Điểm báo ngày 02/8/2022

(CDC Hà Nam)
Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh, ca COVID-19 tăng: Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch; 7 tỉnh, thành nào tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi rất chậm?

 

Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh, ca COVID-19 tăng: Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch

Cục Y tế dự phòng cho biết WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế vừa gửi văn bản đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.

Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.

Để tiếp tục chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương chỉ đạo, triển khai các các nội dung như:

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bùng phát trở lại.

Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong;

Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát tại địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen để xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Đồng thời tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đã đề ra; nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; chỉ đạo thực hiện rà soát kế hoạch tiêm 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm vaccine 2023.

Về phía các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, địa phương trong giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bảo đảm chất lượng và an toàn sinh học để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong;

Tiếp tục tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và hoàn thành sớm nhất các mục tiêu, tiến độ đề ra.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur phối hợp với các đơn vị để thu thập mẫu bệnh phẩm, thực hiện giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; thường xuyên thực hiện đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

7 tỉnh, thành nào tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi rất chậm?

Đến tối 31/7, chỉ còn 31 ngày để hoàn thành tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi nhưng nhiều tỉnh vẫn tiêm mũi 2 cho trẻ rất chậm chỉ dưới 19%, trong khi biến thể mới BA.4, BA.5, BA.2.12.1 xâm nhập đang khiến ca COVID-19 tuần qua ở nước ta tăng hơn 40%.
Bộ Y tế tối ngày 31/7 đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 nước ta. Theo đó trong ngày 30/7 có 358.429 liều vaccine COVID-19 được tiêm trên cả nước (giảm khoảng gần 300 nghìn liều so với ngày trước đó) nâng tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 245.757.127 liều.

Về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi tính đến chiều cùng ngày tổng số mũi tiêm trên cả nước là: 12.214.230 liều – tăng khoảng trên 76 nghìn liều so với ngày trước đó.

Trong đó kết quả tiêm mũi 1: 7.935.115 trẻ (đạt tỷ lệ 69,4%); tăng 0,2% so với ngày truớc đó; 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp là dưới 52% là: Hà Nội (51,1%); Hà Tĩnh (47,7%); Đà Nẵng (35,2%); Quảng Nam (39,1%); TP Hồ Chí Minh (43,8%).

– Mũi 2: 4.279.115 trẻ (đạt tỷ lệ 37,4%); tăng 0,4% so với ngày trước đó; 5 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp dưới 19% là: Hà Nội (17,8%); Đà Nẵng (14,7%); Quảng Nam (12,2%); Khánh Hòa (17,3%); Đắc Lắc (19,0%).

3 tỉnh tiêm cao cho trẻ trong độ tuổi này là: Ninh Thuận (72,7%); Sóc Trăng (76,0%); Bạc Liêu (72,5%).

Đối với kết quả tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Kết quả tiêm mũi 3 đến chiều cùng ngày là: Tổng số có 47.970.180 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 72,1%) tăng 0,1% so với ngày trước đó, trong ngày có 22 tỉnh triển khai với 30.259 người được tiêm:

Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp là: Hải Phòng (54,0%);Quảng Nam (49,7%); Bình Thuận (50,2%); Đồng Nai (46,2%); Cần Thơ (52,5%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao là: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Kết quả tiêm mũi 4 là: Tổng số có 9.523.628 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 51,0%) tăng 0,8%, trong ngày có 26 tỉnh triển khai với 109.348 người được tiêm.

Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Bắc Cạn (25,7%); Nghệ An (26,0%); Quảng Trị (21,7%); Phú Yên (20,3%); Đắc Lắc (24,1%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Quảng Ninh (96,8%); BR-VT (97,5%); Kiên Giang (97,8%).

Đối với kết quả tiêm vaccine COVID-19 của nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 2.976.455 trẻ (34,0%) tăng 0,4%.

