Điểm báo ngày 15/11/2019

(CDC Hà Nam)
Ra mắt công cụ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường; Phẫu thuật thành công khối u hỗn hợp cho bệnh nhi; Đổ bệnh với thực phẩm chức năng: Đủ chiêu trò lừa bịp

Ra mắt công cụ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường

Chiều 14-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ra mắt công cụ hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường “Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường – Diabetes Journey”. Ứng dụng Diabetes Journey là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động (hoàn toàn miễn phí), được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các hướng dẫn liên quan được Bộ Y tế phê duyệt (như: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, danh mục thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc…).

Ứng dụng đưa ra chỉ dẫn về chẩn đoán, đồng thời đề xuất các lựa chọn điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tại Việt Nam để các cán bộ y tế quyết định lựa chọn. Đối tượng sử dụng là các cán bộ y tế đang tham gia công tác chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 ở các cơ sở y tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế cấp bách toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế đối với bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Trên toàn thế giới có 425 triệu người lớn (từ 20-79 tuổi) đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2017. Dự đoán con số này sẽ gia tăng tới khoảng 629 triệu người, hay nói cách khác cứ 10 người lớn thì sẽ có 1 người có bệnh đái tháo đường vào năm 2045.

Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), tại Việt Nam, năm 2017 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,3 triệu người vào năm 2045. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.

Trong đó, phần lớn bệnh nhân không đạt được đầy đủ các mục tiêu điều trị. Số liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì gần 6 người bị biến chứng do đái tháo đường. Căn bệnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người Việt Nam hơn khi dân số già đi vì người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp hai lần so với những người ở độ tuổi thấp hơn (An ninh thủ đô, trang 6). 

 

Đổ bệnh với thực phẩm chức năng: Đủ chiêu trò lừa bịp

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, tính đến hết năm 2018, số người thường xuyên sử dụng TPCN tại Việt Nam là hơn 20 triệu người, tương đương 21,5% dân số. Nhu cầu sử dụng TPCN để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng gia tăng và không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN sử dụng đủ mọi chiêu trò để trục lợi trên sức khỏe của người dân. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng, giá cả của mặt hàng nhạy cảm này còn nhiều khó khăn, bất cập.

Vài năm trở lại đây, TPCN được nhiều người xem như thuốc chữa bách bệnh, từ “bổ thận, tráng dương”, “đẹp da, ngăn ngừa lão hóa”, “giảm cân, làm đẹp” đến “giúp trẻ hay ăn, tăng trưởng chiều cao”, thậm chí “hỗ trợ điều trị ung thư”… Sự ngộ nhận và cuồng tín với các loại sản phẩm này khiến thị trường TPCN ngày càng khó kiểm soát.

Thổi phòng khả năng trị ung thư

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thủy (37 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) đã phải cầu cứu bác sĩ vì bệnh ung thư vú tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. “Lúc mới nhận kết quả ung thư giai đoạn đầu, tôi đã tìm tới những TPCN hỗ trợ. Các sản phẩm đều được rao nhập từ Australia, Nhật Bản, Pháp, Mỹ. Họ quảng cáo có tác dụng hỗ trợ, làm mềm, thu nhỏ khối u, nhưng uống mấy tháng liền không thấy đỡ chút nào, khi đi tái khám ở bệnh viện (BV) chuyên khoa ung bướu mới biết bệnh đã nặng thêm”, chị Thủy chia sẻ.

Mặc dù nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, hàng nhái, hàng giả, thậm chí chứa những thành phần hóa chất nguy hại cho sức khỏe, nhưng vẫn được kinh doanh và quảng cáo tràn lan như “thần dược”. Chỉ cần một cú click chuột trên Google với cụm từ “bán TPCN hỗ trợ điều trị ung thư” đã cho ra hơn 41 triệu  kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây; trong đó không ít trang quảng cáo sản phẩm này có rất nhiều công dụng hữu hiệu tới mức khó tin như: “Khử các tác nhân gây ung thư, ngăn chặn quá trình ủ bệnh, tự tiêu hủy các tế bào ung thư, hạn chế bớt tác dụng phụ của quá trình hóa trị, xạ trị…!”.

Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, thực tế có những bệnh nhân phát hiện mắc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm và nếu được điều trị theo đúng phác đồ, có thể khỏi bệnh hoặc ít ra cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào những sản phẩm TPCN được thổi phồng về khả năng trị ung thư nên họ không đến BV, bỏ dở điều trị. Sau thời gian sử dụng TPCN nhưng không khỏi, khi quay lại BV thì đã quá muộn! Tại BV Da liễu TPHCM, các bác sĩ nơi đây cũng thường xuyên điều trị bệnh nhân trong tình trạng làn da bị lở loét, sần sùi do sử dụng một số loại TPCN rao bán trên mạng. Nguyên do không ít loại TPCN có thành phần, hoạt chất giống như thuốc, hoặc có hàm lượng hóa chất nguy hại gây ra dị ứng, phản ứng. Không ít trường hợp cũng đã phải cấp cứu do bị ngộ độc hay dị ứng TPCN tại BV Bạch Mai. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cảnh báo: “Không ít TPCN chứa hóa chất nguy hại nên nếu tự ý sử dụng, lạm dụng thì hậu quả khôn lường”.

