong vì uống thuốc trị tiểu đường trôi nổi trên thị trường.

Hà Nội phấn đấu hết tháng 11/2019 khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết

Chiều 21-10, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 14 đến 20-10, toàn thành phố ghi nhận thêm 831 ca mắc sốt xuất huyết.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 7.646 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng từ tháng 9 đến nay.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao do chu kỳ của đỉnh dịch thường vào tháng 10 và tháng 11.

Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Mặt khác, huy động cán bộ y tế đáp ứng tối đa cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các ổ dịch có diễn biến kéo dài. Phấn đấu hết tháng 11-2019, thành phố sẽ khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ điều tâm đắc và trăn trở nhất trong 8 năm đứng đầu ngành y tế

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 21-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, “đây có thể là kỳ họp cuối cùng tôi gặp các nhà báo ở Quốc hội”. Bà cũng trả lời câu hỏi về kết quả tâm đắc nhất của mình trong 8 năm làm Bộ trưởng.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, dự kiến vào ngày 25-11-2019, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 8 năm trên cương vị người đứng đầu ngành y tế, bà đã cùng cả ngành tâm huyết, có rất nhiều chính sách đổi mới toàn diện, sáng tạo. Cùng đó, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ rất nhiều về chính sách. Các chính sách hội nhập quốc tế về y tế được vận dụng cụ thể, sáng tạo ở điều kiện Việt Nam.

“Vậy đâu là kết quả Bộ trưởng tâm đắc nhất trong 8 năm giữ cương vị người đứng đầu ngành y tế? – phóng viên hỏi.

“Đó là tăng sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ. Bảo hiểm y tế lo cho cả người nghèo, người khó khăn với chính sách hỗ trợ 100% mệnh giá bảo hiểm cho người nghèo và 70% cho người cận nghèo. Theo đánh giá độc lập của UNDP và đánh giá của tổ chức Sáng kiến Việt Nam thì mức độ hài lòng của người dân với ngành y tế đều trên 80%” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời.

Trước câu hỏi về việc “Là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ nhiệm kỳ này, có khi nào bà cảm thấy áp lực? Còn điều gì bà thấy trăn trở?”, bà Tiến cho biết, mâu thuẫn luôn phát sinh và phát triển trong cuộc sống nên phải giải quyết để phát triển cao hơn. Với riêng ngành y tế thì luôn có mâu thuẫn như vậy, vì người dân luôn mong muốn được phục vụ tốt hơn.

“Cái có thể tốt hơn chính là y tế cơ sở và chăm sóc cho người khỏe, giai đoạn này đang tập trung. Vừa rồi chúng tôi tập trung xây bệnh viện nhiều là để làm giảm bức xúc của người dân.

Thực tế, số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm và lối sống phòng bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thu, cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới y tế toàn dân” – Bộ trưởng Tiến nói và nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là không để lại ai phía sau, người nghèo cũng được chữa bệnh.

Nói thêm về những điều mà mình còn “trăn trở” khi sắp rời cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Những việc phải lo cho dân thì rất nhiều, mà giải quyết mâu thuẫn này lại phát sinh mâu thuẫn khác. Ở cơ sở, nhiều công trình xây dựng chưa xong sớm để phục vụ dân tốt hơn, nếu có công trình đó sớm thì tốt. Ngoài ra, một số vấn đề về dược đang giải quyết, mình cũng bị thị phi”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, nhiều lúc bà thấy áy náy vì luôn tạo áp lực cho cấp dưới, các đơn vị trong ngành phải đổi mới. “Nhưng đến lúc có kết quả thì Giám đốc Sở, Giám đốc Bệnh viện tỉnh, huyện rất hạnh phúc, cứ dẫn mình đi đến các bệnh viện cơ sở khoe đã làm được những gì”- bà Tiến chia sẻ.

