Điểm báo ngày 04/11/2020

(CDC Hà Nam)
Vắc xin Covid -19 “made in Việt Nam” lần đầu thử trên người; Thêm 10 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh từ Nga và Angola…

Vắc xin Covid -19 “made in Việt Nam” lần đầu thử trên người

Khi dịch COVID-19 vừa xuất hiện (gần 1 năm trước), các nhà sản xuất vắcxin VN bày tỏ hi vọng tham gia cuộc đua, những người quan tâm đến cơ hội phòng bệnh bằng vắcxin vừa mừng vừa lo, bởi thông thường để phát triển được 1 vắcxin cần 5-10 năm.

Và đã có những vắcxin khi phát triển thành công, tốn kém nhiều công sức, chi phí, đưa được ra thị trường thì… dịch đã không còn.

Hai giai đoạn thử nghiệm trên người

Trong số trên 200 nhà phát triển vắcxin COVID-19 trên toàn thế giới cho đến nay, có 38 vắcxin đã đến khâu thử nghiệm trên người, khoảng 1/4 trong số này đang thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện. Tháng 11 (chậm nhất là đầu tháng 12 tới) có thể có một cái tên Việt Nam trong danh sách này: vắcxin do Công ty Nanogen (Việt Nam) phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein, bắt đầu được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), các chuyên gia về thẩm định, thử nghiệm vắcxin, nhà sản xuất thì Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên người tình nguyện. Theo ông Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, hiện Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định cho thấy hồ sơ đủ yêu cầu sẽ phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn người tình nguyện tiêm ngừa.

Qua những số liệu cho đến hôm nay, theo ông Quang, khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12 tới sẽ tiến hành tiêm trên người.

Kế hoạch của nhà sản xuất là tiêm thử nghiệm trên 60 người tình nguyện, nhưng Bộ Y tế cho biết giai đoạn ban đầu sẽ tiêm cho 20 người, sau đó đến giai đoạn 2 sẽ tiêm cho 400 người (thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là 2-3 tháng kể từ khi người tình nguyện đầu tiên được tiêm mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên, cụ thể là đầu tháng 3-2021).

“Chúng tôi sẽ cho tiêm thử nghiệm trên 1-2 người đầu tiên trong nhóm tình nguyện, chờ phản ứng và xác định tính an toàn trong 72 giờ đầu, sau đó mới tiêm tiếp cho 18-19 người của giai đoạn 1” – ông Quang cho biết.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua có 4 đơn vị tham gia phát triển vắcxin COVID-19, ngoài vắcxin sắp được thử nghiệm trên người này, còn có một sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ tiền lâm sàng để có thể thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm tới. Ông Quang cho biết mục tiêu là quý 4-2021 sẽ có vắcxin Việt Nam đã hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm, chuẩn bị cho khâu xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

1 tỉ USD cho vắcxin mỗi năm, hay…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia liên minh được quyền ưu tiên tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19, ngay sau khi vắcxin của các nhà sản xuất cán đích đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Liên minh này cũng được mua vắcxin với giá ưu đãi, nhưng ưu đãi vẫn là 5 USD/mũi tiêm. Giả sử nếu tiêm 2 mũi, mỗi người tiêm cần 10 USD. Với dân số như

Việt Nam, chi phí tiêm ngừa vắcxin cho toàn dân sẽ là 1 tỉ USD/năm.

Ban đầu, nguồn vắcxin ít ỏi, có thể tính đến tiêm trước cho nhóm nguy cơ cao, như người già, người có bệnh mãn tính, nhân viên y tế… Nhưng trong tình hình hiện nay là dịch xuất hiện trên 213 quốc gia/vùng lãnh thổ khắp thế giới, Việt Nam đang ngừng bay thương mại quốc tế, thực hiện nhiều biện pháp phòng vệ, ngừng du lịch quốc tế, nhiều nước Âu, Mỹ đang thực hiện giãn cách xã hội trở lại…, nếu muốn sinh sống, đi lại, làm việc, du lịch như bình thường thì chỉ khi có vắcxin phòng bệnh mới thực hiện được.

Tuy nhiên, chi phí như kể trên là mức rất cao, rất khó khăn với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu có nguồn vắcxin an toàn và có tác dụng phòng bệnh tốt, sản xuất trong nước với giá bán rẻ hơn, chủ động nguồn vắcxin cho gần 100 triệu người dân, thì cơ hội tiếp cận được vắcxin của người dân sẽ cao hơn.

Những bước đi sắp tới cho thấy các nhà sản xuất vắcxin Việt Nam đang chạy khá nhanh, và tràn trề hi vọng.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết virus gây COVID-19 đã biến đổi theo thời gian, nhưng vẫn dựa trên 5 chủng gốc ban đầu. Các chủng có biến đổi chưa thay đổi về độc lực nhưng có tăng về nguy cơ lây truyền. Vắcxin ngừa COVID-19 có thể thay đổi kịp theo đà thay đổi của virus? Đó còn phải chờ các nhà sản xuất. Nhưng lần đầu tiên Việt Nam đua song song với thế giới về sản xuất vắcxin, và cơ hội chưa bao giờ rõ ràng đến thế. (Tuổi trẻ, trang 1; Nhân dân, trang 5; Thanh niên, trang 1; Hà Nội mới, trang 7).

 

Thêm 10 bệnh nhân Covid-19 là các ca nhập cảnh từ Nga và Angola

Chiều nay, 3.11, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 (Ban Chỉ đạo) thông báo ghi nhận 10 bệnh nhân Covid -19 mới, là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Theo Ban Chỉ đạo, chiều nay, 10 ca mắc mới là các bệnh nhân Covid-19 thứ 1.193 – 1.202 tại Việt Nam,  là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Cụ thể:

Bệnh nhân 1193 (nam, 29 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bệnh nhân 1194 (nam, 23 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Bệnh nhân 1195 (nữ, 19 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.

Bệnh nhân 1196 (nữ, 31 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại H.Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Bệnh nhân 1197 (nữ, 51 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Bệnh nhân 1198 (nữ, 32 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại H.Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Bệnh nhân 1199 (nam, 20 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Bệnh nhân 1200 (nam, 7 tuổi, công dân Việt Nam), địa chỉ tại H.Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Ngày 31.10, các bệnh nhân 1193 – 1200 từ Nga nhập cảnh sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trên chuyến bay VN5062, được chuyển đến cách ly tại khu cách ly số 1 tỉnh Hưng Yên ngay sau khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm ngày 2.11 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hưng Yên xác định các bệnh nhân trên dương tính với virus  SARS –CoV2. (Thanh niên, trang 3).

 

Lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột thành công từ người cho còn sống

Một tháng sau ca phẫu thuật cấp cứu cắt gần hết ruột non, anh T 26 tuổi được bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản ghép ruột, người hiến ruột là mẹ đẻ của anh.

Anh Lò Văn T (26 tuổi, quê Lai Châu) đầu tháng 9/2020 phát hiện bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt gần như hoàn toàn ruột non. Chiều dài ruột non còn lại của bệnh nhân còn lại gần 20 cm.

Ngày 29/9, anh được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân T được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện bệnh gan chuyển hoá liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Ngày 27/10, các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân Y) đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản) thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân T. Người hiến ruột cho bệnh nhân T là mẹ đẻ của anh, năm nay 47 tuổi.

Người thứ 2 được ghép ruột thành công là anh Nguyễn Văn D (42 tuổi). Anh này có tiền sử phẫu thuật vào ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân đã  phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80cm) vào tháng 5/2007.

Ngày 2/5, bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Bệnh nhân D được ghép ruột sau bệnh nhân T một ngày. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi). Sau mổ, cả hai người hiến ruột đều ổn định. 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và được điều trị tích cực.

Ghép ruột là kỹ thuật khó trong các kỹ thuật ghép tạng. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.

Ngày 31/10, đánh giá về 2 ca bệnh trên, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết với thành công này, Việt Nam đã nằm trong số 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. GS Quyết cho biết đến nay, trên thế giới thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột.

Chúc mừng thành công của các chuyên gia, bác sĩ của Học viện Quân y, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá việc thực hiện thành công ca ghép ruột non đầu tiên của Việt Nam là mốc son đánh dấu bước tiến trong khoa học của ngành y nước nhà.

Trước đó, tháng 12/2019, Học viện Quân Y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống” do GS.TS Đỗ Quyết là chủ nhiệm đề tài.

Sau đó Học viện Quân y đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hoá chất… và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản). Đồng thời, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/12/2022

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 20/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận