Cải thiện năng lực mạng lưới cấp cứu trước viện
Cấp cứu trước viện là hoạt động không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cấp cứu; nâng cao khả năng và cơ hội sống cho người bệnh cấp cứu. Tuy nhiên, tại nước ta hoạt động cấp cứu ngoại viện vẫn chưa được phát triển tương xứng với nhiệm vụ, tầm quan trọng của nó.
Hiện nay, mô hình mạng lưới cấp cứu trước viện tại Việt Nam bao gồm: các Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh, thành phố (công lập và dân lập); Tổ cấp cứu 115 thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh; Tổ cấp cứu 115 trong bệnh viện và trung tâm y tế huyện. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 11 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm cấp cứu 115; 18 tỉnh, thành phố có tổ cấp cứu tại các bệnh viện đa khoa tỉnh; bảy tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu 115 tư nhân và vẫn còn 27 tỉnh, chưa có trung tâm cấp cứu 115. Về nguồn nhân lực và trang thiết bị, toàn mạng lưới cấp cứu trước viện hiện có 6.300 người, trong đó bác sĩ có chứng chỉ hồi sức cấp cứu chiếm 62,6%; có 1.355 xe cứu thương (bao gồm cả xe cứu thương chuyên trách cấp cứu 115 và các xe cứu thương của các bệnh viện kiêm nhiệm khi cần huy động).
Mô hình điển hình là Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng đã tổ chức hệ thống cấp cứu và vận chuyển cấp cứu trước viện với bảy Trạm cấp cứu trước viện phủ khắp địa bàn quận, huyện. Các trạm cấp cứu thực hiện tốt hoạt động cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trước viện thường xuyên 24 giờ trong ngày dưới sự điều hành trực tiếp qua Tổng đài điều hành cấp cứu 115 của Trung tâm. Nhờ vậy việc cấp cứu trước viện đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người dân do đã rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường (bán kính từ 5 km đến 15 km) và tỷ lệ đáp ứng cấp cứu thành công từ 90% đến 95%, so với tổng cuộc gọi yêu cầu cấp cứu 115…
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, nhất là đối với trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp hơn. Kết quả nghiên cứu tại một số nước cho thấy tỷ lệ người bệnh sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện tiếp cận được với trung tâm chấn thương phù hợp cao gấp đôi nhóm người bệnh sử dụng phương tiện cá nhân. Mặc dù người bệnh di chuyển bằng phương tiện cá nhân có thời gian tiếp cận cơ sở y tế có thể ngắn hơn, nhưng thời gian để thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng và điều trị cấp cứu tại bệnh viện lại dài hơn so với người bệnh được vận chuyển bằng xe cứu thương do thông tin của người bệnh không được cung cấp trong quá trình vận chuyển để bệnh viện tiếp nhận có sự chuẩn bị trước…
Tại Việt Nam, hoạt động cấp cứu ngoại viện hiện nay đã có sự tham gia của nhiều thành phần bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập. Việc đa dạng hóa các loại hình cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoại viện đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của người dân. Từ năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT về Quy chế cấp cứu, hồi sức và chống độc. Bộ cũng đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn của xe cứu thương và tiêu chuẩn thuốc, trang thiết bị trên xe cứu thương nhằm bảo đảm điều kiện hoạt động cho kíp cấp cứu ngoại viện và xe cứu thương… Theo báo cáo của các sở y tế tỉnh, thành phố và 26 bệnh viện tuyến T.Ư, bệnh viện ngành trong chín tháng đầu năm 2019, các đơn vị y tế đã khám cấp cứu do tai nạn giao thông cho gần 353 nghìn lượt người, vận chuyển hơn 41 nghìn lượt người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, điều trị.
Tuy nhiên, hiện nay một số yếu tố quan trọng khác của hệ thống cấp cứu trước viện như nhân lực, hệ thống kết nối thông tin, quy trình chuyên môn, gói dịch vụ kỹ thuật cấp cứu và chất lượng cấp cứu ban đầu vẫn cần được rà soát và bổ sung những quy định, tiêu chuẩn cụ thể. Còn nhiều tỉnh, thành phố, nhiều khu vực, địa bàn còn “trắng” về dịch vụ cấp cứu trước viện; không tuyển dụng được cán bộ, ít nhất là bác sĩ thực hiện cấp cứu trước viện; thiếu cơ chế phối hợp giữa trung tâm cấp cứu 115 và bệnh viện; công tác quản lý, điều phối mạng lưới cấp cứu vệ tinh chưa linh hoạt; thiếu cơ chế tài chính cho trung tâm và bệnh viện thu phí vận chuyển cấp cứu… Đây là những khó khăn, hạn chế của công tác cấp cứu ngoại viện ở nước ta hiện nay.
Trước bối cảnh công tác cấp cứu ngoại viện ngày càng được xã hội hóa, nhiều mô hình hoạt động khác nhau ra đời, Bộ Y tế cần sớm xây dựng, ban hành chiến lược quốc gia thiết lập và nâng cao năng lực mạng lưới quốc gia cấp cứu trước viện; bổ sung mã số đào tạo và mã số chức danh nghề nghiệp cho người hành nghề cấp cứu trước viện. Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trung tâm cấp cứu trước viện theo phương châm Trung tâm cấp cứu 115 độc lập có sự phối hợp, tham gia của bệnh viện tuyến tỉnh (làm nòng cốt) và trung tâm điều phối thông tin kết nối giữa các trung tâm cấp cứu 115 và các bệnh viện…
Ngoài ra, sớm xây dựng và ban hành cơ chế tài chính thu phí vận chuyển cấp cứu và đưa vào thanh toán bảo hiểm y tế; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trung tâm cấp cứu 115, tổ cấp cứu 115 tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện và trung tâm y tế huyện trong thu hút đội ngũ bác sĩ hoặc luân chuyển bác sĩ của các bệnh viện về làm việc có thời hạn tại các đơn vị này. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập trung tâm điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu trước viện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước… (Nhân dân, trang 5).