Cuối cùng, trước câu hỏi về việc “kỳ vọng người kế nhiệm sẽ giải quyết được những vấn đề nóng nào mà nhiệm kỳ của bà chưa thể làm?”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ai nhận trọng trách cũng sẽ tâm huyết với nhiệm vụ và có lẽ mỗi một nhiệm kỳ phải có một chiến lược công việc riêng. (An ninh thủ đô, trang 4).

 

11 địa phương chưa thanh toán hơn 518 tỷ đồng kết dư quỹ bảo hiểm y tế

Chiều nay, 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đại diện Chính phủ đã trình ra Quốc hội báo cáo xin ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2015.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015, có 38 tỉnh/ thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT tổng số 5.838 tỷ đồng; phần 20% để lại cho địa phương sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật BHYT là 1.167 tỷ đồng.

Theo khoản 3 Điều 35 Luật BHYT, từ 1-1-2015 đến 31-12-2020, BHXH Việt Nam có trách nhiệm hạch toán 80% vào quỹ dự phòng, đồng thời thông báo 20% số kinh phí dành cho khám chữa bệnh chưa sử dụng hết cho địa phương để sử dụng: hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng; mua trang thiết bị y tế…

Bắt đầu từ 1-1-2021 tới đây, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán toàn bộ vào quỹ dự phòng BHYT để điều tiết chung. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn hơn 518 tỷ đồng tạm thời chưa thanh toán của 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Nai, Lai Châu, Lạng Sơn, Long An, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tuyên Quang.

Tờ trình của Chính phủ chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên và trình Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2015 đến hết 30-6-2020, tổng số tiền là 518.389 tỷ đồng.

“Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật BHYT” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện và phê bình nghiêm túc 11 địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT năm 2015 theo quy định của Luật BHYT.

Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo về về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT năm 2015 nêu trên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ trình cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán từ nguồn 20% kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT là vượt quy định về thời hạn nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Tử vong vì uống thuốc trị tiểu đường trôi nổi trên thị trường

Sáng 21/10, ThS.BSCKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thống nhất, TP.HCM cho biết trong tuần qua, đơn vị này tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện nguy kịch và tử vong do uống thuốc trôi nổi chữa bệnh tiểu đường. Cụ thể, nữ bệnh nhân 67 tuổi, ngụ TP.HCM, mắc tiểu đường type 2 hơn 10 năm và uống liên tục thuốc có chữ Trung Quốc trên bao bì. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa, suy hô hấp, suy thận nặng. Sau thời gian lọc máu và điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn chuyển biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Chiều 20/10, gia đình xin đưa bệnh nhân về.

Trước đó, các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân 60 tuổi, ngụ tại TP.HCM, phát hiện mắc tiểu đường type 2 hơn một năm. Bệnh nhân không nhập viện điều trị mà tự mua loại thuốc nén có tên Tiểu đường hoàn để uống. Ngày 16/10, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa, xử lý bù kiềm. Sau 2 ngày, bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh cho biết 2 năm nay, đơn vị này tiếp nhận khoảng trên 10 trường hợp nhập viện nguy kịch do dùng thuốc chữa tiểu đường không rõ nguồn gốc chứ thành phần Phenformin.

Phenformin là một thuốc điều trị tiểu đường nhưng không còn được cấp phép lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam do nguy cơ toan chuyển hóa, gây tử vong. Tuy nhiên, hiện nay, phenformin vẫn được sử dụng để trộn vào các chế phẩm đông y như Tiểu đường hoàn.

“Các loại thuốc đông y trị tiểu đường dạng nén, thuốc tể có xuất xứ Trung Quốc đã bị cấm lưu hành và từng bị xử phạt, không hiểu sao người dân vẫn có thể mua sử dụng. Rõ ràng, cơ quan quản lý còn kiểm soát quá lỏng lẻo. Ở bệnh nhân tiểu đường có bệnh lý nền, các loại thuốc này có thể gây nguy cơ tử vong gấp 100 lần bình thường”, bác sĩ Ngọc Anh nói.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiếp nhận thông tin chính thống, khoa học. Khi có bệnh, nên sử dụng thuốc theo tư vấn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ có thể gây chết người. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/9/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận