Điểm báo ngày 05/11/2019

(CDC Hà Nam)
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền: Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và có các biện pháp chặt chẽ; Nạn trộm cắp tại bệnh viện

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền: Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và có các biện pháp chặt chẽ

UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 14/QĐ-UBND, phân công, phân cấp rất rõ về trách nhiệm đảm bảo ATTP đối với các ngành, các cấp như lĩnh vực nào thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Y tế, lĩnh vực nào thuộc Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, rồi các quận, huyện, thị xã được phân cấp quản lý ra sao…

Từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra được gần 334.000 lượt cơ sở, phạt tiền hơn 21.000 cơ sở với số tiền phạt gần 90 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan tố tụng đã khởi tố 4 vụ với 7 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng. “Dù vậy, đúng là vẫn còn những sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái… tràn ra thị trường. Tới đây, thành phố tiếp tục triển khai phân cấp, phân rõ trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATTP, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này” – ông Hiền nói.

Với câu hỏi “Hà Nội liệu có trở thành Thủ đô ẩm thực hay không?”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội có rất nhiều món ăn, sản phẩm ẩm thực đặc sắc, có thương hiệu mạnh, được nhân dân cả nước cũng như du khách quốc tế đón nhận, đánh giá ấn tượng. Hiện thành phố cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá. Vì thế, nếu phát huy được và xây dựng được thương hiệu của Hà Nội là Thủ đô ẩm thực thì cũng rất tốt, có nhiều tác động tích cực vào phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. “Tuy nhiên, chúng ta cần phải có các biện pháp thật chặt chẽ. Một mặt phải quảng bá, mặt khác phải tuyên truyền vận động để những cơ sở, cá nhân sản xuất, chế biến thực phẩm có trách nhiệm, nâng cao ý thức về đảm bảo ATVSTP cũng như giá cả, tác phong phục vụ. Cùng đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm” – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói. (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Nạn trộm cắp tại bệnh viện

Chuyện cụ bà 80 tuổi ở quê gom góp, vay nóng 23 triệu đồng đưa con bị tai nạn lên bệnh viện ở TP.HCM chữa trị nhưng bị bọn trộm bất lương dàn cảnh lấy sạch tiền gây phẫn nộ dư luận mấy ngày qua.

Điều đáng nói, thủ đoạn này đã diễn ra trong thời gian khá dài nhưng không hiểu sao vẫn tái diễn trong khi bệnh viện (BV), công an nói thường xuyên phối hợp phòng chống trộm cắp tại BV (!?).

Thủ đoạn của bọn chúng là đổ nước mắm, đổ cháo lên người nuôi bệnh ở BV rồi giả vờ làm người tốt “khuyên” nạn nhân đi tắm. Sau đó từ phòng vệ sinh bên cạnh, các đối tượng thò, thậm chí dỡ trần la phông chui qua móc đồ lấy tiền. Đây là chiêu trò tuy cũ nhưng hiệu quả được một số đối tượng sử dụng trở lại ở trong các BV. Trong một tuần xảy ra 2 vụ liên tiếp, với số tiền bị đánh cắp hàng chục triệu đồng. Nạn nhân đa số là người ở quê nghèo, túng thiếu và mất cảnh giác.

Dàn cảnh trộm tiền

Ngày 4.11, trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng công an Q.5, rất bức xúc về vụ việc cụ bà Nguyễn Thị Khinh (80 tuổi, quê Đồng Nai) bị bọn trộm dàn cảnh lấy cắp 23 triệu đồng vào ngày 27.10 và cho biết đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự quận khẩn trương vào cuộc điều tra truy bắt thủ phạm.

Lúc đó cụ Khinh đang chăm con bị gãy chân ở hành lang BV Chấn thương chỉnh hình, một nam thanh niên tiến lại bắt chuyện. Kể lại với PV Thanh Niên, cụ Khinh nói lúc đó, chẳng biết vô tình hay cố ý, người này làm đổ cháo lên đầu và dính vào áo quần cụ, sau đó nói cụ đi tắm. Lúc vào nhà tắm, cụ treo chiếc áo lên tường, vừa cúi xuống xối nước thì ai đó đã nhanh tay lấy chiếc áo trong túi có 23 triệu đồng. “Lúc phát hiện tui sợ run người. Đầu óc như muốn điên vì con tui gãy chân, trong người lại không còn một đồng bạc cắc thì biết phải làm sao?”, cụ Khinh nhớ lại.

“Tui sợ trộm cắp nên bọc tiền thật kỹ vào chiếc áo trong và ghim lại kỹ càng, nào ngờ người ta vào tận nhà tắm lấy…”, cụ Khinh rưng rưng.

Nói về gia cảnh, cụ Khinh cho biết hằng ngày dưới quê bán bánh da lợn, bánh tiêu, bánh ú… ngày nào trúng mánh kiếm chừng 70.000 – 80.000 đồng, ngày ế chỉ vài ba chục ngàn đồng sống qua ngày. Hôm con cụ bị tai nạn, bà con hàng xóm góp cho được 3 triệu đồng. Cụ nhờ đứa con rể đi vay nóng của người khác 20 triệu đồng nữa. “Giờ tui hoang mang lắm, tiền của mình mất đã đành, tiền đi vay nóng mất sạch mới đau đớn…”, cụ Khinh mếu máo.