Tràn lan hàng giả, hàng nhái

Là doanh nghiệp từng tham gia phân phối và hợp tác sản xuất TPCN, Công ty Thương mại dược phẩm Phát Lộc phải từ bỏ mặt hàng TPCN vì không cạnh tranh nổi với các cơ sở làm hàng nhái. Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Thương mại dược phẩm Phát Lộc, ngao ngán: “Hầu hết đối tượng sang Trung Quốc gia công TPCN, mua theo cân, theo lô, rồi nhập về bằng đường tiểu ngạch”. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm và TPCN cũng cho biết, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN nhỏ lẻ sẵn sàng chia hoa hồng tới hàng chục phần trăm để đưa TPCN vào nhà thuốc. Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, 80% sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường là hàng sản xuất ở trong nước. Qua các đợt kiểm tra gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện có sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí ngay cả sản phẩm nhập ngoại cũng là hàng trôi nổi. “Nhiều đối tượng sản xuất và tiêu thụ TPCN giả thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN. Sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm nào thì cho dán nhãn mác giả đó vào rồi tung ra thị trường”, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết. Phần lớn nguyên liệu sản xuất TPCN đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ, nhưng khi ra sản phẩm thành phẩm bán ra thị trường, lại được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật, Australia hay một số nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhìn nhận hiện nay TPCN giả, nhái chủ yếu từ Trung Quốc đưa về Việt Nam, được ngụy trang bằng đủ hình thức và tập kết hàng tại các địa bàn hẻo lánh hiểm trở, sau đó chuyển qua các đường mòn nhỏ lẻ để vào thị trường nội địa. Không ít đối tượng lập công ty kinh doanh TPCN, công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm nhưng sau đó thuê gia công tại cơ sở ở Trung Quốc, rồi dán tem nhãn, đóng thành phẩm, quảng cáo quá công dụng và đưa ra thị trường. Họ sẵn sàng nhái những sản phẩm bán chạy của các doanh nghiệp uy tín, rồi tung lên mạng xã hội quảng cáo như “thần dược, thuốc tiên”. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh TPCN, với trên 10.000 sản phẩm đang lưu hành. Đáng lo nhất là những biện pháp quản lý của cơ quan chức năng chưa thực đủ mạnh để dẹp loạn thị trường TPCN nên người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu hậu quả (Sài Gòn giải phóng, trang 4). 

 

Phẫu thuật thành công khối u hỗn hợp cho bệnh nhi

Ngày 14-11, tại Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe cũng như mọi sinh hoạt của bệnh nhi 4 tuổi, Huỳnh Hoàng Hiếu Ng., trú tại TP. Huế đã trở lại bình thường sau khi được các bác sĩ cắt bỏ khối u quái vùng má bên phải từ lúc 4 tháng tuổi. Trước đó, kết quả xét nghiệm khối u của cháu Ng. tại Bệnh viện Trung ương Huế, được kiểm chứng bởi các chuyên gia giải phẫu bệnh của Bệnh viện St. Jude – Mỹ, cho thấy đây là khối u quái dạng hỗn hợp, vừa có thành phần ác tính, vừa có thành phần lành tính.

Giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động chủ trì hội chẩn đa chuyên khoa để chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhi này. Bên cạnh đó, qua sự kết nối thường xuyên của bác sĩ Phan Cảnh Duy, Trung tâm Ung Bướu và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa – Trung tâm Nhi của Bệnh viện Trung ương Huế với các chuyên gia nước ngoài, bệnh nhi này cũng được hội chẩn trực tuyến giữa đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế với Bệnh Viện Nhi ung thư nổi tiếng St Jude Children’s Reseach Hospital từ Mỹ, cũng như với các chuyên gia về u đặc trẻ em ở Viện Curie – Pháp.

Qua đó, phác đồ điều trị cho bệnh nhi được thống nhất bao gồm hóa trị để tiêu diệt phần u quái ác tính, và phẫu thuật cắt trọn khối u còn lại.

Sau khi hoàn tất liệu trình hóa trị kéo dài 5 tháng tại Trung tâm Nhi – Bệnh viện Trung ương Huế, khối u có đáp ứng một phần, tuy nhiên phần còn lại vẫn còn rất lớn. Khối u xâm lấn xương vùng mặt nên khả năng phẫu thuật cắt hết khối u vẫn rất khó khăn. Nếu cắt bỏ khối u thì cháu sẽ bị khuyết hổng lớn vùng hàm mặt, rất khó tạo hình lại để đảm bảo chức năng nói, thở cũng như ăn uống.

Toàn bộ dữ liệu được gửi đến cho Giáo sư Bác sỹ McKay McKinnon, một phẫu thuật viên tạo hình nổi tiếng của bệnh viện Đại học Chicago – Mỹ, và ông đã đồng ý đến Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhi này, cũng như  những ca bệnh phức tạp khác.

Vào ngày 25-10, trải qua 4 tiếng phẫu thuật, Giáo sư McKinnon với sự hỗ trợ của BS CKII Trần Xuân Phú cùng với các phẫu thuật viên của Trung tâm Răng Hàm Mặt Bệnh viện Trung ương Huế đã cắt trọn thành công khối u và ½ xương hàm dưới do u xâm lấn. Sau 12 ngày, bệnh nhi phục hồi nhanh chóng và được xuất viện.

Đến thời điểm này, liệu trình điều trị đã kết thúc một cách thuận lợi theo như dự kiến. Cháu bé trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường với sức khỏe hoàn toàn bình phục, có thể đi học trong 1-2 tháng tới (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 21/2/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận