Bộ Y tế khẳng định không ghi nhận chủng virus “mới, lạ” gây viêm cơ tim
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, qua hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam và qua xác minh thông tin, Cục Y tế dự phòng khẳng định không ghi nhận chủng vi rút “mới, lạ” gây viêm cơ tim như đồn thổi của một số trang mạng xã hội.
Theo Cục Y tế dự phòng, thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội có lan truyền thông tin về vi rút “mới, lạ” gây viêm cơ tim và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Qua xác minh thông tin và qua hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Cục Y tế dự phòng khẳng định không ghi nhận chủng vi rút “mới, lạ” gây viêm cơ tim như đồn thổi của một số trang mạng xã hội.
Theo Cục Y tế dự phòng, viêm cơ tim (Myocarditis) là một biến chứng của bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hoá gây ra như: nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hoá, dị ứng… gây ra. Trong nhóm tác nhân nhiễm trùng thì viêm cơ tim có thể là biến chứng của nhiều bệnh do vi rút, vi khuẩn thông thường gây nên như vi rút cúm, Coxsackie, EV71, vi rút sốt xuất huyết Dengue, Adeno, Herpes, sởi, rubella, vi khuẩn thương hàn, bạch hầu…
Như vậy bệnh viêm cơ tim chỉ là hậu quả của một bệnh nhiễm trùng khác gây nên chứ không có một loại vi rút riêng biệt nào là vi rút viêm cơ tim.
Biểu hiện bệnh viêm cơ tim diễn biến cũng hết sức đa dạng. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ rối loạn chức năng tim, nếu viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu, có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đau ngực nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức.
Khoảng 30% số bệnh nhân sau đó phát triển bệnh cơ tim giãn. Sốc tim có thể xảy ra trong các trường hợp viêm cơ tim tối cấp nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Không có sự khác biệt về chủng tộc, giới tính. Các nhóm dễ mắc bệnh bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch và trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh). Bệnh ít gặp, các trường hợp mắc bệnh thường tản phát, riêng lẻ.
Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Khi có những triệu chứng như đau ngực và khó thở, có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm vi rút, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. (Công an nhân dân, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 4; An ninh thủ đô, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Nhân dân, trang 5; Khoa học & Đời sống, trang 1).
Môi trường làm việc của cán bộ y tế Việt Nam thuộc diện áp lực và rủi ro nhất
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta hiện nay thuộc diện áp lực nhất và cũng đầy rủi ro rình rập…
Sáng nay, 29-10, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tổ chức Hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” với chủ đề “An toàn vệ sinh lao động – phòng chống bạo hành tại các cơ sở y tế”.
Chia sẻ tại đây, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta hiện nay thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý, stress…
Trong đó, các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp. Theo thống kê sơ bộ của Công đoàn Y tế Việt Nam ở một số tỉnh và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đã có gần 2.000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo.
“Không ít y, bác sĩ đang khám chữa bệnh cho người bệnh nhưng bản thân họ cũng chính là một bệnh nhân đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo” – TS Phạm Thanh Bình chia sẻ.
Đặc biệt, ngoài nguy cơ bệnh nghề nghiệp, cán nhân viên y tế ngày nay cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành rất cao. Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh, tình trạng bạo hành với cán bộ y tế trong khi làm nhiệm vụ đang có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ.
Đó là chưa kể những vụ bạo hành về tinh thần, mà hậu quả để lại tuy vô hình song lại có tác động không nhỏ, gây tâm lý bất an, thậm chí hoang mang, đối với cán bộ, nhân viên y tế.
Làm rõ hơn thực trạng này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, theo nghiên cứu, nhân viên y tế bị bạo hành gấp 4 lần so với ngành nghề khác.
Chỉ từ năm 2010 đến tháng 5-2017, có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện trong đó năm 2014 có tới 7 vụ điển hình. Trong khi đó, các quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa mang tính răn đe cao.
Cũng tại hội thảo này, ông Ngọ Duy Hiểu – đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng, y tế là một ngành nghề quá vất vả, lao động cật lực, nguy cơ rủi roi cao và đời sống rất khó khăn, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Sự hy sinh thầm lặng của họ cần được trân trọng, chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ.
“Hãy cùng nhau hành động “bảo vệ Blouse trắng”, để cán bộ, nhân viên y tế yên tâm làm tốt công việc của mình, bảo vệ sức khỏe của người dân được tốt hơn” – ông Ngọ Duy Hiểu kêu gọi.
Được biết, tới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm gia, giám sát và đưa ra phương án phòng bạo hành cho cán bộ y tế vào tiêu chí chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh. Công đoàn cũng sẽ trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên công đoàn trong ngành y tế để kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền. (An ninh thủ đô, trang 8; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 21 đến 27-10), trên địa bàn thành phố ghi nhận 770 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 61 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8.416 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có trường hợp tử vong. Hiện, 95,5% ca mắc sốt xuất huyết đã khỏi và được xuất viện.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu chững lại, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã giảm hơn so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã không được chủ quan mà phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).