Tương tự, khoảng 15 giờ ngày 31.10, bà Trần Thị Ngọc Thanh (69 tuổi, ngụ Tiền Giang) đang nuôi con gái tại Khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM, ra trước cổng BV này mua thuốc uống vì bị cảm. Khi đứng ngay chân cầu vượt đi bộ, bỗng nhiên bà có cảm giác nước chảy trên đầu. Liền sau đó, một nam thanh niên mang khẩu trang, mặc áo ca rô nói vọng lại là bà bị dính nước mắm đầy người, bà đi tắm đi. Bà tin lời liền đi vào nhà vệ sinh, nam thanh niên đi theo sau lưng. Lúc vào nhà vệ sinh nam thanh niên này tỏ ra là người tốt, nói: “Bà gội đầu đi con cho bà bịch xà bông gội đầu”. Bà Thanh vào nhà tắm, gội và áo, quần thì treo trên móc tường.

Tuy nhiên, khi tắm xong, thay đồ bà tá hỏa khi phát hiện chiếc quần treo trên móc cùng 19 triệu đồng biến mất. “Gia đình tôi hộ nghèo, tôi nuôi 2 cháu ngoại, mỗi ngày tôi đan lát kiếm vài chục ngàn đồng. Còn chồng tôi bán vé số. Ngày con bệnh, ông ấy đã ứng trước của đại lý vé số được 9 triệu đồng. Con gái tôi ở Q.8 mang cho 2 triệu đồng. Các nhà hảo tâm, bà con xung quanh thấy gia cảnh mẹ con tôi tội nghiệp nên gom góp cho thêm được 8 triệu đồng, tổng cộng là 19 triệu đồng. Nhưng giờ mẹ con tôi không có tiền chữa trị”, bà Thanh nói trong nước mắt.

Trộm cắp lộng hành

Liên quan đến đối tượng trộm 23 triệu đồng của cụ Khinh tại BV Chấn thương chỉnh hình ngày 27.10 vừa qua, ông Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy, cho biết đây là đối tượng đã bị bảo vệ BV Chợ Rẫy bắt quả tang về hành vi trộm cắp tài sản tại BV hồi năm 2013. Đối tượng tên Nguyễn Văn Nghĩa (43 tuổi, ngụ Q.10). Lúc đó đối tượng này cùng 2 đồng bọn khác bị bắt giữ khi thực hiện vụ dàn cảnh tạt nước mắm để nạn nhân vào phòng vệ sinh thay đồ rồi lợi dụng trộm cắp tài sản.

“Lúc đó nhà vệ sinh là trần lửng, người bị tạt nước mắm treo đồ lên vách nhà vệ sinh thì nhóm này lấy mất, nạn nhân không có đồ cũng đâu chạy ra liền được. Chúng tôi bắt giữ và sau đó bàn giao cả 3 đối tượng cho công an phường xử lý”, ông Cư cung cấp.

Cũng theo ông Cư, từ tháng 9 – 10.2019, lực lượng an ninh đã bắt quả tang 3 vụ trộm cắp, dàn cảnh móc túi từ việc theo dõi qua thiết bị camera. Trong đó, 2 vụ trộm cắp tài sản xảy ra lúc rạng sáng khi người nhà bệnh nhân đang ngủ say tại hành lang, các đối tượng này tiếp cận và trộm điện thoại.

Trước đây, cũng tại BV Bình Dân, BV Nhân dân 115… thủ đoạn của kẻ gian là đổ nước mắm hoặc một thứ nước khác tạo mùi vào người bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh ở BV, rồi sau kêu đi tắm nhưng phải “gội đầu” rồi tìm cơ hội ra tay trộm cắp. Sau một thời gian dài im ắng do các BV, công an địa bàn quyết liệt thì nay tình trạng bỗng nhiên quay trở lại.

Theo quan sát của PV Thanh Niên, nhà vệ sinh chung tại các BV hiện nay là một khu chung, không tách biệt nam, nữ. Mỗi phòng vệ sinh nhỏ cách nhau một bức tường. Tuy nhiên, phía trên thì vách tường không xây bít đến trần mà chừa một khoảng hở rất lớn có thể chui, thò đầu, tay từ phòng này qua phòng kia. Đây chính là điểm yếu để kẻ gian dùng thủ đoạn lấy cắp tiền của bệnh nhân, thân nhân. (Thanh niên, trang 5).

 

Tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân với 1 lần phẫu thuật duy nhất

Sau 2 năm nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn sườn tự thân chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật với sự hỗ trợ của nội soi.  Đây là một trong những kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Cho đến nay mới chỉ có 1 đến 2 trung tâm trên thế giới có thể tiến hành một cách thường quy.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết: Trong kỹ thuật này các bác sĩ vẫn sử dụng sụn sườn của chính bệnh nhân để làm thành khung tai. Nhưng thay vì phải chôn khuôn dưới da để chờ một năm sau mới tiến hành phẫu thuật lần 2 các bác sĩ đã sử dụng ngay vạt cân thái dương nông để che phủ khung sụn tự thân này và chỉ với duy nhất một lần phẫu thuật các bệnh nhân đã có thể có được một vành tai mới gần như bình thường. (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận