Điểm báo ngày 28/10/2019

(CDC Hà Nam)
Thực hư virus lạ gây viêm cơ tim, tử vong nhanh; Thời tiết giao mùa thu – đông: Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh; Thông tin đồn thổi về vi rút lạ gây viêm cơ tim là không chính xác; Cơ sở làm đẹp ‘tay ngang’ tung hoành, chẳng ai quản lý

Thực hư virus lạ gây viêm cơ tim, tử vong nhanh

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin về một số trường hợp bệnh nhân còn trẻ tử vong nhanh sau khi được xác định bị bệnh viêm cơ tim do virus lạ và có khả năng lây lan. Ngày 21/10, bệnh nhân Đ.T.N (43 tuổi, ở Trung Tự, Hà Nội) tử vong vì bị viêm cơ tim. Hai ngày sau nữ đồng nghiệp của chị N cũng đột ngột tử vong sau khi có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao giống bệnh nhân N. Sự việc khiến mọi người trong cơ quan hai nữ bệnh nhân và khu vực xung quanh bất an, lo lắng khi thông tin căn bệnh do virus lạ gây ra được lan truyền trên mạng xã hội.

Tài khoản facebook Bui Ly chia sẻ thông tin: “Tôi xin kể ra chuyện này vì nghĩ nó có liên quan, chồng tôi ngày mồng 2/10 có đi thăm mẹ của 2 bé sinh đôi ở Hưng Yên, người cũng bị coi là bị đột tử trong đêm không rõ nguyên nhân. Đến ngày 7/10 thì chồng tôi có biểu hiện sốt rét và được đưa đi viện ngay sau đó nhưng vẫn không thể cứu chữa. Đến hôm nay, rất nhiều các thông tin đột tử ở Hà Nội khiến tôi hoang mang vô cùng, mọi người đang xôn xao vì sợ bệnh này có khả năng lây nhiễm. Sau khi chồng tôi mất, tôi cũng đã tìm hiểu và được biết bệnh viêm cơ tim có lây qua đường hô hấp mọi người nhé”. Bài viết của chị Bui Ly được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, khiến nhiều phụ huynh bất an vì lo sợ virus lây lan nhanh.

Bệnh viêm cơ tim không lây

Tuy nhiên trao đổi với báo chí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, thông tin đồn thổi virus gây viêm cơ tim là virus mới và lạ là không chính xác, không nên tuyên truyền gây hoang mang dư luận. Theo bác sĩ Cấp, viêm cơ tim là một bệnh lý phức tạp, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ nhỏ cho tới người cao tuổi. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao nếu chuyển thành viêm cơ tim cấp mà không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Cấp cho hay, hầu hết những trường hợp nhiễm virus là lành tính, diễn biến tự khỏi trong một vài ngày. Chỉ một tỷ lệ vô cùng nhỏ tấn công vào tim gây viêm cơ tim. Vì thế, những trường hợp nhiễm virus viêm cơ tim hoàn toàn ngẫu nhiên. “Virus lây qua đường hô hấp nếu là virus cúm, nhưng không làm lây lan viêm cơ tim ra cộng đồng, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm cúm, virus gây viêm cơ tim vô cùng hiếm”, bác sĩ Cấp khẳng định.

Các chuyên gia đều thống nhất nguyên nhân viêm cơ tim hay gặp nhất là do siêu vi bao gồm: Enterovirus, Coxsackie A4; A16; B1-5, thậm chí cả virus sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ gây viêm cơ tim của các virus này cực hiếm. Chiếm 50% trường hợp viêm cơ tim do siêu vi trực tiếp từ mô tim, dịch mũi, họng, phân của bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính.

Người trẻ dễ mắc

Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm cấp tính hay mạn tính ở cơ tim. Bệnh thường kèm theo viêm màng trong tim và viêm màng ngoài tim. Đáng lưu ý, viêm cơ tim hay gặp ở người trẻ tuổi. Triệu chứng viêm cơ tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm cơ tim, không có triệu chứng đặc hiệu. Giai đoạn đầu, triệu chứng lâm sàng thường nhẹ, dễ bỏ qua, giai đoạn sau có thể có suy tim gây tử vong.

Tuy nhiên, nếu bị viêm cơ tim do bệnh viêm nhiễm, thường người bệnh sẽ sốt cao từ 39-41 độ C, mệt mỏi, đau cơ, khớp…, nhịp tim nhanh, mạch yếu, huyết áp hạ, hồi hộp trống ngực, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức, có khi khó thở cả khi nghỉ ngơi… Bệnh tiến triển nhanh – chậm, nặng – nhẹ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ lan tỏa của viêm cơ tim.