4 địa phương tiêm mũi 3 thấp: Hà Tĩnh (11,3%); Điện Biên (7,7%); Đà Nẵng (12,7%); Phú Yên (9,3%); Bà Rịa – Vũng Tàu (10,9%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (78,0%); Trà Vinh (76,8%); Vĩnh Long (67,0%).

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc bệnh COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron như BA.04, BA.05, BA.2.12.1… có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.

Việc tiêm vaccine COVID-19 hiện tại vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh; Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Y tế vẫn còn có một số địa phương có tiến độ tiêm chủng vaccine cho các nhóm đối tượng còn chậm, vaccine được phân bổ nhưng chưa sử dụng còn nhiều.

Do đó Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Quan tâm và chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi vaccine COVID-19 an toàn cho các nhóm đối tượng để cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch…), tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho các đối tượng có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vaccine được phân bố.

Bộ nêu rõ các địa phương chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vaccine quá hạn phải hủy bỏ trong khi vẫn còn đối tượng có chỉ định nhưng chưa được tiêm chủng hoặc không nhận vaccine để xảy ra dịch trên địa bàn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

Sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng nào?

Tiêm vaccine đậu mùa có thể có tác dụng bảo vệ với bệnh đậu mùa khỉ. Sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Có cần tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm này?
Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người do Bộ Y tế ban hành việc sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

BSCK II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết những người được tiêm vaccine đậu mùa được bảo vệ ít nhất 85% với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thế giới đã loại trừ vĩnh viễn bệnh đậu mùa từ cuối những năm 70 và đầu năm 80, vì thế hiện nay rất ít nước còn dự trữ vaccine đậu mùa.

Dây chuyền sản xuất đã đóng cửa từ lâu, chỉ một số nước tái khởi động lại các dây chuyền này. Hiện chưa có chỉ định tiêm vaccine rộng rãi với bệnh đậu mùa khỉ với tất cả mọi người dân.

Cũng về vấn đề này đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thống nhất chỉ tiêm cho đối tượng nguy cơ cao như người làm ở phòng xét nghiệm, tiêm sớm với những người gọi là F1- tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân để ngăn ngừa diễn tiến của bệnh. Nếu phát bệnh thì diễn biến bệnh nhẹ đi nhiều so với người chưa tiêm.

Phân loại tình trạng bệnh đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong

Bệnh được chia thành 3 thể:

Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.

Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.

Một số có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).

Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người khi người có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh.

Việc lây truyền bệnh từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ

Theo đó, tại y tế xã/phường, quận/huyện sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

Tuyến tỉnh, trung ương sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:

Giảm thị lực.
Giảm ý thức, hôn mê, co giật.
Suy hô hấp.
Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.
Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14)

3 khuyến nghị mới của WHO về tiếp cận, điều trị viêm gan C

Hướng dẫn cập nhật mới của WHO về nhiễm viêm gan C (HCV) đã được công bố với các khuyến nghị đơn giản hóa triệt để lộ trình chăm sóc để vượt qua các rào cản trong việc tiếp cận xét nghiệm và điều trị HCV.
Chiến lược y tế toàn cầu mới của WHO đặt ra các hành động và mục tiêu nhằm loại bỏ bệnh viêm gan virus vào năm 2030, bằng cách giảm 90% các ca nhiễm mới và giảm 65% số tử vong do viêm gan virus.

Để thực hiện được điều này, cần khẩn trương đơn giản hóa việc chăm sóc bệnh viêm gan, đồng thời sử dụng các phương pháp chẩn đoán tiên tiến, giúp cho nhiều người có nhu cầu được chăm sóc hơn.

TS. Meg Doherty, Giám đốc Chương trình Toàn cầu về HIV, viêm gan và STI của WHO cho biết: Viêm gan là một trong những căn bệnh nguy hiểm, nhưng nó cũng là một trong những bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được, với các dịch vụ có thể được cung cấp dễ dàng và rẻ ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Các nguyên tắc cập nhật này là một bước đi đúng hướng và việc áp dụng các khuyến nghị này có khả năng mở rộng đáng kể tiếp cận xét nghiệm và điều trị ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

3 khuyến nghị chính về tiếp cận, điều trị viêm gan C bao gồm:
– Đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ: WHO khuyến nghị chuyển sang cung cấp xét nghiệm và điều trị ở cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, tại các điểm giảm tác hại và trong nhà tù. Việc chăm sóc do các bác sĩ đa khoa và y tá thay vì các bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

– Chẩn đoán viêm gan đơn giản và hiệu quả hơn: Việc sử dụng xét nghiệm HCV ribonucleic (RNA) tại điểm chăm sóc (POC) hiện được khuyến nghị như một phương pháp bổ sung, cùng với các xét nghiệm RNA trong phòng thí nghiệm để chẩn đoán nhiễm trùng.

Điều này đặc biệt áp dụng cho các nhóm dân số yếu thế, chẳng hạn như những người tiêm chích ma túy, các cộng đồng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế và tỷ lệ mất dấu cao trong quá trình theo dõi.

– Điều trị viêm gan đơn giản và hài hòa cho trẻ em và thanh thiếu niên: Điều trị hiện nay được khuyến cáo lần đầu tiên cho tất cả thanh thiếu niên và trẻ em dưới 3 tuổi. Những hướng dẫn này phù hợp với thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp được khuyến nghị hiện có:

Phác đồ cho người lớn: DAA (sofosbuvir / daclatasvir -SOF / DCV),
Phác đồ sử dụng cho thanh thiếu niên và trẻ em: SOF/VEL (Sofosbuvir / velpatasvir) và G/P (glecaprevir / pibrentasvir).
Điều này sẽ giúp đơn giản hóa việc mua sắm, thúc đẩy khả năng tiếp cận điều trị của trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC), đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ căn bệnh này.

Hướng dẫn năm 2022 cũng bao gồm các cập nhật khác như: Sử dụng các vết máu khô để xét nghiệm huyết thanh HCV và xét nghiệm tải lượng virus RNA; dữ liệu để thông báo giới hạn phát hiện cho các xét nghiệm tải lượng virus HCV RNA như một xét nghiệm chữa khỏi bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 10)

 

Sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong đại dịch COVID-19

Từ ngày 1-7/8 hàng năm là Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia tổ chức nhằm tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế vừa ký văn bản gửi các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện sản, nhi, bệnh viện đa khoa có khoa sản, khoa Nhi trực thuộc Bộ Y tế về triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ 2022.

Tuần lễ năm nay có chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ – đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ”, tập trung đẩy mạnh tính bền vững và liên tục của việc nuôi con bằng sữa mẹ nhằm bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.\

Hưởng ứng tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2022, Bộ Y tế đề nghị các sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động thúc đẩy nuôi con bằng sửa mẹ. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc đơn vị tương đương phối hợp với các đơn vị liên quan của Sở Y tế triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ tại địa phương.

Truyền thông cho các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm hiện nay. Sữa mẹ không những đảm bảo sức khỏe lâu dài cho bà mẹ, trẻ em mà còn giúp nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong đại dịch COVID-19.

Để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, cần lồng ghép thông tin cho phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ trong công tác chăm sóc trước, trong và sau khi sinh về các qui định phòng chống dịch bệnh cũng như lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng.

Phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể liên quan truyền thông cho người sử dụng lao động (các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các công ty…) về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ để hỗ trợ thiết thực cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản.

Thực hiện tập huấn tăng cường năng lực của các bên liên quan trong việc xây dưng môi trường thân thiện để bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ.

Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo bệnh viện đa khoa các tuyến, bệnh viện chuyên khoa phụ sản, nhi, sản-nhi của địa phương tuân thủ Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo; thực hiện Thông tư số 38/2016/TT-BYT ngày 31/10/2016 qui định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các bệnh viện chuyên khoa phụ sản, nhi, bệnh viện đa khoa có khoa sản, khoa nhi trực thuộc Bộ Y tế duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14)

 

Khẩn cấp đề phòng bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo động mức cao nhất về căn bệnh đậu mùa khỉ, hiện đã lây nhiễm cho gần 16.000 người ở 75 quốc gia trên thế giới. Đồng thời WHO khuyến cáo những vấn đề liên quan đến việc tiêm vaccine phòng ngừa căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus có cùng “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra, đó là virus thuộc chi Orthopoxvirus. Trước đây, trong y văn ghi nhận các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn, ga, gối, đệm, vải trải giường, quần áo, khăn mặt,…) của người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Y văn cũng chưa ghi nhận việc bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không. Tuy nhiên, theo thông tin từ WHO, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và người song tính. Tuy vậy, vấn đề này còn phải được nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra kết luận chắc chắn có tính thuyết phục cao nhằm giúp phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ tốt hơn.

Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh) hoặc do tiếp xúc với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ qua các dụng cụ đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày (chăn, ga, gối, đệm, vải trải giường, quần áo, khăn mặt,…) hoặc do sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao.

Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh đậu mùa khỉ cũng là những nguyên nhân có thể dẫn đến mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh.

Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể kết luận được việc căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không.

Cần phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với triệu chứng của nhiều bệnh khác

Nếu một người không may mắc bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh và phát hiện triệu chứng thông thường từ 5 đến 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Tuy vậy, có một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.
Thời kỳ toàn phát, các triệu chứng bao gồm sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng, các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.
Sau khi có biểu hiện sốt, từ 1 đến 3 ngày người bị bệnh có thể bị phát ban (cần phân biệt phát ban do đậu mùa khỉ và phát ban trong một số bệnh khác như thủy đậu, bệnh tay chân miệng, dị ứng da, sởi…).
Các nốt phát ban có thể xuất hiện ở trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt), lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%), miệng, mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc), cơ quan sinh dục ngoài…
Các nốt phan ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ, sau đó khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.
Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt. Một số các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, biến chứng, khả năng tử vong cao như người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém,….
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymerrase Chain Reaction) xác nhận sự có mặt của DNA variola trong bọng nước hoặc mụn mủ. Hoặc xác định virus bằng kính hiển vi điện tử hoặc nuôi cấy tế bào rồi xác định bằng PCR.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ

Tuy nước ta chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng cần cách giác. Khi nghi ngờ bị bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám bệnh và cách ly.

Cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.

Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người lành. Các cơ quan y tế cần theo dõi chặt chẽ và giám sát biên giới nơi có giao thương với các nước, đồng thời truy vết và cách ly ngay tức khắc khi nghi có bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ

Khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu có dấu hiệu phức tạp, WHO đã ban hành hướng dẫn về chủng ngừa để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14/6/2022, nêu rõ 5 điểm cụ thể: không cần tiêm phòng hàng loạt (có nghĩa là không cần tiêm đại trà) tại thời điểm này.

Đối với các trường hợp tiếp xúc: nên dự phòng sau phơi nhiễm bằng vaccine thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 thích hợp, lý tưởng là 4 ngày sau ngày tiếp xúc.

Dự phòng phơi nhiễm cũng được khuyến nghị cho các nhân viên y tế có nguy cơ, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus orthopoxvirus (virus đậu mùa khỉ), nhân viên làm công tác xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ và những người khác có thể gặp rủi ro theo chính sách từng quốc gia; các chương trình tiêm chủng phải đi kèm với giám sát dịch tễ…, và quyết định sử dụng vaccine cần dựa trên đánh giá đầy đủ về rủi ro và lợi ích trong từng trường hợp cụ thể. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 5)

 

Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức các hoạt động trong dịp lễ Vu lan

Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 286/BTG-NV2 về việc tổ chức hoạt động trong dịp lễ Vu lan PL.2566-DL.2022.

Theo truyền thống, lễ Vu lan diễn ra ngày Rằm tháng bảy hằng năm, năm nay tính theo dương lịch, ngày lễ Vu lan 2022 diễn ra thứ sáu ngày 12-8-2022. Lễ Vu lan mang ý nghĩa truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc, với nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng dân tộc, anh linh anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022); các hoạt động nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo (2/8/1955 – 2/8/2022)…

Để hướng dẫn hoạt động Phật sự trong dịp lễ Vu lan báo hiếu PL.2566-DL.2022, ngày 28-7-2022, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Thông bạch số 317/TB-HĐTS hướng dẫn các ban, viện Trung ương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố và tăng ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử có những hoạt động cụ thể trong dịp lễ Vu lan. Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố, Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị có liên quan tại địa phương thực hiện một số nội dung sau:

Chủ động thông tin, trao đổi, làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện, thị xã để thống nhất về cách thức, phương pháp tổ chức các hoạt động nhân mùa Vu lan PL.2566- DL.2022 phù hợp với truyền thống Phật giáo, bảo đảm tuân thủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố, hướng dẫn của Bộ Y tế, Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.

Đồng thời, chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các tăng, ni, chức sắc, chức việc tôn giáo đang hoạt động, sinh hoạt trên địa bàn trong công tác tổ chức hoạt động lễ Vu lan, có hình thức ghi nhận và hỗ trợ các hoạt động từ thiện nhân đạo do chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tu sĩ Phật giáo thực hiện để chung tay giúp đỡ các gia đình khó khăn, trường hợp neo đơn, cơ nhỡ, mồ côi… trong cộng đồng và địa phương; chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức các hoạt động trong dịp lễ Vu lan năm 2022.

Chủ động phối hợp với các ngành chức năng của thành phố hướng dẫn các hoạt động tổ chức lễ Vu lan báo hiếu PL.2566-DL.2022 tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt các hoạt động tổ chức ngoài cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn chức sắc, tăng ni Phật giáo tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Văn minh, tiết kiệm trong hoạt động tại các cơ sở tự viện Phật giáo Thủ đô Hà Nội”, hướng dẫn tín đồ, Phật tử, du khách thập phương có hành vi văn minh, lịch sự trong văn hóa ứng xử, trang phục, sử dụng đồng tiền phù hợp văn hóa, đúng luật, không giắt tiền vào tượng Phật hay các linh vật thờ cúng; không sử dụng, lạm dụng vàng mã, đồ mã trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo, tín ngưỡng; hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng bói toán, xin xăm, quẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác trong cơ sở tự viện… (Hà Nội mới, trang 3)

 

Xem xét mức hỗ trợ y, bác sỹ và nhân viên y tế tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội

Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội sẽ diễn ra trong 1 ngày để xem xét, thảo luận, quyết định 8 nội dung, trong đó có nội dung về mức hỗ trợ một lần cho các y, bác sỹ và nhân viên y tế thành phố Hà Nội.
Ngày 1/8, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị thống nhất nội dung kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP Nguyễn Ngọc Việt cho biết, theo dự kiến, Kỳ họp tổ chức trong một ngày để xem xét, thảo luận, quyết định 8 nội dung.

Cụ thể gồm: Điều chỉnh, cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023; điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công; xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền và xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND;

Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm học 2022-2023; quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm học 2022-2023; mức hỗ trợ một lần cho các y, bác sỹ và nhân viên y tế thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố dự kiến sẽ phản biện 3 nội dung về Đề án phân cấp uỷ quyền; mức thu học phí và cơ chế hỗ trợ học phí; hỗ trợ y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Lan Hương đề xuất, đối với nội dung về phân cấp, ủy quyền có thể chia thành các nội dung theo từng lĩnh vực, không nên gộp 16 nội dung phân cấp vào một nghị quyết. Ngoài ra, về nội dung hỗ trợ y, bác sĩ và nhân viên y tế là hết sức cần thiết, do đó, cần sớm chuẩn bị các nội dung bảo đảm theo quy định.

Cơ bản thống nhất các nội dung trình kỳ họp thứ 9 HĐND TP, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu các Sở, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị kỹ nội dung, đảm bảo dự thảo trình chất lượng, đúng tiến độ.

Để kỳ họp diễn ra thành công, bảo đảm chất lượng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các cơ quan phối hợp, chuẩn bị tốt nội dung đúng tiến độ. Đề nghị UBND TP rà soát lại toàn bộ nội dung đã đăng ký trong kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật năm 2022, để chuẩn bị tờ trình, dự thảo nghị quyết đúng kế hoạch.

Với các nội dung Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ phản biện, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP gửi tài liệu sớm để thực hiện phản biện có chất lượng, hiệu quả. (An ninh thủ đô, trang 2)

 

Không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại

Trong 2 tuần vừa qua, Việt Nam ghi nhận tăng ca mắc COVID-19 do biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 xâm nhập trong cộng đồng. Cùng với đó, dịch cúm A, sốt xuất huyết đang gia tăng, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.

Cùng lúc ứng phó với 4 loại bệnh truyền nhiễm, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch chồng dịch sẽ gây quá tải hệ thống y tế, tăng ca bệnh nặng và tăng nguy cơ tử vong.

Theo Bộ Y tế, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng. Có ngày số ca mắc tăng lên hơn 1,7 nghìn người. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 tăng hơn 40% so với 7 ngày trước đó, ca bệnh nặng cũng tăng cao hơn, có ngày lên tới 51 trường hợp. Ngoài ra, cả nước cũng ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Tại nhiều nước đã ghi nhận dịch đã bùng phát trở lại. Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tăng tử vong.

Tuy dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, song theo Bộ Y tế, đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.

Ngoài COVID-19, Việt Nam đang gia tăng ca mắc cúm. Theo Bộ Y tế, hàng năm nước ta vẫn ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc virus cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển hè – thu, đông – xuân. Tuy nhiên, năm nay cúm lại gia tăng bất thường vào mùa hè. Cùng lúc 2 bệnh truyền nhiễm là COVID-19 và cúm song hành, nhưng người dân hiện nay khá chủ quan, đi đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao hầu như không đeo khẩu trang. Hà Nội đã ghi nhận trường hợp thai phụ vừa mắc cúm, vừa mắc sốt xuất huyết.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể vẫn tiếp tục, nếu không tiêm vaccine mũi nhắc lại sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian, dẫn đến tăng nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Các biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 tuy không gây bệnh nặng như Delta, nhưng nếu tăng ca mắc sẽ quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng tăng và sẽ tăng nguy cơ tử vong nếu y tế không đáp ứng được.

“Chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch trên thế giới để có biện pháp chủ động ứng phó. Trong nước vẫn phải duy trì biện pháp phòng dịch, người dân nên tiêm vaccine mũi tăng cường, mũi nhắc lại; đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, đặc biệt không chỉ phòng COVID-19 mà khẩu trang còn giúp ngăn ngừa lây nhiễm cúm”, ông Phu nói.

Để dịch COVID-19 không bùng phát trở lại, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các địa phương và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, TP chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 245 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tiến độ tiêm mũi 3, 4 và tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5-11 tuổi còn chậm. Nhiều người vẫn từ chối tiêm mũi 3, 4. Để tăng miễn dịch trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra, không để vaccine bị “ế” phải huỷ bỏ. (Công an nhân dân, trang 7; Nhân dân, trang 5).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/12/2019

CDC Hà Nam

Đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sau khi tăng lương cơ sở thế nào?

Ngọc Nga

Áp dụng giá khám chữa bệnh BHYTmới từ 15/7

CDC Hà Nam