Nguy hại từ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới
Thời gian gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm: Thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nước (shisha) và thuốc lá làm nóng (HTPs), bán tràn lan trên thị trường, được quảng bá ít tác hại hơn thuốc lá truyền thống hay sản phẩm để hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, thuốc lá thế hệ mới có nhiều tác hại như thuốc lá truyền thống.
Anh Lê Văn Tiền, 52 tuổi, trú tại tổ 25, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, anh đã hút thuốc lá thông thường được 30 năm. Do hút thuốc lá lâu năm sợ bỏ đột ngột mà không có phương pháp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thấy quảng cáo TLĐT trên mạng in-tơ-nét có thể cai được thuốc lá thông thường nên anh mua về sử dụng. Tuy nhiên, anh Tiền không bỏ được, mà lại còn nghiện TLĐT. Ban đầu, hút TLĐT cảm thấy nhạt miệng, không hôi, giá lại rẻ, có đủ các loại hương liệu nhưng vẫn có cảm giác thèm thuốc lá thông thường. Vì vậy, anh cố gắng hút TLĐT để bỏ thuốc lá thông thường. Cho nên hai năm qua anh vẫn hút TLĐT và bị ho về đêm. Lượng khói nhiều nên hay gây sặc, đôi khi bị tức ngực.
Theo bà Tan Yen Lian, Giám đốc thông tin và quản trị tri thức của Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông-Nam Á ( SEATCA): Các sản phẩm thuốc lá đều có hại, riêng thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn không an toàn và hỗ trợ cai nghiện. Ngược lại, đã có bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm này làm người dùng vừa nghiện thuốc lẫn nghiện nicotine, nguy hại hơn là biến đổi cấu trúc ADN. Cũng theo báo cáo gần đây nhất của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), ở Hoa Kỳ, gần đây có 1.604 ca tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá thế hệ mới. 39 ca tử vong liên quan đến TLĐT, làm ảnh hưởng sức khỏe của ít nhất 2.051 người; hơn 2.600 ca ngộ độc; hơn 200 nguyên nhân phát nổ do sử dụng TLĐT tại Anh và Hoa Kỳ. TLĐT sử dụng pin để làm nóng dung dịch, thành phần chính của dung dịch này là nicotine (chất gây nghiện mạnh), propylene glycol (khi được làm nóng có thể tạo thành chất propylene oxide – chất gây ung thư), glycerin (gốc thực vật, khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành chất acrolein, có thể gây kích ứng đường hô hấp trên) và các chất tạo mùi hương. Theo đó, nicotine không phải là chất gây ung thư nhưng có tác động như chất tạo khối u dẫn đến hình thành bệnh ung thư và ảnh hưởng đến thần kinh. Ảnh hưởng của TLĐT có thể gây hậu quả khôn lường, như: Tăng nguy cơ nghiện nicotine với người đã hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, các bệnh về răng miệng, gây ra chấn thương, gãy xương từ các vụ bỏng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc lá thế hệ mới được bán tràn lan tại các cửa hàng, trên mạng in-tơ-nét với kiểu dáng phong phú, giá khoảng 650 nghìn đồng/bộ. Theo nhiều người hút thuốc, việc sử dụng TLĐT chỉ làm giảm việc hút thuốc chứ không khiến họ bỏ hẳn thuốc, nhiều trường hợp hút cả thuốc lá thông thường lẫn TLĐT.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, có hai nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đó là TLĐT và HTPs. Hai nhóm này khác nhau, TLĐT chứa nicotine (không có lá thuốc), còn HTPs chứa lá thuốc và nicotine, có thể coi là sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra, một giờ hút shisha so với một điếu thuốc thông thường số lượng hạt bụi mịn vào cơ thể tăng gấp 10 lần; số lượng formaildehyde gấp 27 lần, khối lượng chì gấp 80 lần Shisha ảnh hưởng tới sức khỏe, như: Ngộ độc carbon monoxide, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ ngậm chung ống hút. Còn HTPs được xay từ lá thuốc nguyên liệu, có sự phối trộn với lượng kim loại thiếc và sử dụng thiết bị làm nóng đốt cháy lá thuốc. Lượng nicotine ở HTPs vào cơ thể cũng không khác gì so với thuốc lá truyền thống, chỉ khác nhau ở độ nóng.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế), bộ đang xem xét đề xuất với Chính phủ cấm hoàn toàn việc sử dụng TLĐT và shisha. Riêng HTPs sẽ dán mác sản phẩm như thuốc lá thông thường. Trên thế giới đã có 42 quốc gia cấm TLĐT; 56 quốc gia cho phép bán TLĐT nhưng có các quy định, hạn chế về việc bán; 30 quốc gia quy định hàm lượng nicotine (hay các hàm lượng chất khác).
Để hạn chế hút thuốc lá thế hệ mới và các loại thuốc lá truyền thống, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ về tác hại của thuốc lá nói chung và TLĐT nói riêng. Vì vậy, cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, siết chặt quản lý đối với các trường hợp quảng cáo thiếu trung thực, gây hiểu lầm cho người dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. (Nhân dân, trang 8).
Lập 4 đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – kiêm Bí thư Ban Cán sự đảng, phụ trách toàn diện Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế sẽ tổ chức 4 đoàn Kiểm tra đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc.
Tại buổi tập huấn đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019 vừa diễn ra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế sẽ tổ chức 4 đoàn Kiểm tra đánh giá chất lượng Bệnh viện các bệnh viện trực thuộc Bộ.
Đây là năm thứ bảy, Bộ Y tế thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện. Qua 7 năm triển khai, đến nay, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện càng ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn, để tiến tới gắn với giá chi trả dịch vụ y tế.“Chất lượng bệnh viện gắn với thương hiệu bệnh viện và sự chi trả dịch vụ từ Bảo hiểm y tế và tiền túi của người bệnh, nên tiến tới sẽ không còn hạng bệnh viện mà chỉ còn bệnh viện chất lượng”- ông Khuê nhấn mạnh.
Đáng chú ý, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2019 sẽ được kết hợp với kiểm tra việc triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp”, giảm thiểu chất thải nhựa, công khai tài chính, chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong đó, 6 tiêu chí liên quan đến nội dung này sẽ được chấm tối đa 20 điểm và 80 điểm sẽ dành cho nội dung Đánh giá sự hài lòng của người bệnh.
Dự kiến, các kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện sẽ được công bố và vinh danh vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2-2020. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Ăn chay để chữa bệnh theo “bác sĩ Google”: Tự tước cơ hội được cứu sống
Thời gian gần đây, không ít trường hợp bệnh nhân ung thư, suy thận, xơ gan, tim mạch… phải nhập viện trong trạng thái cơ thể bị suy kiệt nặng, rối loạn chuyển hóa, ngừng tuần hoàn do tin theo phương pháp thực dưỡng, ăn chay, nhai gạo lứt, muối vừng. Chính biện pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học này đã khiến người bệnh tự tước đi cơ hội được cứu sống.
6 lần ngừng tuần hoàn do thực dưỡng
Cho rằng thực dưỡng – một hình thức ăn chay là cách chữa bệnh không dùng thuốc nên trên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều người đã cổ xúy cho trào lưu này, đồng thời kết hợp bán các sản phẩm thực phẩm online. Hậu quả là theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng và phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng. Thậm chí, có những người ăn chay trường để phòng bệnh cũng phải nhập viện vì có dấu hiệu ảnh hưởng đến cơ xương khớp, thiếu vitamin…
Cách đây hơn 2 năm, bà Nguyễn Thị Tâm T. (61 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư vú trái. Sau khi được điều trị hóa chất, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt và bác sĩ chỉ định tiến hành phẫu thuật theo phác đồ. Từ chối việc phẫu thuật, bệnh nhân T. về nhà tự điều trị bằng chế độ ăn chay và tập luyện. Thế nhưng, một thời gian sau, khi khối u ở vú to lên nhanh, kèm theo bị đau đầu thường xuyên, thể trạng suy kiệt, giảm tới 8kg, bà T. mới quay trở lại Bệnh viện K trung ương. “Nếu được quyết định lại, tôi sẽ có lựa chọn sáng suốt hơn, để giờ không phải ân hận khi làm mất đi cơ hội điều trị của chính mình”, bà T. chia sẻ.
Trường hợp như bà T. không phải hiếm gặp tại Bệnh viện K trung ương. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện khẳng định, chế độ ăn chưa bao giờ được nghiên cứu như một phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu. Khi người bệnh lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đây là phương pháp điều trị ung thư thì hoàn toàn sai lầm và không mang lại hiệu quả. Thậm chí, có những bệnh nhân “bỏ đói” tế bào ung thư bằng cách không uống sữa, không ăn thịt nhưng biện pháp này cũng không có cơ sở khoa học. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống lại bệnh tật.
Mới đây, Viện Tim mạch Việt Nam đã cấp cứu và đặt stent cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh B. (sinh năm 1962 ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) bị hẹp động mạch vành. Trước khi nhập viện, bệnh nhân áp dụng chế độ ăn chay gạo lứt, muối vừng theo liệu trình kéo dài 45 ngày như trào lưu được lan truyền trên mạng xã hội. Thế nhưng, khi thực hiện ăn chay đến ngày thứ 41, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, giảm ý thức.
Bệnh nhân được Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Tại đây, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, hạ kali. Sau 40 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, có nhịp tim trở lại. Bệnh nhân sau đó có thêm 5 lần ngừng tuần hoàn nhưng đều được cấp cứu kịp thời. Khi được xuất viện, về nhà một ngày, bệnh nhân đau tim dữ dội và phải quay trở lại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Từ đây, bệnh nhân được chuyển lên Viện Tim mạch Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và do không hiểu về bệnh lý lại tự tìm đến “bác sĩ Google” để áp dụng chế độ ăn chay khiến cho bị giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim. Viện Tim mạch đã phải cấp cứu khá nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch nói chung, mạch vành nói riêng trong tình trạng nguy hiểm vì tự ý đổi đơn thuốc, tự ý dùng các thuốc trôi nổi theo mách bảo của người quen, hay điều chỉnh ăn uống theo kiểu thực dưỡng.
Không nên tin theo “bác sĩ Google”
Thống kê tại Mỹ cho thấy, cứ 5 người mắc bệnh thì có 2 người tự tìm kiếm thông tin trên Google và áp dụng, dẫn đến chẩn đoán sai bệnh cho bản thân khiến bệnh tình nặng hơn. Còn tại Việt Nam, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức nhưng tình trạng người dân tin theo “bác sĩ Google” rất phổ biến.
Trên internet, trên mạng xã hội, hiện thông tin về các bệnh tràn ngập, lẫn lộn giữa thông tin khoa học hàn lâm và thông tin thường thức (dễ hiểu nhưng được viết bởi những người không có chuyên môn). Ngoài ra, nhiều thông tin không chính thống nhưng không ít người lại tin theo. “Chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân phải có chế độ ăn uống cân đối, hợp lý, chứ không khuyên họ ăn chay. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thường xuyên đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để các bác sĩ kịp thời có sự điều chỉnh trong dự phòng và điều trị bệnh phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng nói.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên, trong y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được coi là một phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Người bệnh cần có một cơ thể khỏe mạnh, thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, đủ khả năng ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh – trong đó có tế bào ung thư. Muốn vậy, cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất, trong đó hạn chế việc ăn quá mặn, đồ ăn ngọt, các món chiên rán, xào… và hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá. Mọi người cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong phòng chống bệnh tật nói chung và phòng chống bệnh ung thư nói riêng. (Hà Nội mới, trang 5).
Cần khoảng 80.000 đơn vị máu phục vụ người bệnh dịp Tết Nguyên đán năm 2020
Đó là thông tin được đưa ra tại lễ trao giải thưởng Giọt hồng và gặp mặt nhà lãnh đạo, nhà quản lý lần thứ 12 năm 2019 do Viện Huyết học – Truyền máu trung ương tổ chức ngày 4-12 tại Hà Nội.
Ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho biết, năm 2019, viện tiếp nhận hơn 350.000 đơn vị máu, trong đó 65% lượng máu tiếp nhận tại Hà Nội. Lượng máu tiếp nhận đã được viện cung cấp thường xuyên cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với hơn 640.000 đơn vị máu và chế phẩm, nhờ đó hàng trăm nghìn người bệnh được cứu sống.
Dự kiến năm 2020, viện sẽ cần khoảng 370.000 đơn vị máu. Riêng 3 tháng cuối năm 2019, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán (từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020), ước tính, viện cần khoảng 80.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị.
Dịp này, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương đã trao giải thưởng Giọt hồng năm 2019 cho 14 tập thể và 12 cá nhân, nhằm ghi nhận và tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp duy trì nguồn người hiến máu ổn định, an toàn. (Hà Nội mới, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Ba tháng cần tới 80.000 đơn vị máu điều trị”.
Đồ chơi uy hiếp sức khỏe trẻ vẫn ngập thị trường
Những món đồ chơi dành cho trẻ em này được bày bán với giá từ 15.000 – 200.000 đồng/chiếc ở các vỉa hè, cổng trường học. Màu sắc bắt mắt, mùi thơm ngọt và mềm dẻo nhưng khi bóp mạnh, đồ chơi sẽ bị chảy dịch nhầy, bên trong xuất hiện các hạt hỗn tạp đen trắng.
Hoang mang đồ chơi trẻ em không rõ xuất xứ
Có mặt tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em đoạn đối diện Trường tiểu học Thái Thịnh (phố Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi được thoải mái lựa chọn các loại đồ chơi dành riêng cho trẻ em. Các mặt hàng bày bán ở đây rất đa dạng mẫu mã, chủng loại như xếp hình lego, siêu nhân, ghép hình siêu nhân, quả nặn dẻo, búp bê…
Một trong những sản phẩm mà chị Ng (chủ cửa hàng) giới thiệu với chúng tôi là quả nặn dẻo – món đồ chơi đang “hot” mà bé nào cũng thích. Quả nặn này có giá chỉ 25.000 đồng và có mùi thơm rất ngọt, dễ chịu.
Theo lời giới thiệu của chị Ng, quả nặn có hình dáng trái cây này được làm bằng cao su dẻo, bên trong có chất nhầy và vô số các hạt tròn nhỏ có kích thước bằng hạt lựu. Do tính chất mềm dẻo và mùi thơm phát ra nên các bé càng chơi, càng nặn sẽ càng thích. Chị Ng cũng giới thiệu cho chúng tôi thêm các sản phẩm dành riêng cho bé trai như xếp hình siêu nhân, xếp hình lego, bộ câu cá các màu… Điều đáng nói là những sản phẩm chị Ng bày bán và giới thiệu đều được thể hiện bằng chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ thể hiện đơn vị nhập khẩu, phân phối; cũng không có cảnh báo, khuyến cáo trên các bao bì sản phẩm.
Một siêu thị trên phố Quan Nhân (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng bày bán đa dạng đồ chơi dành riêng cho trẻ em. Chủ siêu thị này đon đả giới thiệu các sản phẩm dành cho bé từ lắp ráp, ghép mảnh đến các sản phẩm chạy tự động bằng pin. Các sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em được chủ siêu thị này bày bán từ trần nhà đến bậc thềm cửa, sát lối ra vào. Trên nhãn các sản phẩm này cũng không có nhãn phụ chứa các thông tin theo quy định ghi tem nhãn. Một dòng khuyến cáo tối thiểu về sự nguy hiểm mà sản phẩm có thể mang lại cho trẻ nhỏ hay độ tuổi trẻ em được phép tiếp cận cũng không có.
Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua số lượng lớn sản phẩm để bán lẻ ở địa phương khác, chủ siêu thị này bật mí: “Cô cứ lên phố Lương Văn Can hoặc chợ Ninh Hiệp ở huyện Gia Lâm, cái gì cũng có, mua số lượng càng lớn thì giá càng giảm. Nhưng kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em phải lựa chọn mặt bằng gần trường học thì may ra mới bán được, nếu ở khu trung tâm thì hàng hóa phải được bày bán trong siêu thị lớn. Bởi vì xu hướng chung hiện nay là người lớn mua hàng tiêu dùng thì trẻ nhỏ cũng được thoải mái lựa đồ chơi”.
Đồ chơi trẻ em buộc phải có dấu hợp quy
Qua tiếp xúc trực tiếp với quả nặn mà chị Ng dành hết lời khen ngợi, chúng tôi nhận thấy món đồ chơi này có hình dáng trái cây rất bắt mắt. Khi dùng lực bóp nhẹ thì quả nặn biến dạng linh hoạt. Phần bị biến dạng không xuất hiện các vết nứt, vỡ mà co giãn theo lực tác động. Khi co giãn theo lực, bên trong quả nặn xuất hiện các hạt trắng trong, có kích thước bằng hạt lựu. Tuy nhiên, khi cầm hai đầu quả nặn này kéo mạnh, bên trong chảy dịch, xuất hiện vô số hạt hỗn tạp đen trắng. Do các dung dịch dạng lỏng bên trong điều tiết độ linh hoạt của các hạt nhỏ nên thoạt nhìn, phần bên trong quả nặn giống như có những con ấu trùng lúc nhúc, tạo cảm giác rất ghê sợ.
Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch đã nghiên cứu và chứng minh, những đồ chơi có độ dẻo linh hoạt đều chứa hóa chất độc hại, có thể gây tác động xấu đến trẻ em như gây xung huyết kết mạc mắt, tổn thương gan, ảnh hưởng khả năng sinh sản… Thực tế, tại Anh, một bé gái 9 tuổi đã bị bỏng tay khi chất nhầy của đồ chơi dẻo tràn ra.
Ngày 4/12, trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sản phẩm đồ chơi trẻ em thể hiện được nhãn phụ theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ vẫn chưa đủ, mà trước khi đưa ra thị trường, bán đến tay người tiêu dùng, trên hộp sản phẩm còn phải thể hiện được dấu hợp quy. Điểm này đã được quy định rõ trong Quy chuẩn Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ (QCVN 3:2009/BKHCN). Các sản phẩm được công bố hợp quy theo đúng quy định mới đảm bảo phù hợp các yêu cầu an toàn tối thiểu trước khi cho trẻ tiếp xúc.
Theo vị đại diện này, sở dĩ sản phẩm phải có dấu hợp quy cũng đồng nghĩa là sản phẩm đã “đạt chuẩn”, đáp ứng đầy đủ các yếu tố pháp lý khác về chất lượng, nguồn gốc… Bởi dấu hợp quy là thể hiện được hàng hóa đó đã được kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của trẻ em. Trong đó, một số đơn vị kiểm định có chức năng đã giám định những thành phần nhựa, thành phần chất lượng cấu tạo nên thành phần sản phẩm đó có nguy hại hay không. Trên thực tế, hiện nay, các sản phẩm không đủ yếu tố pháp lý được bán tràn lan ngoài thị trường là bởi khung hình phạt cho hành vi buôn lậu khá nhẹ nên không đủ tính răn đe. (Gia đình & Xã hội, trang 4).
Ngày hội hoa hướng dương ‘Vì chiến binh hoa mặt trời’
Ngày 15-12 tới, tại TP.HCM sẽ diễn ra ngày hội Hoa hướng dương lần thứ 12 với chủ đề “Vì chiến binh hoa mặt trời”. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 12 năm ngày mất của Lê Thanh Thuý – người khởi xướng chương trình “Ước mơ của Thuý”.
Ngày hội Hoa hướng dương lần thứ 12 với chủ đề “Vì chiến binh hoa mặt trời” dành cho bệnh nhi ung thư do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội LHTN Việt Nam TP.HCM và Hà Nội dự kiến tổ chức vào ngày 15-12 tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM (khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, Q.Thủ Đức) và Viện Huyết học truyền máu trung ương (Q.Cầu Giấy, TP Hà Nội), nhằm kỷ niệm 12 năm ngày mất Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Lê Thanh Thúy (2-11-2007) – người khởi xướng chương trình “Ước mơ của Thúy” – cũng như đồng hành, chăm sóc bệnh nhi ung thư Việt Nam.
Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động: tặng quà cho 1.000 bệnh nhi ung thư đang điều trị tại 10 bệnh viện ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội trị giá 700 triệu đồng (700.000 đồng/phần); trao 160 suất học bổng “Ước mơ của Thúy” cho bệnh nhi khỏi bệnh trở lại trường trị giá 800 triệu đồng (5 triệu đồng/suất); triển lãm và bán tranh do bệnh nhi vẽ, thực hiện điều ước của bệnh nhi; hiến máu, chạy bộ “Chiến binh hoa mặt trời” (đối với khu vực TP.HCM)…
Vào ngày 8-12, ngày hội sẽ trao quà và học bổng “Ước mơ của Thúy” cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.Mời bạn đọc hưởng ứng ngày hội với hoạt động vẽ hoa hướng dương cùng thông điệp nhằm đồng hành và sẻ chia với bệnh nhi ung thư qua trang Facebook cá nhân có kết nối với Tuổi Trẻ Online và fanpage “Ước mơ của Thúy”. Ban tổ chức sẽ trao thưởng cho 50 bông hoa đẹp với lời chúc ý nghĩa cùng 10 tập thể tham gia với số lượng lớn.
Ngày hội tiếp nhận mọi đóng góp của cộng đồng dành cho bệnh nhi ung thư. Thông tin ủng hộ liên hệ phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, điện thoại: 028.39973838 – 0913.804883) hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100 tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, nội dung: Ủng hộ chương trình “Ước mơ của Thúy” giúp bệnh nhi ung thư; ví điện tử MoMo “Chung tay cùng Tuổi Trẻ” hoặc tham gia đăng ký chạy bộ và mua sản phẩm (áo, nón, balô…) ủng hộ kinh phí cho bệnh nhi. Thông tin ngày hội được cập nhật tại tuoitre.vn và fanpage: www.facebook.com/umct.uocmocuathuy. (Tuổi trẻ, trang 11).
Mang họa vì phẫu thuật thẩm mỹ ‘5 không’
Cơ quan chức năng vừa phát hiện 45 trường hợp quảng cáo các dịch vụ làm đẹp không đúng với giấy phép hoạt động, hoặc không có giấy phép hoạt động. Trong đó có 4 trường hợp vi phạm “núp” trong các khu chung cư biệt lập.
Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân nam P.H.S. (30 tuổi) trong tình trạng mặt trong của hai đùi có mảng sưng nề, viêm tấy, chảy dịch do apxe dưới da sau hút mỡ đùi. Người nhà bệnh nhân cho biết anh S. đã hút mỡ vài lần tại cơ sở thẩm mỹ nằm ở tầng 34 một chung cư.
“Núp” trong chung cư, căn hộ
Theo người nhà bệnh nhân, lần gần nhất anh S. hút mỡ đùi là ngày 14-11. Chỉ sau ít ngày, chỗ hút mỡ sưng, nóng đỏ, hai đùi đau nhức, anh S. phải quay lại cơ sở để nặn lấy mủ. Về nhà vẫn không bớt nên anh tiếp tục quay lại một lần nữa. Tại đây, anh được rạch tháo mủ nhưng bệnh tình ngày một nặng hơn. Anh S. đã được phẫu thuật rạch apxe đùi hai bên. Sau mổ, tình trạng tạm ổn và đang được tiếp tục điều trị tại khoa tạo hình thẩm mỹ.
Ngày 30-11, khi tìm hiểu thông tin về nâng dáng mũi bằng hình thức tiêm filler, chúng tôi được N. – người đăng tuyển mẫu tiêm filler, botox trên mạng xã hội – “bật mí” chỗ làm đẹp của mình trong một cao ốc trên đường Ngô Gia Tự (Q.10, TP.HCM). Bên cạnh tiêm filler – botox, N. quảng cáo cơ sở của mình còn rất nhiều dịch vụ làm đẹp khác như nâng mũi, sửa mũi, cắt mí, nhấn mí, tạo khóe lệ, hạ xếch mắt, cằm V-line, tiêm tan thâm quầng mắt…
Cùng chiêu thức ẩn địa chỉ này, bà Y. – chuyên cung cấp trọn gói dịch vụ tiêm filler, botox, tan mỡ với giá 6 triệu đồng – hướng dẫn khách hàng đến một căn nhà trong hẻm trên đường Cao Thắng (Q.3, TP.HCM). “Chị làm nghề này 4 năm nay rồi, nhưng không mở to được để khỏi ai đến kiểm tra. Bây giờ ai làm nghề này cũng mời gọi khách hàng qua mạng xã hội hết” – bà Y. nói.
Thẩm mỹ “5 không”
Ông Nguyễn Mạnh Cường – quyền chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM – cho biết sở cũng nhận thấy tình hình dịch vụ thẩm mỹ hoạt động trái phép, “núp” trong các căn hộ, khu dân cư xảy ra khá phổ biến, họ không cần quảng cáo như trước đây, mà chủ yếu lôi kéo trên các trang mạng xã hội. “Kết hợp với phòng y tế các quận, huyện, thông qua kênh thông tin của người dân hoặc kiểm tra “nguội” qua mạng xã hội, đến nay chúng tôi đã xử lý 45 trường hợp quảng cáo các dịch vụ làm đẹp không đúng giấy phép hoạt động hoặc không có giấy phép hoạt động” – ông Cường nói.
Thanh tra Sở Y tế TP từng phối hợp với lực lượng công an các quận huyện kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “núp” trong chung cư. Cụ thể tại tầng 6 một chung cư trên đường Nguyễn Biểu (Q.5) có cơ sở thẩm mỹ “5 không” như không có biển hiệu, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề, không giấy phép hoạt động, thuốc không nguồn gốc.
Dù “5 không” nhưng nhân viên của cơ sở này vô tư thoa thuốc tê để tiêm cằm thẩm mỹ cho khách hàng. Không dừng lại đó, cơ sở phát cả danh thiếp quảng cáo thực hiện tất cả các dịch vụ thẩm mỹ trái phép như tiêm filler môi, căng da mặt chảy xệ, truyền trắng, tiêm tan mỡ. Kinh khủng hơn là quảng cáo một số phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ giảm béo toàn thân, thu gọn làm đẹp trẻ hóa âm đạo…
Mới đây, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một spa “núp” trong chung cư trên đường Hoàng Diệu (Q.4). Đặc biệt, có trường hợp khách hàng chỉ sau 5 phút được kỹ thuật viên chích chất làm đầy vào mũi thì lập tức sưng phù mặt, sụp mí mắt, da vùng mũi và trán có vết bầm ngày càng lan rộng. Chỉ ba ngày sau đó, mũi bị hoại tử phải nhập viện cấp cứu. Dù được điều trị tích cực, nhưng mắt trái của bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn bởi biến chứng tắc mạch do chất làm đầy gây ra.
Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này không có giấy phép kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ y tế. Chất làm đầy mũi, môi mà chủ cơ sở này sử dụng gây biến chứng cho khách được mua trôi nổi trên mạng. (Tuổi trẻ, trang 14).
Rút giấy phép 5/10 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc
Vào tháng 10.2019, Công ty TNHH PK đa khoa Đại Việt (PK Đại Việt, đường 3 Tháng 2, P.16, Q.11, TP.HCM) bị “tố” moi tiền người bệnh lúc đang được bỏ thai trên bàn mổ. Theo đó, trong khi thực hiện phá thai (bỏ thai) giá 5,8 triệu đồng (chưa tính tiền xét nghiệm), BN này đau quá, nên PK tư vấn chuyển qua gói 19,8 triệu đồng. Tuy nhiên, PK này cũng lại dùng “chiêu trò” – trong lúc bỏ thai, người của PK nói BN bị viêm tử cung phải điều trị với giá 16 triệu đồng nữa.
Kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Y tế TP cho thấy PK này cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực; lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ, bệnh án làm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh. Giữa tháng 11 vừa qua, UBND TP.HCM đã quyết định xử phạt PK Đại Việt tổng cộng hơn 143 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 4 tháng rưỡi.
Dù chỉ mới được hoạt động trở lại 1 – 2 tháng nay, nhưng PK Thăng Long (575 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10) tiếp tục bị tố “làm tiền” BN. Gia đình chị U. – nạn nhân của PK này phản ánh khi đến PK Thăng Long khám phụ khoa, PK đã “vẽ” ra đủ thứ bệnh, xét nghiệm với giá 15 triệu đồng. Chị U. trả được 9 triệu đồng thì hết tiền nên gọi gia đình đến. Gia đình hỏi kết quả xét nghiệm, phiếu tính tiền, toa thuốc… thì PK không cung cấp được. Đáng nói, giữa năm 2018, PK Thăng Long đã bị Sở Y tế TP.HCM phạt 31 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn; lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ. Cuối năm 2018, đầu 2019, PK Thăng Long tiếp tục bị Sở Y tế phạt 50 triệu đồng vì không bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất; quảng cáo dịch vụ quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động và bị buộc tháo gỡ quảng cáo. PK từng bị nhiều BN tố “vẽ bệnh”.
Theo BS Nguyễn Mạnh Cường, từ đầu năm đến nay, Sở đã nhận trên 20 đơn tố cáo, phản ánh PK có yếu tố nước ngoài, có BS Trung Quốc lấy giá dịch vụ cao, “vẽ” bệnh. Trong 10 PK có BS Trung Quốc, Sở đã rút phép 5 PK gồm: PK đa khoa (ĐK) Khang Thái (Q.10), PKĐK Đại Đông (Q.Tân Bình), PKĐK Đại Việt (Q.11), PKĐK Mayo (Q.10), PKĐK Quốc tế (Q.1). 5 PK có BS Trung Quốc khác hiện đang hoạt động là: PKĐK Âu – Á (Q.6), PKĐK Thế giới (Q.5), PKĐK Hoàn Cầu (Q.5), PKĐK Thăng Long (Q.10), PKĐK Thái Bình Dương (Q.1).
“Hiện tại có 31 PK có yếu tố nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP với 117 BS tham gia, trong đó 5 PK có 22 BS Trung Quốc”, BS Cường nói. Riêng PK Thế giới (Q.5) vừa bị Sở Y tế xử phạt 25,7 triệu đồng vì quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, hồ sơ bệnh án không ghi chép đầy đủ.
“Việc sai phạm tại các PK có yếu tố nước ngoài, đối với BS, thanh tra sẽ kiến nghị Bộ Y tế thu hồi chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an TP, Bộ Công an điều tra làm rõ các sai phạm và xử lý đúng quy định”, BS Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm.
Theo BS Cường, hiện nay, Sở Y tế đang tham mưu Bộ Y tế bổ sung luật Khám bệnh, chữa bệnh điều kiện là phải kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, thi sát hạch dành cho BS nước ngoài trước khi cấp chứng chỉ hành nghề tại VN. Sở Y tế cũng đang xây dựng phần mềm trực tuyến phản ứng nhanh để người dân phản ánh, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhằm phát hiện sớm các cơ sở hành nghề không phép, hành nghề vượt quá chức năng… (Thanh niên, trang 2).
Tái diễn chiêu ‘vẽ bệnh, làm tiền’
Từ đầu năm đến nay có nhiều đơn thư của người dân gửi đến Sở Y tế TP.HCM phản ánh, tố cáo các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc ‘vẽ bệnh, làm tiền’.
Điều đáng nói, chiêu trò “vẽ bệnh, làm tiền” của các phòng khám (PK) có yếu tố Trung Quốc đã từng nhiều lần bị phản ánh, tạm lắng thời gian, gần đây lại tái diễn ở TP.HCM.
“Moi tiền” lúc người bệnh trên bàn mổ
Anh S. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nạn nhân mới nhất của PK có bác sĩ (BS) Trung Quốc hoạt động. Khoảng 19 giờ ngày 28.11, anh S. đến PK đa khoa Thái Bình Dương (gọi tắt là PK Thái Bình Dương; 34 – 36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) để khám do sưng bao quy đầu. Tại đây, anh S. được lấy dịch dương vật (DV), đóng tiền khám, xét nghiệm. Anh S. được một người nam mặc áo blouse trắng (không mang bảng tên) gọi vào phòng và bảo nằm lên giường bệnh để kiểm tra.
“Người này cầm giấy xét nghiệm và nói tôi bị viêm DV do bao quy đầu dài, từ từ bao quy đầu sẽ hẹp lại dẫn đến tắc DV, gây hư hỏng các chức năng của DV (?). Không uống thuốc được mà phải cắt bao quy đầu giá 6 triệu đồng, làm từ 5 – 10 phút xong”, anh S. nói. Sau đó, một người nam mặc áo xanh (không mang bảng tên) tiểu phẫu cho anh S. Nhưng lạ là, từ đầu đến cuối, người này không nói một câu nào. Tất cả bệnh tình của anh S. đều do người nam mặc blouse trắng “phán”, tư vấn.
“Sau khi người mặc áo xanh cắt bao quy đầu xong, người áo trắng nói tôi phải đốt các bợn trắng để trị dứt điểm và tính phí phẫu thuật tầm 10 triệu đồng. Tiếp đó người này lại nói tôi bị nổi 5 – 6 hột viêm trắng to như hạt đậu đang làm tắc các mạch máu, nếu không cắt sẽ bị vô sinh, dẫn đến hoại tử và lây xuống bìu (?) rồi đưa hình ảnh từ máy tính bảng minh họa cho tôi xem. Tổng chi phí lúc này đã lên đến hơn 50 triệu đồng”, anh S. kể lại và cho biết thêm trong tình thế đang nằm trên bàn mổ, DV máu me bê bết, lại bị người của PK này “phán” quá nhiều bệnh và nhiều nguy cơ như vậy nên anh hoảng sợ và đồng ý.
Tiểu phẫu xong, anh S. đòi lấy hồ sơ bệnh án, lúc này mới biết người “phán” bệnh cho anh nãy giờ chỉ là phiên dịch, và được nhân viên PK gọi là “anh Bình”.
“Tôi mở hồ sơ ra xem thì tên BS (người mặc áo xanh làm tiểu phẫu cho anh S. – PV) được đóng dấu là người Trung Quốc, nhưng không có chữ ký gì cả. Điều đáng nói, tình trạng bệnh của tôi được người phiên dịch tên Bình tự ý ghi bằng tiếng Việt với nội dung “bị bao quy đầu dài, yêu cầu cắt bao quy đầu…”, anh S. rất bức xúc. Ngay ngày hôm sau, DV của anh S. bị sưng to, quá lo lắng, anh đến một bệnh viện (BV) chuyên sâu ngoại khoa và được đưa vào phòng cấp cứu để xử lý gấp vì có nguy cơ hoại tử. “BS nói tôi chỉ bị viêm bao quy đầu bình thường, uống thuốc là hết”, anh S. nói.
Phòng khám thừa nhận người phiên dịch sai
Chiều tối 2.12, anh S. đến PK Thái Bình Dương để làm việc với lãnh đạo PK. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, được giới thiệu là quản lý PK, nói với anh S. người phiên dịch cho anh tên Vòng Khai Trung (không phải tên Bình như nhân viên PK gọi).
Còn bà Hiền, được giới thiệu là phụ trách truyền thông PK Thái Bình Dương, nói: “Quy định của PK thì phải tư vấn cho bệnh nhân (BN) ngay từ đầu. Chỗ bạn Trung tư vấn không đúng thì PK sẽ có những biện pháp để xử lý bạn ấy”.
Trả lời anh S. về những chẩn đoán của BS BV chuyên sâu về ngoại khoa nói trên quá khác so với nhân viên PK Thái Bình Dương “phán”, bà Dung nói BS BV này đương nhiên sẽ không thích gì BS Trung Quốc bên này (?!).
Kết thúc buổi làm việc, PK đồng ý hoàn trả lại số tiền 50 triệu đồng mà anh S. đã chi trả. Đáng chú ý, trong biên bản ghi lại việc hoàn trả chi phí có nội dung: “Không khiếu nại về các vấn đề liên quan đến việc khám, chữa bệnh tại PK Thái Bình Dương với Sở Y tế TP.HCM, công an, nhà báo, UBND và tất cả các cơ quan chức năng khác”.
Xuyên suốt buổi làm việc, anh S. yêu cầu cho xem bảng giá dịch vụ của PK, vì trước đó anh được tư vấn là phẫu thuật với máy móc hiện đại, nhưng thực tế BS chỉ cắt tay thông thường. Bà Dung bảo nhân viên PK đem bảng giá xuống nhưng đến cuối buổi, sau vài lần hối thúc nhân viên cũng chẳng thấy bảng giá dịch vụ đâu…
Liên tục sai phạm, sao không rút phép ?
Điều đáng nói, PK Thái Bình Dương liên tục sai phạm, bị phạt. BS Nguyễn Mạnh Cường, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho PV Thanh Niên biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra PK Thái Bình Dương 3 lần, phạt tổng cộng hơn 142 triệu đồng. Cụ thể, kiểm tra hồi tháng 1 phát hiện PK này sai phạm: không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn… bị phạt 36 triệu đồng. Lần thứ 2 kiểm tra vào tháng 6, PK này tiếp tục sai phạm quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, bị phạt 30 triệu đồng. Lần thứ 3 kiểm tra mới hồi tháng 10, thanh tra phát hiện PK chỉ định dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; thu giá cao hơn giá niêm yết; hồ sơ bệnh án sai lệch thông tin, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; nhân viên không đeo bảng tên, phạt 76,7 triệu đồng.
“PK Thái Bình Dương liên tục sai phạm, vậy tại sao không bị rút phép?”, PV Thanh Niên đặt vấn đề.
BS Nguyễn Mạnh Cường cho rằng trong các điều khoản quy định rút phép hoạt động chỉ khi nào PK thực hiện kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. Còn các sai phạm khác chỉ phạt hành chính, nhưng PK này tái diễn nhiều lần như vậy nên Sở Y tế cũng đang kiến nghị Bộ Y tế cần có biện pháp mạnh hơn. Điều đáng lưu ý là trong đợt kiểm tra các PK đa khoa của Sở Y tế TP.HCM vừa công bố thì PK Thái Bình Dương là 1 trong 41 PK có điểm chất lượng kém nhất tại TP.HCM (dưới 2 điểm).
5 bước “moi” tiền bệnh nhân trên bàn mổ ở các phòng khám có yếu tố Trung Quốc
Bước 1: BN vào PK, lúc đầu tiếp tân giải thích là làm xét nghiệm, siêu âm chỉ vài trăm ngàn đồng.
Bước 2: Tiếp tân trao đổi với BN nói thế này, thế kia. Nếu là BN nữ thì nói khí hư, viêm loét cổ tử cung. Nếu là BN nam thì nói hẹp bao quy đầu, viêm đường tiểu… Tất cả đều nhằm để BN đồng ý làm thủ thuật.
Bước 3: BN được thủ thuật do BS người Trung Quốc thực hiện, trao đổi thông qua thông dịch viên. BS rửa, thông tiểu. BN đau do bị thông ống thông tiểu, nhân lúc này BS nói bệnh nặng.
Bước 4: Khi BN lo sợ, BS sẽ tư vấn cho BN có 3 gói điều trị bệnh hàng chục triệu đồng…
Bước 5: BN chọn gói cao nhất để điều trị. Nhưng đến đây vẫn chưa hết, BS nói BN bị da thừa, bao quy đầu hẹp, có thể gây ung thư, nặng nữa thì chết. BS hỏi BN: “Có cắt không?”. BN đồng ý cắt xong thì BS lại nói: “Còn da thừa ở hậu môn, để thì bệnh sẽ nặng, cắt không?”. Cứ như vậy, có BN khi còn nằm trên bàn thủ thuật thì đã tốn 70 – 80 triệu đồng! (Thanh niên, trang 2).
Việt Nam có tỷ lệ ức chế vi rút HIV/AIDS đạt mức không lây nhiễm cao nhất thế giới
Ngày 4-12, tại Hà Nội, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12-1990, đến nay, cả nước có hơn 200.000 người nhiễm HIV còn sống và lũy tích đến nay có hơn 100.000 người tử vong do AIDS. Tính đến hết tháng 9-2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142 nghìn người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004.
Kết quả, 9 tháng đầu năm 2019 có 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế và gần 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Như vậy, tại Việt Nam có gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ ức chế vi rút HIV đạt mức không lây nhiễm thuộc hàng cao nhất thế giới. (Hà Nội mới, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Hơn 142 nghìn người nhiễm HIV được điều trị ARV”.