Tùy nguyên nhân gây viêm cơ tim mà có hướng điều trị riêng nhưng phải điều trị sớm và điều trị đủ thời gian, không để bị loạn nhịp tim, suy tim thì người bệnh mới sống, cơ tim sẽ hồi phục dần và trở lại bình thường. Vì vậy, cần hiểu biết về bệnh viêm cơ tim và không được mất cảnh giác với những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus thông thường (như cúm) vì viêm cơ tim có tỷ lệ tử vong rất cao.

Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim ở trẻ sơ sinh lên đến 75%. Tiên lượng của trẻ lớn bị bệnh cơ tim giãn do virus cũng không khả quan lắm. Những bệnh nhân này tiếp tục có biểu hiện bệnh cơ tim giãn, xơ hóa và suy giảm chức năng co bóp của cơ tim. Ở người lớn có từ 5 đến 10% trường hợp bệnh tự lui. Tuy nhiên, có đến 50% bệnh nhân tử vong trong vòng 2 năm và 80% tử vong trong vòng 5 năm nếu không được thay tim.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện bạch Mai) cho biết, với nhiễm virus thông thường, khi giảm sốt bệnh nhân sẽ bớt bệnh, tỉnh táo hơn, ăn uống được, sức khỏe dần phục hồi, đi lại được. Nhưng nếu bị viêm cơ tim, dù đã bớt sốt nhưng bệnh nhân sẽ mệt hơn, không chịu ăn, không chịu chơi. Vì thế, việc theo dõi sát dấu hiệu của bệnh nhân là vô cùng quan trọng để kịp thời phát hiện căn bệnh rất hiếm gặp, nhưng diễn biến tối cấp đe dọa tính mạng này (Tiền phong, trang 6).

 

Thời tiết giao mùa thu – đông: Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh

Thời tiết giao mùa thu – đông, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, kèm theo những cơn gió lạnh, khiến cơ thể con người không kịp thích nghi. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Để phòng, chống dịch bệnh lúc giao mùa, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, việc mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe cũng rất quan trọng.

Bệnh chồng thêm… bệnh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những ngày qua, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào,  Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nếu như vào thời điểm tháng 7 và tháng 8-2019, bệnh viện chỉ tiếp nhận rải rác bệnh nhân sốt xuất huyết, thì đến cuối tháng 9 và trong tháng 10, số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi, có lúc lên đến 10-15 ca/ngày. Hiện tại, khoa đang điều trị cho khoảng 25 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào giải thích, hiện là thời điểm giao mùa, đêm và sáng sớm se lạnh, nhưng ban ngày vẫn nắng ấm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và gây bệnh.

Cùng với sốt xuất huyết, số bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng gia tăng. Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 20 bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào lưu ý, thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành rất rộng, nên những người có sẵn bệnh nền cần đề phòng nguy cơ bệnh chồng thêm bệnh. “Có những trường hợp người cao tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, như: Sốt cao, đau nhức người, buồn nôn…, lại nghĩ do bệnh cũ tái phát, chủ quan không đi khám. Đến khi bệnh nhân xuất hiện những cảnh báo nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết (xuất huyết dưới da, mẩn đỏ toàn thân, chảy máu mũi, chảy máu chân răng), thì mới đến bệnh viện kiểm tra”, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào nói.

Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, từ đầu tháng 10-2019 đến nay, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng của bệnh viện, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Thậm chí, có gia đình cả 5 người cùng mắc sốt xuất huyết. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, số ca mắc sốt xuất huyết tuy chưa bằng năm 2017, song cũng là điều đáng báo động. Các bệnh nhân nhập viện có nhiều mức độ khác nhau, như không có dấu hiệu cảnh báo, có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. “Với trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, thì cần nhập viện điều trị và theo dõi để xử lý kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Kim Thư lưu ý.

Thời tiết giao mùa như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các bệnh về hô hấp. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong đó có từ 30% đến 40% mắc các bệnh về hô hấp. Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, hiện nay, nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Khi sự biến đổi nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Bên cạnh đó, các vi rút gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền nhanh hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm và đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến.

Giao mùa cũng là thời điểm bệnh nhân mắc các bệnh về tai mũi họng tăng lên, nhất là bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám khoảng 1.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc các bệnh viêm mũi, xoang chiếm khoảng 30%…

Tự trang bị kiến thức phòng bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, nhất là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa thu – đông. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào, kể cả bệnh cúm thường – căn bệnh rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Để tránh lây nhiễm chéo, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, khám sàng lọc phân loại, tổ chức phân tuyến điều trị. Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra ở thời điểm này để chủ động phòng ngừa…

Với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo, việc phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Đối với phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính bị sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi, điều trị. Còn với những trường hợp sốt xuất huyết trên những người khỏe mạnh, có thể theo dõi bệnh tại nhà, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và uống bù nước đầy đủ. Người bệnh sốt xuất huyết chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt với liều từ 10mg đến 15mg/kg cân nặng và không quá 60mg/kg cân nặng trong một ngày (Hà Nội mới, trang 5). 

 

Thông tin đồn thổi về vi rút lạ gây viêm cơ tim là không chính xác

Trong hai ngày 26 và 27-10, trên mạng xã hội (facebook, zalo) lan truyền thông tin về 2 phụ nữ là đồng nghiệp ở khu vực phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong do vi rút lạ gây viêm cơ tim. Thậm chí, nhiều thông tin lan truyền, cảnh báo người dân nên tránh xa khu vực phố Chùa Bộc, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vì lo sợ vi rút lạ còn tồn tại sau khi 2 trường hợp trên tử vong.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, thời điểm này, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân nữ (sinh năm 1976) nhập viện khoảng 17h15 ngày 19-10 với lý do sốt 4 ngày liên tục. Kết quả các xét nghiệm của bệnh nhân đều âm tính với sốt xuất huyết và cúm. Tối cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện cảm giác mệt, huyết áp và men tim tăng cao so với bình thường.

Sau đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) vào 2h ngày 20-10. Tại đây, dù được điều trị tích cực, nhưng đến 6h ngày 21-10, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim cấp.

Chiều 27-10, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trung tâm đã nhận được thông tin trên và đang tiến hành điều tra, xác minh. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân dẫn đến cái chết của các bệnh nhân là do viêm cơ tim, thì đây không phải là bệnh truyền nhiễm và không thể gây dịch.

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trước thông tin đồn thổi nêu trên, cơ quan này đang phối hợp với các bệnh viện lấy mẫu để điều tra dịch tễ. “Tuy nhiên, vi rút gây viêm cơ tim mà tạo thành dịch, thì tôi chưa nghe thấy bao giờ”, GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc người bệnh bị sốt cao, sốt rét và được đưa vào viện cấp cứu rồi qua đời hoàn toàn có thể xảy ra, không chỉ riêng với người mắc viêm cơ tim. Tuy nhiên, chỉ có thông tin như vậy mà đồn thổi do một loại virus lạ, virus viêm cơ tim là hoàn toàn sai lầm.

Bệnh viêm cơ tim có thể do nhiều nguyên nhân, như: Do thuốc, ngộ độc, nhiễm trùng, virus….Bệnh có tính chất cá thể, nhỏ lẻ, không được mô tả là lây lan, thành dịch. Để chẩn đoán bệnh viêm cơ tim, đòi hỏi phải thăm khám, xét nghiệm chuyên khoa.

Vì vậy, một vài trường hợp nhỏ lẻ như đồn thổi không có ý nghĩa hay giá trị về mặt dịch tễ. Đến thời điểm này, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào về mặt dịch tễ đối với bệnh viêm cơ tim.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) khẳng định, thông tin đồn thổi về vi rút lạ gây viêm cơ tim là không chính xác. Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim như: Vi rút; vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, bạch hầu…); nấm (candida, aspergillus…); ký sinh trùng (toxoplasma, trypanosoma cruzi…) tấn công cơ tim gây viêm các tế bào cơ tim. Ngoài ra, viêm cơ tim cũng có thể do các loại thuốc, hay một số loại bệnh tự miễn…

Riêng với loại vi rút có thể gây ra viêm cơ tim, đó có thể là các vi rút gây bệnh thông thường như vi rút cúm, vi rút sốt xuất huyết… Song, tỷ lệ gây viêm cơ tim của các vi rút này cực hiếm. Có người mắc sốt xuất huyết cũng có viêm cơ tim ở mức độ nhẹ, nhịp chậm, nhẹ rồi bình phục. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên tin vào những lời đồn thổi không có cơ sở (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cơ sở làm đẹp ‘tay ngang’ tung hoành, chẳng ai quản lý

Cách đây vài ngày, Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi bị phù gai thị, mất hoàn toàn thị lực mắt phải sau tiêm filler (chất làm đầy) tại một spa ở tỉnh Yên Bái. Đây chỉ là một trong bốn ca mất thị lực sau tiêm filler mà Bệnh viện Mắt T.Ư tiếp nhận gần đây, nhưng điều này cho thấy những hiểm nguy gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng với chị em có nhu cầu làm đẹp.

Mù mắt vì tiêm chất làm đầy nâng mũi

Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh – trưởng khoa chấn thương Bệnh viện Mắt T.Ư, người đã tiếp nhận điều trị ban đầu cho bệnh nhân – cho biết ông bị sốc vì thấy rất thương cháu bé.

“Bệnh nhân được tiêm chất làm đầy spa của bạn vào lúc 18h ngày 21-10. Sau 30 phút, cháu bé thấy chóng mặt, buồn nôn, sau 4 giờ xuất hiện ban tím vùng trán, mũi kèm theo đau nhức, đến 24h cùng ngày mất thị lực hoàn toàn ở mắt phải và đau đầu nhiều.

Chúng tôi đã tiếp nhận bốn ca như vậy nhưng cháu bé này là nhỏ tuổi nhất. Việc điều trị bằng cách tiêm tan (làm tan chất làm đầy đã tiêm) có hiệu quả trong 4 giờ đầu, nhưng để muộn thì hiệu quả thấp hơn, thậm chí là không có hiệu quả. Chúng tôi đã chuyển cháu sang Bệnh viện Da liễu T.Ư để điều trị tiếp” – bác sĩ Quốc Anh nói.

Theo bác sĩ Quốc Anh, một điểm chung mà ông thấy ở cả bốn bệnh nhân là đều bị mất thị lực ở mắt phải, có thể do tay phải là tay thuận của người tiêm nên khi tiêm bị lệch về phía đó.

Quản lý kiểu “thả gà ra đuổi”

Sau khi biến chứng xảy ra với bệnh nhân 13 tuổi, cơ quan chức năng ở Nghĩa Lộ, Yên Bái mới kiểm tra thẩm mỹ viện nơi tiêm chất làm đầy cho cháu bé. Nhưng đây không phải là vụ việc “thả gà ra đuổi” đầu tiên sau các ca biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngay tại Hà Nội, trong tháng 10-2019 liên tiếp có bệnh nhân bị tai biến thuốc gây tê và tai biến sau hút mỡ bụng (ca tai biến hút mỡ bụng tại một cơ sở ở Kim Ngưu). Cơ sở này cũng hoàn toàn không phép, và các bệnh nhân đều được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.

Cùng lúc, khách hàng đến nhấn mí tại cơ sở làm đẹp của chị V.T. ở TP.HCM, theo khách hàng bị tai biến thì chính chị V.T. đã nhấn mí cho mình, hậu quả là mũi khâu chằng chịt, chị không thể nhắm mắt được trong khi chi phí tới tận 48 triệu đồng.

Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội có trên 70 cơ sở làm đẹp được ngành y tế cấp phép, số còn lại là các cơ sở chăm sóc da, làm đẹp không xâm lấn (như phun lông mày) thì UBND TP Hà Nội đã giao các UBND quận huyện, nơi cơ sở đó đặt trụ sở, quản lý.

Các cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ gây chảy máu như nhấn mí, làm lúm đồng tiền, xăm môi, xăm lông mày…, nhưng thực tế nhiều cơ sở trong số này có làm dịch vụ gây chảy máu, thậm chí cả hút mỡ bụng như cơ sở ở Kim Ngưu vừa qua.

“Các chị em có nhu cầu làm đẹp có thể vào website của Sở Y tế, ở đó chúng tôi có cập nhật danh sách các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép. Hãy kiểm tra kỹ theo danh sách, và khi đến làm đẹp, chị em có thể xem biển hiệu của cơ sở, xem có tên bác sĩ, giờ làm việc, số giấy phép của Sở Y tế cấp” – ông Cường nói.

Vấn đề đáng nói hơn cả là nhóm thẩm mỹ viện vốn chỉ được phép chăm sóc da, massage hay phun lông mày nhưng… làm đủ thứ. Khi đến một cơ sở làm đẹp ở Vạn Phúc, chúng tôi thấy kỹ thuật viên chỉ được đào tạo ngành cắt tóc lại tiêm… botox cho khách, ở cơ sở này cũng có thể tiêm chất làm đầy. Chẳng ai quản lý!

Ngành y tế thì nói “thành phố đã giao địa phương”, địa phương lại nghĩ đó là do ngành y tế quản. Chỉ khi nào tai biến xảy ra mới đi kiểm tra thì lúc này đã có người bị ảnh hưởng thân thể, sức khỏe (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận